Miếu Triệu Tường nguy nga sừng sững dưới
gầm giời Nam những tòa ngang dãy dọc ghi dấu tích đất Gia Miêu Ngoại trang, nơi
phát tích 9 chúa, 13 vua thời Nguyễn đã bị phá trụi vào những năm đầu thập niên
60 của thế kỷ trước. Địa danh ấy, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Thôi, tiếc xót mà chi khi thời ấy, cơn cuồng phong bài trừ mê tín dị đoan như
một cơn lốc đen cuốn bao đền đài miếu mạo vào tăm tích lẫn hư vô những danh
lam, danh thắng mà bây giờ dân ta lẫn quan ta đang phải hì hụi phục dựng.
Lần ấy về Gia Miêu, ngồi ngắm cụ bà Nguyễn
Thị Soạn đã 75 tuổi đương nghiêng ngó tấm hình mà anh cán bộ Sở Văn hóa đưa cụ
coi. Tấm hình ấy chụp Miếu Triệu Tường từ trên máy bay, gọi là không ảnh trước
năm 1945 (từng lưu ở Viễn Đông Bác cổ) thì chỉ nheo cặp mắt một tẹo, cụ đã vồ
vập xuýt xoa rằng “đúng là như rứa!”.
Cụ Soạn những năm xa xưa ấy là con gái của
một cửu phẩm, được đảm nhận việc trực ở điếm canh Miếu Triệu Tường.
Cụ cửu phẩm lắm hôm bận đi đánh tổ tôm hay
có việc chi đó thường nhờ con gái trông hộ. Việc cũng nhàn. Có người vào lễ thì
mở cửa Miếu cho họ. Tấp nập khách thập phương đến tế lễ là cữ sóc vọng (rằm
hoặc mồng một âm lịch).
Cụ cửu phẩm ngày ấy đã là người thiên cổ.
Chuyện cụ Soạn đưa lũ hậu sinh chúng tôi
ngược về buổi chiều u ám ấy. Cụ Soạn nhớ lại: Chập tối hôm Miếu bị đập phá,
đợi lúc vắng người, cụ nhảo ra thắp hương phần hậu cung còn sót thì cụ Soạn
kinh hãi đờ người khi thấy trên bức tường sót lại, hàng đàn rùa cỡ như cái
mủng, cái mũ cứ lừ đừ nối nhau không biết bò đi đâu? Những con rùa này cụ Soạn
từng coi Miếu đã quen lắm. Khách đến lễ Miếu cũng đã quen vì thi thoảng vẫn
thấy các cụ vất vưởng bên lối đi trong Miếu.
Chúng (cụ Soạn thì gọi bằng cụ) được thả về
đây hàng đàn khi Miếu Triệu Tường đã xây xong. Nghe nói để trấn yểm chi chả
biết.
Kể từ năm một ngàn tám trăm linh mấy, sau thời điểm
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi thành Vua Gia Long, Miếu Triệu Tường được khởi công.
Khi hoàn tất việc xây Miếu Triệu Tường, đàn rùa này được thả vào để coi giữ
Miếu. Nhẩm sơ thấy thời điểm Miếu bị phá, không ít cụ cỡ tuổi trăm chứ chả bỡn?
Bàn tay lẩy bẩy của cụ Soạn khi miêu tả
những chữ nghĩa này khắc trên mai, trên bụng lũ quy (mà tôi đoán là hoa văn vẫn
thường có trên mai rùa) cho biết là cụ thân sinh ra cụ Soạn từng đọc được những
Hán tự chi chi đó hẳn hoi.
Cụ Soạn cũng cho biết thêm là thần tình làm
sao, từ bấy đến nay, tịnh không có ai ngó thấy bóng dáng của một cụ rùa nào cả!
Ngày hai cây muỗm (gọi là cây quéo) cổ thụ phải hai người ôm trước cổng đền
Triệu Tường bị đốn ngã xẻ ván, cụ Soạn cũng đã bưng mặt khóc…
Tôi ngó ra khoảng lúa vàng chanh mà thuở
trước là nền miếu thiêng, cố tưởng tượng ra những tòa ngang dãy dọc của miếu
xưa rồi lại lan man về những ngày ngắn ngủi Bác Hồ bí mật thăm Thanh Hóa đầu
năm 1947.
Trước khi có cuộc nói chuyện với nhân sĩ
trí thức phú hào Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã có buổi làm việc với
Tỉnh ủy Thanh Hóa. Bác thẳng thắn phê bình hiện tượng mất đoàn kết, cách mạng
chưa gì mà đã tranh công tranh phần! Đặc biệt một đêm trước đó, cùng bộ phận
tùy tùng, Bác đã đến thắp hương tại ngôi miếu thiêng Gia Miêu này.
Bác và những người đi theo đã khấn, đã thề
thế nào trước anh linh của tiền nhân thì chỉ có người trong cuộc biết được.
Nhưng trăm họ vốn họp nên nhà nên nước, vậy khấn chi thì khấn, “ông Cụ nhà
mình” dứt khoát là bạch với tiên tổ nhà Nguyễn phù trợ cho cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm bớt xương bớt máu và mau đến thắng lợi!
Đình Gia Miêu, làng Gia Miêu Ngoại trang,
nơi phát tích các vua, chúa Nguyễn
Thời ấy giành được nửa nước. Và bây giờ là
cả nước. Nhưng Triệu Tường miếu đã không còn. May mà gần đây phục dựng được cái
đình Gia Miêu làm chỗ thờ tự cho viễn tổ nhà Nguyễn. Nghe nói việc dựng đền Gia
Miêu, ông Nguyễn Khoa Điềm thời ấy đương là Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã đứng đằng
sau lo liệu. Cũng phải thôi, viễn tổ của ông Điềm là hậu duệ của một vị quan
nhà Nguyễn cũng phát tích từ đây.
Cũng lần ấy về Gia Miêu Ngoại trang, tôi cứ
phân vân mãi trước động thái khẳng định chắc nịch của ông cán bộ bên ngành văn
hóa xứ Thanh rằng, câu thành ngữ phép vua thua lệ làng là có xuất xứ từ làng
Gia Miêu đây!
Chừng như để thêm chứng cứ, ông dẫn tôi rẽ
vào nhà ông tộc trưởng, họ Nguyễn Gia Miêu - Nguyễn Hữu Thoại.
Ông Thoại là hậu duệ của viễn tổ Nguyễn
Kim, thân phụ chúa Nguyễn Hoàng. Tuổi chưa phải là cao lắm nhưng ông có phong
thái đủng đỉnh, thậm chí hơi bị oách của những vị đứng đầu một chi phái, một
dòng tộc có máu mặt vẫn thường thấy ở các vùng quê. Vừa đủng đỉnh dẫn chúng tôi
đi coi và thắp hương nhà thờ tổ, ông vừa thư thả kể cho nghe chuyện trưởng các
chi, phái, các mệ từ trong Huế, những hậu duệ của các chúa, các vua Nguyễn này
khác những năm gần đây kéo về bái yết hương khói cho quê tổ ra sao, nhất nhất
gặp ông đều phải kính cẩn! Ông chỉ cho chúng tôi mấy bụi chuối sau nhà thờ tổ,
nơi có cái tăng-xê (hầm trú ẩn) đào những năm kháng Pháp.
Năm 1953, mấy quả moóc-chê từ bốt Ninh Bình
câu về Gia Miêu là vùng tự do, gây nên cái chết thê thảm của bà mẹ và em trai
ông trú trong đó. Cụ thân sinh ông tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng làm Chủ
tịch Ủy ban Hậu cần kháng chiến xã, không biết cơn cớ gì, bị vu là phản động.
Gia đình ông bị quy địa chủ. Bố ông bị bắt giam mấy năm trời. Nghe lời khuyên
của bố nên ông chăm chỉ hương khói ở Miếu tổ Triệu Tường khi ấy còn sừng sững
những tòa ngang dãy dọc chứ chưa bị phá tan hoang như sau này.
