Tóm tắt phỏng vấn cụ Đặng
Văn Việt của Đài Việt ngữ SBTN
do Phạm Trần thực hiện
Cụ Đặng Văn Việt
Câu1: Nguyên nhân nào làm cho ông thay đổi lập
trường và không ủng hộ Đảng Cộng sản nữa?
Trả lời: Tôi tham gia cách mạng từ năm 1943, tham
gia đảng từ năm 1948 (65 năm tuổi đảng, lão thành Cách mạng), qua nhiều lĩnh
vực công tác: quân sự, chính trị, văn hoá, kinh tế… Đánh hàng trăm trận (thắng
116/120 trận), vào sinh ra tử hàng trăm lần, bị thương 5 lần, chết hụt 30 lần,
vì sự nghiệp của đất nước, dân tộc và Đảng Cộng sản.
Lập trường của tôi trước sau như một, đó là lập trường của một cuộc đời cách
mạng, phấn đấu cùng toàn dân giành lại độc lập thống nhất đất nước từ tay đế
quốc, phong kiến; xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, văn minh, dân
chủ, đoàn kết trong và ngoài nước. Đó là lập trường của một người làm
cách mạng, tôi không có lập trường nào khác và cho đến nay, trước sau
như một không bao giờ có thay đổi.
Còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi là một đảng viên kỳ cựu. Tôi tham gia
cách mạng vì muốn giải phóng dân tộc. Đảng hô hào đấu tranh giải phóng dân tộc
là điều hợp với nguyện vọng cá nhân, nên tôi tham gia Việt Minh không một chút
suy nghĩ; sau đó làm chỉ huy trưởng mặt trận đường số 4. Đảng mời tôi tham gia
Đảng, tôi đồng ý vì mục tiêu của Đảng Cộng sản lúc bấy giờ với tôi là phù hợp,
không có gì mâu thuẫn. Thái độ của tôi trong quá trình trưởng thành là:
- Ủng hộ những cái hay cái đúng của nhà nước Cộng sản: chiến tranh giải phóng
dân tộc, xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng một nước Việt nam
giàu mạnh – công bằng – văn minh – dân chủ – đoàn kết.
- Không ủng hộ nhà nước Cộng sản, Đảng Cộng sản về những cái gì làm không đúng,
hại dân, hại nước, đường lối chính trị theo quan điểm Mác-Lênin lấy đấu tranh
giai cấp làm động lực thúc đẩy xã hội tiến lên, chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa
thành phần, bè cánh, hẹp hòi, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng gây nên bao sự bất
công, làm khổ cực nhiều người, hạn chế tự do, dân chủ, chủ quyền của công dân,
vi phạm pháp luật của một nhà nước công bằng văn minh.
Tôi chống những sai lầm để sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sáng suốt đi vào lòng
dân, hợp với quy luật phát triển của xã hội, để làm tăng uy tín của Đảng và duy
trì được sự lãnh đạo của Đảng.
Cần phải hiểu thế nào cho đúng xây dựng Đảng, thế nào là chống Đảng.
Câu 2: Bỏ Điều 4 có lợi gì?
Trả lời: Quản lý một đất nước đứng đầu nước nào cũng có Tổng thống,
Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội.
Một nhóm người tụ tập lại theo một tôn chỉ mục đích chính trị riêng, thành một
đảng, đảng ấy dù to nhỏ, mạnh đến đâu cũng không thể đặt ra một điều luật (Điều
4) khiến cho nó thành một tổ chức trên cả Chính phủ, trên cả Quốc hội, trên cả
Nhân dân. Bộ Chính trị của cái đảng ấy gồm 13-14 người có quyền cao hơn tất cả
các bộ, cả Chủ tịch nước, cả Thủ tướng. Trên thế giới này chỉ có Việt Nam là
nước độc nhất có Điều 4 cho nên mọi việc quyết định cuối cùng đều do Đảng, do
Bộ Chính trị. Ở Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, Toà án chỉ là hình thức không có
luật nào ngoài luật của 14 uỷ viên Bộ Chính trị. Đó là nguồn gốc của mọi việc
vô chính phủ, vô pháp luật. May sao thế giới chỉ có một Việt Nam, nếu tất cả
đều theo Việt Nam thì thế giới sẽ đại loạn.
Điều 4 là chỗ dựa cho chế độ đặc quyền đặc lợi, là cái ô che chở cho bọn cơ hội
lộng quyền, là cái ung nhọt đẻ ra các tế bào ung thư tham nhũng, bệnh ung thư
tham nhũng tự do phát triển làm suy sụp nền kinh tế quốc dân, làm suy thoái nền
văn hoá xã hội của cả nước, làm sụp đổ uy tín của đảng lãnh đạo, kéo theo sự
sụp đổ của chế độ.
Vì vậy những người lãnh đạo cộng sản cần thấy cái nguyên nhân sụp đổ có nguồn
gốc từ Điều 4, tự mình nhổ cái nọc độc Điều 4 đi, nếu không vô hình chung tự đi
vào con đường cáo chung mà không ai cứu vãn được.
Câu 3: Kể lại một vài vụ tham nhũng lớn có sự can thiệp của Bộ
Chính trị?
Trả lời: Tôi đã về hưu lâu, không ở trong guồng máy làm việc của
nhà nước nên không được sát với thời sự, thời cuộc. Các bạn cứ theo dõi các vụ Vinashin,
Vinalines sẽ thấy bao nhiêu thất thoát nhưng có mấy ai bị xử phạt rõ ràng đâu.
Gần đây nhất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng báo cáo trước Quốc hội là Bộ Chính
trị họp kiểm điểm trong việc lãnh đạo đất nước vì có nhiều sai sót, sơ suất,
ngân quỹ quốc gia bị thâm hụt hàng 1-2 triệu tỷ đồng, Hàng ngàn xí nghiệp quốc
doanh bị phá sản, Bộ Chính trị xin nhận khuyết điểm trước Chính phủ, Quốc hội,
Nhân dân và xin sẵn sàng nhận kỷ luật. Một đồng chí phụ trách chính trong việc
điều hành đất nước xin nhận khuyết điểm và nhận kỷ luật trước nhà nước, trước
nhân dân. Nhưng khi Hội nghị Trung ương lại quyết định tha hết, không ai bị kỷ
luật cả.
Đã không công bố thì không ai biết, nhưng công bố rõ ràng rồi quyết định tha
bổng, thì rõ ràng là luật đảng trên tất cả mọi thứ pháp luật khác, làm cho toàn
dân bàng hoàng ngơ ngác, không thấy đâu là nhà nước pháp quyền, đâu là công lý.
Câu 4: Việc đường lối lấy dân làm gốc, hay lấy Mác-Lênin làm gốc,
đấu tranh giai cấp làm gốc, Bộ Chính trị làm gốc?
Trả lời: Trong lịch sử 4000 ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ta bị
hơn 20 lần xâm lược bởi các cường quốc mạnh nhất nhì của thế giới. Hơn 20 lần
Việt Nam đánh đuổi được quân xâm lược ra khỏi bờ cõi là nhờ sự đoàn kết của
cộng đồng các dân tộc. Phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc là bài học số 1 của
phép giữ nước và dựng nước của tổ tiên ta để lại từ ngàn xưa.
Qua các thời đại đều vậy. Nay đến thời đại cộng sản cũng vậy. Lúc nào cộng sản
yếu thì áp dụng lấy dân làm gốc, như Hồ Chí Minh đã áp dụng trong thời kỳ chống
Pháp, chống Mỹ. Một khi Việt Minh hơi mạnh lên, tư tưởng Mác-Lênin trỗi dậy,
thì Việt Minh cộng sản quên lấy dân làm gốc. Mỗi lần đem quan điểm giai cấp vào
cách mạng Việt Nam là một lần bị thất bại (như trong Xô viết Nghệ Tĩnh, trong
cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương, 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội
sau năm 1975… đều thất bại cả). Tư tưởng Mác-Lê nin có lúc lắng xuống để che
giấu nhân dân, nhưng nó vẫn ngấm ngầm tồn tại, nó bắt nguồn từ thời Trần Phú
chứ không phải mới gần đây.
Qua bao thất bại Đảng Cộng sản Việt Nam đáng lẽ phải tuyên bố từ bỏ tư tưởng
Mác-Lênin hay chí ít cũng phải tuyên bố vận dụng tư tưởng Mác-Lênin có chọn
lọc.
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước vào công tác lãnh đạo đã tuyên bố kiên
trì đường lối Mác-Lênin gây nên một thất vọng ngao ngán trong toàn nhân dân
Việt Nam.
Đảng Cộng sản tuyên bố kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin tức là vẫn giữ nguyên những
nguồn gốc những thất bại và xa rời việc lấy dân làm gốc. Tôi cho đây là một sai
lầm nghiêm trọng.
Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này chúng ta sẽ thấy rõ hàng chục triệu ý kiến
đóng góp cho sửa đổi hiến pháp nếu Đảng Cộng sản chỉ chấp nhận 5-10% thì rõ
ràng Đảng không lấy dân làm gốc, coi dân tộc Việt Nam toàn là những người ngu
dốt. Chủ nghĩa Mác-Lênin mới là bó đuốc soi sáng cho bước đường chính trị của
Đảng và Bộ Chính trị (gồm 13-14 người) là những người tự xem là thông minh nhất
của dân tộc Việt Nam.
Câu 5: Có phải chống lại bản dự thảo hiến pháp sửa đổi 1992 hay
không?
Trả lời: Lúc này Đảng và nhà nước yêu cầu mọi người dân góp ý cho
việc sửa đổi Hiến pháp. Là một đảng viên lâu năm, vào sinh ra tử chiến đấu cho
một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, văn minh, dân chủ, đoàn kết, tôi thấy
cần phải có những thay đổi trong Hiến pháp, thay đổi đường lối lãnh đạo của
Đảng cầm quyền. Góp ý đúng thì theo, không đúng thì không theo, nếu có những ý
kiến khác thì phải nghiên cứu tìm ra chân lý. Những người lãnh đạo phải là
những người thông minh biết lắng nghe ý kiến của quần chúng. Nếu chỉ là những
kẻ không chịu lắng nghe thì thật là bất hạnh cho một dân tộc anh hùng như dân
tộc Việt Nam ta.
Câu 6: Về thế lực bành trướng phương Bắc.
Trả lời: Phải nói mọi việc đều có nhân quả; nước Việt Nam ta ở cạnh
một nước lớn là Trung Hoa, đã hơn 20 lần bị ngoại xâm thì 16-17 lần do Đại Hán
Trung Quốc. Tư tưởng Đại Hán xâm lược là một tư tưởng truyền kiếp của nước láng
giềng Trung Hoa.
Phải nói nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh hầu hết bắt nguồn từ xâm chiếm
nguồn tài nguyên, ở đâu có nhiều tài nguyên ở đấy hay xảy ra tranh chấp và xảy
ra chiến tranh:
Á châu: Mãn Châu, Indonesia, Việt Nam….
Âu châu: Ruhr Rhénanie, AlsaceLorraine.
Trung Cận Đông: Iran, Iraq…
Nước Việt Nam ta hiện nay có vùng biển giàu có về dầu khí, cho nên trở thành
mục tiêu chú ý của nhiều nước trên thế giới.
Tư tưởng Đại Hán muốn xâm chiếm vùng biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á
chỉ vì muốn chiếm nguồn tài nguyên, con đường xâm chiếm mặt biển hiện nay là dễ
nhất. Trung Quốc có hải quân mạnh, dựa vào thế mạnh đó để uy hiếp Việt Nam.
Kết hợp với truyền thống và thực tế đó, việc Trung quốc lấn chiếm biển như đã
từng xảy ra và sẽ còn xảy ra.
Nhưng Việt Nam ta có một bề dày lịch sử rất lớn về chống xâm lược, ta chỉ cần
có đầu óc vận dụng những bài học mà tổ tiên đã để lại là có thể ngăn chặn được.
Hoàn cảnh nay đã khác xưa, cần biết vận dụng thích hợp.
- Về vũ khí ta có thể có nhiều vũ khí hiện đại để lấy yếu đánh mạnh.
- Về quan hệ quốc tế ta có khối ASEAN, ta có Liên Hợp Quốc, ta tìm đồng minh
mạnh từ các nước yêu chuộng hoà bình và công lý.
Riêng tôi đã từng là Trung đoàn trưởng trung đoàn 174, đã từng đánh Quốc dân
đảng, giúp cách mạng Trung Quốc giải phóng một phần Hoa Nam. Trung Quốc cũng đã
từng giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi
luôn nghĩ đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, cần tôn
trọng và không xâm phạm lẫn nhau. Nhưng nếu bất hạnh mà xảy ra xung đột và xâm
lăng, dù tuổi cao sức yếu tôi vẫn sẵn sàng trở lại cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Cụ Đặng Văn Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét