6 tháng 6, 2013

Vì sao vẫn còn nhiều người có công “giả”?

                             TRẦN QUANG ĐẠI

Một nghịch lí trớ trêu có lẽ chỉ có ở thời nay là hiện tượng người có công “giả” đang khá nhiều, vậy đâu là nguyên nhân?   
Từ đơn tố cáo của ông Dương Đình Dần (xã Diễn Đồng, Diễn Châu), năm 2013, Thanh tra Sở LĐTBXH Nghệ An đã có văn bản kết luận số 137 ngày 23/1/2013 đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền hưởng sai đối với 3 thương binh, 12 nạn nhân chất độc hóa học “giả” ở hai xã Diễn Đồng và Diễn Thái.
Từ năm 2000 đến nay, thực hiện các chính sách giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, số lượng người có công ở Nghệ An tăng đột biến. Tính từ năm 2006 lại nay toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ trợ cấp cho 6.145 trường hợp là người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 2.915 người hưởng chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 105 trường hợp liệt sỹ. Do những kẽ hở của chính sách, nhiều người dân đã bỏ tiền, thông qua các đối tượng “cò” để “chạy” chế độ. Theo Sở LĐTBXH Nghệ An, từ tháng 5/2009 đến tháng 6/2012, thực hiện việc giám định đối với người tham gia kháng chiến có mắc 1 trong 17 bệnh được quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT nên rất nhiều đối tượng đã lợi dụng để mua bệnh án giả nhằm hợp thức hóa hồ sơ. Chỉ trong một năm (từ năm 2012 đến đầu năm 2013), Sở LĐTBXH Nghệ An đã dừng trợ cấp 98 trường hợp trong đó có 6 trường hợp là thương binh, 92 trường hợp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ.
Không chỉ ở Nghệ An, mà trên địa bàn nhiều tỉnh khác, tình trạng làm giả hồ sơ người có công rất phổ biến. Tại Hà Tĩnh, năm 2006, 17 vị là cán bộ từ cấp xã đến tỉnh, hội đồng giám định y khoa tỉnh phải ra trước vành móng ngựa vì tiếp tay làm hồ sơ thương binh giả. Từ vụ việc, cơ quan chức năng đã phát hiện 100 thương binh giả, loại hơn 5.000 bộ hồ sơ có dấu hiệu gian dối, tiếp tục rà soát 6.500 bộ hồ sơ đã nộp vào tỉnh. Năm 2007, tỉnh Quảng Bình truy tố 6 đối tượng là người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cấu kết với nhau làm 110 bộ hồ sơ thương binh giả, thu 600 triệu đồng. Năm 2004, Ninh Bình phát hiện vụ việc làm giả 692 hồ sơ thương binh... Các tỉnh/Tp Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh.. cho đến tận đất mũi Cà Mau hay tỉnh miền núi phía Bắc là Thái Nguyên, Tuyên Quang... đều có nạn thương binh giả. Mặc dù các vụ việc đã bị phanh phui khá nhiều, song đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Hiện nay, số người có công giả “chưa bị lộ” vẫn không ít trên phạm vi cả nước. Hiện tượng “thương binh giả” là một sự cảnh báo sâu sắc về nhiều phương diện. Trước hết là do cơ chế thiếu sự phản biện về chính sách, sơ hở trong khâu ban hành chính sách. Trong đó, đặc biệt là Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 3/1/1999 hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh bị thương từ ngày 31/12/1994  trở về trước. Theo văn bản này, đối tượng chỉ cần bản khai tự viết, có giấy xác nhận của hai người cùng đơn vị, được một hội đồng cấp xã xác nhận là có bị thương, trên cơ sở đó được cấp giấy chứng nhận bị thương, được giám định tỷ lệ mất sức lao động. Bản thân đối tượng và người làm chứng không cần hồ sơ, lí lịch, giấy tờ gốc, chỉ cần có xác nhận của chính quyền cấp xã, sau đó chỉ cần tìm cách lọt qua cửa hội đồng giám định y khoa là hoàn chỉnh hồ sơ. Từ văn bản này, hàng ngàn, hàng vạn đối tượng chưa một ngày tham gia kháng chiến, hoặc không hề có thương tật gì, hay thương tật do bẩm sinh hoặc tai nạn sinh hoạt...