(Dân trí) - Cùng là thành phố trực thuộc TƯ nhưng Cần Thơ có 2.900
cán bộ công chức/1,2 triệu dân; còn Đà Nẵng chỉ 900.000 dân “gánh” 3.200 cán bộ
công chức. Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội nhận định đây là một điểm
vênh, thiếu quy chuẩn của chính sách.
Báo cáo UB Thường vụ Quốc hội chiều
20/9 về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào
tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ
Nguyễn Thái Bình khẳng định nhiều kết quả như về cơ bản, các cơ quan đều tổ
chức tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị đã từng bước ứng
dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức, đồng loạt triển khai xác định
vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức để làm cơ sở đổi mới cơ chế quản lý
công chức, viên chức, tuyển dụng, bổ nhiệm đúng người đúng việc…
Tuy vậy, người đứng đầu Bộ xác nhận nhiều hạn chế, tồn tại liên
quan đến công tác này. Trong dư luận vẫn phản ánh có biểu hiện tiêu cực, nhũng
nhiễu trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm. Việc chấp hành các quy định của pháp
luật về tuyển dụng, bổ nhiệm vẫn còn biểu hiện chưa nghiêm ở một số cơ quan,
đơn vị. Tính quy hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng chưa cao. Nhiều bộ, ngành, địa
phương cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch sử dụng,
làm ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý là
trưởng đoàn giám sát về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ công
chức.
Thay
mặt đoàn giám sát, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, số lượng cán
bộ, công chức được tuyển dụng đến hết năm 2009 là 404.800 người, đến hết 2012
tăng lên 525.500 người. Trong đó, số lượng tiến sỹ là 2.209 người (chiếm 0,4%),
thạc sỹ 19.665 người (3,7%), cử nhân 25.616 người (52,5%), số công chức đã được
đào tạo về lý luận chính trị là 246.674 người (46,9%).
Cơ
quan giám sát đánh giá, việc tuyển dụng công chức, mỗi vị trí công việc đã có
nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn
chưa xây dựng được ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi môn nghiệp vụ, dẫn đến
việc đề thi tuyển dụng công chức thường không sát với yêu cầu của vị trí cần
tuyển dụng.
Trong
điều kiện hiện nay, chất lượng đào tạo giữa các trường ngoài công lập và hình
thức đào tạp không chính quy với các trường công lập là đào tạo chính quy còn
rất khác nhau.
Số
viên chức tại thời điểm cuối năm 2009 xấp xỉ 1,2 triệu người, đến hết 2012 tăng
lên gần 1,7 triệu người. Trong đó, số tuyển dụng mới năm 2010 là gần 80.000
người, năm 2011 89.000 người và năm 2012 94.500 người. Số lượng tiến sỹ là
12.000 người (0,7%), thạc sỹ 71.000 người (4,2%), cử nhân 731.500 người (43%).
Tỷ lệ tuyển dụng tăng dần qua từng năm.
Hạn
chế được chỉ rõ trong lĩnh vực này là việc tuyển dụng viên chức hiện vẫn chú
trọng đến bằng cấp và kiến thức quản lý nhà nước nói chung. Các nội dung thi
tuyển chưa thật sự phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến năng lực và kỹ năng xử lý
vấn đề của người được tuyển dụng; chất lượng đào tạo ở một số trường chưa cao,
chưa gắn lý luận và thực hành nên dẫn đến chất lượng công tác chuyên môn của
một số viên chức sau khi tuyển dụng còn hạn chế.
Do
cơ chế, chính sách đào tạo và chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ
cao, tay nghề giỏi chưa phù hợp nên việc phân bổ nguồn lực ở các vùng miền khác
nhau có sư chênh lệch khá rõ. Tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ tập trung nhiều ở các
thành phố lớn, đồng bằng; tỷ lệ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ở trình độ thấp
chủ yếu tập trung ở tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Đoàn
giám sát dẫn chứng, ở những địa phương có điều kiện tương đồng về dân số, diện
tích đất tự nhiên nhưng số lượng cán bộ, công chức, viên chức, cơ cấu, bậc,
ngạch trình độ chuyên môn cũng rất khác nhau. TP Cần Thơ có dân số gần 1,2
triệu người, có 2.900 cán bộ công chức trong khi đó, Đà Nẵng chỉ có 920.000
người nhưng có tới 3.200 cán bộ. Tình trạng tương dự diễn ra ở Đắc Lắc, Hòa
Bình; Hà Nội và TPHCM, Hà Tĩnh và Hải Dương…
Việc
bổ nhiệm cán bộ quản lý thể hiện bằng con số thống kê, trong 3 năm (2010-2012),
tại 63 tỉnh thành đã bổ nhiệm gần 32.000 cán bộ quản lý. Công tác bổ nhiệm cán
bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhìn chung được đánh giá thực hiện đúng nguyên tắc
dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, góp phần tạo động lực để người có
trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên, đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất
lượng đội ngũ.
Theo
đoàn giám sát, việc một số địa phương mạnh dạn tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh
đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng được đánh giá đã đạt kết quả bước đầu, tạo môi
trường cạnh tranh, thu hút người có năng lực, đồng thời góp phân cung cấp kinh
nghiệm để nghiên cứu rút kinh nghiệp nhân rộng việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo
cấp vụ, cấp phòng.
Tuy
nhiên, cũng có nhiều hạn chế được chỉ ra như còn nhiều lẫn lộn giữa công tác
quy hoạch với nhân sự, giữa tiêu chuẩn bộ nhiệm với tiêu chuẩn cán bộ đưa vào
quy hoạch; việc đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang,
thiếu tính toàn diện, chưa phản ánh đúng thực chất để làm cơ sở cho bổ nhiệm;
việc bổ nhiệm với cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ còn
lúng túng, vướng mắc do chưa có quy định…
P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét