Tác giả: NGUYỄN ĐĂNG
TẤN
Văn hóa của một cộng đồng, một vùng miền là
thiết chế hay những qui định và được thể hiện thông qua cá nhân. Mỗi hành động
của cá nhân đều là thông điệp của cộng đồng, mang bản sắc của cộng đồng ấy.
Có lẽ từ rất lâu danh xưng Hà Nội thanh lịch,
"Dẫu thơm cũng thể hoa lài, dẫu không
thanh lịch cũng người Tràng An"
đã bị lãng quên, bị chôn vùi theo quá khứ.
Còn đâu cách ứng xử văn hóa thưa gửi, dạ vâng, hay xin lỗi của mỗi người khi ra
đường. Nói đến Hà Nội nhiều người đã phải thốt lên: Như một cái chợ hỗn mang.
Thôi thì "trăm thứ bà rằn" của các vùng miền đều tập trung về cả. Từ nét
ăn nét ở, cách xưng hô, nào cái hay cái dở, tất tần tật cũng đều... có mặt.
Chuyện buồn văn hóa
Một người bạn trong TP Hồ Chí Minh ra thăm
Hà Nội thắc mắc, sao bao nhiêu năm sống trong môi trường "tiên học lễ, hậu
học văn" mà cách xưng hô biến đổi nhanh chóng là vậy. Câu: Thưa bố
mẹ... nay là của hiếm. Trong Huế hay TP Hồ Chí Minh câu đó vẫn còn hiển
hiện trong đời sống thường nhật.
Đó là các cháu nhỏ còn người
lớn thì sao? Cứ vào chợ thì sẽ thấy. Chợ chính là khuôn mặt văn hóa đặc trưng
của từng vùng miền. Từ sản vật, cách bài trí đến giao tiếp qua lời ăn tiếng
nói. Rồi cách chào bán, thưa gửi hiện rất rõ. Câu "vui lòng khách đến, vừa
lòng khách đi" chắc lâu rồi cũng không còn đất để tồn tại ở Thủ đô
"hoa lệ".
Người ta có thể chửi sa sả khi
khách xem hàng, mặc cả mà không mua, nhất là vào buổi sáng khi mới bắt đầu bán
hàng. Người bán hàng cho đó là xui xẻo và ngay trước mặt khách, họ hậm hực,
sưng sỉa mặt mày, thậm chí ngang nhiên "đốt vía" khách để xua đi cái
mà họ cho là rủi ro, ế ẩm.
Tôi có một cô bạn thời học phổ
thông lần đầu được mời ra thăm Hà Nội. Háo hức mong chờ, nhưng vừa bước chân
"ra" Hà Nội, cô co rúm và sợ phát khiếp. Chả là vừa xuống bến xe
Giáp Bát, một đám người xúm quanh chèo kéo, kẻ lôi ngược, người lôi xuôi, giành
giật. Chân ướt chân ráo mới ra, thấy cảnh đó cô toát hết cả mồ hôi. May mà
người nhà đến đón kịp, chứ chậm một tý không biết cái vòng người đó hành cô như
thế nào nữa.
Rồi cảnh chen chúc ở bệnh
viện, cảnh bị kẹt xe giữa đường hay bị cảnh sát bắt vì những lý do trời ơi...
thì phải sợ đến già, bị một lần là... khiếp.
Tôi đã từng bị móc túi tại một
bệnh viện lớn nhất nước, Bệnh viện 108. Chả là xếp hàng khám bệnh, người thì
đông như kiến, xếp hàng hàng tiếng đồng hồ, khi đến lượt mình vừa rút tay ra
khỏi túi để lấy giấy tờ thì cũng là lúc một cánh tay khác đã thế vào nhẹ tựa
lông hồng, nhoằng cái là chiếc điện thoại không cánh mà bay. Rồi chuyện phải ăn
chực nằm chờ với bao nhiêu thứ nhiêu khê khi khám và điều trị.
Rất nhiều những hành vi thiếu
văn hóa trong xử sự nơi công cộng, ở bến tàu xe, trong các lễ hội văn hóa,
trong giao tiếp từ lời ăn tiếng nói, cách xử sự giữa người với người hàng ngày
đến văn hóa giao thông..., từ lâu đã tích tụ thành những thói hư tật xấu, làm
cho Hà Nội kém đi phần hấp dẫn trong cái nhìn của bạn bè xa gần khi có dịp đặt
chân lên đất Thủ đô.
Nội lực đẩy lùi ngoại lai
Có người cho rằng những điều
như trên bây giờ vùng miền nào chả có, chính cái xô bồ của các vùng miền nay có
điều kiện du nhập vào Thủ đô. Hà Nội là cái túi, là nơi chứa tất cả. Nói như
vậy cũng không hẳn đúng mà là do "bản sắc" văn hóa của Hà Nội không
đủ mạnh để chống lại các thứ phản văn hóa hay những thứ văn hóa "ngoại
lai" khác, không phải của mình.
Chúng ta đã có kinh nghiệm
lịch sử của dân tộc về giữ gìn bản sắc văn hóa. Dân tộc ta bị đô hộ hàng ngàn
năm. Bọn xâm lược phương Bắc chủ trương đồng hóa hay xóa bỏ văn hóa Lạc Việt,
song trải qua "ngàn năm ta vẫn là ta". Vẫn "núi sông bờ cõi đã
chia, phong tục Bắc - Nam cũng khác".
Đó chính là sức mạnh của yếu
tố nội lực, cái thiết chế hay bản sắc văn hóa dân tộc trường tồn.
Tại sao Hà Nội, những yếu tố
văn hóa tích cực bị vượt bỏ? Câu trả lời là thiết chế chưa đủ mạnh để bảo vệ,
để chống lại các thứ văn hóa "ngoại lai" không phù hợp? Nói một cách
cụ thể, chính là môi trường văn hóa của Hà Nội không đủ mạnh. Trong đó luật tục
thể hiện bản sắc riêng nay đã không chi phối, không "đồng hóa" được
các yếu tố phi văn hóa khác nhau xâm nhập vào.
Sự yếu thế đó thể hiện ở sự
dung chứa, sống chung và đôi khi thất thế.
Trước kia văn hóa mang bản sắc
của người Hà Nội đã làm được điều đó, dù luôn mang yếu tố "mở". Cái
thiết chế đó đã loại bỏ được những yếu tố không phù hợp, trái với truyền thống,
chỉ tiếp thu, tiếp nhận những cái hay, cái tinh hoa của các vùng miền.
Đồng thời tự nó nhân lên làm
giàu cho mình bằng những vốn văn hóa đa dạng trở thành một nét văn hóa đẹp
không tạp nham, hòa nhập nhưng không hòa tan ấy. Chúng ta thấy văn hóa của
"ba sáu phố phường xưa" là một sự kết tinh như vậy. Mỗi một khu phố
có nét tinh tế của một làng nghề mà mình mang đến nhưng hòa đồng trong nét đẹp
người Hà Nội kinh kỳ.
Văn hóa thực chất là
"người" là bản chất con người. Nếu như con người là "tổng hòa
các mối quan hệ xã hội" thì sự "tổng hòa" ấy là kết tinh của văn
hóa. Con người muốn tồn tại phải ăn, ở mặc rồi mới nghĩ đến làm chính
trị... Chính cái sự ăn ở mang tính bản năng của loài vật nhưng ở người lại là
biểu hiện của văn hóa.
Dẫu mâm cao cỗ đầy cũng phải
có "lời mời cao hơn mâm cỗ" hay "miếng ăn là miếng nhục".
Như vậy từ ăn ở, đến đi lại và cao hơn là trong các mối quan hệ đã mang đậm yếu
tố xã hội và đấy chính là văn hóa.
Văn hóa của một cộng đồng, một
vùng miền là thiết chế hay những qui định và được thể hiện thông qua cá nhân.
Mỗi hành động của cá nhân đều là thông điệp của cộng đồng, mang bản sắc của
cộng đồng ấy. Hà Nội từ ngàn xưa, mỗi cá nhân đều đã mang thông điệp của cả
cộng đồng, đó là nếp sống, cách ứng xử "hào hoa, thanh lịch".
Nhưng trong vài chục năm qua,
cái hào hoa thanh lịch, thứ văn hóa đặc trưng của mỗi một vùng miền mà Nguyễn
Bính từng ví von là "hương đồng gió nội" ấy đã "bay đi ít
nhiều", nếu như không muốn nói là... bay đi hết. Và đã có tiếng kêu cứu
cần giữ lấy văn hóa người Hà Nội.
Vừa qua Quốc hội đã thông qua
"Luật Thủ đô". Đó chính là cơ sở để Hà Nội có điều kiện vun đắp, xây
dựng và hồi sinh những nếp sống văn hóa đặc trưng tốt đẹp. Tất nhiên đây không
phải là "đôi đũa thần" có thể thay đổi trong ngày một ngày hai, mà
phải bằng sự nỗ lực chung tay của cả nước nhất là nhân dân Thủ đô.
Hà Nội từ lâu có ý tưởng đẩy
mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đó chính là ý tưởng tốt. Văn hóa không
thể từ trên trời rơi xuống mà phải bắt đầu xây dựng từ con người, từ cơ sở.
Song thời gian qua, cũng giống
như một vài địa phương, Hà Nội nặng về làm phong trào mà ít đi vào thực chất.
Gắn biển "gia đình văn hóa", "khu phố văn hóa" trở thành
hình thức không cần thiết.
Nói đến văn hóa như trên đã
nói, là xây dựng con người là làm phong phú "tính người". Như vậy
phải có biện pháp đồng bộ, từ gia đình, nhà trường, các đoàn thể tổ chức xã hội
và nhất là các qui định luật pháp.
Xây dựng một hành vi văn hóa
không chỉ giáo dục, tuyên truyền mà cần có chế tài. Chúng ta không chỉ nhắc nhở
trong các lễ hội hoa, lễ hội văn hóa mà dứt khoát đi kèm các chế tài xử lý. Một
xã hội nghiêm là xã hội có đầy đủ chế tài qui định và xử phạt mọi hành vi của
con người, đồng thời các cơ quan chức năng phải tuân thủ nghiêm minh việc giám
sát để có biện pháp xử lý.
Mọi thói quen của con người
phải trải qua quá trình đi từ những qui định, chế tài, dần dần bằng tuyên
truyền giáo dục thuyết phục và lặp đi lặp lại sẽ trở thành hành vi tự giác. Đây
quá trình lâu dài phức tạp song không thể không tiến hành nếu như muốn vun
trồng những nếp sống tốt đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét