Sáng nay 21.5, ông Hồ Bách
Khoa, Trưởng Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du (H.Nghi Xuân,
Hà Tĩnh), cho biết vào ngày 12.4 vừa qua, Ban Chấp hành UNESCO họp ở Paris
(Pháp) đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 192 EX/32 trình Đại hội đồng UNESCO
biểu quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam là Danh nhân văn hóa
thế giới.
Theo ông Khoa, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp
quốc (UNESCO)
có 195 nước thành viên và 8 thành viên liên kết nhưng tại phiên họp lần này -
diễn ra ngày 12.4 - có 55 nước thành viên và 1 thành viên liên kết trình lên
159 hồ sơ vinh danh.
Ban thư ký đã thẩm tra xem xét và trình lên Ban Chấp hành UNESCO
duyệt thông qua 93 hồ sơ.
Tượng đại thi hào Nguyễn Du
ở khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du (H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Hồ sơ khoa học xin vinh danh Thi hào Nguyễn
Du của Việt Nam được đánh giá cao và là một trong số 93 hồ sơ khoa học được
vinh danh đợt này.
Dự kiến, tháng 11.2013, Đại hội đồng UNESCO họp ở Paris sẽ chính
thức ra Quyết định vinh danh và mọi hoạt động tôn vinh
Thi hào Nguyễn Du sẽ được triển khai ở Việt Nam, các nước trong
cộng đồng UNESCO trong năm 2014 và 2015.
Nguyên Dũng
Suýt
phải chờ thêm… 50 năm!
Tiêu chí khắt khe của
UNESCO khiến chúng ta thiếu chút nữa phải chờ tới năm... 2063 để chứng kiến
việc tác giả Truyện Kiều được chính thức vinh danh trên toàn thế giới.
Trao đổi với TT&VH , Ủy ban UNESCO VN
đã xác nhận thông tin này. Cụ thể, trong phiên họp ngày 25/4, Hội đồng chấp
hành của UNESCO đã thông qua nghị quyết 191/EX32. Theo Nghị quyết, trong phiên
họp tháng 11 tới, Đại hội đồng UNESCO sẽ biểu quyết về việc kêu gọi mọi quốc
gia cùng tổ chức vinh danh một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới thế
giới và khu vực trong 2 năm 2014 và 2015
Thực tế, UNESCO không chính thức sử dụng
khái niệm “Danh nhân Văn hóa Thế giới” như trường hợp của các di sản văn hóa.
Tuy nhiên, việc có danh nhân lọt vào danh sách đề nghị vinh danh do UNESCO luôn
là một vinh dự rất lớn đối với mỗi quốc gia thành viên. Tiêu chí chặt chẽ
Theo tiêu chí của tổ chức này, các danh
nhân được đưa vào danh sách phải có đóng góp lớn trong các lĩnh vực văn hóa,
giáo dục, khoa học tự nhiên - xã hội và thông tin. Đặc biệt, trong nhiều năm
gần đây, UNESCO đã “siết” lại tiêu chí về thời gian, theo đó việc kêu gọi thế
giới kỷ niệm danh nhân phải trùng với bước tuổi 50 so với năm sinh hoặc năm mất
của danh nhân đó.
Tượng Nguyễn Du tại khu di tích Nghi Xuân
(Hà Tĩnh)
|
Cụ thể, việc thế giới cùng tôn vinh Nguyễn
Du trong 2 năm tới (2014, 2015) trùng với thời điểm kỷ niệm 250 năm ngày sinh
của đại thi hào Việt Nam. Tương tự, trong số 93/159 danh nhân được xét tôn vinh
lần này có nhà thơ, nhà triết học người Tajikistan là Abd Rahman Jami (kỷ niệm
600 năm ngày sinh) hoặc nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras (100 năm ngày sinh).
Từ trái sang phải: Nhà Kiều
học Trần Đình Tuấn và TS Phan Tử Phùng (2 đại diện của Ban vận động) và ông
Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban UNESCO VN là những người có đóng góp
quan trọng cho sự kiện này
Trước Nguyễn Du, 2 danh nhân VN từng được
UNESCO vinh danh là Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng phải nói thêm là,
việc tổ chức Hòa bình Thế giới (một tổ chức quốc tế khác với UNESCO) tôn vinh
Nguyễn Du năm 1965 cùng 8 danh nhân văn hóa như: Dante (Ý), Lomonosov (Nga) đã
khiến nhiều độc giả VN nhầm lẫn rằng Nguyễn Du... từng được UNESCO tôn vinh
rồi.
Hành trình 3 tháng
Theo TS Phan Tử Phùng (Chủ tịch Hội Kiều học VN), việc gửi hồ sơ đề
nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Du đến từ sự gặp nhau về ý tưởng giữa Hội Kiều học
và Ủy ban Quốc gia UNESCO VN.
Khởi điểm, Hội Kiều học muốn đề nghị xin
công nhận Truyện Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Khi được biết
ý tưởng này chưa hợp lý (không đáp ứng được tiêu chí do cộng đồng sáng tác và
gìn giữ), các nhà Kiều học lại có ý đưa “văn hóa Kiều” với các hoạt động ngâm
Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều... để “ứng thí” trước UNESCO. Tuy nhiên, trao đi đổi
lại, việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 sinh là
hợp lý hơn cả.
Một Ban vận động được thành lập gấp để phối
hợp cùng Ủy ban UNESCO VN trong việc làm hồ sơ. Thành viên của Ban vận động gồm
10 người, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, 2 nhà
Kiều học Phan Tử Phùng và Trần Đình Tuấn... Theo ông Phùng, cái khó nhất khi đề
nghị xúc tiến các thủ tục là việc rất nhiều cơ quan chức năng vẫn... đinh ninh
rằng tác giả Truyện Kiều đã được UNESCO công nhận từ lâu rồi.
“Chúng tôi chỉ có 3 tháng để cùng chuẩn bị,
trước khi hồ sơ được gửi đi vào 15/1 vừa qua. Mất rất nhiều thời gian để giải
thích, chứng minh, đề nghị. Ai cũng lo nếu chậm, chúng ta lại ngồi chờ thêm 50
năm nữa để quay lại với việc này” - ông Phùng kể.
Đúng ngày 14/1, hồ sơ mới có đủ các văn bản pháp lý cần thiết. Và
đêm hôm sau, Ủy ban UNESCO VN gửi hồ sơ đi qua đường... E-mail”.
Tầm ảnh hưởng thế giới
Hồ sơ khẳng định, Truyện Kiều vô cùng quen
thuộc với mỗi người dân VN, và đã liên tục được nhiều thế hệ nghiên cứu suốt 50
năm qua. Nhà Kiều học Trần Đình Tuấn cho biết: ở tiêu chí về tầm ảnh hưởng với
thế giới và khu vực, chỉ riêng việc Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 thứ tiếng,
được các học giả Pháp và Mỹ nghiên cứu rất kỹ trong thời kỳ chiến tranh VN đã
đủ đem lại sức nặng cho tầm ảnh hưởng của tác phẩm này.
“Hồ sơ có nhắc lại cả việc tổng thống Mỹ
Bill Clinton khi sang VN đã bắt đầu buổi nói chuyện với sinh viên bằng 2 câu
Kiều: Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân ” - ông Tuấn
kể. “Điều đó gắn với một thực tế: vài trăm năm qua, Truyện Kiều đi vào đời sống
người dân VN mãnh liệt tới mức người ta có thể trích dẫn bất cứ câu Kiều nào để
thay lời muốn nói, trong những văn cảnh điển hình”.
Được biết, khi đánh giá về Nguyễn Du và
Truyện Kiều , UNESCO đã tán thành quan điểm của hồ sơ: bên cạnh tư cách một nhà
thơ, Nguyễn Du còn là danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh
liệt với tiếng mẹ đẻ. Dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán
văn để sáng tác bằng Việt văn. Nguyễn Du lần đầu tiên đưa tiếng Việt và ngôn
ngữ Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia. Dấu mốc này có
thể so sánh với việc các học giả châu Âu đã dũng cảm vượt qua rào cản tiếng
Latin, để sáng tác văn học bằng ngôn ngữ của chính dân tộc họ.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Năm 1965, việc tổ chức Hòa bình Thế giới
(một tổ chức quốc tế khác với UNESCO) tôn vinh Nguyễn Du cùng 8 danh nhân văn
hóa như: Dante (Ý), Lomonosov (Nga)… đã khiến nhiều người nhầm lẫn rằng
Nguyễn Du... từng được UNESCO tôn vinh rồi.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét