21 tháng 4, 2013

Việc gấp Bộ trưởng cần làm

Trước phát kiến của độc giả Phạm Xuân Anh "cần xây dựng một nền giáo dục trung thực" - rất nhiều "hiến kế" với mong mỏi giáo dục nước nhà trong tương lai không xa sẽ có thay đổi...Số đông ý kiến cho rằng cần phải thay đổi nhiều thứ. Nhưng trước mắt theo độc giả Phạm Kha, ngành giáo dục cần tập trung sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực hiện có.
Độc giả Phạm Kha (khavissan@gmail.com):"Tập trung sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực hiện có..."
Theo tôi, công việc trước mắt của Việt Nam hiện nay là tập hợp, sắp xếp, phân bổ tất cả các nguồn lực hiện có để tập trung xây dựng 2 ĐHQG chịu trách nhiệm đào tạo nhân tài cho đất nước. ĐHQG Hà Nội tuyển sinh toàn khu vực phía Bắc. ĐHQG HCM tuyển sinh khu vực phía  Nam.
7 trường ĐH Vùng gồm: Hà Nội - Tây Bắc bộ, Hải Phòng - Đông Bắc bộ, Vinh - Bắc Trung bộ, Đà Nẵng - Trung Trung bộ, Nha trang - Nam Trung bộ, TP HCM - Đông Nam bộ, Cần Thơ - Tây Nam bộ có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
63 trường ĐH địa phương của 63 tỉnh thành, tuyển sinh trong tỉnh - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.
Và cuối cùng là 63 trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở 63 tỉnh thành - đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề (thợ) cho địa phương). Quy mô sinh viên và số lượng tuyển hàng năm sẽ căn cứ vào nguồn lực giảng viên hiện có của từng trường (sau khi sắp xếp lại) quyết định theo tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi: ĐHQG = 10, ĐH vùng = 15, ĐH địa phương = 20, TCCN = 25.
Bãi bỏ kỳ thi ĐH hàng năm, mà thay vào đó là: căn cứ vào tổng thành tích đạt được của từng học sinh trong suốt 12 năm học phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 sẽ quyết định. Mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ nộp 1 bảng thành tích cá nhân và 3 nguyện vọng ngành của mình về ĐHQG của miền mình đang ở.
Ở đây ĐHQG sẽ xét từ trên xuống theo các trọng số trong bảng thành tích và nguyện vọng của sinh viên để tuyển 1 phần học sinh xuất nhất theo chỉ tiêu của trường. Sau đó ĐHQG sẽ chuyển số học sinh còn lại phân bổ về cho từng Vùng. ĐH Vùng sẽ làm công việc tương tự, rồi đến lượt ĐH Địa phương, TCCN…. để đến cuối cùng toàn bộ số học sinh tốt nghiệp cấp 3 hàng năm sẽ tuỳ theo trình độ hiện tại của mình được vào đúng cấp bậc trường tương ứng, và nếu càng giỏi sẽ dể dàng vào được ngành học đăng ký nguyện vọng 1 của mình….
Nếu sinh viên không hài lòng, muốn cải thiện thành tích có thể đăng ký học lại cả năm lớp 12 hoặc thi tốt nghiệp lại… để nâng cao sức cạnh tranh vào năm sau.
Độc giả Nguyễn Ngọc Hà (nguyenhahl@gmail.com): "Phải thay đổi nhiều thứ..."
Giáo dục muốn thay đổi hiệu quả thì phải thay đổi rất nhiều thứ, chứ không chỉ có trung thực. Chúng ta phải nhìn nhận thấu đáo vì sao Giáo dục Việt Nam chậm phát triển - là do có một số nguyên nhân lớn sau:
- Chỉ đạo của Nhà nước về giáo dục chưa sát, thiếu thực tế, thiếu quy hoạch, kế hoạch. Mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi địa phương phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm.
- Đội ngũ cán bộ quản lí các cấp chất lượng trình độ thấp, năng lực quản lí yếu kém, thụ động, không chấp nhận sáng tạo, không chịu đổi mới, đặc biệt là đội ngũ quản lí các cơ sở giáo dục.
- Chất lượng đội ngũ giáo viên khập khiễng cả về trình độ lẫn độ tuổi. Việc tự học, tự bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ này hiệu quả rất thấp. Năng lực sư phạm yếu, không đổi mới, phần đông giáo viên không đáp ứng được yêu cầu dạy học hiện nay.
- Chương trình giáo dục, nội dung giáo dục không thống nhất, thường xuyên bổ sung chỉnh sửa, chắp vá, không ổn định. Yêu cầu kiến thức cao... Nhiều nội dung dạy học không thiết thực, thiếu tính nhân văn.
- Cơ sở vật chất dạy học chắp vá thiếu đồng bộ, đồ dùng thiết bị dạy học chất lượng kém, khó sử dụng gây lãng phí lớn.
- Lương và phụ cấp cho cán bộ giáo viên thấp, cào bằng thiếu tính động viên, không đúng theo năng lực, công sức dẫn đến chất lượng dạy thấp , giáo viên không nhiệt tình, không hăng say với nghề. Áp lực lớn cả về thời gian, lẫn công việc nhiều nên nhiều giáo viên không đáp ứng được có xu hướng bỏ bê.
- Đòi hỏi của xã hội, của phụ huynh quá lớn trong khi đó sự hợp tác, động viên đối với ngành GD lại không có. Chỉ thấy chê, khiển trách mà không thấy được trách nhiệm của họ vào quá trình giáo dục.
- Toàn xã hội có chung một biểu hiện đó là thiếu trung thực. Mọi cái đều được tô hồng, không thực chất, bệnh thành tích quá lớn.
- Quản lí các loại kinh phí giáo dục thất thoát, lãng phí lớn, không chú trọng đúng mục đích đầu tư. Đầu tư cái gì, đầu tư vào đâu?
- Các cấp quản lí không nghiêm, không kiên quyết. Thiếu tính khoa học, không thực tế.
Nếu thay đổi giáo dục phải chấp nhận hiện nay chúng ta đang bị bệnh rất nặng. Có uống thuốc không, uống thuốc chữa bệnh nào trước. Với căn bệnh đó phải chữa trong bao lâu thì khỏi để chữa tiếp bệnh khác.
Muốn cải cách giáo dục (CCGD) thành công đầu tiên đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục phải giỏi, phải có tâm, phải làm được và phải sáng tạo. Giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu. Các cấp quản lí nhà nước, nhân dân và các tổ chức xã hội, các đoàn thể phải hợp tác nhiệt tình để khắc phục các nguyên nhân trên.
Độc giả Hữu Lân Vũ(vuhuulan@ymail.com)"Cần đa dạng hóa các hình thức học..."
Theo tôi ngoài vấn đề xây dựng một nền giáo dục trung thực ra, chúng ta cần có các chủ trương và đường lối giáo dục tiên tiến trên cơ sở chọn lọc các tinh hoa của nền giao dục trong nước và nước ngoài.
Cần đa dạng hóa các hình thức học tập. Trên cơ sở chuẩn hóa chương trình cho từng lớp học và cấp học, trong đó cấp học (cấp 1, 2, 3 ...) là cơ bản.
Hàng năm sẽ tổ chức thi cứ trung thực theo dạng tín chỉ để tạo điều kiện cho mỗi người hoàn thành các cấp học của mình và giúp họ có thể học vượt cấp nếu họ đủ năng lực (thi đậu ) - chính yếu tố này sẽ phát huy được các tài năng cho đất nước .

Nguyễn Hiền 



Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục?

Bạn có trăn trở với nền GD của nước nhà? Nếu có, ý kiến của bạn thế nào? Nếu được hỏi: “Nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong giai đoạn này bạn sẽ thực thi như thế nào và bạn sẽ trả lời ra sao?
Còn tôi, nếu được hỏi như vậy tôi sẽ trả lời: “Xây dựng một nền GD trung thực”. Vâng, nền GD trung thực là nền móng của cải cách giáo dục (CCGD) của nước ta hiện nay. 

Cú hích để phát triển...
Còn nhớ, trong số báo Văn nghệ Xuân 2004 có đăng bài viết rất đáng chú ý của một vị GS người Pháp. Ông kể rằng ông đã từng sang VN trong những năm chúng ta đang tiến hành kháng chiến chống Pháp. Và ông đã được chứng kiến một điều kỳ diệu: chúng ta đã tiến hành thành công chiến dịch diệt giặc dốt.
Từ một đất nước với đa số người dân không biết chữ, chúng ta đã biến thành đất nước với trên 90% dân số biết chữ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Tại sao chúng ta làm được điều đó? Vì chúng ta trung thực - ông lý giải.
Sau hòa bình, ông có dịp quay trở lai VN khi chúng ta đang tiến hành công cuộc “Đổi mới”. Vấn đề ông quan tâm nhất vẫn là GD.
Ông có dự giờ một buổi thi của SV khoa Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Và ông thực sự kinh ngạc khi thấy SV tự do mở tài liệu trong khi giám thị không có phản ứng gì. Ông có thắc mắc thì được trả lời: Đó là chuyện bình thường. Theo ông, đó là một sự lừa dối - ”một tai họa”.
Tuy nhiên ông cũng được an ủi phần nào khi nghe được câu trả lời của một vị GS Việt Nam tại Hà Nội với con của vị GS này: “Bố mẹ có thể chấp nhận con điểm thấp, con không lên lớp nhưng bố mẹ không chấp nhận con quay cóp, con không trung thực”.
Những gì vị GS người Pháp viết hẳn làm ta suy nghĩ rất nhiều. Vâng, sợ nhất là sự lừa dối, là sự không trung thực. 

Dù đau xót nhưng cũng phải thú nhận một thực tế rằng: những gì vị GS người Pháp viết là hoàn toàn đúng sự thật - một sự thật cay đắng (điều này ai cũng biết và rất nhiều người đã lên tiếng). Hậu quả của những việc làm không trung thực như vậy thật tai hại vô cùng, nhãn tiền nhất là kết quả thi Tốt nghiệp thì cao vòi vọi còn kết quả thi ĐH thì thật kinh khủng như những năm qua. Xa hơn nữa chúng ta vô tình đã tạo ra “những công dân tương lai” có những đức tính xấu xa: hình thức, lừa dối, không trung thực…- “MỘT TAI HỌA”!

Vì sao Hàn Quốc, Nhật Bản bỏ...xa Việt Nam?

Mấy năm qua nạn bằng giả, tệ sính bằng cấp đã trở thành bệnh. Rồi thừa thầy thiếu thợ; hàng ngàn SV tốt nghiệp mà không xin được việc làm, tệ tham nhũng tràn nan; nhiều công trình xây dựng tốn kém mà không có hiệu quả…Nguyên nhân sâu xa đó là tính hình thức, tính không trung thực của mỗi công dân được hình thành ngay trên ghế nhà trường. Cổ nhân đã dạy: ”biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”, nhưng với cách đào tạo hiện nay thì làm cho chúng ta không biết mình là ai, thế thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng được.

Vì sao Hàn Quốc, Nhật Bản có xuất phát điểm như chúng ta mà họ lại phát triển đến vậy? Đơn giản bởi họ trung thực, không hình thức màu mè, họ biết đất nước họ nghèo, nhìn thẳng vào thực tế rồi cùng phấn đấu cho bản thân họ, đất nước họ.
Trong một cuộc gặp gỡ với SVVN, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có hỏi: “Khi đội tuyển bóng đá nam nước ta thua trong trận chung kết bóng đá SEA GAMES thì cả nước chảy nước mắt nhưng khi thấy nước ta là một trong những nước nghèo nhất TG, thử hỏi có mấy bạn trẻ chảy nước mắt đây?”
Muốn họ chảy nước mắt khi thấy đất nước còn nghèo, hèn ta phải dạy họ trung thực đã.

Không thể phủ nhận rằng do bệnh hình thức của xã hội nên đã tạo ra một nền GD hình thức nhưng ngược lại do nền GD không trung thực nên đã tạo ra những công dân không trung thực, hình thức ngay ở trên ghế nhà trường dẫn đến xã hội bị “hình thức hóa”. Để rồi chúng ta không biết mình, biết người, ảo tưởng…

Vậy phải làm thế nào, biện pháp nào khả thi đây?

Xây dựng một nền GD trung thực

Điều quan trọng nhất là ta phải nhận ra đâu là vấn đề quan trọng nhất của CCGD? Đó chính là: SỰ TRUNG THỰC!

Còn biện pháp ư? Sẽ không khó, bởi cả nước chắc chắn sẽ ủng hộ điều này nên chắc chắn sẽ có nhều giải pháp hay, hợp lý. Chẳng hạn biện pháp ta vẫn áp dụng trước kia: học thật, thi thật. Học thế nào, kết quả thế ấy (giống như kết quả thi ĐH). Đối với người học, do phổ cập GD nên điểm thấp cũng cho đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên phải ghi rõ kết quả trong bằng tốt nghiệp, trong học bạ.
Ví dụ, bằng tốt nghiệp của thí sinh Trần văn A: Điểm :15; Xếp hạng: kém…Nhìn vào bằng TN anh ta sẽ biết khả năng của mình thế nào? Mình là ai, có thể thi vào đâu, thi ĐH hay đi học nghề…Rồi dần dần tiến tới việc loại bỏ kì thi Tốt nghiệp và đại học – hai kì thi vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Thay vào đó là tuyển sinh trên dựa trên cơ sở điểm số và bài luận như các nước phát triển vẫn thực thi.

Như đã nói ở trên, nếu chủ trương này: Xây dựng một nền GD trung thực - được thực hiện thì sẽ được sự hưởng ứng của toàn xã hội vì cả xã hội mong muốn và quan trọng hơn vì đó là gốc của nền GD. Hơn nữa biện pháp thực hiện lại đơn giản, không tốn kém, thậm chí chỉ cần một cuộc họp của lãnh đạo Bộ ra nghị quyết là xong. Thời gian thực hiện để đạt kết quả có thể là phải mất nhiều năm, tuy nhiên vì cả xã hội chắc chắn sẽ ủng hộ chủ trương này nên chắc chắn chỉ một thời gian ngắn chúng ta sẽ có kết quả tốt đẹp. Lúc đó, nền GD sẽ có một nền móng vững chắc: Nền GD trung thực.

Khi có cái gốc vững chắc này thì các chủ trương, chính sách nhằm CCGD sẽ không thất bại – chắc chắn như vậy. Đương nhiên khi đó nền GD sẽ tạo ra được những công dân ưu tú, trung thực…Dám nhìn thẳng vào hiện trạng đất nước và bản thân, sẽ “khóc khi thấy đất nước còn nghèo”, sẽ không tham ô, lãng phí, không hình thức màu mè, không làm hại đất nước…Cùng phấn đấu hết mình vì bản thân, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu, vì Thế Giới đại đồng; tất cả đồng lòng đưa đất nước Việt Nam thân yêu phát triển nhanh và bền vững, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Cuối cùng, xin hỏi bạn lần nữa: “Nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong giai đoạn này bạn sẽ thực thi như thế nào?”. Bây giờ thì bạn sẽ trả lời thế nào?

Còn tôi, câu trả lời vẫn là: thực thi, thực thi một cách quyết liệt: XÂY DỰNG NỀN GD TRUNG THỰC!

Không có nhận xét nào:

Trang