Tuyết Nhung
Bây giờ thì hắn đã quay về làm dân, tiền chẳng còn rủng rỉnh như xưa, đến nỗi
mấy đồng hẻo cà phê sáng mà cũng phải lạy lục mãi mụ vợ mới chịu đưa cho trước
khi hai tai hắn no nê “bài ca không quên”. Mụ ca đủ thứ, nhưng chung qui lại
thì vẫn là chì chiết hắn bất tài, đần độn, mâm cỗ đã dọn sẵn mà không biết đàng
xài. Mà cái tội hỏng ăn thì đâu chỉ tại mình hắn, cả mụ nữa chớ. Thế mà… Làm
cái thằng đàn ông, hắn nghĩ, ở cái xứ này chẳng biết còn ai khổ được như hắn ?
Đời hắn đúng nghĩa với câu nói của tiền nhân “lên voi xuống chó”. Đã có một
thời, hắn oai phong lẫm liệt, tiền bạc làm ra như nước. Ấy là khi hắn đương
chức, dù chỉ làm anh lí quèn nhưng cuộc sống của vợ chồng con cái chẳng khác gì
đế vương. Cái xã hội mình kể ra ưu việt thật, làm quan không cứ phải to mới dày
bổng lộc, chỉ cần anh dính tí chức quyền thôi cũng đủ để dư phú quí rồi. Dân
mình lại được cái hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó chăm bẵm các vị
“đầy tớ” của mình, chẳng nỡ lòng nào để họ phải sống trong cảnh bần hàn, cơ
cực. Làm cha mẹ dân mà nghèo thì nói còn ai nghe ?
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Cuộc sống đế vương của hắn rồi cũng trôi qua như
làn gió thổi. Mới đó mà đã 5 năm. Cái 5 năm nhiệm kì chết tiệt. Bây giờ nghĩ
lại vẫn còn chưa hết đau !
Ăn Tết Nguyên đán xong, hắn và đám đệ tử đã lên ngay kế hoạch cho cuộc chiến
giữ ghế dù còn đến tám chín tháng nữa mới đáo hạn. Thực ra thì vợ chồng hắn đã
khởi động cho cái dự án tiền tỉ này từ dịp Tết Độc lập bằng những món quà siêu
hạng biếu các sếp bề trên. Mọi việc tưởng như xuôi chèo mát mái vì nhìn ngang
ngó dọc nào có ai đủ tâm đủ tầm để cạnh khóe với hắn ? Thế mà đùng một cái,
chẳng hiểu đoàn kiểm tra ở đâu lù lù xuất hiện, quay cho hắn một trận tơi bời.
Cả một đời làm công bộc dân, chưa bao giờ hắn cảm thấy danh dự bị xúc phạm đến
thế.
Không xúc phạm răng được, bởi năm năm qua, xóm Chùa dưới quyền cai trị của hắn,
nhà nhà ngõ ngõ đầy ắp tiếng ca. Chả thế mà hôm hăm ba tháng Chạp năm ấy, trong
khi thiên hạ rần rần sắm Tết thì hắn triệu tập thần dân, tuyên bố chắc như đinh
đóng cột: “5 năm qua là thời hoàng kim của làng ta, tôi là người có công lao
hãn mã, tâm sáng, trí ngời; không ai có thể phủ nhận điều đó. Cấp trên rồi sẽ
sáng suốt trả lại sự trong sạch cho tôi” (!) Đám thần dân kẻ thì đang say sưa
bàn chuyện cúng ông Táo, kẻ thì mải chơi game trên điện thoại di động, bỗng
giật mình thảng thốt, ngơ ngác nhìn nhau rồi như những cái máy được lập trình
sẵn, tất cả cùng vỗ tay bôm bốp. Thế mà trong cái đám người vô danh tiểu tốt
kia, lại có kẻ dám to gan tố hắn ? Chúng nó thật vong ơn bội nghĩa, chúng nó
thật không biết thân biết phận. Chúng nó là một lũ suy thoái, chỉ biết hại
người. Đang yên đang lành, bỗng dưng bao nhiêu của nả thu vén được suốt hai
ngàn ngày tại vị của hắn chảy vào túi kẻ khác. Tiền mất tật mang, người xưa nói
quả có sai.
Hắn trách, hắn tức, hắn đau. Tất cả tại cái ông Phó. Lão dỗ ngon dỗ ngọt, hứa
hẹn đủ điều. Tin lão, hắn cố đấm ăn xôi, họp bọn đệ tử lại, kêu gọi tình thương
mến thương, bảo bọn chúng việc đã đến nước này thì các cậu phải noi gương Lê
Lai ngày xưa mà liều mình cứu chúa. Trong lòng anh nào anh nấy đã thấy run từ
hồi sếp bị sờ gáy, bây giờ nghe sếp bảo thế lại càng run hơn cả cầy sấy nhưng
đành bặm miệng cắn môi mà viết đơn nhận tội thay cho sếp, đặng trả cái ơn mưa
móc bấy nay. Nhục quá đi mất, dân làng Chùa bảo thế. Đời thuở nào từ cha sinh
mẹ đẻ đã thấy ai hèn đến thế đâu !
Vậy mà cái chiêu cuối cùng tưởng có thể lật ngược thế cờ ấy lại nhấn hắn thêm
một cú nữa. Sự nghiệp chánh trị của hắn thế là chìm lỉm trong nỗi đau thất vọng
ê chề. Bất chợt hắn nhớ tới câu nói của ông hàng xóm qua nhà chơi hôm nào, than
về nỗi mụ vợ lăng loàn, hết thuốc chữa:
- Truột chạc rồi, chú ơi !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét