23 tháng 4, 2013

Chủ nghĩa 'mặc kệ nó'


"Con người đã đặt chân lên mặt trăng rồi trở về nhưng ngại ngùng bước qua con phố sang thăm người hàng xóm." (Dalai Lama thứ 14)
Sự thờ ơ trong cái nghịch lý của thời đại chúng ta, như Dalai Lama đã nói, ngày càng phổ biến.
Thói vô cảm dường như đã trở nên không cần che giấu, và phổ biến đến mức thành một phần của đời sống xã hội. Thậm chí, thói vô cảm đã vượt qua ngưỡng cửa để xen vào 'dinh lũy' cuối cùng của đạo đức - là gia đình.

Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại
Những hoàn cảnh được các chương trình từ thiện và các nhà hảo tâm chìa bàn tay giúp đỡ không khỏi làm những ai quan tâm day dứt với câu hỏi làm sao trên đất nước này có nhiều người nghèo khó đến mức cùng cực như thế.
Những người ăn lương của nhân dân có trách nhiệm cao nhất của từng ngành hãy tự hỏi mình có vô cảm không. Chuyện đó bây giờ nhiều lắm, bài viết chỉ điểm qua vài việc.
Nếu không vô cảm thì sao có chuyện trẻ con đu dây qua sông đi học2 bao nhiêu năm mà người lớn chúng ta nhắm mắt làm ngơ trong khi đã hăng hái đặt bút ký vào Công ước Quốc tế về quyền trẻ em?
Nếu không vô cảm thì sao có chuyện học sinh trường nội trú phải bẫy chuột làm thực phẩm cho bữa ăn3.
Nếu con mắt lương tâm của đồng loại vẫn mở, lòng không vô cảm thì sao chúng ta không nhìn thấy những cụ già tuổi đã gần đất xa trời, lẽ ra được nghỉ ngơi để chuẩn bị về với tiên tổ, vẫn phải lần hồi kiếm từng đồng xu để tự nuôi thân. Trong số đó có người từng đóng góp xương máu của chồng con họ cho cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước5.
Không biết từ makeno đã được sáng chế tự bao giờ. Nó là sự "kết tinh" của lối sống cháy nhà hàng xóm bình chân như vại ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện đại. Thói vô cảm có muôn hình dạng và có ở khắp nơi.
Xã hội liệu sẽ nghĩ sao khi chứng kiến sự vô cảm đến tàn ác của những kẻ  máu lạnh như trường hợp tên tài xế Đặng Hữu Anh Tuấn vẫn cho xe container cán qua thi thể nạn nhân liên tiếp ba lần, mặc dù cô gái trẻ vùng vẫy kêu cứu dưới bánh xe, mặc sự ngăn cản của người đi đường9
Nhiều thanh niên ngày nay, dù có học hành đều cảm thấy mình thuộc "thành phần thứ năm"10. Những người bị "mặc kệ" này đến lượt mặc kệ người khác, mặc kệ xã hội.
Xin dẫn một chuyện nhỏ. Trên xe bus, đã ai chứng kiến thanh niên, học sinh, sinh viên và cả thanh niên áo xanh tình nguyện ngồi che mũ giả vờ ngủ hoặc "say sưa đọc sách" khi người lớn tuổi đứng ngay cạnh chưa? Đã ai chứng kiến cảnh thanh niên sụt sùi trước đài hương liệt sỹ nhưng không hỏi han người thương binh hàng xóm đang nằm chơ vơ một mình chưa?
Đã qua rồi cái thời tuổi trẻ trong xã hội hay nói đến cái gọi là "lý tưởng" mà cứ ngỡ sẽ dẫn họ đến hành động thiết thực và một cuộc sống tốt đẹp về cả tinh thần lẫn vật chất. Đa phần thanh niên ngày nay đều có học, ít nhất cũng tốt nghiệp trung học. Nếu nói rằng họ thờ ơ với tất cả thì cũng không hoàn toàn đúng. Họ thờ ơ với người xung quanh, thờ ơ với nỗi khổ của người khác, thơ ơ với thời cuộc. Vậy họ quan tâm đến cái gì?
Vì sao nên nỗi?
Ngày nay, mối quan tâm của nhiều người, trong đó có không ít thanh niên là làm giàu - có  thể bằng bất cứ cách gì, và học cách hưởng thụ. Những chuyện khác dường như không còn là mối quan tâm của thanh niên nữa, dù có lúc họ cũng muốn quan tâm. Vì sao?
Vì dường như mọi chuyện trong xã hội hiện tại đều được giải quyết bằng tiền? Xin việc: Tiền, vào bệnh viện: Tiền, đến trường học: Tiền, lên chức: Tiền, ... chỉ thấy đâu cũng hỏi tiền và tiền. Như vị quan chức Thủ đô nọ dẫn ví dụ chạy biên chế Hà Nội không dưới 100 triệu đồng11, số tiền mà ai cũng biết thấp hơn thực tế rất nhiều.
Số ít nhìn thấy cơ hội thì nghĩ đến con đường tiến thân bằng chính trị. Một ca sỹ có thể chỉ chọn hát những bài vừa tai ai đó, một sinh viên chọn làm công tác phong trào hơn là chăm chú vào học tập và nghiên cứu, ... Ngoài ra, những trò "leo cột mỡ" trên các phương tiện truyền thông ngày càng pha loãng nhân cách tuổi trẻ?
Sự vô cảm vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tính ích kỷ, tính chai lì. Không ít thanh niên thờ ơ với thời cuộc, chạy theo thói "phong trào" giả dối13. Dần dà, hành động tốt bị coi là việc làm lạc lõng, người làm việc tốt có khi lại thấy ngượng. Sự vô cảm nay đã đi vào... đề thi học sinh giỏi Văn quốc gia năm 2010, để nhắc nhở thế hệ trẻ có học thức, đồng thời nhắc nhở xã hội nói chung.
Cần cảnh báo cho xã hội
Ngày nay, ngay trí thức nhiều người cũng không thoát khỏi chủ nghĩa mackeno.
Họ co lại và lo chuyện vinh thân phì gia. Thay vì cống hiến thật sự cho xã hội, không ít người cố lo chạy để khỏi về hưu đúng tuổi. Vì họ biết với những gì mình có khi về hưu sẽ chỉ ngồi chơi xơi nước.
Những người còn lương tâm nghĩ đến hiện tình xã hội, nghĩ đến đồng loại thì bất lực và chỉ còn cách "trùm chăn" 14, quen dần với việc nhìn nhà hàng xóm cháy mà bình chân như vại. Họ chẳng có Côn Sơn để ở ẩn.
Điều đáng buồn nữa là thói vô cảm không chỉ hiển hiện trong đời sống xã hội mà đã len lỏi cả vào đời sống gia đình và đã trở thành tấm bia mộ cho tình người.15
Mỗi người trong chúng ta một khi đã nhận thấy thói vô cảm nguy hiểm như  thế nào, hãy bằng việc làm cụ thể của mình cùng sửa chữa, ít nhất cũng lên tiếng cảnh báo SOS cho xã hội.
Tôi muốn mượn câu này  để kết thúc bài viết về thói vô cảm và  thờ ơ: "Thờ ơ với cái thiện/Thờ ơ với các ác/Thờ ơ với tất cả/ Chỉ mình ta biết ta"16.
Nguyễn Phương


Không có nhận xét nào:

Trang