Đào Tuấn
Một
tỉnh ủy viên Hà Tĩnh vừa bị cách chức do “nhận tiền chạy việc”. Vâng “Chạy
việc”. Chuyện này hoàn toàn có thể hiểu khi giờ đây, không ít thạc sĩ toán đi bán
sim điện thoại, cử nhân sư phạm chạy bàn café. Nhưng lại không thể hiểu được
khi lương tối thiểu chỉ đáp ứng chưa nổi 70% nhu cầu tối thiểu.
3
thông tin được đưa ra trong 3 ngày. Và xin đừng ai cố gắng tìm ra mối dây nhằng
nhợ nào. Đời sống có những logic của riêng nó.
Vị tỉnh ủy viên tên Nguyễn Thanh Sơn, khi đương chức bí thư huyện ủy Vụ Quang,
ông chính là người đã nhận 75 triệu đồng của một phụ nữ để “chạy” vào chân tạp
vụ nấu ăn tại huyện ủy.
Chạy việc khác chạy chức chạy quyền. Và khi mà một chân tạp vụ nấu ăn cũng có
cái giá đến 75 triệu đồng, thì có lẽ, chạy chức chạy quyền có giá là không có
giá!
Tờ Người lao động vừa thốt lên một cái tít, rằng: “Thất nghiệp nhiều quá”.
Nhiều quá có thể là con số 67,3% người lao động không có “Quan hệ lao động” vừa
được nêu ra tại QH như một nỗi nhức nhối. Nhiều quá là thống kê chính thức
3.000 thạc sĩ, cử nhân, 9.000 trung cấp, cao đẳng thất nghiệp ở Nghệ An. Hoặc
tệ hơn, 25.000 sinh viên ra trường không có việc làm ở Thanh Hóa. Về chất, thì
đó là nghịch cảnh của một thạc sĩ toán có giải tại kỳ thi Olympic toán quốc gia
từ 5 năm nay sống bằng nghề gia sư, hoặc bán sim điện thoại. Hoặc một nữ thạc
sĩ khác, mấy năm không tìm được việc đành phải lấy chồng để ở nhà nuôi con.
Người ta không thể sống bằng gió biển và khí giời. Và nếu không muốn đi bán sim
điện thoại hoặc ở nhà lấy chồng thì phải chạy thôi. Tất nhiên, phải kèm theo
điều kiện đầu tiên. Và xin ai đó trong đầu vừa nảy ra ý tưởng về “trách nhiệm”
công dân hãy thông cảm cho những người cuộc đời nhuốm bao tuyệt vọng sau những
khấp khởi mỗi khi hồ sơ gửi đi, và ngay sau đó, bị loại từ vòng gửi xe.
Nhưng thực ra, chạy việc rồi để làm gì cũng khó nói. Một hội thảo về mức lương
tối thiểu vừa được tổ chức ngày hôm qua đưa ra một hiện thực cũ rích nhưng chưa
bao giờ thôi làm những người hưởng lương bớt tủi thân: Mức lương tối thiểu chỉ
bằng 65-70% mức sống tối thiểu.
Con số 65-70% không phải là ước đoán, nó dựa trên một tính toán trên thực tế
của Viện Công nhân – Công đoàn- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, rằng: Để đảm
bảo có đủ dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày, người lao động phải chi trả từ 750.000 –
900.000 đồng/tháng. Cộng với nhu cầu lương thực thực phẩm và chi phí nuôi con,
mức sống tối thiểu của người lao động vào khoảng 2,4 – 3,7 triệu đồng/tháng.
Phía Công đoàn cũng khẳng định: Tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh
doanh chỉ đáp ứng được 65-70% mức sống tối thiểu.
Nói đây là một hiện thực cũ rích là sự bất hợp lý, bất công này đã và đang tồn
tại suốt 2 thập kỷ qua, trong khi chưa hề có dấu hiệu kết thúc.
Không chỉ Công đoàn, chính Bộ Nội vụ, vào tháng 12 năm ngoái cũng khẳng định:
Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ
số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của
cán bộ, công chức. Và “mức tăng tiền lương thực tế là thấp”.
Lương đã tăng 7 lần kể từ năm 2003. Nhưng sự tăng thêm, vì căn cứ vào “khả năng
ngân sách”, nên thực tế, chưa đủ bù cho lạm phát.
Nếu đọc đến đây mà bạn đọc vẫn muốn đặt câu hỏi logic nào cho mớ luẩn quẩn thất
nghiệp-chạy việc-lương chết đói, thì câu trả lời là một câu thơ dân gian thời
@:
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
Hình như thứ logic phi logic này sẽ còn tồn tại dài dài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét