12 tháng 9, 2013

Kỳ bí ngôi đình 4 xe tăng kéo không sập

Một ngôi đình nhỏ áp mình bên căn cứ địch, trải qua bao trận càn quét, đốt phá, chúng còn dùng 4 xe bọc thép quấn xích gầm rú suốt 2 tiếng đồng hồ nhưng không kéo đổ được. Sợ ngôi đình quá linh thiêng, chúng vội vái tạ rồi nhanh chóng rút quân...
Địa đạo bí mật dưới đình làng
Đình Thạch Tân chất chứa nhiều bí ẩn hiện nay nằm tại xã Tam Thăng (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Đây là ngôi đình độc đáo và cũng là căn cứ cách mạng vững chắc thời chiến. Phía dưới đình là một cái hầm lớn từng là nơi chứa lương thực, là trạm y tế để cứu thương cho quân dân ta, miệng hầm thông ra các cửa địa đạo. Có thể xem đình Thạch Tân chính là miệng của địa đạo Kỳ Anh, một trong 3 địa đạo lớn nhất được xếp hạng di tích quốc gia cùng với địa đạo Củ Chi (TP.HCM) và địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị).
Đình Thạch Tân vẫn đứng vững sau khi bị 4 xe bọc thép kéo suốt 2 tiếng đồng hồ.
Địa đạo Kỳ Anh kéo dài đến  20 km từ làng Thạch Tân kéo tận đến vùng ven biển Vĩnh Bình (xã Kim Đới, huyện Tam Thăng, tỉnh Quảng Nam), nơi đây được mệnh danh là “thành đồng” bảo vệ lực lượng, lương thực trong kháng chiến chống Mỹ. Để đào được địa đạo này, người dân nơi đây phải ròng rã hơn 2  năm trời (1965-1967) với nhiều hy sinh xương máu. Đình Thạch Tân xuất hiện vào thời nào thì không ai biết, nhưng đến đây những cụ cao niên, bộ đội, du kích xưa vẫn nhớ như in những ngày ngôi đình luôn che chở, sát cánh cùng quân dân ta chống địch.
Tại đây, chúng tôi được bà Trần Thị Thơ, nguyên là du kích năm xưa, là một trong hai phụ nữ bám trụ làng quê chống giặc khi người dân bị địch phân tán. Bà kể, năm 1965 tình hình chiến tranh diễn ra ác liệt, vùng hoạt động cách mạng của ta nằm sát bên đồn địch, để đảm bảo lương thực và bí mật trong chiến đấu phải có hầm bí mật. Sau khi địa đào Kỳ Anh đã thông nhau, ngóc ngách chạy khắp thôn xóm, chính vì lý do đây là ngôi đình cổ nổi tiếng linh thiêng không ai dám vào. Quân và dân làng Thạch Tân quyết định đào một căn cứ dưới nền đình thông với địa đạo để địch khỏi dòm ngó.
Bà Thơ chia sẻ: “Địa đạo dưới đình được đào một cách bí mật, chủ yếu là lực lượng du kích, những người tin cậy đào để khỏi lộ bí mật ra ngoài. Cả tháng trời, ngày đem thắp đèn, gánh đất, cuối cùng căn cứ dưới đình cũng hình thành có ngách thông với địa đạo Kỳ Anh phục vụ chiến đấu”. Để tránh sự phát hiện của địch, quân dân Thạch Tân gánh đất ra đồng đổ rồi vun trồng khoai khiến quân địch không thể tìm ra dấu vết. Do địa hình ở đây là đất cát, việc đào căn cứ dưới đình vô cùng khó khăn do diện tích rộng, sâu. Đất cát liên tục đổ chài xuống họ phải lấy tre chèn chống xung quanh bất chấp nguy hiểm. Cuối cùng căn cứ dưới đình đã hoàn thành có thể chứa đến hàng trăm người.

Ngày đó quân dân Thạch Tân hết lòng với kháng chiến, họ gom góp dành từng hạt gạo để vận chuyển lên căn cứ tại vùng núi Trà My cho bộ đội đánh giặc, người dân vùng Đông các huyện lân cận như Tam kỳ, Thăng Bình, Núi Thành cũng thường xuyên tích góp lương thực cho du kích mang về để đưa lên căn cứ. Do vậy căn cứ dưới nền đình là nơi trung chuyển chứa hàng chục tấn lương thực. Bên cạnh kho lương thực, căn cứ còn có một ngách nhỏ dùng để sơ cứu thương binh trước khi chuyển về chiến trường. Cho nên căn hầm cũng là nơi trút hơi thở cuối cùng của hàng trăm liệt sĩ hy sinh do vết thương quá nặng và cũng có không ít thương binh được chữa khỏi để tiếp tục lên đường chiến đấu.

Nhớ lại những ngày ấy, bà Thơ không khỏi ngậm ngùi: “Quân địch thường xuyên mở cuộc càn quét, thả bom, dùng xe  tăng bắn xối xả vào làng Thạch Tân, khu vực có 3 cái nhà nhưng bị chúng đốt đến 7 lần, phát hiện du kích là chúng tra khảo và giết không tha. Thế nhưng căm hờn, đau xót càng làm thêm sức mạnh cho quân dân ta để chiến đấu”.

 4 xe bọc thép không kéo không đổ
 Sau khi căn cứ dưới nền đình và địa đạo Kỳ Anh được xây dựng xong, từ dưới lòng đất bộ đội, du kích tổ chức nhiều trận phục kích bất ngờ, táo bạo làm cho quân địch hoang mang. Nghi ngờ có hầm bí mật nhưng chúng không tài nào phát hiện được. Trong lúc tinh thần chiến đấu của quân dân ta đang lên thì lại có gian tế trình báo hoạt động, địa đạo bí mật làm địch liên tục càn quét.


Căn hầm bí mật nối với địa đạo dưới nền đình.
Chúng tôi được nghe ông Lê Khắc Phiến, nguyên trưởng an ninh làng Thạch Tân và sau này là người quản lý di tích địa đạo Kỳ Anh cho biết, đó là thời điểm sau tết Mậu Thân năm 1968, bất ngờ trong huyện đội Bắc Tam Kỳ có một gã tên Cẩm tố cáo bí mật địa đạo với địch. Do tên Cẩm ở trong nhà ông Nguyễn Tân nên biết rõ trong vườn ông Tân có địa đạo. Sáng hôm đó địch chia làm 4 cánh quân với hàng chục tên lính, mỗi cánh quân có 6 xe bọc thép M113 dẫn đường, trên trời hàng loạt máy bay quần thảo hùng hổ tiếng vào làng.
Trước tình hình đó Đảng bộ địa phương đã nhanh chóng sơ tán dân, tập trung nhân lực chuẩn bị phương án tác chiến. Lúc này ông Tân đã ngoài 68 tuổi không hay biết mình bị bán đứng, ông ung dung ngồi đan giỏ tre trước nhà thì địch bắt giữ cùng với cô con gái của mình, chúng hành hạ dã man, đưa ra miệng hầm tra tấn bắt phải gọi Việt cộng ra đầu hàng. Cho dù bị đánh đập nhưng ông Tân nhất quyết không khai lộ bí mật. Lúc đó ông Phiến dưới hầm nghe rõ mòn một, bằng mưu trí của mình, sau khi địch đẩy ông Tân xuống hầm, ông Phiến cùng với một đồng đội khác đã đưa ông Tân và con gái ông vào ngăn bí mật khác trong địa đạo khiến địch không tìm thấy được. Để mất ông Tân địch điên cuồng càn quét.  Chiều hôm đó chúng quyết tâm phá nát ngôi đình cổ, bọn chúng quấn xích vào 2 cây cột ở  gian chính giữa và cho 4 chiếc xe bọc thép nổ mấy kéo gầm rú vang trời khiến dân làng rất lo lắng. Hì hục cả gần 2 tiếng đồng hồ nhưng ngôi đình chẳng lung lay. Trời chạng vạng tối, địch sợ bị du kích tấn công, phần thì sợ ngôi đình linh thiên nên vội rút quân. Cả ông Phiến và bà Thơ đều xác nhận là địch dùng xích cột vào 4 xe bọc thép để kéo hủy đình nhưng vẫn không lý giải được vì sao ngôi đình lại có sức mạnh đến như vậy. Sau khi dùng xe bọc thép kéo không thành chúng tổ chức quay lại đốt phá đình nhưng lại bị thất bại.
Bà Thơ cho hay: “Đoán trước được ý định tiếp tục quay lại đốt phá đình của bọn giặc, anh Trần Văn Nhường là người cai quản căn cứ dưới đình đã tạt nước xung quanh cột, khiến bọn chúng không thể đốt cháy. Ngôi đình vẫn đứng trơ ra như thách thức trước mặt địch”. Việc ngôi đình trụ lại sau khi 4 xe bọc thép kéo không sập vẫn là một điều bí ẩn, nhưng những vết dây xích tuy đã được người dân dùng xi măng trám lại nhưng vẫn còn những vòng xuyến in đậm trên thân cột. Có người cho rằng đình ẩn chứa một sức mạnh tâm linh kỳ bí, là nơi để các liệt sĩ an nghĩ không cho phép quấy phá. Người khác lại cho rằng nó được thiết kế đặc biệt với các khung, sườn, tránh và 4 bức tường dày khớp nối tạo lực vững chắc để trụ vững trong vòng chiến ác liệt. Tại đình không những thờ tiền hiền, thành hoàng của làng, đình Thạch Tân còn có tấm bia khắc tên 25 mẹ Việt Nam Anh hùng và 189 liệt sĩ của làng để khói hương.

Cây rõi nổi tiếng biết né bom, tránh đạn.
Bên cạnh ngôi đình là một cây rõi to lớn 5 người ôm không xuể đã có từ 300 năm nổi tiếng né bom, tránh đạn. Cây rõi sum suê đứng bất diệt, là nơi quân ta làm đài quan sát trên một phạm vi rộng lớn để cảnh báo tình hình. Khi Mỹ hành quân qua quốc lộ 1A thì du kích ta đều được báo đông để chuẩn bị sơ tán. Đứng giữa bom đạn, nhiều khi cây rõi bị bom đạn làm gãy cành nhưng sau đó lại mọc lên tươi tốt. Mọi người bảo rằng cây rõi rất thiêng, nhiều đêm thấy những tàn lửa chập chờn quanh ngọn cây và rơi xuống đất. Có lần bọn Ngụy quyền đòi chặt phá cây nhưng các bô lão trong làng nhất quyết không cho phép bởi đây là cây được trồng từ khai thiêng lập địa của ông cha và dọa địch, nếu chặt cây sẽ bị thần linh phạt tội, đau ốm. Trải qua hàng trăm năm, cây rõi vẫn hiêng ngang như là một biểu tượng của người dân nơi đây.
Niềm tự hào của dân làng
Ông Huỳnh Kim Ta, quản lý đình Thạch Tân (xã Tam Thăng, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Ngôi đình là niềm tự hào của người dân làng Thạch Tân, trải qua hàng chục năm bom đạn, đặc biệt là 4 xe bọc thép kéo không sập là một điều kỳ bí mà không ngôi đình nào có được”.

Sơn Phú 

Không có nhận xét nào:

Trang