Chuyện rằng: Ngày xưa, có một người chuyên làm
nghề mổ lợn, nhà ở cạnh chùa, dân làng quen gọi hắn là Đồ Tể. Hằng ngày, cứ mờ
sáng hễ nghe tiếng chuông chùa là Đồ Tể thức dậy mổ lợn. Đêm nọ, sư cụ được báo
mộng: có một người đàn bà dắt 5 đứa con đến chùa xin cứu mạng, khẩn cầu Sư Cụ
sáng hôm sau hãy đánh chuông chậm hơn thường ngày. Sư Cụ phát tâm thực hiện
đúng lời thỉnh cầu trong mộng. Vì vậy, sáng hôm sau Đồ Tể dậy muộn nên bị lỡ
buổi chợ. Nhưng may thay, con lợn ấy lại đẻ được 5 chú lợn con. Khi nghe được
câu chuyện về giấc mộng của Sư Cụ thì Đồ Tể hối hận vô cùng vì lâu nay bàn tay
mình đã giết hại vô số sinh linh. Đồ Tể liền quay về nhà cầm con dao bầu chuyên
hành nghề sang cắm giữa sân chùa thề với Trời Phật rằng từ nay xin giải nghệ.
Kỳ lạ thay, con dao bầu ấy đã hóa thành một loại
cây có lá màu đỏ như máu, sắc nhọn như lưỡi dao, người đời đặt tên là cây Huyết
dụ hay cây Phật dụ.
Giữa trưa mà Hà Nội không có nắng về, không khí
ươn ả, chộn rộn như bị những tin đồn về sức khỏe của “Cụ Rùa” ngàn năm tuổi
khỏa lấp, trời không có mây mà như thiếu sáng, ớn lạnh. Cả mấy trăm con người
già trẻ, trai gái từ khắp nơi đổ về vây quanh hồ Hoàn Kiếm, chen lấn nhau để cố
nhìn cho bằng được cụ Rùa, nhưng chỉ thấy mênh mông một bể nước bùn như vừa có
chiếc ca-nô hút bùn rồ máy chạy qua khuấy đảo đục ngầu. Tôi canh chừng cả buổi
sáng mà không săn được “pô” nào, nên đóng nắp máy ảnh, định đi ra cầu Chương
Dương chụp bức tranh gốm “Rồng thời Lý” mới khánh thành trên đường Gốm Sứ ven
sông Hồng.
Vừa thoát ra khỏi đám đông hỗn độn, đi đến Tháp
Hòa Phong thì tôi nghe có tiếng gọi tên mình phía sau, ngoảnh lại, thấy một
người râu tóc bạc trắng, trong chớp thoáng tôi chưa thể nhận ra là ai? Ông mặc
bộ véc màu ghi, quàng chiếc khăn len sọc đỏ trẻ trung, cùng với chiếc mũ da màu
đen đội lệch kiểu “Tra-pa-ép”, như để trang trí hơn là giữ ấm. Ông bước lại
gần, đưa cả hai bàn tay vẫn còn đeo găng nắm chặt tay tôi, hồ hởi: Hậu bang
“Cò” đây! Tôi phì cười vì cái “biệt danh” rất khó quên này. Hóa ra là Hậu Lò
Đúc, bạn học với tôi thời phổ thông cấp ba, có cuộc tình “tai tiếng” cách đây hơn
40 năm mà tôi vẫn còn nhớ như in.
Bất ngờ gặp được “chứng nhân” của cuộc tình xưa, Hậu
đứng lặng người, bộ râu quai nón trắng phớ đã che lấp gương mặt nên không biết
ông vui hay buồn. Sau khoảng rỗng mênh mang để mặc cho hồi ức ùa về, đôi mắt u
sầu của Hậu bỗng nhòa đi. Ông đằng hắng một tiếng để thoát ra khỏi nỗi ám ảnh,
rồi nói nhanh như thu ngắn quãng thời gian mấy mươi năm rời bỏ quê hương: “Năm
ấy, tôi thi trượt đại học, may mắn được gọi vào Sư phạm 10+2. Ra trường vài năm
được ông bác xin cho đi học ở Liên Xô. Chẳng được bao lâu thì bác ấy hết hạn
công tác phải về nước, tôi cũng bỏ học giữa chừng ra ngoài làm ăn, rồi cưới
“đại” một cô vợ Nga, nhưng ngặt nỗi là Na-ta-sa không sinh con, chúng tôi sống
với nhau đến khi bà ấy qua đời. Tuổi già hiu quạnh ở nơi đất khách quê người,
tủi quá, tôi quyết định trở về nước để sống những ngày cuối đời ở thành phố quê
hương mình. Vừa rồi, “bầu đàn thê tử” nhà ông bác về giỗ tổ, thấy tôi lủi thủi
tội quá, anh cả bảo tôi khóa cửa, gửi nhà, đón ra Hà Nội vui với các cháu dăm
bữa nửa tháng. Thế là tôi nhận lời ra Thủ đô. Suốt ba ngày tết cứ quanh quẩn trên
căn gác năm xưa ở cuối phố Lò Đúc, hôm nay tôi mới tản bộ ra phố.
Câu chuyện níu kéo chúng tôi về tận quán Café Long
Vân, trước hiệu ảnh Lai Xá, nơi mà người “vợ hụt” của Hậu đã lên xe hoa với
người đàn ông khác. Chúng tôi ngồi im lặng, nhìn những giọt café đen quánh, nối
nhau rớt xuống xói mòn những viên nước đá lạnh buốt, như khoét sâu nỗi đau
trong lòng người đàn ông ở tuổi xế chiều đang nhớ về người con gái tên là Ngà -
Ngà Nữ hoàng Merce.
Ngà là con gái thứ tư của chủ hãng buôn Việt Nhân
nổi tiếng ở phố Phùng Hưng, Hà Nội, chuyên buôn bán vải Bông Bay. Thời Pháp
thuộc, hãng Việt Nhân “chơi” nghiêng ngửa với hội “Tây đen bán vải Hàng Đào”.
Hãng phất lên như thổi, chẳng mấy chốc cụ Việt Nhân đã tậu được mấy ngôi nhà
hai, ba tầng ở phố Hàng Trống. Hồi “Công Tư Hợp Doanh”, cụ bà giấu 20 lạng vàng
phía sau khung ảnh thờ Phật treo ở phòng khách. Cụ ông biết việc này, đã khai
hết với Đội công tác, rồi hiến tuốt cùng với nhà, xưởng vào Hợp doanh để đổi
lấy sự yên ổn học hành cho 7 người con giai, gái của cụ. Cũng bởi cơ sự ấy mà
hai cụ thành “mặt giăng, mặt giời” cho đến tận cuối đời.
Chị cả lấy chồng sớm, mọi việc trong cái gia đình
“phá sản” này đều do một tay Ngà lo toan. Cô có tính tự lập từ bé, học giỏi
nhưng vẫn đảm đang mọi việc. Ngà không đẹp kiêu sa như mẹ, mà cô được trời phú
cho đôi mắt nâu huyền diệu với cặp chân mày thanh tú và đôi môi thắm hồng tự
nhiên lúc nào cũng hồn hậu, ấm áp. Cô sống giản dị, khiêm nhường, bạn học đặt
cho Ngà biệt danh là “Nữ hoàng Merce”, bởi vì cả trường chỉ mình cô có chiếc xe
đạp rất quý phái nhãn hiệu “Merce duxra” do Pháp chế tạo hoàn toàn bằng duxra
bóng loáng, bền và nhẹ tênh.
Tôi cùng học với người anh của Ngà, thấy tôi học
giỏi mà chỗ ăn ở lại rất khó khăn nên anh rủ về ở cùng. Bố mẹ Ngà mừng rỡ đón
tôi như một “gia sư”. Chân ướt chân ráo, mới ở Nam Định lên Hà Nội tôi rất ít
bạn bè, nên ngoài giờ học, ở nhà tôi chỉ biết “ôm sách”. Cuốn giáo khoa nào của
các em tôi cũng đọc đến thuộc lầu, có thể “nhắm mắt” giảng bài là các cô cậu đã
phục sát đất. Đôi lần vắng tôi bà cụ rí rỏm hỏi: Cái con “mọt sách” đi đâu mà
giờ này chưa về nhỉ? Từ đấy, các con cụ học hành chăm ngoan hẳn lên.
Ngà yêu Hậu đầu đuôi thế nào thì tôi không biết,
nhưng chắc chắn một điều rằng: hiếm có đôi trai gái ở thời buổi ấy dám yêu nhau
xoắn xuýt công khai như họ. Đã thành lệ, cho dù trời mưa to gió lớn đến đâu, cứ
chạng vạng tối là Ngà mượn cớ đi đổ rác, để chạy ù ra ngõ ngóng nhìn bóng Hậu
đạp xe lướt qua, cô mới yên dạ vào nhà…
Hậu từ Vinh chuyển ra Hà Nội từ hồi học cấp 2 để
trông nhà cho ông bác ruột, tên là Ngô Vĩnh, cán bộ của Bộ Ngoại thương đang
công tác ở Liên Xô. Không hiểu nguyên cớ gì, có lẽ từ thời Công tư Hợp doanh,
mà khi biết Ngà yêu cháu ruột ông Ngô Vĩnh, thì cả nhà cụ Việt Nhân phản đối,
ghét Hậu ra mặt.
Ngà biết cuộc tình của mình bị trắc trở, nhưng cô
vẫn một mực chung tình với Hậu. Ngà yêu anh đến mộng mị, cuồng si, bất chấp
“gia phong”, đã có lần Ngà dám to tiếng cả với mẹ để bảo vệ tình yêu của mình -
điều này ngay đến cụ ông cũng chưa từng. Tình thế nghiệt ngã buộc Ngà phải lựa
chọn: Hậu hoặc gia đình? Bởi vậy, đã nhiều đêm cô mất ngủ, vật vã, cân nhắc,
Ngà mới đi đến một “hạ sách” mà trong lòng cô day dứt, không yên…
Bỏ giờ học, Ngà về nhà thay tấm áo sơ-mi trắng
mới, cẩn thận treo chiếc túi Du lịch nhỏ vào ghi-đông xe đạp, rồi lặng lẽ dắt
chiếc Merce duxra đi về phố Lò Đúc đón Hậu lên nhà hàng Phú Gia cùng ăn bữa cơm
“ly biệt”.
Trưa hè tạnh nắng, ánh sáng hắt nhẹ lên hàng chữ
“Nhà hàng ăn Âu, Á - Phú Gia” đắp nổi bằng xi măng chạy dài hết mảng tường mặt
tiền của tầng hai tòa nhà, sơn đã bong tróc, có lẽ mấy năm nay chưa được tô
quét lại.
Ngà chọn chiếc bàn nhỏ trải khăn vải trắng, kê sát
cửa sổ nhìn ra Hồ Gươm. Màu Phượng vĩ đỏ ối trước khung cửa kính, hoa lá ken
nhau che khuất cả tầm nhìn. Hai người ngồi đối diện, Ngà nói nhỏ đủ để Hậu
nghe: Em không thể thuyết phục được gia đình cho hai chúng mình đến với nhau.
Em cũng đã nghĩ đến việc chúng mình bỏ trốn đi thật xa, lên tận Hát Lót, Sơn La
cũng được. Nhưng biết trốn đi đâu hở anh? Rồi cô ngập ngừng, nói trong nước mắt:
Bữa cơm hôm nay là lần cuối chúng mình bên nhau. Vì sống mà không lấy được nhau
thà chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm cũng là nguyện ước của chúng mình anh
ạ! Hậu nghe Ngà nói mà nổi da gà, nhưng bàn tay anh vẫn cố nắm chặt tay Ngà như
để biểu lộ sự đồng tình với người yêu.
Thức ăn rất ngon nhưng không ai nuốt được, bữa cơm
phải bỏ dở giữa chừng.
Sánh vai nhau ra khỏi nhà hàng Phú Gia, chiếc xe
đạp bóng loáng chở đôi tình nhân vòng lên quán hoa tươi Bờ Hồ sát Tháp Hòa
Phong. Ngà xuống xe, gom tất cả những bông huệ Dạ Lai Hương, loài hoa chỉ tỏa
thơm về ban đêm, như thể cô mua hết cả chợ hoa về cho mình. Hai người vội vã
lên xe trong sự ngơ ngác của bà chủ hàng hoa làng Ngọc Hà.
Phố Lò Đúc yên ắng đến mỏng cả chiều hè, hàng cây
cổ thụ cao vút, đứng lặng thinh như đang chờ đàn cò trắng lầm lũi kiếm ăn chưa
về, những chú cò con ngót dạ, đói lòng đành khép mỏ thiêm thiếp ngủ… Chiếc xe
đạp Merce chở đôi tình nhân lăn bánh trên con đường rộp trắng phân cò…
Nhà ông Ngô Vĩnh ở gác hai, chung trong một ngôi
biệt thự cổ, mặt tiền nhìn ra phố, có cầu thang đi riêng ở sân sau. Căn phòng
bị chia đôi bởi một sợi dây thép buộc căng, cao vừa tầm với, dùng làm dây phơi.
Nửa phía trong, chứa của nả mà bà bác tích cóp ở nước ngoài gửi về, những thùng
hàng còn nguyên đai thép, xếp chồng lên nhau, bên trên phủ vải nhựa, để lộ hàng
chữ CCCP màu đỏ chót. Nửa căn phòng nhìn ra đường dành để ở và sinh hoạt hàng
ngày. Một bộ bàn ghế bằng gỗ dán kê gần cửa sổ vừa để tiếp khách, vừa là bàn
học của Hậu, chiếc tủ đứng hai buồng kê cạnh giường ngủ, một cái quạt “Tai voi”
còn mới nguyên, được đặt trên một hòm tôn mạ có khóa cẩn thận là tài sản riêng
của Hậu.
Đôi bạn trẻ hối hả thu gọn đồ đạc trong phòng, Ngà
gấp mấy chiếc quần áo trên dây phơi. Hậu lật đật múc nước đổ vào bình sứ đã cắm
đầy hoa huệ, rồi đem đặt giữa phòng. Ngà lúi húi xếp những bông huệ còn lại
thành đôi, rồi đặt từng hàng song song với những viên gạch trên nền nhà. Cánh
cửa phòng khép lại, không gian như tối dần, những bông Dạ Lan Hương đua nhau
tỏa hương thơm ngào ngạt.
Ngà trải lại chiếc chiếu hoa trên giường cho thật
ngay ngắn, rồi lấy từ trong sắc du lịch chiếc vỏ gối bằng vải phin trắng được
thêu rất cầu kỳ một đôi chim câu đang mớm mỏ nhau, Ngà nhẹ nhàng vuốt phẳng
chiếc vỏ gối mới, rồi phủ lên chiếc gối Hậu đang dùng. Ngà như giấu hơi thở
dài, rồi nhẹ nhàng thả mình nằm xuống, rồi nhìn Hậu, nói như dặn dò: Em sẽ nằm
như thế này để “đi” trước, anh hãy hôn từ biệt em rồi “đi” sau. Em chờ anh ở
thế giới bên kia! Ngà nhắm mắt để lấy thêm can đảm, rồi cô đứng dậy, kéo chiếc
ghế “ba nan” sát lại, khẽ khàng ngồi xuống, âu yếm vòng tay ôm thật chặt thân
hình vạm vỡ của Hậu như sợ anh biến mất. Hai người ngồi im lặng nhìn xuống mặt
bàn bày trơ vơ hai chiếc cốc thủy tinh Thanh Đức(*). Ngà nghiêng người cúi
xuống lấy từ trong sắc du lịch ra một gói nhỏ, dỡ bỏ lớp giấy gói ngoài, để lộ
chai nước phơn phớt màu huyết dụ, Hậu rùng mình đoán là rượu độc. Ngà bậm môi
lấy sức để mở nút chai, rồi từ từ rót thứ nước mầu huyết dụ vào đều hai cốc. Cô
đặt cốc rượu trước mặt Hậu, lặng lẽ chờ đợi như một “đòn cân não”. Hậu dán mắt
vào cốc nước bí ẩn, anh ngập ngừng toan ngăn sự điên rồ của Ngà lại. Nhưng
không kịp nữa rồi, Ngà đã bất ngờ đưa cốc lên môi, uống một hơi hết phần rượu
dành cho mình. Cô buông tay, chiếc cốc thủy tinh rơi xuống nền gạch vỡ tan,
cùng lúc Ngà ngã sóng xoài trên sàn gạch men lạnh ngắt.
Hậu kinh hãi tột độ, rú lên rồi bỏ chạy như lao
xuống cầu thang. Ngà mở choàng mắt, nhìn theo tuyệt vọng. Cô chồm lên, gọi như
quát: Hậu! Đứng lại, si-rô đấy, không phải thuốc độc đâu!
Như ma túm gáy, Hậu bàng hoàng khựng lại đúng bậc
thang thứ tư - bậc “tử”!
Ngà vuốt lại mái tóc, kéo ngay ngắn đôi vạt áo
trắng, bước ra khỏi căn phòng còn vương mùi Dạ Lai Hương, thanh thản chia tay
với mối tình đầu./.
Đinh Quang Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét