Tại cồn Tân Lộc,
nay là phường Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ vẫn còn tồn tại lễ Tết mùng 5
như một nét đẹp văn hóa dân gian. Từ nhiều năm qua, cứ đến mùng 5 tháng 5,
chính quyền địa phương cùng với các ban ngành đoàn thể đều long trọng tổ chức
ngày truyền thống, lấy tên “Tết Đoan Ngọ và Ngày hội vườn cây”.
Cảnh đọc sớ tạ ơn trời đất
trong ngày Tết Đoan Ngọ 2013 tại cù lao Tân Lộc
Từ xa xưa, các ngày
lễ tết ở nước ta thường được phân bố theo thời gian bởi vì chữ “tết” là biến âm
từ chữ “tiết” mà ra. Tết Nguyên đán là lễ tết quan trọng nhất mở đầu cho một
năm, còn Tết Đoan Ngọ mở đầu một mùa vụ. Có nơi còn gọi là lễ diệt sâu
bọ...
Đặc biệt, Tết Đoan
Ngọ tuy bắt nguồn từ xa xưa nhưng tới hôm nay ý nghĩa và giá trị nhân văn
vẫn còn đọng lại trong nhiều tầng lớp xã hội.
Nguồn gốc và ý
nghĩa
Tết Đoan Ngọ hay
Tết mùng 5 tháng 5 có nhiều nguồn gốc khác nhau. Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa,
nắng nhiều. Theo lịch nguyên thủy, tháng Tí là tháng đầu năm, tháng Ngọ là
tháng giữa năm, khí dương thịnh như mặt trời giữa trưa nên còn gọi là Tết Đoan
dương.
Vào những ngày này
tiết trời oi ả nóng nực, nhiều bệnh tật phát sinh, nhất là bệnh thời khí, cảm
mạo, thương hàn nên người xưa có tục đeo bùa, tắm nước lá mùi, dùng các loại
thảo dược như lá xoài, lá ổi, lá sả, lá tràm… nấu nước xông cho cả nhà. Cũng có
gia đình chọn đúng mùng 5 tháng 5 để hái thuốc và nấu thuốc để dành trị
bệnh.
Ngoài ra, thời tiết
lúc này cũng dễ sinh ra nhiều sâu bọ, côn trùng phá hoại cây cối và làm ảnh
hưởng đến sức khỏe con người. Do đó nhiều gia đình có tục đốt sâu bọ ngụ ý bảo
vệ mùa màng tốt tươi.
Tuy chịu ảnh hưởng
của các truyền thuyết từ phương Bắc nhưng Tết Đoan Ngọ đã được Việt hóa từ rất
lâu đời và mang đậm sắc thái, phong tục, tập quán của người Việt. Một số người
hành nghề đông y tới nay vẫn còn giữ cổ tục hái thuốc vào mùng 5
tháng 5 đem về phơi khô hoặc bào chế thành cao đơn hoàn tán, đặc biệt nấu dầu
phong và thuốc dán. Có nhà còn treo ngải cứu trước cửa để tiêu trừ khí độc.
Hội thi trái ngon, lạ trong
ngày Tết Đoan Ngọ tại cù lao Tân Lộc
Từ thuở xa xưa, một
vài địa phương ở nước ta cũng có tục nhuộm móng tay móng chân để ngừa sâu bọ,
tắm nước lá mùi, uống các loại rượu và ăn các loại trái cây có khả năng giết
sâu bọ vào dịp mùng 5 tháng 5. Đó cũng là một việc làm rất có ý nghĩa nhằm bảo đảm
an toàn vệ sinh và phòng ngừa bệnh tật trong thời kỳ khoa học chưa phát triển.
“Tháng 4 đong
đậu nấu chè. Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng 5”. Tục cúng mùng 5 tháng 5 ngày nay
không còn nghi thức rộn ràng như xưa, chỉ một vài gia đình nhớ cổ lệ ông bà làm
mâm cơm canh, trái cây cúng ông bà và thánh thần, nhưng đó là ngày hướng về cội
nguồn, ngày tạ ơn tổ tiên và tri ân các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai
cơ. Mọi người đều cầu mong cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, mùa màng tươi tốt, gia
đình ấm no hạnh phúc.
Ngày hội
vườn cây Tân Lộc
Hiện nay, nhiều nơi
vẫn tổ chức đón Tết Đoan Ngọ nhưng không còn tái hiện những hoạt động mê tín,
lạc hậu, không phù hợp với nhịp sống mới. Trái lại một số nội dung có ý nghĩa
nhân bản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thì được duy trì và nâng lên
thành một giá trị mới như tổ chức tham quan, du lịch về nguồn, hái thuốc, phát
thuốc, tết Thầy thuốc, cúng tổ, mừng mùa màng thắng lợi, biểu diễn văn nghệ và
tổ chức các trò chơi dân gian...
Tại cồn Mỹ Phước,
xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hàng năm đều chọn ngày mùng 5 tháng 5 để
tổ chức “Ngày hội sông nước miệt vườn”. Tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) năm nào
cũng tổ chức “Ngày hội Cây - Trái ngon, an toàn”. Đặc biệt Ngày hội lần
thứ 8 năm nay diễn ra từ ngày 9-6 đến 13-6 với nhiều hoạt động sôi nổi như hội
thi trái ngon, an toàn; đấu xảo và trưng bày, triển lãm trên 600 mẫu trái ngon.
Đặc biệt lễ hội tại
cồn Tân Lộc, nay là phường Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ được xem là lễ
hội hoành tráng, thu hút đông đảo người tham dự từ trước tới nay.
Gian hàng trái cây ngon, an
toàn trong ngày Tết Đoan Ngọ
Đình Tân Lộc Đông
là nơi diễn ra lễ hội, tất cả những vị trong ban tế lễ đều mặc áo dài khăn
đóng. Trong giờ hành lễ, vị chánh bái đứng ra đọc văn tế, nội dung cầu cho quốc
thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sau phần tế lễ, đại
diện chính quyền phát biểu ý kiến, nêu bật thành tích của địa phương, đồng thời
kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng đất nước phồn vinh.
Cũng tại nơi đây sẽ
diễn ra hội thi trái cây ngon - lạ, thi mâm ngũ quả, thi tạo
hình nghệ thuật bằng hoa quả, thi nấu ăn… Ngoài tham gia các trò chơi dân gian,
đờn ca tài tử, khách tham quan còn có dịp thăm viếng đình chùa, nhà cổ, các
vườn du lịch, vườn cây ăn trái, tha hồ chọn lựa trái ngon. Tại đây nhiều
người có thể tổ chức tiệc tùng, thưởng thức trái ngon, bơi xuồng, câu cá,
tắm sông...
Có thể nói tất
cả hình thức tổ chức Tết Đoan Ngọ xưa nay, nếu loại trừ các yếu tố mê tín
dị đoan, còn lại đều toát lên tinh thần nhân văn cao cả. Có tiết lễ tức có cúng
bái, và lễ tết nào cũng nói lên ý nghĩa tạ ơn các bậc tiền hiền và các anh hùng
liệt sĩ.
Mùng 5 tháng 5 ở
cồn Tân Lộc không những phục vụ nhu cầu thư giãn, nhu cầu ăn uống, vui
chơi giải trí và hướng về cội nguồn mà còn tác động đến cách ứng xử giữa con
người với môi trường thiên nhiên và xã hội, đặc biệt thắt chặt thêm tình làng
nghĩa xóm.
HOÀI VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét