8 tháng 6, 2013

BÔI MÃI VẪN KHÔNG TRƠN !

MINH DIỆN
                  Thế là thằng Kỳ cháu tôi đã dẹp cái công ty TNHH của nó rồi. Động tác cuối cùng là tháo tấm bảng tên công ty bằng mê ca, gói vào giấy báo, nhét xuống gầm bàn.  Các  thứ  tải sản có giá trị  nó đã phải  bán  lấy tiền trả nợ.
Tôi hỏi Kỳ:
                - Thế  anh em nhân viên  thỉ giải quyết ra sao?
                Kỳ nói, giọng buồn xo:
                - Cũng như cháu, đi làm  mướn, bác ạ!
                Nghe Kỳ nói giật cục, và nhìn khuôn mặt rầu rĩ thất vọng của nó, thấy đắng lòng. Ai ngờ phú quý giật lùi như vậy?
                Hơn chục năm trước, Kỳ tốt nghiệp  xuất  sắc Trường đại học giao thông thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường, Kỳ làm việc cho doanh nghiệp nhà nước. Gần  chục năm lăn lộn ở nhiều công trình xây dựng cầu đường miền Đông, miền Tây , Kỳ đã khá già dặn về kỹ thuật cũng như  chỉ huy thi công, đồng thời tích lũy được một ít kinh nghiệm làm ăn của các doanh nghiệp.  Như  con chim đủ lông cánh, Kỳ quyết định  thành lập công ty riêng, làm chủ, làm giàu , thoát  kiếp làm thuê .
                Công ty TNHH xây dựng cầu đường của Kỳ ra đời, vốn pháp định vài trăm triệu đồng. Bố mẹ  Kỳ ở quê phải bán mấy sào đất vườn,vay mượn thêm  hùn với  tiền nó tiết kiệm được .


                Bấy giờ  đầu tư  công  xây dựng cơ sở hạ tầng ào ạt, vốn nhà nước tuôn ra như nước, các chủ đầu tư  ôm nhiều dự án lớn. Dự  án mẹ đẻ  dự án con. Doanh nghiệp nhỏ và vừa  mọc lên như nấm.  
               Với mối quan hệ  sẵn có,  Kỳ  nhận được  nhiều  hợp đồng thi công  những công trình  vốn đầu tư  ít,  hoặc  làm  B ,  B phết  cho những công ty lớn. Ngày ấy  việc  chung chi cho bên A, cũng như các nơi khác, mà người ta dùng danh từ một cách sống động là “Bôi trơn”  vừa phải, vì nhiều dự án, nên  làm ăn  có lãi. Bình quân mỗi công trình  sau khi  hoàn thành, trừ hết các khoản chi phí,  Kỳ  kiếm được  khoảng 8% .
               Thừa thắng xông lên, Kỳ phấn khởi  nâng cấp công ty , mua thêm  thiết bị chuyên dùng,  như  máy ủi, máy xúc, xe lăn.  Tích lũy được đồng nào dồn  hết vào  vẫn không đủ, phải vay thêm.  Vay tiền  ngân  hàng khó như bắc thang leo lên trời, phải có  tài sản thế chấp, phải chứng minh hiệu quả kinh doanh, đã thế,  lại chỉ  cho vay ngắn hạn, và lãi  xuất thỏa thuận  lên tới hơn  2% tháng  chưa tính các khoản hoa hồng .   Kỳ   đành nhắm mắt  vay   ngoài,  lãi suất 3% tháng.  Kỳ  tính  làm ăn lớn hơn,  theo đà phát triển ổn định ,  giá trị thặng dư  sẽ tăng  lũy tiến ,  nên dù phải chi thêm khoản lãi suất nóng kia cũng chấp nhận được.

Nhưng  người tính không bằng trời ! Cơn bão suy thoái  kinh tế thế giới bỗng  nổi lên và Việt Nam không còn là ốc đảo ,vì đã  hòa nhập khá sâu .  Có điều   khi  dông  bão  trên thế giới đã tan, thì  bầu trời Việt Namvẫn xám xịt!  Hết cấu trúc , lại tái cấu trúc,  “con rồng” vẫn quẫy  đạp vô vọng trong vũng lầy !
                Tăng  trưởng thụt lùi ,  lạm phát rồi  thiểu phát , vốn  ODA giảm, đầu tư công teo lại,  bất động sản đóng băng , hàng  tồn ,  nợ xấu phát sinh, nền kinh tế Việt Nam như chiếc xe mất thắng lao xuống vực. Lợi dụng đục nước béo cò , các  nhóm lợi ich tác oai tác quái bóp chết  doanh nghiệp !
                  Kỳ kể:
                -Trước  một chủ đầu tư có vài dự án, giờ một dự án vài chủ đầu tư! Mật ít ruồi nhiều , giành giựt nhau  trầy da tróc vẩy!  Đầu tiên  phải góp tiền chạy  dự  án. Con đường chạy dự án quanh co, lắt léo, vất vả gian nan  như  thày trò Đường Tăng đi lấy kinh.  Hết cửa dưới lên cửa trên, hết cửa trước luồn  cửa  sau  bằng  những  lối đi lắt léo .  Mỗi cửa  một  phép  riêng, cửa nào cũng phải bôi trơn mới lọt !  Chủ đầu tư  bổ đầu  doanh nghiệp góp tiền chạy dự  án.  Chạy được , chia  theo tỷ lệ góp vốn .
                 Kỳ nói với tôi:
                - Bác đừng tin chuyện đấu thầu đấu thiếc! Cái  trò quân xanh quân đỏ ấy chỉ để che mắt thế gian.  Dự án chia chác đâu vào đấy  từ khi chưa được cấp phép, như  cái bánh  được  chia  ngay từ khi chưa luộc!
                 Phải góp tiền  chạy dự án, nhưng  khi chạy được  lại phải  chung chi cho chủ đầu tư.  Khoản lại quả này rất đậm, có nơi lên tới 10%  tổng  giá trị  phần công trình  mình “trúng thầu”.  Đã vậy các ông chủ dự án thời nay lại  “nắm chặt đằng chuôi”,  bắt  chung chi trọn gói một lần.  Một  công ty  trúng   gói thầu công trình  trị giá 100 tỷ, thì  đợt một  được giải ngân tối đa 30 tỷ.  Trước kia,  doanh nghiệp  lại quả cho chủ đầu tư   theo tỷ lệ số tiền được giải ngân đó, còn lại các lần giải ngân sau lại quả tiếp.  Bây giờ phải chi trọn gói tiền lại quả toàn bộ gói thầu ngay lần giải ngân đầu tiên. Có trường hợp tiền tạm ứng vừa đủ chi phí  bôi  trơn,  không  còn vốn thi công công trình.
               Tôi hỏi:
               - Sao mấy ông chủ đầu tư cạn tàu ráo máng thế nhỉ?
               Kỳ mỉa mai:
               - Mấy cha sợ bị mất chức nửa chừng !
               Thì ra các  quan  chức ấy sợ rủi ro,  không kịp thu hổi vốn bỏ ra mua cái ghế của mình, nên phải  chụp giật thật nhanh. Chả trách có những công trình khởi công rồi đắp chiếu để đó , bởi vốn thi công nhà nước cấp chỉ đủ “bôi trơn” các cửa quan tham.
                Kỳ cho tôi biết thêm:
- Tiền chạy dự án và tiền  lại quả  chủ đầu tư chiếm trên dưới 15% giá trị công trình, nhưng vẫn chưa thoát nợ.  Từ lúc bổ nhát cuốc đầu tiên đến khi nghiệm thu  còn  bao nhiêu khoản chi khác. Từ cô nhân viên văn phòng đến các trưởng phó ban cơ quan chủ quản , rồi ngành dọc, ngành ngang đều nhòm ngó  miếng bánh mà doanh nghiệp đã phải mua giá đắt.  Họ  đã để mắt tới mà mình lơ đi là có chuyện! Cứ phải ngoan ngoãn cúi đầu bôi trơn tiếp, ít  thì phong bì  vài ba triệu,  nhiều một hai ngàn đô ,  rải khắp mới yên !
               Không kìm nổi sự ấm ức, kỳ nói tiếp:
               - Có thằng cầm phong bao rồi còn vòi vĩnh thứ khác!  Xuống máy  bay là kêu mình  ra đón,  đưa  đến nhà hàng đặc sản . Hết tăng một đòi tăng hai tăng  ba ,  đi khách sạn  năm sao với gái chân dài ! Mỗi lần như vậy  chục triệu ! Doanh nghiệp  è cổ thanh toán!
               Kỳ cay đắng kết luận:
              - Một gói thầu  lợi nhuận chỉ khoảng  20%, mà chi phí bôi trơn từ A đến Z đã hết hơn 15% rồi thì lấy đâu ra trả lãi ngân hàng, và hàng trăm thứ bà dằn khác?  Phải tính toán ăn bớt ăn xén vật tư là chuyện đương nhiên. Doanh nghiệp còng lưng làm cho quan chức ăn, tội vạ doanh nghiệp gánh!  Bác bảo như vậy có bất công  không?
              Đúng là bất công rồi! Nhưng sao sự bất công lại có thể tồn tại ở một chế độ “ngàn lần tốt đẹp hơn chế độ tư bản”? Đó là điều chưa ai giải thích được.
              Nhưng có những điều còn trớ trêu hơn cả chuyện bất công, ấy là sự lẫn lộn trắng đen thật giả.  Giữa  thời điểm  hơn 350.000 doanh nghiệp , chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp cả nước  bị phá sản mà, mà theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 có 1,99%, giảm 0,28% so với năm 2011.  Một doanh nghiệp nhỏ cũng thu hút 10 lao động, 350.000 doanh nghiệp phá sản, ít nhất 3.500.000 người mất việc làm, vậy mà  ngành lao động thương binh  xã hội vẫn khẳng định bảo đảm chỉ tiêu đề ra 1,6 triệu việc làm!
              Về vấn đề “Bôi trơn”. Trong khi đối thoại với doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh,  ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế , thừa nhận rằng các doanh nghiệp đã phải “bôi trơn”,   thì  ông  Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội,  khẳng định không có chuyện đó. Còn ông   Vũ Văn Hậu , Giám đốc Sở tài nguyên môi trường Hà Nội, lại nói nước đôi và đổ lỗi cho doanh nghiệp, khi trao đổi với  phóng viên báo Vn Economy  : “ Nếu điều đó có thực thì chính doanh nghiệp  sai sót. Bởi lẽ , doanh nghiệp hơn ai hết phải nắm được khả năng tài chính của mình, song đã biết mà cố lao vào thì tức là lỗi của doanh nghiệp, họ phải  trách  mình trước tiên, chứ không phải  đi trách nhà  nước” .
          Có lẽ ông ông Vũ Văn Hậu nói đúng. Các doanh nghiệp  nhỏ,  điều kiện tài chính mỏng cánh chuồn , không biết lượng sức mình lao , vào cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy chết là phải!  Đó cũng là nhận xét xác đáng của Bí thư thành ủy Hà Nội , ông Phạm Quang Nghị : “ Trong mười người tham gia một dự án, chỉ có một người người trúng thầu, chín người còn lại “bôi” nhưng không trơn thì phẫn nộ!”.
Mới đây, ngày 30-05-2013 , Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội  Nguyễn Đức Kiên đưa ra một số liệu khá  cụ thể, năm   2011 có 28%  doanh nghiệp phải bôi trơn,  nhưng năm 2012  đã lên tới  41%  doanh nghiệp phải đút lót phong bì cho các cơ quan chính phủ để bôi trơn. Ông nhấn mạnh : “Phải có phong bì  bôi trơn thì công việc mới đạt!”  
          Khái niệm “Bôi trơn” đã trở thành quen thuộc và đã vang lên ở nghị trường Quốc hội.  Khái niệm đó là kết kinh của một nền kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo,  phân biệt đối sử như trong một gia đình có con đẻ con nuôi, không tạo nên sự cạnh tranh công bằng,mà  mang nặng tính áp đặt, cửa quyền. Nó chẳng những  tạo ra  “đục nước béo cỏ” dung dưỡng quan tham, mà còn  kéo nền kinh tế Việt Nam  đi trệch  quy luật  phát triển  kinh tế thị trường, xa lạ với nền kinh tế của khu vực và thế giới.  
          Ngày 05-06-2013, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố , sẽ làm tăng  thêm mức thu nhập của người dân nước ông 15.000 đôla trong vòng mười năm tới. Hiện tại GDP bình quân  đầu người ở Nhật là 53.150.000 đôla, mười năm sau sẽ là 68.150.000 đôla.  Biện pháp ông Shinzo Abe đề ra là, mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài, ưu tiên tối đa phát triển doanh nghiệp tư nhân . Ông Shinza Abe nói : “ Tất cả ưu tiên , từ nguồn vốn đến khoa học kỹ thuật, đặt biệt là sự hết mình của các quan chức chính phủ lo cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển và làm ăn phát đạt hơn!”
          Hình như có  một sự tương đồng nào đó, khi ngày  06-06-2013, tại Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á  (WEF Đông Á) tổ chức tại  Naypyidaw, Myan ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường năng động, cạnh tranh, nơi mà tất cả các thành phần kinh tế đều có thể phát huy được tốt khả năng của mình, đồng thời luôn chủ động, tích cực đưa nến kinh tế hội nhập sâu rộng vào nến kinh tế khu vực và thế giới!”.
               Xứ ta vốn vậy, nói rất hay. Lạc quan rất trào lộng, tình hình lúc nào cũng thấy phơi phới. Nhất là tại các diễn đàn quốc tế và tung lên báo, đài. Nhưng, để “các thành phần kinh tế đều có thể phát huy được tốt khả năng của mình…” chắc không phải chuyện dễ. Điều này, Thủ tướng nắm chắc nhất, hiểu thấu hết.
               Niềm hy vọng mới đã và đang được nhen lên. Cầu mong đây là một cơ hội đề dep cái nạn “bôi trơn” và các doanh nghiệp Việt Nam hồi sinh?



Không có nhận xét nào:

Trang