1.Từ đạo “làm người” đến đạo
đức công vụ
Từ đạo “làm người”...
Trước khi trở thành công chức, làm ông to, bà lớn hoặc quan cách
mạng chúng ta đều là con người. Nhiều khi chính ta lại ít quan tâm đến thân
phận làm người của ta, mà chỉ chăm chăm quan tâm đến địa vị làm quan, mặc dù
làm người, xét trên khía cạnh nền tảng, thì có ý nghĩa quan trọng nhất. Mạnh Tử
dạy “nếu không rèn luyện được thành người, sẽ thành súc vật”. Mục đích đầu
tiên, xuyên suốt của việc học là để thành người. Điều này không chỉ vì mục tiêu
nhiệm vụ trước mắt mà còn vì cả sự nghiệp lâu dài. Quản Trọng dạy rằng “Vì lợi
ích trăm năm không gì bằng “trồng người” (bách niên chi kế mạc như thụ nhân).
Muốn thành người thì phải tự giáo dục và giáo dục. Tự giáo dục là
tự mình tu dưỡng, rèn luyện. Điều này cực kỳ quan trọng. Mỗi người không tự
giác tu dưỡng hằng ngày như chuyện rửa mặt và suốt đời thì dễ trở nên hủ bại.
Con người không tự giác gần như đồng nghĩa với không còn liêm sỉ thì mọi việc
coi như đã được an bài. Bộ máy, cơ chế hoạt động dù khoa học, đồng bộ đến mấy
nhưng do những người không tự giác, không còn liêm sỉ có khi biến bộ máy thành
công cụ để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Cùng với tự giáo dục tất nhiên phải giáo dục. Bởi vì, con người tốt
hay xấu, thiện hay ác, hiền hay dữ, “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Giáo dục
là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức nhằm bồi
dưỡng cho con người những phẩm chất đạo đức và những tri thức cần thiết để con
người có khả năng tham gia mọi mặt của đời sống xã hội. R.Tagore nói rằng “một
ngày mà quên giáo hóa ta lùi gần về thú tính ngay” .
Tự giáo dục và giáo dục, quan trọng nhất là giáo dục đạo đức. Nói
đạo đức thì quá rộng, vì đạo đức có nhiều lớp quan hệ. Có những phẩm chất đạo
đức cần cho hạng người này nhưng không cần cho hạng người khác. Có những phầm
chất đạo đức cần thiết cho mọi loại người. Trong một số công trình nghiên cứu
văn hóa Việt Nam có chất lượng, người ta quy văn hóa Việt Nam vào một điểm, đó
là nhân cách luận, tức tư cách và phẩm chất là khía cạnh quan trọng nhất của
con người Việt Nam. Từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt gặp ánh sáng khoa học, cách mạng
của chủ nghĩa Mác-Lênin thì hình thành nhân cách luận cách mạng.
Ở đây đang bàn tới đức “làm người”. Nói đến làm người thì điều quan
trọng nhất là tính trung thực. Không trung thực là giả dối, mà giả dối thì
không thể thành người đúng nghĩa là người. Cùng với trung thực và trên cơ sở
trung thực là đức cần, kiệm, liêm, chính. Đạo làm người cần những đức tính này
giống như trời thì phải có bốn mùa, đất thì phải có bốn phương. Thiếu một
mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức
thì không thành người. Với ý nghĩa sâu xa đó, chúng ta hiểu rằng, tại sao ngay
từ những năm 1925-1927, khi chuẩn bị cho việc lập Đảng để dẫn dắt dân tộc Việt
Nam thực hiện sứ mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, Hồ
Chí Minh đặt lên hàng đầu việc giáo dục, rèn luyện tư cách cho người cách mạng.
Vì sao như vậy? Vì con người cần đạo đức. Cách mạng cần đạo đức. ĐỖ VỠ TƯ
CÁCH LÀM NGƯỜI LÀ ĐỔ VỠ TẤT CẢ.
Đến đạo đức công vụ
Công chức Việt Nam là những công dân Việt Nam giữ một nhiệm vụ
trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân. Công chức Việt Nam phải đem tất
cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của
nhân dân mà làm việc. Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với
Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc
có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công
chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Trên cái nền đạo “làm người”, công chức Việt Nam có thêm những phẩm
chất đạo đức mới, hoặc cơ bản vẫn là những phẩm chất đạo đức “làm người” nhưng
nâng cao về chất lượng, phạm vi, độ đậm đặc.
Một trong những khía cạnh đặc trưng của đạo đức công vụ là nêu cao
tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, theo đúng đường lối nhân dân. Theo Hồ Chí
Minh, công chức chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ là đúng nhưng mới đúng
được một nửa, thậm chí chưa được một nửa. Phải chịu trách nhiệm trước nhân dân
nhiều hơn trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ cũng vì nhân dân mà làm
các việc. Nếu chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ là mới thấy Đảng và
Chính phủ mà chưa thấy nhân dân, trong khi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng
nhân dân; nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Hơn nữa nếu không
chịu trách nhiệm trước nhân dân là đưa Đảng, Chính phủ đối lập với nhân dân.
Thế nào là theo đúng đường lối nhân dân, chịu trách nhiệm trước
dân? Điều quan trọng nhất là tuyệt đối trung thành với lợi ích của đất
nước và luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Suy nghĩ
này phải thấm vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và trong
từng việc làm, hành vi cụ thể. Có hai cách suy nghĩ. Cách thứ nhất là mọi vấn
đề đều xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích bộ phận và lợi ích nhóm. Cách thứ
hai là xuất phát từ lợi ích nhân dân.
Nếu xuất phát từ lợi ích nhân dân thì sẽ không bao giờ có những câu
chuyện xảy ra như thời gian gần đây như ngực lép không được đi xe máy; xe không
chính chủ bị phạt; làm lại chứng minh thư nhân dân có tên cha mẹ; thịt chỉ được
bán trong tám tiếng; phạt người đi xe máy đội mũ rởm; phải nộp phí cả bảo trì
đường bộ và phí đường, v.v..
Một khía cạnh quan trọng
nữa của việc chịu trách nhiệm trước nhân dân là lời nói phải đi đôi với việc
làm. Nếu nói mà không làm, nói hay làm dở, nói nhiều làm ít thì phải chịu trách
nhiệm trước nhân dân bằng cách xin lỗi nhân dân, chịu các hình thức kỷ luật,
thậm chí nếu còn chút liêm sỉ thì xin từ chức. Bác dạy, “khi nào đồng bào cho
tôi lui thì tôi rất vui lòng lui” là dạy về văn hóa từ chức. Hiện nay cán bộ
đang mắc căn bệnh là nói, viết, trả lời báo chí rất hay nhưng trên thực tế lại
không phải như vậy. Trên diễn đàn Quốc hội, các chức danh do Quốc hội bầu hoặc
giới thiệu nói hay lắm, đúng như sách và nguyên lý, nhưng thực tế không như các
đại biểu nói. Vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống tham
nhũng... đang gây bức xúc xã hội. Nghị quyết chúng ta viết “việc gì lợi cho dân
thì phải hết sức làm; việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh; cán bộ phải
gắn bó máu thịt với nhân dân”... nhưng trên thực tế lại không phải hoặc chưa
phải như vậy. Nhân dân hoài nghi việc ta nói một đường làm một nẻo. Một hiện
tượng xấu khá phổ biến hiện nay là ngồi trong phòng lạnh làm chính sách, đã
được Bác Hồ cảnh báo cách đây gần 70 năm, đó là “làm việc theo cách quan liêu.
Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch,
viết chương trình, rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”[1].
Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương nhưng trên
thực tế nhiều việc làm trái với lời dạy và tấm gương của Người.
Bác dạy ta trọng dân, tin dân, gần dân, thương dân; nắm vững dân
tình, dân tâm, dân ý; quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân vận
nhưng ta không làm như vậy.
Bác dạy việc gì cũng phải bàn bạc với dân, giải thích cho dân hiểu
rõ, hỏi dân, và do dân quyết. Chúng ta làm ngược lại.
Bác dạy “phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành
cái đường lối để lãnh đạo quần chúng” thì đường lối của ta lại không xuất phát
từ ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của quần chúng, vẫn mang tính chủ quan, duy ý
chí.
Bác dạy “nghị quyết gì mà
dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân
chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[2] nhưng ta làm trái ý Bác.
Bác dạy cán bộ, vì lợi ích
của quần chúng mà làm nghĩa là “cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với
quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách
nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên
cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được
việc”. Cán bộ ta không làm như vậy, chỉ biết khư khư giữ nếp cũ, cái không hợp
cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới ra. Đó là thói
không phụ trách trước nhân dân “quá hữu”. Lại có hiện tượng “không phụ trách
trước nhân dân “quá tả”, tức không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay
đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang”[3]. Dân hoang mang
dẫn đến mất niềm tin, mà mất lòng tin là mất tất cả.
Một trong những điều gây băn khoăn, bức xúc trong dân chúng hiện
nay là chúng ta có nhiều cái sai nhưng không thấy ai, cá nhân nào chịu trách
nhiệm, và chịu trách nhiệm trước nhân dân, nếu có chủ yếu vẫn là chịu trách
nhiệm tập thể và chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng. Cán bộ, đảng viên thuộc lòng
nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, nhưng cá nhân chỉ xuất hiện
khi có thành tích, còn lúc có khuyết điểm thì chẳng thấy đâu.
Đạo đức công vụ còn phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Điều này
xuất phát từ đạo “làm người” như đã nói. Ở đây cần nhấn mạnh thêm, công vụ là
công chức làm nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. So với nhân dân họ là những người
ít nhiều có quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có quyền
mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi
tư”. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành công hay thất bại
đều do cán bộ tốt hay kém. Công chức mà suy thoái đạo đức thì nguy hại cho công
việc chung của đất nước, làm mờ, xấu hình ảnh của chế độ Cộng hòa Dân chủ
mà nội dung cốt lõi là dân là chủ, dân làm chủ, cán bộ là đày tớ của dân.
2. Đạo đức lãnh đạo chủ chốt
Từ đạo đức công vụ đến đạo đức
quan chức vừa là sự tiếp nối vừa là nâng cao. Quan chức từ công chức mà lên.
Công chức từ công dân mà lên và luôn luôn là công dân. Vì vậy đạo đức quan chức
trước hết và xuyên suốt là đạo “làm người”. Làm quan chức là làm người có trình
độ và đạo đức cao nhưng vẫn trên cái nền “làm người”. Mất tư cách làm người là
mất tất cả. Quan chức, nhất là quan chức lãnh đạo chủ chốt mà tha hóa về đạo
đức là mất vai trò lãnh đạo của Đảng, liên quan đến sự sống còn của chế độ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải nâng cao quan trí và đạo đức quan
chức. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt lại càng phải được rèn luyện cả hai mặt quan trí
và quan đức. Lâu nay ta mới chú trọng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh. Điều đó hoàn toàn đúng và còn phải tiếp tục học và làm theo hẳng
ngày, suốt đời. Bởi vì đạo đức là gốc của người cách mạng. Muôn sự thành công
hay thất bại đều do ta có giữ được đạo đức cách mạng hay là không. Nhưng tình
hình hiện nay đặt ra cho quan chức còn phải rèn luyện cả sự sáng suốt, tài
năng. Lãnh đạo không tài năng, không sáng suốt thì không phải là lãnh đạo. Đạo
đức và tài năng nằm ở BẢN LĨNH.
Đạo đức của người lãnh đạo chủ chốt, cùng với tính trung thực và
lòng trung thành tuyệt đối với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân như đạo đức công
chức, còn phải có bản lĩnh. Bản lĩnh vừa là nhân cách vừa là tài năng, nó
thể hiện đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình
không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm. “Dám nghĩ đến những “nghịch lý
táo bạo” chính là thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp
mình đang theo đuổi, dám chịu trách nhiệm với chính mình. Cái đó chính là bản
lĩnh” (GS. Tương Lai).
Rèn luyện bản lĩnh quan chức là thâu tóm cả đức và trí theo
tấm gương bản lĩnh Hồ Chí Minh. Là lãnh đạo chủ chốt trước hết phải có chính
kiến và đấu tranh bảo vệ chính kiến đó. Chính kiến của Bác cách đây 102 năm là
không a dua theo suy nghĩ của nhiều người lúc đó, trong đó có cả ý kiến của
người cha thân yêu, khi họ nêu câu hỏi nước nào có thể giúp mình phá bỏ được
ách đô hộ của người Pháp. Người tự thấy mình phải đi ra nước ngoài, sang ngay
chính nước Pháp nơi có kẻ thù đáng áp bức mình để xem họ làm thế nào rồi trở về
giúp đồng bào.
Bản lĩnh của người lãnh đạo
chủ chốt hiện nay là thay vì việc chê bai người khác hoặc là đổ lỗi cho khách
quan, hợp lý hơn là tự chê trách, tự chỉ trích. Trong thư trả lời ông H
(Thương Huyền) năm 1925, Bác viết rằng chúng ta phải tự hỏi: “Tại sao nhân dân
ta lại dại dột như vậy? Tại sao chúng ta lại không đưa được sự nghiệp cách mạng
đến thành công? Vậy nay chúng ta phải làm gì?
Chưa đầy một tháng sau ngày Tuyên ngôn độc lập,
Bác viết bài “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích”. Bài viết
nhấn mạnh “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một
chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh
táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai
hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh
táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước... Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì
không bao giờ tấn tới được”.
Thế giới thay đổi từng ngày, cuộc sống thay đổi từng giờ mà chúng
ta không dám nghĩ đến những “nghịch lý táo bạo”, tư duy theo lối mòn, nói theo
sách, người sau nói theo người trước, thập niên này nói lại tư duy của thập
niên trước thì không bao giờ đạt được mục đích. Kant, nhà triết học Đức vĩ đại
nói rằng “hãy dám có tư suy sáng suốt! Hãy dám sử dụng lý trí của chính mình!”.
Thế giới toàn cầu và cuộc cách mạng tri thức không có đất sống cho tư duy
thiếu vắng sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng lý trí mà không cần đến sự chỉ
đạo - tư duy theo kiểu “ổn định bền vững”. Đừng vì tư duy thiếu sáng suốt của
quan chức mà đẩy đất nước đang phát triển đến một đất nước khó phát triển.
Hiện nay chúng ta đang có cơ hội lớn khi Quốc hội họp bàn định việc
sửa đổi Hiến pháp năm 1992, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu
hoặc giới thiệu. Bản lĩnh quan chức ở đâu là một câu hỏi lớn mà nhân dân và
lịch sử đang mong đợi. Đừng để đất nước và nhân dân thất vọng, phải tiếp tục
trả giá đắt vì quan chức thiếu bản lĩnh. Một suy nghĩ, một phát biểu, một cái
ấn nút thiếu bản lĩnh có thể kéo lùi lịch sử dân tộc mấy chục năm. Ngược lại,
một tư duy sáng suốt, có bản lĩnh sẽ đem lại nhiều giá trị bền vững, đưa dân
tộc đến với thế giới, sánh vai cùng nhịp bước thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét