VÕ VĂN TẠO
Có vẻ như tiếng súng anh em nhà họ
Đoàn nổ ở Tiên Lãng chưa đủ đánh thức nhà nước điều chỉnh kịp thời chính sách
thu hồi, bồi thường đất đai bất công hiện nay.
Thái Bình mà chẳng thái bình Hoan hô ông Viết tử hình quan tham |
Chiều 11-9-2013, người đàn ông ở TP Thái Bình (theo láng giềng vốn rất hiền
lành), tên là Đặng Ngọc Viết, đến trụ sở UBND tỉnh Thái Bình, hỏi tên để tìm
mặt các quan chức Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình, rồi bất ngờ rút
súng rulo nhằm đầu các cán bộ, liên tiếp nổ súng, làm một Phó giám đốc Trung
tâm này thiệt mạng sau khi được đưa đi cấp cứu, ba cán bộ khác trọng thương.
Rời khỏi
hiện trường, ông Viết tìm đến tượng Phật và bắn vào tim, tự sát. Người nhà cho
biết, ông Viết đã chuẩn bị sẵn di ảnh của mình. Mặc dù cơ quan chức năng chưa
công bố đầy đủ thông tin vụ này, qua báo chí phản ánh, đã xác định được nguyên
nhân: bất bình thu hồi, bồi thường đất đai. Trước đó khoảng một tháng, gia đình
ông Viết không đồng ý phương án bồi thường giải phóng mặt bằng do Trung tâm áp
đặt. Đang đi làm xa ở TP HCM, cách nay một tuần, ông Viết trở về Thái Bình.
Thái Bình quê lúa hiền hòa bao đời của ông Viết, sau vụ nông dân rầm rộ nổi dậy
năm 1997 chống quan chức địa phương tham nhũng, một lần nữa lại chẳng “thái
bình”(!).
Di ảnh Viết chuẩn bị sẵn |
Khác với Tiên Lãng, vụ nổ súng đầu tiên
của người dân phản ứng thu hồi đất, chỉ với súng hoa cải bắn vu vơ ở cự ly xa,
làm chấn thương nhẹ 6 người phía công an và quân đội. Vụ nổ súng ở Thái Bình
bằng súng quân dụng nhằm vào đầu người ở cự ly gần, mất 2 mạng người, 3 người
khác trọng thương. Hậu quả thê thảm hơn nhiều.
Trong vụ Tiên Lãng, báo chí trong và ngoài nước cũng như thông tin trên
mạng đã đăng tải, phân tích và bình luận qua hàng nghìn tin, bài, nêu rõ bất
cập trong chính sách đất đai hiện hành. Nhiều nhân vật lãnh đạo cấp cao đương
chức, hoặc hưu trí đã lên tiếng thừa nhận chính sách đất đai lỗi thời, bất cập
và việc thực thi sai trái của quan chức địa phương là nguyên nhân cơ bản của vụ
việc. Tiên Lãng chỉ là sự kiện nổi cộm trong hàng vạn vụ thu hồi đất bất công,
gây bức xúc cho người dân. Theo công bố chính thức từ Quốc hội, nội dung đất
đai đang chiếm hơn 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, phản ứng và hoàn
cảnh số phận bi thương gây bất ổn xã hội. Nhân vụ Tiên Lãng, nhiều bài báo, bạn
đọc liên hệ với vụ án Đầm Nọc Nạn ở Bạc Liêu năm 1928 dưới thời thuộc Pháp,
khuyến cáo nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời khắc phục khiếm khuyết
của chính sách đất đai, xử lý nghiêm khắc quan chức sai phạm, khoan hồng với
người dân bị lâm thế “con giun xéo lắm cũng quằn”, ít nhất cũng xử sự được như
người Pháp trong vụ Đầm Nọc Nạn.
Thế nhưng, cách thức giải quyết vụ Tiên
Lãng làm công luận thất vọng. Là nạn nhân của vụ cưỡng chế trái pháp luật, cơ
ngơi mấy chục năm gầy dựng bằng mồ hôi, xương máu và cả tính mạng người thân
bỗng chốc tan hoang, anh em họ Đoàn bị bắt bớ giam cầm và trừng phạt nặng nề.
Quan chức sai phạm cấp xã, huyện chỉ bị xử lý nhẹ hều. Quan chức sai phạm cấp
tỉnh, cấp bộ vẫn rung đùi tại vị. Thậm chí, đại tá giám đốc Công an Hải Phòng
Đỗ Hữu Ca, đầu têu vụ cưỡng chế bê bối Tiên Lãng – kẻ đã huênh hoang không gì
vô học và bạc ác hơn trên truyền thông rằng đây là “một trận đánh đẹp”(!), lại
được thăng tướng! Xử vụ Tiên Lãng như vậy, nói nhà nước coi khinh, chọc giận
dân chúng, liệu có quá lời?
Phải, với lực lượng công an, quân
đội hàng triệu người trang bị tận răng và chủ trương phong cấp bạt mạng hàng
trăm, hàng nghìn tướng tá, tăng lương ngất ngưởng cho công an và quân đội,
người ta mong sẽ gia cố được ngai vàng quyền lực cùng đặc lợi bằng súng đạn và
nhà tù.
Nhưng lịch sử đã minh chứng, thế sự
không phải lúc nào cũng thuận theo tư duy của những cái đầu đất! Trước Công
nguyên, triều đại đầu tiên thống nhất Trung Hoa là nhà Tần binh hùng tướng
mạnh, khét tiếng hà khắc, chỉ tồn tại vỏn vẹn 15 năm. Chính sách o ép, đàn áp
khắc nghiệt Phật giáo là nguyên nhân chính kéo đổ triều đại gia đình trị họ Ngô
ở Nam Việt Nam cuối năm 1963, sau 8 năm cầm quyền. Năm 1989, ách cai trị nghẹt
thở xây trên nền móng mật vụ, nhà tù khủng khiếp ở Rumani kết liễu bằng giá
treo cổ vợ chồng nhà độc tài Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch Hội đồng
nhà nước Nicolae Ceauşescu. Mới năm 2011 đây thôi, lẩn trốn chui rúc trong ống
cống, bị quân nổi dậy lôi ra “đòm” là kết cục nhục nhã của nhà độc tài xứ dầu
mỏ Ly Bi Gaddafi...
Rõ ràng, bạo quyền không thể
là cứu cánh trong mọi trường hợp.
Trở lại chuyện đất đai. Từ
nhiều năm nay, bên cạnh phản biện của giới trí thức, nhiều chuyên gia, nhà quản
lý trong bộ máy nhà nước đã phân tích rõ tác hại của chính sách quy định đất
đai là “sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”
và khuyến cáo cần phải khẩn trương thay đổi. Trên thực tế, cái gọi là sở hữu
toàn dân chỉ là khái niệm hoàn toàn rỗng tuếch, không hơn không kém. Chẳng
người dân nào được coi là chủ sở hữu đất đai.
Nhà nước trong trường hợp này cũng vậy,
chẳng có nhà nước cụ thể nào hết, chỉ có giới chức trong cuộc toàn quyền tự
tung tự tác. Thích thì thu hồi, đền bù bèo bọt như bố thí, bất cần người dân
mất đất sống chết ra sao. Không thuận hả? Sẵn quân quyền trong tay: cưỡng chế!
Cho dân chúng tụi bay biết thế nào là chuyên chính!
Không mấy ai không biết, trong cái sự “thích” ấy, có cái thích phô
trương con số thu hút đầu tư, có cái thích các khoản đi đêm khủng của chủ dự
án, có cái thích thôn tính khu đất ở vị trí đắc địa hay bờ xôi ruộng mật, có cái
thích sở hữu những lô đất, những căn hộ hay biệt thự đứng tên người nhà quan
chức mà chủ dự án sẽ lại quả, có cái thích con cái du học trời Tây bằng tiền
chủ dự án chu cấp, có cái thích ngao du, ăn chơi mua sắm ở nước ngoài bằng tiền
chủ dự án... Thiên hình vạn trạng!
Lẽ ra, cái cơ chế thu hồi đất bạc ác
mà công luận đã vạch rõ là mảnh đất màu mỡ cho giới chức tham nhũng vơ vét, chủ
dự án phất lên chóng mặt, đồng thời cũng đẩy biết bao hộ dân lâm cảnh khốn cùng
phải được sửa đổi từ lâu, vì thể chế nào lại mong muốn tiềm ẩn mầm mống bất an?
Nhưng cái cơ chế ấy vẫn tồn tại dai
dẳng một cách đáng ngạc nhiên đến tận bây giờ, ngay trong dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 2013 sắp trình Quốc hội. Vì sao?
Chẳng mấy khó khăn để nhận ra động cơ đen
đúa của đám quan chức tham nhũng cố sức níu kéo cái cơ chế chết tiệt trên hòng
trục lợi bất chính. Nhưng không thể không kể đến đồng minh kè kè của chúng là
những cái đầu đất nhiễm độc nặng nề cái quan niệm đã quá lỗi thời và cực kỳ
phản khoa học về CNXH. Theo đó, đặc trưng cơ bản hàng đầu của một quốc gia CNXH
là mọi tư liệu sản xuất chủ yếu đều thuộc về “sở hữu toàn dân”.
Tuy nhiên, sẽ rất khó giải thích vì sao
chỉ đất đai mới là tư liệu sản xuất chủ yếu, mà không phải là nhà máy, xí
nghiệp công - thương nghiệp cùng máy móc trang thiết bị sản xuất kinh doanh? Từ
năm 1986, nhà nước Việt Nam đã chính thức thừa nhận sở hữu tư nhân
đối với tư liệu sản xuất chủ yếu trong hầu hết các lĩnh vực. Hiện thời, sẽ lập
tức bị coi là kẻ điên khùng, nếu ai đó đề xuất nhà nước phải quốc hữu hóa, đánh
tư sản để đảm bảo đặc trưng XHCN. Trong khi đó, Hội nghị 81 đảng cộng sản và
công nhân thế giới tại Matxcơva năm 1960 đã xác định một quốc gia chỉ được coi
là mang bản chất CNXH khi công nghiệp chiếm không dưới 60% tổng sản lượng trong
nền kinh tế. Và hậu quả tệ hại ra sao của chính sách quốc hữu hóa và các chiến
dịch đánh tư sản thì VN đã quá đủ.
Biện bạch cho chính sách quy định
đất đai thuộc sở hữu toàn dân, có quan chức cho rằng: nếu thừa nhận sở hữu tư
nhân về đất đai, sẽ rất khó cho nhà nước thu hồi để phát triển cơ sở vật chất
hạ tầng. Xin khẳng định, lập luận ấy 100% phản khoa học. Không khó để kiểm
chứng điều này. Xin hãy chịu khó nhìn sang các quốc gia có hạ tầng phát triển,
họ đâu có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân?
Trong những bài viết khác liên quan
chính sách đất đai, người viết bài này từng nêu rõ, đất đai là tài sản, phải
được pháp luật điều chỉnh chủ yếu theo quy phạm quyền tài sản trong lĩnh vực
dân sự, theo nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên”. Trên nguyên tắc mọi công
dân đều bình đẳng trước pháp luật, việc quan chức ký quyết định hành chính thu
hồi đất của người dân để giao cho chủ dự án có tính chất kinh doanh sinh lời
như sân golf, khu du lịch sinh thái, bất động sản… là vi phạm thô bạo Hiến
pháp, người có lương tri không ai chấp nhận. Nhu cầu nhà nước cần đất đai để
phát triển hạ tầng là có thật. Tuy nhiên, để tránh quan chức lạm quyền trục
lợi, gây lãng phí (như hàng trăm cảng biển bỏ hoang hiện nay)… nhà nước nên
thực hiện cơ chế trưng mua, với giá cả thỏa đáng. Một khi phải chi ngân sách
một khoản đáng kể, nhà nước sẽ buộc phải cân nhắc một cách hết sức thận trọng.
Với các dự án quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng nhằm bảo vệ an nguy cho cả
đất nước (thường hãn hữu), không lẽ ngân sách nhà nước lại bóp chẹt người dân?
Với các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ quốc kế dân sinh, lý do để nó ra đời phải
là nguồn lợi lớn lao sẽ mang lại lâu dài cho cộng đồng rộng lớn, lẽ nào nhà
nước mua rẻ đất của người dân?
Thực tế lâu nay, tuyệt đại đa số vụ
khiếu kiện đất đai phức tạp dai dẳng và phản ứng quyết liệt đều rơi vào trường
hợp thu hồi đất để giao cho chủ dự án kinh doanh sinh lời, với giá áp đền bù
quá bèo bọt, quan chức lạm quyền nhũng nhiễu cấu véo vòi vĩnh cả hai phía.
Trong phần lớn các trường hợp thu hồi đất để xây dựng công trình an ninh, quốc
phòng, hoặc để phát triển hạ tầng quan trọng mang lại lợi ích thiết thực cho
cộng đồng, người dân đều đồng tình và chấp nhận thiệt thòi do bồi thường chưa
thỏa đáng.
1 nhận xét:
May mà Viết chết đi thì đình chỉ vụ án được .Nhưng nếu Viết còn sống khối thằng cán bộ Thái Bình đi tù như chơi...Dù chết nhưng Viết cũng rất nhân đạo nhiều cán bộ Thái Bình thầm cảm ơn Viết .
Đăng nhận xét