đã được phù phép thành thương binh. Tương tự, Thông tư số 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 5/7/200 hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ chất độc da cam cũng rất “đơn giản, gọn nhẹ”: đối tượng làm bản khai hưởng trợ cấp, kèm theo giấy xác nhận bệnh tật của Trung tâm Y tế cấp huyện, UBND cấp xã kí, đóng dấu. Với sự thông thoáng quá mức này, từ năm 2000 - 2004, Nghệ An đã giải quyết cho 12.177 ngư­ời tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đư­ợc h­ưởng trợ cấp. Theo văn bản đang có hiệu lực (Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH năm 2009) cũng nhiều sơ hở. Cụ thể, để được hưởng chế độ, đối tượng cần có Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh xác nhận mắc một trong 17 bệnh tật liên quan đến chất độc da cam theo qui định của Bộ Y tế, trong đó có hai bệnh rất phổ biến là bệnh thần kinh ngoại biên và bệnh đái tháo đường type 2. Trước tình trạng người dân ào ào nhập viện để làm hồ sơ bệnh án đái đường và thần kinh ngoại biên, Sở LĐTBXH Nghệ An đã từ chối những hồ sơ bệnh án kiểu này mới xuất hiện sau năm 2009.
Bên cạnh đó là sự suy thoái, tham nhũng của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan chức năng. Những đối tượng này hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, sẵn sàng vì tiền mà làm bừa, kí ẩu, bất chấp hậu quả nghiêm trọng từ hành vi của mình. Nhiều người dân có tâm lí dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước, coi ngân sách, chế độ ưu đãi là “của kho vô tận”, ai “khai thác” được thì hưởng “lộc”, không quan trọng là bằng cách nào. Từ quan niệm lệch lạc đó, sinh ra đủ mánh khóe gian dối để đạt được mục đích. Có nhiều người, vì lòng tự trọng và sự trung thực đã không chạy theo trào lưu làm “thương binh giả”, nhưng đối với không ít người khác, đã bất chấp tất cả để được hưởng các chế độ ưu đãi. Một số người khác lại quan niệm thương binh giả “lấy tiền nhà nước chứ không lấy tiền mình” nên mặc kệ. Chính quyền, cơ quan Từ sự việc 15 đối tượng người có công giả bị đình chỉ, Diễn Châu đang tổ chức kiểm tra, rà soát chính sách người có công trên địa bàn. Đây là việc làm cần thiết, dù muộn màng; nhưng quan trọng hơn là sự rà soát từ chính cơ chế ban hành chính sách và bộ máy công chức thực thi chính sách đó. Một cơ chế khoa học và một bộ máy công chức trong sạch chính là “sức đề kháng” tốt nhất, bền vững nhất đối với những cái tiêu cực, xấu xa, góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Mặt khác, cần có sự khuyến khích, ủng hộ và bảo vệ những người có công phát hiện những đối tượng làm giả hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi. Cụ thể, có thể trích một khoản trong số tiền truy thu được từ các đối tượng bị phát hiện để thưởng cho người tố cáo. Mặt khác, cần có chế tài xử lí nghiêm khác đối với những cán bộ công chức tham nhũng, vô trách nhiệm cũng như những người làm chứng gian dối. 
     

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chuyện thật giờ mới kể: Năm 2000 ,sau khi đã ghuyển ngành gần 13 năm mình nhận được cuộc điện thoại của thằng bạn ngày xưa cùng đơn vị nhưng lúc đó nó là chủ nhiệm quân y trung đoàn báo là;"Mày có làm thương binh thì về tao làm cho không mất gì cả "... Rất thật mình trả lời tao có bị thương gì đâu mà làm .Thế rồi mọi chuyện qua đi mình vũng không nhớ nữa nhưng đến năm 2010 về quê nghỉ phép .Thấy dân làng mình đang rộ lên trong thôn xóm rất nhiều người ngày xưa trong chiến tranh ,trốn tránh nghĩa vụ nhiều trường hợp B Quay (Đào ngũ khi đi chiến trường) Thậm chí có người đá bóng gãy chân cũng nghiễm nhiên có thẻ thương binh ,một số người trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước chẳng có công trạng gì cho đất nước cũng nghiễm nhiên có huân huy chương kháng chiến .Đúng là chẳng công bằng tý nào cả nghĩ mà buồn cười cho xã hội ngày nay phải chăng có tiền là có tất cả không cần biết sự thật đó đúng hay sai?

Trang