9 tháng 9, 2013

Xây dựng chính quyền hợp lòng dân

TPHCM là đô thị đặc biệt, tuy nhiên, mô hình chính quyền hiện nay không còn phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TPHCM là điều cần thiết. Làm thế nào để mô hình này phục vụ người dân tốt nhất là nội dung được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tập trung thảo luận tại hội nghị góp ý cho dự thảo đề án được UBMTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức vào ngày 15-8.
Người dân quận Bình Tân lấy số thứ tự làm thủ tục nhà đất.
Không còn hành là chính
Với những nét mới, mô hình CQĐT được kỳ vọng có thể khắc phục được tình trạng quan liêu, xa rời người dân; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết công vụ cho người dân tốt hơn... Ông Đồng Văn Khiêm, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TPHCM, cho rằng đề án được xây dựng phù hợp nguyện vọng người dân TP. Tuy nhiên, theo ông nên kết hợp chặt chẽ xây dựng mô hình CQĐT với cải cách hành chính; bởi bộ máy cồng kềnh là môi trường để bệnh tham nhũng tồn tại và các cơ quan sẽ đẩy trách nhiệm cho nhau khi có sự việc xảy ra, nếu không sắp xếp lại bộ máy thì mục tiêu mô hình CQĐT hướng tới sẽ khó đạt được. Và mô hình này cũng cần hài hòa với thể chế chính trị Việt Nam, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị nhằm quản lý xã hội chặt chẽ hơn.
Ông Lê Văn Hoàng, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TPHCM, đề xuất: Cần có các phương án cụ thể tổ chức các hình thức dịch vụ công vụ, các đơn vị sự nghiệp có thu nhằm tạo công việc làm mới cho bộ phận người dân đô thị có cuộc sống tốt hơn, đồng thời thông qua các dịch vụ công giải quyết các nhu cầu đời sống xã hội của nhân dân ngày càng thuận lợi hơn cùng với CQĐT mới hình thành.
Đồng tình với ý kiến cần tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh, ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM, phát biểu: Chính quyền đô thị TP vệ tinh phải theo một đầu mối để kịp thời giải quyết những nhu cầu của người dân. Ở cấp phường chỉ nên có một vài cán bộ quản lý địa bàn về trật tự, vệ sinh, hộ khẩu, hộ tịch; những người này sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những vấn đề xảy ra trên địa bàn.
Con người của bộ máy là quan trọng nhất
Theo đề án, các quận - huyện, phường không có HĐND. Ông Lê Văn Hoàng, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TPHCM, đề nghị đối với chính quyền không tổ chức HĐND, mỗi tổ đại biểu HĐND TP được bố trí nơi làm việc, tiếp xúc cử tri. Đây là giải pháp để đại biểu gần dân hơn. Cùng quan điểm nâng cao chất lượng của tổ đại biểu HĐND, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP khóa 6, 7, góp ý sâu: Quan trọng hàng đầu là phải nâng chất lượng đại biểu HĐND; tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm tỷ lệ đại biểu là cán bộ cơ quan hành chính, quản lý nhà nước; tăng số lượng kỳ họp, thời gian mỗi kỳ họp; tăng cường hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND, thực hiện chất vấn tại thường trực HĐND.
“Có được mô hình chính quyền phù hợp sẽ tạo thuận lợi lớn thúc đẩy sự phát triển. Nhưng con người trong bộ máy mới là quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của đề án. Nếu con người vô cảm, tham nhũng, thiếu nụ cười với dân thì sẽ rất khó thành công dù cho là mô hình chính quyền nào, nên điều này cần chuẩn bị tốt hơn”, nguyên đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa nhấn mạnh.
Cùng góp ý về vấn đề “con người”, theo ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM, với mô hình mới, bộ máy nhân sự sẽ rút xuống từ 4 cấp còn 2 cấp nên đòi hỏi năng lực của người cán bộ công chức phải cao hơn. Do vậy, cần xây dựng đề án riêng về nhân sự; trong đó tính toán vấn đề giải quyết công chức dôi dư như thế nào, làm sao để bộ máy vận hành hiệu quả, khả thi.
Tìm tên gọi cho 4 TP vệ tinh cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết tên gọi “Đông”, “Tây”, “Nam”, “Bắc” chỉ là tên gọi tạm thời. Việc thành lập TP vệ tinh sẽ có quy trình và đặt tên cụ thể. Theo định hướng của ban biên tập đề án và theo chỉ đạo của Thành ủy thì tên những TP này sẽ gắn với những địa danh lịch sử của vùng đó.
Một trong những vấn đề các đại biểu băn khoăn là liệu có tình trạng ủy quyền của ủy quyền, nghĩa là Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho chủ tịch UB hành chính cấp quận, sau đó chủ tịch UB hành chính cấp quận ủy quyền cho Chủ tịch UB hành chính cấp phường hay không. Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm khẳng định là sẽ không có tình trạng này. Khi cần liên hệ giải quyết công việc, người dân sẽ đến cơ quan hành chính nơi được phân công giao nhiệm vụ giải quyết và chỉ có một cửa đó. Cơ chế một cửa được triển khai mạnh hơn khi có một đơn vị, cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm này. Đồng thời, trách nhiệm của sở, ngành của TP cũng được nâng cao, là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là cơ quan tham mưu.
VÂN ANH - ÁI CHÂN

Không có nhận xét nào:

Trang