6 tháng 6, 2013

Dân Chủ, Tự Do và Pháp Quyền

Nguyễn Đại

 ·                Một cách nhìn về tự do
Khái niệm Dân Chủ nghe “to” thế nhưng rốt cuộc lại dễ hiểu. Thậm chí, ta có thể nhại thơ Đỗ Trung Quân, ai cũng hiểu, chỉ giả vờ không hiểu. Dù sao thì Dân Chủ đã được đưa lên hàng đầu rồi. Thế Tự Do thì sao? Dân Chủ hay đi liền với Tự Do, ít khi thấy hai khái niệm này đứng tách rời nhau. Thậm chí còn xuất hiện một số câu hỏi như “có thể có dân chủ mà không có tự do không?” hoặc “không dân chủ nhưng có tự do có được không?”. Thế là tôi táy máy đi tìm hiểu Tự Do là gì. Không ngờ lại phức tạp.
Đầu tiên là tra từ điển, mọi thứ bắt đầu bằng định nghĩa về mặt từ ngữ đã: Tự Do là trạng thái không bị giới hạn, ràng buộc. Tôi hiểu lời giải thích này đồng nghĩa với Tự Do là trạng thái muốn làm gì thì làm.
Thử đi một vòng các diễn đàn để xem dân mạng nói gì. (*)
Tự Do là Tự Do trong khuôn khổ.
Tự Do để mà loạn à.
Ông qua Mỹ chửi cha Washington thử coi công an nó có bắt ông vào tù không. Ở đó mà đòi Tự Do ngôn luận.
Thật đúng là cư dân mạng, với những nick ảo. Nói văng mạng, không cần suy nghĩ.
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng nhìn lại quan điểm về Tự Do của một số triết gia.
Theo Kant, Tự Do không phải là tuỳ tiện, mà là sự Tự Do tuân theo các quy tắc mà lí tính đã tự đề ra. Ông cho rằng, một ý chí Tự Do là một ý chí trong khuôn khổ những quy tắc luân lí.
Với Locke, Tự Do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào.
Hegel thì cho rằng Tự Do là cái nhận thức được cái tất yếu.
Với bộ óc siêu việt, những định nghĩa của các triết gia bao giờ cũng làm đa số người dân cảm thấy mù mờ. Bài viết này nhằm giải thích hai chữ Tự Do sao cho dễ hiểu nhất, mục đích để càng nhiều người hiểu đúng về hai chữ Tự Do càng tốt. Bắt đầu từ định nghĩa trong từ điển, và dựa vào quan điểm của Kant, trong đó “khuôn khổ những quy tắc luân lý” chính là Pháp Luật. Đồng thời, tìm hiểu thêm về mối quan hệ của Dân Chủ, Tự Do và Pháp Quyền
* * *
Tự Do là được làm những gì mình thích.
Đúng, nhưng chưa đủ. Nếu dừng lại ở đó thì quả là loạn thật. Không có tiền nhưng thích ăn chơi nên cướp. Thấy nữ sinh mơn mởn, dục vọng nổi lên là “làm luôn”. Đang ngồi nhậu, giết nhau chỉ vì nhìn thấy ghét. Đèn đỏ hả, kệ, chạy luôn. Nếu nhân danh Tự Do để làm tất cả những gì mình thích thì ai còn dám đấu tranh cho Tự Do nữa. Và nếu vậy thì dân Việt nam có lẽ đang “Tự Do” nhất. Tự Do đang bị hiểu sai thành tùy tiện, bộc phát, mất kiểm soát. Trong khi trải qua hàng ngàn năm, loài người đấu tranh cho hai chữ Tự Do thiêng liêng. Bao nhiêu người đã hi sinh chỉ vì khát vọng Tự Do, từ những người thành công như Washington, Nelson Mandela, đến những người “thành nhân” như Luther King, Nguyễn Thái Học. Cũng bao nhiêu người nhân danh hai chữ Tự Do để huy động được sức mạnh toàn dân như Lenin, Mao Trạch Đông… Bên dưới quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ba từ (ba khát vọng của dân tộc): Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc cơ mà?
Vậy thì Tự Do là được làm những gì mình thích nhưng không phải tất cả. Cái mình thích nhưng cá nhân khác không thích thì sao? Hoặc giả, cái mình thích và rất nhiều người cùng thích (ví dụ ăn cắp của công) thì sao? Họ cũng có Tự Do, ta cũng có Tự Do, nhưng hai ước muốn mâu thuẫn nhau thì giải quyết cách nào? Như vậy thì, Tự Do mà loài người đang mong muốn phải là của chung: Tự Do của cá nhân là được làm những gì mình thích nhưng không ảnh hưởng đến Tự Do của người khác.
Về lý thuyết thì ổn, nhưng thực tế, sẽ có những tranh cãi bất tận. Tất nhiên, không ai được nhân danh Tự Do để đánh người, ăn cắp, ngủ với nữ sinh vì những việc này rõ ràng có ảnh hưởng đến người khác. Nhưng cũng có việc, tôi thấy ảnh hưởng nhưng người khác thì không. Ví dụ như tôi Tự Do, tôi thích… cởi truồng đi ngoài đường chẳng hạn. Có ảnh hưởng đến Tự Do của ai không? Sẽ có người thấy chướng mắt (mất Tự Do). Vậy hành động của tôi làm ảnh hưởng đến Tự Do của người đó rồi. Nhưng ai chứng minh người đó bị chướng mắt? Ai được quyền phán xét rằng đúng là người đó bị chướng mắt, và kết luận rằng tôi không được làm vậy. Thế là pháp luật ra đời. Pháp luật sẽ quy định những gì không được làm. Và Tự Do là được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, ta gọi là Tự Do hiến định (1). Và để đạt được hai chữ Tự Do, mọi việc phải căn cứ trên luật. Xã hội của những con người Tự Do là xã hội thượng tôn luật pháp, xã hội với Nhà Nước pháp quyền. Tự Do vì vậy càng làm xã hội đi vào trật tự, kỷ cương.
Nhưng vẫn còn những mâu thuẫn giữa Luật và Tự Do. Thời phong kiến cũng có luật vậy, nhưng dân đâu có Tự Do. Nguyên nhân là Luật phong kiến chỉ để bảo vệ giai cấp thống trị, luật một chiều. Luật do giai cấp thống trị tự soạn ra và ban hành, tự xét xử và tự thi hành luôn. Nếu người dân không được quyền bác bỏ một điều luật, cho dù nó rất vô lý (kiểu như “dân thường không được mặc áo đỏ như thời phong kiến, hoặc thời kỳ con cán bộ được ưu tiên điểm khi thi Đại học ở Việt Nam”), thì cũng không thể gọi là có Tự Do. Vậy thì, muốn Luật và Tự Do song hành với nhau để Luật đảm bảo quyền Tự Do của người dân thì cơ quan Lập Pháp (Quốc hội) phải vì dân, thậm chí phải chính là dân. Muốn có Nhà Nước pháp trị thì Quốc hội phải đủ mạnh và độc lập. Quốc hội phải thực sự là cơ quan Nhà Nước có quyền lực cao nhất. Muốn vậy, thì nhất thiết phải có Dân Chủ mạnh. Dân phải thực sự là chủ, quyền lợi của Dân phải được đặt trên quyền lợi của Đảng phái, của Nhà Nước. Nhờ Dân Chủ, Luật mới đúng là do nhân dân thông qua. Luật pháp lúc này giống như là một bản khế ước mà mọi người dân ký đồng ý thực hiện. Lúc đó, trên nguyên tắc, ai sống và làm việc theo pháp luật, người đó được Tự Do.
Nguyên tắc là thế, thực tế lại vẫn còn bất cập. Luật được toàn dân thông qua, đã được ban hành rồi. Thế nhưng vẫn có cảnh người không phạm tội mà bị mất Tự Do hoặc kẻ phạm tội thì nhơn nhơn ngoài xã hội. Vấn đề thuộc về cơ quan Tư Pháp. Có trường hợp, cơ quan Tư Pháp khách quan nhưng do năng lực kém nên đã định án sai. Trường hợp này cá biệt và hiếm xảy ra, vì quy trình tố tụng còn luật sư, còn phúc thẩm… Trường hợp thứ hai nghiêm trọng hơn, cơ quan Tư Pháp không khách quan, và không tôn trọng Luật. Trường hợp này hay xảy ra trong kiện tụng giữa người dân và cơ quan Nhà Nước. Tư Pháp độc lập, khách quan, công bằng sẽ đảm bảo quyền Tự Do của người dân - nếu thật sự vô tội. Nhưng nếu Tư Pháp nằm trong quyền kiểm soát của Nhà Nước thì Tư Pháp bảo vệ Nhà Nước. Và sẽ có thể một người vô tội bị ép có tội, và mất Tự Do. Vậy để đảm bảo nhà nước pháp quyền, cũng là đảm bảo quyền Tự Do, thì Tư Pháp phải độc lập và đứng dưới Luật. Thậm chí nếu Tư Pháp cho rằng hành vi của ai đó là đáng tội, nhưng luật chưa quy định thì chỉ còn cách phản ánh với Lập Pháp. Muốn Tư Pháp độc lập, thì một lần nữa, lại phải có Dân Chủ mạnh. Dân phải được quyền giám sát, thậm chí thay thế Tư Pháp, thông qua Quốc hội. Các phiên tòa phải có những Luật sư tự do, không nằm trong các Hội đoàn này nọ, để họ bào chữa mà không bị sức ép nào. Khi đó, sẽ không còn các phiên tòa mà thậm chí thân nhân bị cáo không được vào trong, phải xem qua hệ thống tivi bên ngoài. Cũng không còn các phiên tòa mà “vừa đọc, vừa thảo luận cái 45 phút trong 15 phút” (2).
Nói thế vẫn chưa đủ. Để đảm bảo quyền Tự Do thì không thể quên vai trò của cơ quan Hành Pháp. Giả dụ như Công an nghi rằng một người nào đó có tội, công an có quyền bắt giam hay không. Câu trả lời là không. Cơ quan Hành pháp không được quyền bắt giam ai đó khi Tư Pháp chưa kết luận họ có tội. Tôi không rành về các thủ tục tạm giữ, tạm giam nên không dám bàn. Mọi người có thể tham khảo thêm qua bài viết của luật sư Lê Trần Luật về vấn đề này. Ở đây, người viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng khi Tư Pháp chưa kết luận họ có tội thì Hành Pháp, dù nghi ngờ - thậm chí biết chắc họ có tội - phải đối xử với họ như người vô tội. Ngược lại, dù Hành Pháp có khăng khăng họ có tội chăng nữa, nhưng Tư Pháp, nếu không chứng minh họ phạm tội, vẫn phải tuyên bố vô tội. Đó chính là thể hiện sự độc lập giữa 2 cơ quan này. Nếu Hành Pháp tùy tiện, người dân có quyền kiện lên Tư Pháp. Nhưng ai dám kiện Công an! Trong khi hiện nay, công an còn tùy tiện mời người ta đi làm việc, mời không đi thì xông vào nhà khiêng đi luôn. Sau đó thả về mà không có một giấy tờ nào, thậm chí đồ đạc, tư trang cũng bị tịch thu. Xin nhắc lại rằng “cho dù Công An cho ai đó là có tội, vẫn phải cư xử như người vô tội – cho đến khi có phán quyết của Tòa”. Lại một lần nữa, để đảm bảo điều này, phải có Dân Chủ mạnh. Chỉ khi có Dân Chủ mạnh thì cơ quan Hành Pháp mới chịu nằm ở dưới Luật. Ngoài ra, bắt người, tịch thu tài sản, cắt điện thoại, khi chưa có án là sai đã hẳn; mà không thi hành án khi án đã tuyên cũng là vi phạm quyền Tự Do. Trên các báo lề phải, ta thường thấy tình trạng “độc lập” kỳ dị của Hành Pháp là không thèm thi hành án (3).
Trên đây là một số suy nghĩ và quan điểm về Tự Do và Pháp Quyền, lồng trong đó là vai trò của Dân Chủ (Dân Chủ thật sự). Tự Do là được làm tất cả những gì mình thích mà luật pháp không cấm. Để đảm bảo quyền Tự Do thì phải xây dựng Nhà Nước Pháp Quyền với 3 cơ quan Lập Pháp, Tư Pháp, Hành Pháp độc lập, nếu không thì “tam quyền nhất lập, đồng lòng hại dân” (4). Muốn được thế thì phải có xã hội Dân Chủ đủ mạnh, người dân bầu ra, kiểm tra và giám sát hoạt động của ba cơ quan này. Qua đó, có thể thấy rằng 3 khái niệm Dân Chủ, Tự Do, Pháp Quyền tỷ lệ thuận với nhau. Thậm chí, khi cả ba đều đạt độ chín, người viết còn cho rằng 3 khái niệm trên là một, DÂN CHỦ = TỰ DO = PHÁP QUYỀN.
Ở đâu có Dân Chủ thì ở đó có Tự Do và Nhà Nước Pháp Quyền. Ở đâu có Nhà Nước Pháp Quyền thì ở đó, quyền Tự Do được đảm bảo. Ở đâu ta thấy người dân được Tự Do, ta nói quốc gia đó có Dân Chủ v.v...
Và ngược lại, tất nhiên!

Không có nhận xét nào:

Trang