29 tháng 6, 2013

Có một làng 'ông Nghè như… lá tre'

Vương Tâm

Kẻ Ngái, tên chữ là Hương Ngải, người ta hay gọi nôm na là làng Ngái, xưa thuộc xã Hương Ngải, Thạch Thất, trấn Sơn Tây, nay là huyện Thạch Thất, Hà Nội. Hương Ngải là một ngôi làng thuần nông, nghèo khó, nhưng nhờ có truyền thống học hành, nơi đây đã trở thành vùng “đất học”, một “ngôi làng khoa cử” nức tiếng cả xứ Đoài.
Làng của những đại khoa, tiến sĩ



Xưa kia làng Hương Ngải có tên là Kẻ Ngái. Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh cái tên làng Hương Ngải, nhưng theo cách lý giải của một số bậc cao niên trong xã, thì cái tên Hương Ngải có "gốc gác" từ cây ngái dại quanh làng. Chuyện rằng, khi cây ngái nở hoa, hương thơm lan tỏa khắp vùng nên dân gian gọi thành "làng Hương Ngái", rồi chữ "Ngái" bị đọc chệch đi, đọc "ngọng" đi thành "Ngải". Lâu ngày, cái tên Hương Ngải đã gắn với làng cho đến tận ngày hôm nay.
Hương Ngải gồm 4 thôn là Nậu Thượng, Nậu Trong, Nậu Hạ và Nậu Tư. Là một vùng “thuần nông”, đồng ruộng làng Ngái thuộc đất phù sa cổ bạc màu, nhiều chỗ đã bị đá ong hóa. Làng không nằm gần đường giao thông liên tỉnh hay quốc lộ, lại có ít ngành tiểu thủ công nghiệp nên làng Ngái xưa nghèo khó.
Trong khó khăn, người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác đều cố gắng cải tạo đất đai, cần cù lao động và đặc biệt, họ đều dốc lòng cho con em học hành đến nơi đến chốn. Qua các triều đại, nơi đây đã có 6 người thi đỗ thái học sinh và tiến sĩ, 53 người đỗ cử nhân, tú tài được khắp vùng “xứ Đoài” ca ngợi làng quê hiếu học.
Qua ghi chép của một số thư tịch cổ, ngoài 2 người đỗ thái học sinh thời Lý là cụ Liêu Hiến Chương, Liêu Hiến Quang thì có tới 4 người đỗ đại khoa là Đỗ Hịch, Phí Thạc, Đỗ Thê và Nguyễn Đăng Huân.
Đỗ Hịch là Tiến sĩ khoa Quý Sửu 1493, niên hiệu Hồng Đức 24 đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan và trải qua các chức Tổng binh, Đồng tri, rồi Thượng thư. Khi làm quan, Đỗ Hịch có nhiều công lao giúp nước nên được Vua Lê tặng bốn chư “Oanh liệt tướng quân”. Ông về trí sĩ, thọ 79 tuổi.
Người đỗ đại khoa tiếp theo là Phí Thạc, 22 tuổi, đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu 1529, niên hiệu Minh Đức thứ 3 đời Mạc Đăng Dung. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, tước Phúc thủy hầu.
Tiếp sau đó, thời Lê Trung Hưng, cháu 7 đời của Đỗ Hịch là Đỗ Thê, 23 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu 1685, niên hiệu Chính Hòa thứ 6 đời Lê Hy Tông. Ông từng đi sứ nhà Thanh, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Khi mất, ông được tặng Hộ khoa Đô cấp sự trung.
Thời Nguyễn, Hương Ngải có Nguyễn Đăng Huân sinh năm 1805, đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu 1829, niên hiệu Minh Mạng thứ 10, đã được bổ chức Tri phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Sau đó, ông được điều về kinh, thăng chức Lang trung bộ Lễ. Ông mất sớm, khi mới 34 tuổi, dân chúng Điện Bàn yêu kính ông đã đặt bài vị tống tiễn ông ở Văn từ bản phủ. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán Nguyễn Đăng Huân được nhà vua ban tặng 8 chữ thờ ở nhà: “Thanh bạch tự trì, thế tư liêm lại” (giữ được sự thanh bạch nên người đời nhớ mãi vị quan liêm khiết).
Truyền thống hiếu học của Hương Ngải còn thể hiện ở việc từ xưa làng đã có ruộng học điền để khuyến khích người làng đi học, nhất là giúp đỡ những nhà gặp cảnh ngộ khó khăn. Làng còn cho lập một quán Nghinh hương ở đầu làng, nơi có 7 cây đa cổ thụ ứng với 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu. Người nào thi đỗ cử nhân trở lên sẽ được làng đón ở quán Nghinh hương và coi đó là hiền tài của Hương Ngải, mà tài năng, đức độ tỏa sáng như sao Bắc Đẩu.


Quán Nghinh Hương không đồ sộ, nguy nga nhưng nó hàm chứa một khát vọng về sự phát triển (nhất biến tam, tam biến cửu - 1 gian thành 3; 3 gian thành 9). Theo “Tinh tọa đồ” thì trung tâm của ngôi quán nằm trên chòm sao Bắc Đẩu (hay còn gọi là sao Thất Tinh) và đây cũng là chòm sao sáng nhất trên bầu trời, tượng trưng cho văn chương, thi họa. Tổ tiên nơi đây đã trồng 7 cây linh thụ (4 trước, 3 sau), tượng trưng cho 7 ngôi sao gồm: Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc, Liêm Trinh, Vũ Khúc, Phá Quân.
Cũng theo “Tinh tọa đồ” thì trong vũ trụ có vô số những ngôi sao, nhưng chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao chủ tinh. Thêm nữa, miếu thờ tam vị Thần hoàng làng đặt ở chỗ cao quý nhất trong nhà tiền tế để những già làng thọ trăm tuổi trở lên và người đỗ đại khoa ngồi khi tế lễ. Đó là một cái đích để các sĩ tử Hương Ngải phấn đấu học hành và các cụ trong làng gắng luyện rèn sức khỏe để sống lâu. Năm 2009, quán Nghinh hương đã vinh dự được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trong hậu cung của miếu thờ còn lưu giữ bức đại tự lớn do Vua Tự Đức ban tặng năm 1874 với 4 chữ “Mỹ tục khả phong”. Xưa kia, phải là làng có phép tắc lễ nghĩa, dân chúng đùm bọc thương yêu nhau thật sự và học vấn thấm sâu vào các cửa họ trong làng mới tạo nên một nếp sống xứng đáng với mỹ tục khả phong, như Hương Ngải.
Sang thời cận đại, làng có một tài năng nổi trội là Lương y, Nhà văn Nguyễn Tử Siêu (1887-1965). Danh nhân Nguyễn Tử Siêu xuất thân trong một gia đình nho học, thân sinh đỗ cử nhân, anh trai ruột đỗ tú tài Hán học, bản thân ông đã qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ và chuyển sang thi cử bằng quốc văn.
Sinh thời, danh nhân Nguyễn Tử Siêu viết văn, dạy học và làm nghề đông y. Cụ đã để lại 43 tác phẩm, gồm 71 cuốn với nhiều thể loại. Về viết văn, ông chuyên viết về lịch sử, tiểu thuyết; và trong thời gian 20 năm (1925-1945) đã xuất bản hơn 20 cuốn với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như cuốn “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai Bà đánh giặc”, “Vua Bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Việt Thanh chiến sử”, “Trần Nguyên chiến kỷ”...
Có những cuốn bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành, bản thân tác giả bị quản thúc ở nguyên quán Hương Ngải.
Trong thời gian bị quản thúc, ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề đông y và viết, dịch hơn 20 cuốn sách đông y mang bút danh Nguyễn An Nhân, đó là những tác phẩm y dược học quý. Một số bộ sách tiêu biểu của ông như “Y học tùng thư”, “Sách thuốc trẻ em”, “Sách thuốc phụ nữ”, “Châm cứu sơ bộ thực hành” và các sách dịch như “Hoàng Đế nội kinh”, “Ngoại cảm thông trị”, “Khôn hóa Thái chân”, “Tân châm cứu học”... đã được nhiều người tìm đọc và áp dụng, sau này đã trở thành những lương y có tài năng, có tiếng tăm.
Trong đó, cuốn “Tử Siêu y thoại” là tác phẩm cuối cùng của danh nhân Nguyễn Tử Siêu, thể hiện cái tâm và cái đức của lương y trước thân mệnh con người như thế nào. Ông đã kế tục đạo đức của Thiền sư Tuệ Tĩnh, của Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông và bao nhiêu danh y Trung Quốc khác để tạo ra đạo đức trong lễ sống hằng ngày của mình. Ngoài viết sách, ông còn trực tiếp đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp y học dân tộc, đội ngũ đông đảo ấy đã có những đóng góp lớn cho nền y học Việt Nam.
Ngoài công việc viết văn, viết và dịch sách đông y, dược học và hành nghề đông y, ông từng tham gia Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Sơn Tây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam khóa 1 và 2 (1957-1965). Để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền văn học, y học nước nhà, tên tuổi của ông được ghi vào sách “Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam”, do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1992.
Cụ Nguyễn Tử Siêu có 7 người con, trong đó có người con trai lớn là Lương y Nguyễn Thiên Quyến (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội) đã kế tục sự nghiệp của cụ và cũng đã trở thành một danh y. Ông đã có 30 đầu sách nghiên cứu, dịch thuật về đông y và đến năm 2012, ông đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vì những đóng góp của mình cho ngành đông y Việt Nam.
Duy trì truyền thống hiếu học
Ngày nay, truyền thống hiếu học của làng Hương Ngải vẫn được kế thừa và phát huy. Theo ông Nguyễn Trung Thúy, Ủy viên văn hóa xã Hương Ngải, nếu tính cả số người xa quê nhưng nguồn gốc con em Hương Ngải thì có tới gần 2.000 người có bằng đại học và trên đại học, trong đó có 2 phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ, phó tiến sĩ. Hằng năm, qua mùa thi tuyển, toàn xã Hương Ngải có từ 45 đến 50 em thi đỗ vào các trường đại học và gần 100 em theo học hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Nhờ con đường học tập, vùng quê Hương Ngải còn vinh dự bởi có những người con trở thành giáo viên, nhà giáo ưu tú, thành những vị tướng lĩnh và các nhà quản lý. Hương Ngải là nơi sản sinh ra và bổ sung vào đội ngũ giáo viên đông nhất trong huyện, chỉ tính riêng giáo viên đang dạy học trên địa bàn xã hiện nay cũng có đến gần 200 người (cả nghỉ hưu) là con em Hương Ngải, ngoài ra còn hàng trăm giáo viên đang dạy học ở nơi khác trong huyện Thạch Thất và trên địa bàn TP Hà Nội.
Hương Ngải còn là quê hương của Nhà giáo ưu tú Cấn Anh Sùng, Thiếu tướng Vũ Trí Đạo (tên thật là Nguyễn Hữu Chính), Thiếu tướng Phí Văn Hải (nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Phó tư lệnh Quân đoàn 21) và Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô).
Theo ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải, hương ước của làng năm 1730 ghi rõ: "Trẻ con trong làng lên 6 tuổi phải đến trường để học. Những con nhỏ thông minh nhưng nhà nghèo không theo học được thì làng sẽ cấp giấy bút cho đi học để thành tài" và "Hằng năm, đến kỳ bổ thuế dân, phải chiếu bổ lương cho thầy giáo dạy học trường làng". Ngày nay, truyền thống lo cho sự học của dân vẫn được cấp ủy Đảng và chính quyền trong xã phát huy thông qua các quỹ khuyến học tại địa phương.
Từ năm 1998, nhờ sáng kiến của Hội Cựu chiến binh tại xã, Hương Ngải đã thành lập quỹ khuyến học để động viên, khuyến khích con em trong xã phấn đấu học tập. Quỹ đã thu được 180 triệu do các tổ chức và cá nhân đóng góp. Hằng năm vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Hương Ngải tổ chức gặp mặt, khen thưởng các cháu học sinh có thành tích học tập giỏi từ cấp huyện trở lên. Dịp 20-11 thì gặp mặt các nhà giáo có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học của địa phương. Ngày mồng Bốn tết tổ chức gặp mặt tuyên dương con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tại Văn Chỉ của làng. Đến nay, có 65% gia đình ở Hương Ngải đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học.
Không chỉ có quỹ khuyến học của xã, các trường học đều có quỹ khuyến học và phong trào xây dựng gia đình hiếu học được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Đó là chưa kể mỗi dòng họ, các hội, đoàn thể cũng có quỹ khuyến học riêng, trong các dịp giỗ họ, đều có quà động viên, tuyên dương các em học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập. Trong đó, có một số dòng họ khuyến học như: Nguyễn Khắc, Nguyễn Hương, Nguyễn Hữu, Phí Đình, Nguyễn Ngọc… tiêu biểu là quỹ khuyến học của dòng họ Vương Đình.
Trong tộc phả của dòng họ Vương Đình còn ghi lại thời thịnh học của dòng họ mình như sau: “Người thành tựu ở chốn khoa trường hội tụ nhiều như mây trước cửa. Thời ấy, từng có người khách ở phương xa tới hỏi thăm nhà ông Vương sinh đồ thì người làng trả lời rằng, sinh đồ họ Vương xã tôi nhiều như lá tre rụng sau cơn gió lớn, khách hỏi thế thì biết đâu mà bảo”. Ngày nay, dòng họ Vương Đình vẫn nổi tiếng vì có quỹ khuyến học lớn nhất làng.
Ông Vương Đình Kỷ, đại diện cho quỹ khuyến học dòng họ Vương Đình cho biết: “Các quỹ khuyến học thì dòng họ nào cũng có, nhưng họ nhà tôi có đầu tiên; và người khởi xướng là ông Vương Đình Tường. Quỹ khuyến học của chúng tôi phát triển như vậy là do các gia đình, các chi đều có sự đóng góp, khuyến khích việc học, việc thi cử của con cháu”. Nghe các cụ kể lại, thời xưa, những người đỗ đạt được ngồi ngang hàng với các cụ cao niên và được trọng vọng, vị nể; vì thế, bên cạnh mối quan hệ hòa thuận trong làng xóm, giữa các dòng họ cũng có sự “ganh đua”, thi đua nhau về sự học và sự thành đạt của con cháu.
Ở Hương Ngải, có nhiều gia đình, cha mẹ sẵn sàng bán vườn, bán đất lấy tiền cho con ăn học. Điển hình như các gia đình: bà Nguyễn Thị Xuyến, thôn 2, tuy chỉ làm ruộng nhưng đã nuôi 4 người con đi học đại học, nay đều làm công chức Nhà nước, gia đình ông Phí Đình Lân (thôn 4) làm ruộng nhưng có 15 người con (con dâu, con rể, con trai và con gái) tốt nghiệp đại học và đã trưởng thành; gia đình ông Cấn Liên (thôn 2), vợ làm ruộng, bản thân ông Liên bị tàn tật đã nuôi 2 con ăn học và tốt nghiệp đại học loại giỏi… Bởi vậy, trong ngôi làng Việt cổ này, các xóm Thượng, xóm Cao… được gọi là xóm công chức.
Người Hương Ngải có truyền thống ham học hỏi, nên chất lượng nguồn lao động trong xã tương đối khá. Theo thống kê xã có khoảng 4.400 lao động trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 40%. Cả xã có khoảng 700 lao động đi làm việc tại các nước và khu vực Hàn Quốc, Đài Loan, Algieria… tỷ lệ hộ nghèo ở xã chỉ còn trên 6%, thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng/năm.
Xã Hương Ngải đang chuyển mình trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân không ngừng được nâng cao nhờ có trình độ học vấn và ham hiểu biết. Và đúng như ý nghĩa của bức đại tự do Vua Tự Đức ban tặng năm 1874 với 4 chữ: “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp), truyền thống hiếu học, chịu khó vươn lên của quê hương Hương Ngải đang được những người con cần cù, giỏi giang ngày đêm vun đắp; đem tài năng của mình để đóng góp cho sự phát triển của quê hương và đất nước.
Xã Hương Ngải ngày nay có 2.105 hộ, thì có tới gần 10% số hộ gia đình có người là giáo viên, xóm nào cũng có người học đại học. Nhiều hộ gia đình có 1-2 đời có người làm nghề dạy học, trong đó có 15 gia đình có 2-3 giáo viên, 5 gia đình có từ 4 giáo viên trở lên.
Riêng gia đình bà Đỗ Thị Từ Tâm đã có truyền thống dạy học đã trải qua 5 đời, từ đời ông nội đến thế hệ cháu của bà Từ Tâm bây giờ. Hiện nay, cả nhà bà có 8 người đang theo nghề giáo viên.
Trên địa bàn Thạch Thất hiện nay có 86 ngôi trường, có gần 80% số trường có con em Hương Ngải đang đứng trên bục giảng; ở một số trường có 1/3 số giáo viên là người Hương Ngải.

Không có nhận xét nào:

Trang