Toàn dân đang chuẩn bị reo vang khúc nhạc chào mừng 38 năm
ngày thống nhất đất nước. Ngày lễ 30/04 bước ra đường đâu đâu cũng thấy rợp một
màu cờ đỏ sao vàng, những băng rôn, áp phích chào mừng… Nhà nhà bắt đầu dắt
nhau về thăm quê, người người lại í ới gọi nhau: khoác ba lô đi du lịch nào!
Nghỉ lễ dài thế cơ mà, không đi thì có mà phí! Mà thật, không đi thì phí quá đi
chứ!
Vậy mà tôi lại thấy có một người cứ “bỏ phí” hết ngày nghỉ lễ này sang ngày
nghỉ lễ khác, hết năm này lại sang năm khác. Và con người không có ngày lễ đó
mà tôi đang nhắc đến ở đây không ai xa lạ mà chính là chú Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nhà ta đấy các bạn ạ! Tôi tự hỏi: 30/4 này, Thủ tướng ngài nghĩ gì? Ngài
có muốn về quê thăm những người thân như mọi người không? Ngài có muốn cùng gia
đình mình đi du lịch ở đâu đó không? Hay đơn giản hơn là ngài có muốn được ở
nhà chỉ để được ngủ nướng, xem ti vi, chở vợ đi thăm bạn bè, hay ăn bửa cơm họp
mặt gia đình… như chúng tôi vẫn làm vào những ngày nghỉ lễ này không?
Tôi là người thích xem thời sự và thường xuyên theo dõi tin tức của đất nước
mình. Có lẽ vì thế mà tôi luôn dành một sự quan tâm đặc biệt tới các hoạt động
của Thủ tướng
Tôi biết rằng chặng đường chiến đấu và cống hiến của Thủ tướng là cả một hành
trình dài đầy nỗ lực để xứng đáng với kỳ vọng và trọng trách và nhân dân giao
phó, tuy rằng khó tránh những khuyết điểm nhưng có một điều không thể phủ nhận
đó là “Thủ tướng đã cho thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam”.
Tôi xin được chia sẻ với các bạn một vài suy nghĩ của tôi…
Tôi là một người con đất Việt và tôi luôn tự hào vì nơi mình được
sinh ra và được cống hiến sức mình cho đất nước hình chữ S này. Công việc của
tôi hàng ngày vẫn là: chịu trách nhiệm chính cho sự tồn tại, duyệt và đưa ra kế
hoạch phát triển công ty… Vâng đó chính là công việc của một người quản lý… Từ
những kinh nghiệm làm quản lý, tôi nghiệm ra rằng, để quản lý một công ty nhỏ
không phải dễ, quản lý một công ty tầm lớn hơi đã là chuyện không đơn giản… Giờ
đây để quản lý một đất nước lại càng khó biết bao nhiêu?!… Cái khó lớn nhất là
làm sao để cho mọi người hiểu mình mong muốn điều gì cho đất nước? Lãnh đạo cần
tầm nhìn, cần lòng tin, cần sáng tạo, cần can đảm, cần khả năng khơi lửa trong
lòng những người cấp dưới theo mình… vậy làm sao khơi lửa trong lòng của mọi
người đây?
Lãnh đạo là phục vụ. Lãnh đạo luôn suy nghĩ rằng mình không chỉ dựa
vào quan niệm cấp dưới có 8 tiếng một ngày trong cơ quan để hoàn tất công việc
mình làm, mà hoài bão lớn hơn nữa là phải làm tốt những mong muốn của toàn dân…
nhưng không phải ai cũng hiểu chuyện đó mà thậm chí còn có rất nhiều những kẻ
dèm pha, đặt điều, nói xấu, ngấm ngầm… để hạ thấp uy tín lãnh đạo nhằm thực
hiện những mưu đồ cá nhân riêng.
Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện:
Xưa có một người kỳ tài về vẽ tranh, nhưng ông cũng có một quan
niệm sống rất “nghệ thuật”. Khi ở tuổi về già, ông muốn truyền thụ lại những
kinh nghiệm vẽ tranh của mình, những nghệ thuật sống của mình nên ông đã mở lớp
dạy vẽ. Trong lớp học vẽ có một học trò rất được ý ông, từ tính cách cho đến
đam mê ông cảm thấy cũng gần giống mình. Trước khi hoàn tất khóa học vẽ, ông đã
cho gọi anh chàng này vẽ ra 1 bức tranh xem như để kết thúc phần học của mình.
Ông nói:
- Con hãy vẽ 1 bức tranh mà con cho rằng thật đẹp, nếu được mọi
người công nhận thì ta xem như con đã được chứng nhận là một họa sĩ giỏi thật
thụ.
Anh học trò đồng ý và đã vẽ 1 bức tranh thật đẹp sau đó đưa cho
thầy mình xem, ông thầy liền nói:
- Bây giờ con hãy đem bức tranh của mình mang ra giữa phố chỗ đông
người qua lại nhất và đặt bức tranh của mình lên, bên dưới bức tranh con hãy
ghi dòng chữ: “Đây là bức tranh đẹp nhất, tôi rất cám ơn nếu mọi người nếu thấy
có chỗ sai thì hãy lấy bút đỏ bên dưới đánh dấu chéo vào nơi đó”.
Một tháng sau anh quay lại lấy bức tranh đưa cho thầy mình xem. Kết
quả là bức tranh đó bị đánh dấu chéo đỏ khắp nơi, dường như bức tranh đang bị
nhuộm đỏ bởi các dấu chéo.
Anh học trò rất buồn, vì thấy đó là công sức và tâm huyết của mình
nhưng kết quả không như mong muốn. Thầy anh ta xem bức tranh qua sau đó liền
bảo anh ta vẽ một bức tranh khác. Anh học trò về vẽ bức tranh thứ 2, khi đã
hoàn tất, anh đưa cho thầy mình xem bức tranh đó và lần này thầy anh lại bảo:
- Con hãy mang bức tranh này đặt lại nơi ấy. Nhưng lần này con hãy
ghi bên dưới dòng chữ: “Đây là bức tranh đẹp nhất. Tôi rất cám ơn nếu ai đó có
thể phát hiện ra cái sai và hãy lấy cọ màu đặt bên dưới bức tranh này giúp tôi
sửa lại chi tiết sai đó”.
Ông còn dặn học trò mình hãy lấy bút, cọ màu vẽ đặt bên dưới bức
tranh đó, và để bức tranh ở đó 2 tháng. Hai tháng sau, anh học trò quay lại lấy
bức tranh và đưa cho thầy mình xem. Anh rất ngạc nhiên khi thấy bức tranh của
mình chẳng hề bị sửa lại. Thầy anh liền bảo:
- Con thấy đó, ở mỗi người có những ưu điểm và khuyết điểm. Nhưng
người khác chỉ nhìn thấy khuyết điểm của mình. Họ dám chỉ ra khuyết điểm của
người khác nhưng khi bảo họ khắc phục thì họ lại không dám làm.
Tôi đã nghiệm ra được rất nhiều điều bổ ích từ câu chuyện trên, và
tôi mong rằng các bạn hãy luôn nhìn, đánh giá người khác bằng thái độ khách
quan, ghi nhận cả ưu và khuyết điểm của họ. Cũng như vậy các bạn hãy đừng chỉ
nhìn vào những điều chưa hoàn thiện của Thủ tướng mà hãy nhìn nhận vào những sự
cống hiến của ông ấy. Vì như câu chuyện trên đã nói nếu chúng ta chỉ nhìn nhận
bằng khuyết điểm thì cho dù bức tranh có đẹp đến thế nào đi chăng nữa cũng sẽ
đầy những dấu gạch chéo màu đỏ.
Vài dòng tâm sự gửi Thủ tướng,
Bạn đọc Bình Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét