24 tháng 9, 2013

Tham nhũng từ chủ trương đầu tư

Tại ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 21 diễn ra hôm qua (23-9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật Xây dựng
Trình bày tờ trình dự thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết: Luật Đầu tư công quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái, trái phiếu, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.
Công trình bỏ hoang, không ai chịu trách nhiệm
Người đứng đầu Bộ KH-ĐT tự tin khẳng định: “Tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công xuất hiện chủ yếu từ khâu quyết định chủ trương đầu tư. Do vậy, luật sẽ quy định thẩm quyền và trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư”.
 Ông Vinh nêu dẫn chứng: Công trình đường ven biển miền Trung không có người sử dụng, hàng loạt chợ dân sinh, trung tâm thương mại tại cửa khẩu… bỏ hoang nhưng không ai chịu trách nhiệm.
“Công trình thủy lợi dự tính cung cấp nước cho 1.000 ha nhưng làm xong chỉ phục vụ được 500 ha rồi đổ lỗi do thiết kế sai. Đó là ngụy biện” - ông Vinh gay gắt.
Ngoài ra, điểm mới của dự luật là quy định vốn phải đạt 80% mới triển khai dự án, tránh tình trạng cấp vốn nhỏ giọt, kéo dài, gây lãng phí. “Dự án mấy chục ngàn tỉ đồng quyết định một phát xong ngay, đến lúc không có tiền vẫn phải lao theo. “Vẽ” đường ra để “chạy”, rồi “treo” đến 10-15 năm không làm nổi” - Bộ trưởng nêu thực tế.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu giá trúng thầu và thanh toán không là một thì không chống được tham nhũng
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu dự luật phải đạt mục tiêu giá trúng thầu và giá thanh toán là một. Một giá sẽ tránh chuyện điều chỉnh triền miên, chỉ điều chỉnh giá thanh toán trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai. Không để như hiện nay, trúng thầu 100 tỉ đồng, khi thanh toán lên đến vài trăm tỉ đồng là bình thường. Dự luật không giải quyết được vấn đề này sẽ không chống được tham nhũng.
 “Luật phải buộc chặt, quyết định đầu tư không trúng, ai là người chịu trách nhiệm” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị đối với các hành vi bị cấm cần thêm mục thay đổi giá thành, thanh toán cao hơn so với đấu thầu.
Hạn chế việc thay đổi quy hoạch xoành xoạch
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xây dựng. Góp ý về dự luật quy định thưởng vượt tiến độ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu, nêu việc đường cao tốc vành đai 3 (Hà Nội) làm xong xin thưởng 197 tỉ đồng nhưng chỉ sau 10 tháng thông xe lại có vấn đề. Trong dự thảo luật có quy định hoàn thành vượt tiến độ được thưởng 5% tổng khối lượng hoàn thành. Như vậy, nếu dự án trị giá 10.000 tỉ đồng thì 5% sẽ rất lớn. Ông Giàu đặt vấn đề nếu có thưởng thì cũng phải quy định phạt chậm tiến độ.
Góp ý dự luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quy định cấp phép xây dựng phải cụ thể hóa trong luật vì hiện nay, việc cấp phép xây dựng rất tùy tiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế việc cấp phép khai thác mỏ như “cứ ký rồi không ai chịu trách nhiệm”. “Vụ ông bán thịt chó tại Nghệ An cũng có giấy phép đào mỏ do người khác bán lại, dẫn đến sập mỏ chết người. Ông cấp phép có biết không” - Chủ tịch QH nói.
Góp ý về nội dung quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: Dự luật chưa làm rõ việc hạn chế tình trạng quy hoạch thay đổi xoành xoạch như vừa qua. Tán đồng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải gắn trách nhiệm người ký ban hành quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng không quản lý được đô thị đâu nếu cấp phép như hiện nay. Nhà mặt tiền 2 m cũng cấp phép xây dựng tới 7 tầng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Thế Dũng

Không có nhận xét nào:

Trang