Thời ấy đương phải buổi nhiễu nhương loạn
lạc thì ai dám hương khói? Ông Thoại chỉ thầm bái vọng tổ, cầu mong cho bố tai
qua nạn khỏi. Cầu tất ứng, cảm tất thông chăng mà đến năm 1957, bố ông mới được
tha, nhà được sửa sai xuống thành phần trung nông. Ông Thoại cho hay, nhà ông
có một thứ gia bảo, nói đúng hơn là một tộc bảo. Dáng vẻ kính cẩn, ông dẫn
chúng tôi vào ngách trong như là hậu cung của nhà thờ tổ để coi đôi câu đối mà
năm 1936, Vua Bảo Đại tặng bố ông, trưởng họ Nguyễn Gia Miêu. Ông có vẻ tâm
đắc, thuộc lòng với những ngữ nghĩa kêu choang choang của đôi câu đối được cẩn
khắc theo lối chữ thảo trên hai khẩu gỗ tạo hình rất bắt mắt: Tòa phúc chi lan
hương công khoát. Nhất lâm tùng trúc thái sinh quang. Như lời ông, thì Vua Bảo
Đại từng ngồi trong ngôi nhà kia mà khi ấy ông còn bé, chuyện trò nước nôi với
bố ông. Ngôi nhà ngói 5 gian cổ kính đã bị tháo ra bán tống bán tháo trong
những năm khốn khó loạn lạc. Cái nhà mái bằng bây chừ trên nền gia cựu nhìn cứ
chuê chuế thế nào...
Trong câu chuyện, các chúa thì không biết,
nhưng ông Thoại nói hình như có cuốn sổ ghi chép khá chi tiết những lần các vua
về bái yết tiên tổ ở Gia Miêu được lưu ở miếu Triệu tổ kia nhưng sau đó biến
đâu mất! Đầu tiên là Vua Gia Long về Gia Miêu lưu lại khá lâu để thân coi sóc
việc xây lăng Trường Nguyên lẫn miếu Triệu Tường. Rồi Vua Minh Mệnh cũng về Gia
Miêu đề bài thơ ở lăng Trường Nguyên. Rồi Vua Thiệu Trị cũng về đề thơ trên
lăng. Gần thì có Thành Thái, Bảo Đại. Vua Thành Thái về Gia Miêu không chỉ một
lần. Lần rầm rộ nhất là khi nhà vua tuần du Bắc Hà, dự lễ cắt băng khánh thành
cầu Paul Doumer, cầu Long Biên bây giờ.
Lần ấy, chưa rõ là lần nào, chừng như không
muốn làm kinh động các quan hàng tỉnh lẫn dân làng Gia Miêu phải phục dịch đón
rước khổ sở, Vua Thành Thái đã cho đoàn tùy tùng từ đường thiên lý ngoặt vào
lối rẽ, chỗ ngã ba Bỉm Sơn, Hà Long bây giờ để vào Gia Miêu bái yết tiên lăng
lẫn miếu Triệu Tường. Thấy một đoàn người mũ mão sênh sang cứ nghênh ngang tiến
thẳng vào chốn thâm nghiêm, vượt qua cả biển đề hạ mã, trương tuần làng Gia
Miêu nổi giận, thét tuần đinh ngăn lại. Ai đó trong đoàn tùy tùng cười nhạt,
buông giọng khinh khi: “A quân này láo, dám cản đường vua à?”. Viên trương tuần
thấy một việc bất kính chưa từng xảy ra ở đất quý hương này, đồng thời còn bị
cản trở khi thi hành công vụ. Có lẽ quyền hạn của chức sắc quý hương Gia Miêu
theo quy định thời ấy chắc cũng khá oách, nhất lại là đám tuần đinh quen thói
thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy, lại thấy bọn người sang trọng kia xấc xược, mạo
xưng vua nữa chứ! Mà vua về quý hương cũng là cái sự thường. Nhưng vua về thì
quan đầu tỉnh phải có trát thông báo từ nhiều ngày trước đó, bèn nổi trận lôi
đình, thúc tuần đinh làm dữ hơn.
Về sau này có người nói, vụ đó vua bị xúc
phạm ra sao, thậm chí có người còn khẳng định đám tùy tùng bị trói đánh nữa...
Nhưng may phúc, Vua Thành Thái không những tha mà còn khen cho sự mẫn cán của
tuần đinh làng Gia Miêu. Tiếng lành, tiếng dữ đồn xa... Không ít nơi dậy lên
cái chuyện vua về quê cũng bị cản! Chuyện của người làng Gia Miêu, của ông
trưởng tộc Nguyễn rồi cả ông cựu bí thư kia không biết là xác thực đến đâu...
Chắc câu thành ngữ phép vua thua lệ làng ấy phải có từ lẩu lâu rồi ở một đất
nước thuần nông vốn lấy hương ước làm trọng, nhưng thiển nghĩ, chưa khi nào nó
được vận vào trường hợp của Vua Thành Thái về quê Gia Miêu lần ấy lại sinh sắc,
sống động như vậy!
Nhân chuyện của ông trưởng tộc, tôi lại
nghĩ đến bữa đã lâu được ngồi với anh em làm sử xứ Thanh mà có người khẳng định
chuyện này đã được chép trong quốc sử quán triều Nguyễn (!?). Vào dịp ngũ tuần
đại khánh của mình, Vua Minh Mạng nghĩ ra một việc. Nhà vua ra chiếu cho đất
quý hương Tống Sơn phải tìm được 50 cụ ông bất kỳ, tuổi tròn 50 ở vùng Gia
Miêu, cho vời vào Huế để nhà vua thết tiệc riêng, coi như cái tình thân cố
quận. Các cụ làm nghề gì thì làm nhưng dứt khoát hộ khẩu thường trú phải là đất
quý hương Gia Miêu chứ không thể là người của làng khác! Lệnh vua ban, ai mà
dám đơn sai nên các nhà chức việc địa phương đều nghiêm ngặt tuân thủ. Đúng
hẹn, các cụ bô lão vùng Gia Miêu của đất Quý Hương có mặt ở đất thần kinh sông
Hương núi Ngự.
Khi tiếp cận, trong bữa tiệc, vua lấy làm
ngạc nhiên, sao mà các cụ đất Quý Hương trông thần sắc ai cũng võ vàng lại kém
hoạt bát như rứa? Có thể trên đường trẩy kinh, các cụ tuổi cao sức yếu nên
những sự mệt nhọc này khác chưa thuyên giảm? Trong tiệc, vua thân hỏi thăm
nhiều người và kinh ngạc làm sao khi phát hiện trong lý lịch trích ngang của
các cụ thì có tới một phần ba là... ăn mày! Số còn lại thì đời sống cũng gieo
neo tất tả lắm, tay vo miệng lốm, chẳng ai gọi là dư dật giàu có gì. Khi đã tỏ
sự tình, nhà vua lấy làm ngậm ngùi cho cái đất quê nhà, bao năm rồi hẵng còn
khốn khó như rứa!
Khốn khó triền miên một Gia Miêu nói riêng
và cả huyện Hà Trung vốn vùng đồng trũng liên tằng lụt lội. Tức tưởi bao năm
rồi mà vẫn chưa gột được câu ca đeo bám: “Muốn ăn cua rốc ốc nhồi/ Có con thì
gả cho người Hà Trung”. Hằng bao năm như thế, chưa có công trình thủy lợi nào
ra hồn để tưới tiêu thau chua nên đời sống dân vẫn cứ bấp bênh. Mãi cho đến
thời đổi mới hơn mươi năm trở lại đây chứ mấy, thủy lợi cùng với nhiều biện
pháp ráo riết khác để xóa đói giảm nghèo, 24 xã của Hà Trung, trong đó có Gia
Miêu, đời sống mới tạm ổn. Ngồi với Chủ tịch xã Hà Long của đất quý hương Gia
Miêu họ Nguyễn, Nguyễn Hải thấy tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới 15% toàn xã, thấy
cũng hơi cao nhưng mà mừng, Hà Long đã không còn hộ đói.
Trước lúc rời Gia Miêu, vùng đất thang mộc
xứ Thanh từng tiềm ẩn biết bao sự sinh sắc độc đáo và sự phiền toái nữa, tôi
bỗng nhớ thêm câu chuyện đại loại, chỉ vì con dâu của một ông vua mà Thanh Hoa
phải thành Thanh Hóa của anh em làm sử xứ Thanh bữa đó... Số là Vua Minh Mạng
có người con dâu là Hồ Thị Hoa. Hồ Thị Hoa xinh đẹp, thông minh không may chết
sớm. Minh Mạng thương nhớ con dâu bèn đặt là lệ kỵ húy, hoa phải gọi chệch đi
là huê. Theo đó, chợ Đông Hoa ở Huế mang tên là chợ Đông Ba. Người xứ Huế và
nhiều vùng phía nam gọi huê thay cho hoa bao đời nay. Ngay cả một xứ khổng lồ
như Thanh Hoa (gồm cả Thanh Hoa nội lẫn Thanh Hoa ngoại) từ thời điểm kỵ húy ấy
đã trở thành Thanh Hóa! Chuyện ấy thực hư ra sao, mong các bậc cao minh chỉ
giáo?
Lại cả việc này nữa. Nhân chuyện về một
loạt kiêng húy từ đời chúa đến các đời vua Nguyễn, một ông cứ khăng khăng rằng,
các vị chúa lẫn vua Nguyễn ấy đã từng góp cho vốn từ vựng tiếng Việt nhiều đời
nay thêm sinh sắc phong phú!
Thử ngẫm mà coi, tỷ như tên chúa Tiên là
Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ “hoàng” cũng đọc là “huỳnh” (lưu huỳnh)
Nguyễn Phúc Khoát là “Vũ Vương”, nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ.
Chữ “Phúc” đọc thành “Phước” để tránh chữ “Phúc” trong họ Nguyễn Phúc của vua
chúa nhà Nguyễn. Chữ “Cảnh” là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người
được Nguyễn Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn)
phải đọc là “kiểng”, nên “cây cảnh” gọi là “cây kiểng”. Chữ “Kính” là tên
Nguyễn Hữu Kính, người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là “kiếng” nên “tấm
kính” gọi là “tấm kiếng”. Chữ “Tông” là tên Nguyễn Phúc Miên Tông tức Vua Thiệu
Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là “tôn”. Do đó một loạt sử sách chép miếu
hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông... đều ghi là Lý
Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn...
Đến tận sau này, một số sách sử thời hiện
đại vẫn bị ảnh hưởng ấy và chép miếu hiệu các vua từ "Tông" thành
"Tôn". Các tên đường phố phía Nam, chiểu theo miếu hiệu các vị vua,
hiện nay cũng đa phần ghi “Tông” thành “Tôn”. Chẳng những thế, một dòng họ
hoàng tộc, vốn được đọc là Tông Thất, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên phải
đọc thành Tôn Thất.
Quanh làng Gia Miêu, nơi phát tích một
vương triều cứ dài dài những chuyện nhiêu khê lẫn độc đáo. Một bận, nhà thơ
Nguyễn Duy cứ hối tôi nên bỏ công để làm một sêri dài dài về tên các đường phố
lẫn các trường học, nhất là ở một số tỉnh phía Nam từng mang tên một số vị vua,
chúa nhà Nguyễn, nay không biết vì cơn cớ gì, đã bị đổi thành tên khác?
Rằng hay thì thật hay! Nhưng lần lữa mãi mà
tôi vẫn chưa mần được!
Ghi chép của Xuân Ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét