13 tháng 9, 2013

Cửa bể chiều hôm…

Cửa sông - cửa bể vốn là khúc cuối cùng của những con sông, là chỗ con nước dùng dằng níu kéo, vương vấn với lòng sông mẹ trước khi xuôi ra biển...

Những con sóng hăm hở nhoài mình ra biển lớn rồi lại xấp xoi ngoái mình trở lại, đôi ba lần dùng dằng như thế mới chịu xuôi ra vùng biển mặn… Bất cứ khi nào đứng ở chỗ cửa sông, tôi đều có cảm giác rợn ngợp như tâm thế của một đứa con đến tuổi trưởng thành rời xa cha mẹ bước vào mênh mông đời sống…
Cửa bể chiều hôm.
Quê tôi ở miền núi, nhà sát mé sông, thuở nhỏ đã thường ê a “nước trôi ra bể lại mưa về nguồn”, nhưng kỳ thực nước sông trôi ra bể ở đoạn nào, biển cả như thế nào thì phải đến năm ngoài 20 tuổi tôi mới được tận tường. Sau này, trong những chuyến công tác, có dịp ghé các cửa sông nhiều hơn, tôi mới hiểu đó không chỉ là nơi để con nước nhoài mình ra biển, đó còn là nơi lưu dấu những trận đánh lịch sử của các đời vua chúa từ ngàn xưa, đồng thời cũng là nơi kiến tạo nên những nét văn hóa độc đáo của ngư dân vùng ven sông, ven bể.
Không bạn đồng hành, tôi bắt đầu chuyến đi về các cửa sông của Hà Tĩnh bằng ký ức về buổi trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh. Theo ông thì Hà Tĩnh trước đây có rất nhiều cửa sông nhưng đến nay chỉ còn 4 cửa chưa bị vùi lấp là Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu. Trong đó Cửa Hội là lớn nhất, nổi danh với câu “Cửa Hội khó vào, cửa Trào khó ra”.
Cửa Hội vốn là cửa chung của vùng Nghệ - Tĩnh. Đây là điểm cuối cùng trong 600 km dằng dặc của sông Ngàn Cả. Vượt qua 130 thác ghềnh, hợp lưu nhiều con sông nhỏ, mỗi năm sông Ngàn Cả hòa vào đại dương khoảng 20 tỷ m3 nước qua Cửa Hội. Cửa Hội xưa kia có tên là Đai Nhai hải môn hoặc Đan Nhai – Bờ Son bởi mỗi lần dong thuyền từ khơi xa về chỉ thấy một vùng đỏ ối, về sau được gọi theo tên làng Hội Thống (nay là Xuân Hội, Nghi Xuân) nằm ven chân sóng. Theo truyền thuyết, nơi đây từng là nơi diễn ra những trận đánh giữa vua Hùng với vua Thục (trước Công nguyên). Làng Hội Thống theo nhiều kết quả nghiên cứu, được hình thành từ thế kỷ XVI, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề biển, nhưng nghề biển từ xa xưa đã là một ưu thế. Cư dân ở đây cũng sớm sáng tạo ra những tục lệ trong tín ngưỡng và đời sống mà nhiều nơi khác hiếm có như tục rước đồ mã, lễ Trung nguyên, lễ cầu ngư. Trong đó, lễ cầu ngư và hội chèo bơi là một nét văn hóa đặc sắc còn tồn tại đến ngày nay.
Lễ hội đền Lê Khôi (Cửa Sót - Lộc Hà)
Nếu như trước đây Hội Thống chưa có ai có tài sản tới vài vạn quan tiền hoặc vài nghìn bạc trắng, kể cả vạn biển (đánh cá ngoài khơi) lẫn “vạn rùng” (đánh cá trong lộng) dẫu có “thượng gia hạ thuyền” cũng chỉ là người làm thuê làm mướn, thì ngày nay tình hình đã đổi khác rất nhiều. Cửa Hội nước lớn và sâu, thuận lợi cho thuyền có trọng tải lớn ra vào. Ngư dân vùng Cửa Hội đã tận dụng lợi thế đó, mạnh dạn đầu tư mua thuyền công suất lớn với giá 3-4 tỷ đồng để đi biển. Xuân Hội hiện có 13 đội thuyền, mỗi đội có từ 18–20 lao động. Những ngư dân quen đánh cá trong lộng giờ đã vươn khơi làm giàu, trở thành những tỷ phú, triệu phú.
Cách Cửa Hội chừng 30 km là Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà). Nói là sót nhưng không hề bị bỏ quên, trái lại, vùng cửa sông này lại luôn được nhắc đến trong sử sách, trong dân gian. Theo nhà địa phương học Võ Hồng Huy thì: “Mỗi khúc sông, ngọn núi, mỗi phiến đá, dòng khe ở đây đều mang trong nó nét kỳ vĩ, duyên dáng riêng cùng nhiều truyền thuyết rất đẹp”. Quả đúng như vậy, chỉ cần đứng trên cảng cá Thạch Kim ta cũng có thể thu vào tầm mắt mình muôn vàn cảnh đẹp. Những hòn Bớc, hòn Én huyền hoặc trong sương xa, đền Lê Khôi thâm trầm trên dãy Nam Giới, trạm hải đăng như mắt biển sáng ngời và thuyền bè lững lững trôi với quốc kỳ tung bay kiêu hãnh… Chỉ ngắm nhìn thôi cũng đã thấy nghèn nghẹn trong lòng tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển cả bao la…
Từ những nguồn khác nhau, 3 con sông Cày, Rào Cái và Nghèn đổ vào sông Sót rồi qua Cửa Sót ra biển. Cửa Sót rộng khoảng 700m nhưng trước đây nước trong lạch Sót hơi nông, chính vì thế tàu thuyền lớn muốn neo lại phải đỗ ở Vũng Ông (còn gọi là Vũng Rồng – trước đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi). Chính vì thế mà Lê Thánh Tông từng viết: “Vũng Rồng đèn rực cầu tàu/ Dân chài, mũi Nghé, khố đeo đầy thuyền”. Nếu như Cửa Hội là nơi khó vào thì Cửa Sót lại là nơi thuyền bè vào ra thuận lợi. Sử sách cũ đều ghi nhận, các cuộc chinh chiến, tuần du của vua chúa hoặc quan quân các triều đại đều lấy Cửa Sót làm bàn đạp để đi vào hoặc đi ra, thậm chí thuyền buôn nước ngoài cũng từng neo đậu ở đây khá nhiều. Ngày nay, Cửa Sót được đầu tư nạo vét, trở thành âu tránh bão cho tàu thuyền của ngư dân bốn phương.
Chợ cá Cửa Nhượng
Ngư dân vùng ven Cửa Sót cũng đã sớm biết khai thác lợi thế, tiềm năng của vùng cửa sông, cửa bể. Họ sớm hôm chăm chỉ chài lưới, từ chỗ chỉ ăn ở trên thuyền đã biết lên bờ, sắm thuyền lớn dong khơi. Chợ cá Thạch Kim còn gọi là chợ Hôm, vốn là nơi ngư dân trao đổi hàng hóa từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa đặc trưng của nhân dân vùng Cửa Sót. Không kể lúc nước lớn, nước ròng, không kể ngày biển động, biển êm, có ít mua ít, có nhiều mua nhiều, đã thành lệ, cứ đầu chiều là chợ lại tấp nập kẻ mua người bán trong loang loáng ánh mặt trời, trong ì oàng sấm những ngày dông gió. Những nụ cười sông nước, vất vả mà rắn rỏi, mặn mòi mà phơi phới niềm tin.
Lẽ ra, theo hành trình từ Bắc vào Nam, điểm đến thứ 3 của tôi phải là Cửa Nhượng nhưng tôi lại vào Cửa Khẩu (Kỳ Ninh - Kỳ Anh). Cửa Khẩu - như nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh nói với tôi “là cửa sông, cửa bể quan trọng ở nam Đại Việt” hiện ra trước mắt tôi trong màu xanh thơ mộng của buổi nước trời mùa thu êm ả. Cửa Khẩu vốn là tên gọi tắt của Kỳ Hoa hải khẩu (cửa biển Kỳ Hoa). Sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam tạo thành một vũng nhỏ dài khoảng 10 km gọi là sông Cửa Khẩu hay sông Vịnh. Ca dao xưa cũng từng đề cập đến vùng sông nước này: “Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn kiếm đôi”, ý chỉ nơi đây nước ngọt, mát trong nên cá tôm thường tìm về sinh sôi, phát triển. Đây là nơi lưu dấu nhiều sự kiện quan trọng từ thời lập quốc. Từ thời Chiêm Thành vượt Hoành Sơn cướp phá, chiếm đóng Đại Việt, Cửa Khẩu đã là vị trí xung yếu của quân Chăm-pa. Đến thời Lê, nơi đây lại càng là vị trí quân sự trọng yếu trong các cuộc nội chiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn… Nơi đây còn có huyền tích về Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là bà Hải) được nhân dân lập đền thờ. Ngày nay, lễ hội đền bà Hải và tục dâng bánh chưng thờ ngày tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống linh thiêng thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.
Tận dụng những tiềm năng, lợi thế của vùng cửa bể, nhân dân xã Kỳ Ninh không chỉ bám biển, bám thuyền ra khơi vào lộng đánh bắt hải sản mà còn biết sáng tạo nên nhiều nghề liên quan đến chài lưới, cá, tôm. Ông Nguyễn Văn Danh – Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh cho biết: “Cùng với Kỳ Hà thì Kỳ Ninh là một trong những xã phát triển nghề biển mạnh nhất huyện. Không chỉ thế, Kỳ Ninh còn là nơi có nhiều HTX nhất của huyện với đủ các nghề chế biến thủy hải sản, đan lưới, sản xuất ngư cụ…”. Từ chỗ là vị trí quân sự trọng yếu, ngày nay, nhân dân Kỳ Ninh đã biết khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng Cửa Khẩu, biến nơi đây thành “bàn đạp” để vươn khơi, làm giàu từ những ân điển của biển cả.Nương theo câu ca: “Cá Cửa Nhượng, khoai mục bài/ Khuyên em về huyện Cẩm kẻo một mai tiếc thầm”, tôi tìm về Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên). Không có được lưu lượng nước lớn như Cửa Hội, không có được vị trí trọng yếu như Cửa Khẩu, Cửa Sót nhưng Cửa Nhượng - điểm cuối cùng trong hành trình của tôi lại là một vùng sông nước hữu tình. Đây là một trong “mười hai cửa bể” nổi tiếng Xứ Nghệ thời xa xưa. Cửa sông này nằm trên địa phận xã Kỳ La xưa nên còn có tên gọi là Kỳ La hải khẩu, là một vùng non nước kỳ thú với núi Thiên Cầm (đàn trời), chùa Cầm Sơn, với cụm rú Đầu Voi (vốn được dân thuyền bè coi là hoa tiêu để vào cửa), với bờ biển trải dài thoai thoải… Chính vì vẻ đẹp thơ mộng ấy mà ngày nay, nơi đây trở thành khu du lịch nổi tiếng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thiên Cầm đang trên lộ trình xây dựng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia nên trong tương lai, Cửa Nhượng còn được biết đến nhiều hơn. Câu nói xưa của cha ông “Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn” vì thế vẫn còn phù hợp.
Nhượng Bạn xưa kia chỉ là một thôn nhỏ, toàn ở trên thuyền, lênh đênh trên mặt nước. Về sau được nhân dân địa phương nhường cho một dải đất lập ấp, lập xóm. Chính vì thế, cái tên Cửa Nhượng còn thấm đẫm nghĩa tình của bà con ven chân sóng. Đời sống phát triển, làng Nhượng Bạn nghèo nàn xưa kia nay đã đổi khác. Những con thuyền nhỏ đã đổi thành thuyền lớn, không chỉ ra khơi vào lộng, dân chài lưới Nhượng Bạn đã ra Bắc, vào Nam, ra tận vùng biển quốc tế để đánh bắt hải sản, trở thành những tỷ phú, triệu phú. Hàng năm, dù đi đâu làm đâu, đến ngày 8/4 âm lịch hàng năm, ngư dân vùng Cửa Nhượng cũng không quên hẹn nhau về để cùng nhau tổ chức lễ hội cầu ngư nhằm báo đáp công ơn của thần Nam Hải phù hộ cho ngư dân an lành, trời yên biển lặng, mùa màng bội thu. Và những ngư dân trên sông nước lại cùng nhau vui thú trong hội chèo cạn đặc sắc.
Những ngày mùa thu ra sông, ra bể quả là thú vị. Gió và nước cùng sắc trời đã mang đến những thềm ký ức mới mẻ trước ngôi nhà tâm cảm trong tôi. Ngược về thành phố, qua con đê đầy gió thổi tràn qua những ngôi nhà ngư dân nằm lặng lẽ, tôi lại mường tượng về những lễ hội mang đặc trưng văn hóa vùng cửa sông. Và những nụ cười hồn nhiên, vô tư lự của ngư dân trong những con tàu nằm đợi giờ ra khơi cứ lung linh như nắng trước mắt tôi. Cửa sông nơi con nước theo dòng ra bể nhưng cũng chính là nơi lắng đọng những tinh hoa văn hóa của một vùng quê sẽ mãi mãi là một nét duyên trong bức tranh chung về sông nước. Và khi rời những bến bờ ấy, lòng tôi cũng dùng dằng như con nước cửa sông…
                                                                                                                                     ANH HOÀI

Không có nhận xét nào:

Trang