Nhận được bản góp ý do tác giả trực tiếp
gửi tới với mong muốn công bố rộng rãi lên trang BVN cho nhiều
người cùng biết, chúng tôi hết sức cảm kích trước sự chân thành và ngay thẳng
của người dám nói hết những điều từ lâu mình vẫn ấp ủ.
Xin trân trọng đăng lên để bạn đọc gần xa hiểu thấu
tâm sự nung nấu của một Lão thành Cách mạng, một vị chỉ huy quân đội lừng danh
thời kháng chiến chống Pháp, ngay từ 27 tuổi đã lập những chiến công làm chấn
động nước Pháp, khiến chính các đối thủ người Pháp phải kinh phục phong cho ông
là “Con hùm xám đường số 4”
Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do –
Hạnh phúc
************
Hà Nội, ngày 8
tháng 5 năm 2013
BẢN GÓP Ý SỬA
ĐỔI HIẾN PHÁP
của Đặng Văn
Việt – Người Lính Già U100 – Lão Thành Cách Mạng
Theo yêu cầu của Bí
thư chi bộ 3, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi là: Đặng Văn
Việt, sinh năm 1920 (U100), 65 năm tuổi Đảng (1948) – Lão thành Cách mạng
(1943), qua nhiều cấp ủy - qua chỉ huy nhiều mặt trận (MT/DS 9 – 7 – 4 – 5 – 6
), đánh hàng trăm trận (thắng 116/120), năm lần bị thương (thương binh /4) – viết
15 đầu sách (3 giải nhất Văn học Nghệ thuật).
Vì tuổi cao, sức
yếu, tôi chỉ xin góp một số ý kiến xung quanh một số vấn đề bức xúc mà nhiều
người quan tâm.
1) Vấn đề
có nên tiếp tục vận dụng quan điểm tư tưởng Mác vào Việt Nam – hay nên chấm
dứt.
Chủ nghĩa Mác ra
đời vào cuối thế kỷ 19 đã có tác dụng kích thích phong trào đấu tranh của giai
cấp công nhân chống sự bóc lột tàn bạo của giai cấp tư sản. Đã tạo những tiền
đề cho Cách mạng tháng 10 Nga thành công – tiếp theo sự ra đời của nhà nước Xô
viết Nga của Hồng quân Liên Xô, trong Đại chiến thế giới lần thứ Hai, Hồng quân
Xô Viết cùng đồng minh đã đánh bại phe phát xít Đức – Ý – Nhật. Tiếp theo sự ra
đời của phe XHCN – rồi là Cách mạng Trung Quốc (1949) thành công.
Những sự kiện trên
tạo điều kiện và thời cơ cho Cách mạng Tháng 8 (1945) Việt Nam thành công và
tiếp theo Việt Nam thắng Pháp – Mỹ trong cuộc chiến tranh 30 năm.
Nói đến Chủ nghĩa
Mác là nói đến những quan điểm, tư tưởng của nó. Đó là quan điểm đấu tranh giai
cấp, quan điểm thành phần chủ nghĩa (bè cánh, chia sẻ, đặc quyền đặc lợi. Dùng
người theo lý lịch, theo lòng tin – hơn là đức tài) – là chuyên chính vô sản
(liên minh công nông binh…), là chống tư hữu, chống người bóc lột người (tất cả
là quốc doanh, tất cả là hợp tác hóa), là thiểu số phục tùng đa số, là giai cấp
công nhân là giai cấp lãnh đạo Cách mạng, là xây dựng tiến lên XHCN – lên Cộng
sản Chủ nghĩa (CSCN).
Qua gần một thế kỷ,
chủ nghĩa Mác đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nhiều yếu kém, thiếu thực tế – không
thúc đẩy xã hội tiến lên, còn kéo lùi sự tiến hóa của nhân loại.
Do vây mà: Liên Xô,
thành trì của Cách mạng bị sụp đổ, và kéo theo cả phe XHCN. Nhiều nước phải
tuyên bố từ bỏ Chủ nghĩa Mác (Pháp, Anh, Ý, Mỹ, Nhật…). Nước Đức, quê hương của
Mác cũng cáo chung không còn sùng bái Mác nữa – các tượng đài của Mác ở khắp
nơi bị hạ bệ. Thực tế cho thấy trên 200 nước trên thế giới không có nước nào là
do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Ở nước ta, cứ mỗi
lần dương cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp đều đã bị thất bại.
- Đấu tranh lần 1:
Xô viết Nghệ Tĩnh (1930)
- Đấu tranh lần 2:
Cải cách ruộng đất (1953 – 1955)
- Đấu tranh lần 3:
Cải tạo công thương (1975)
- Đấu tranh lần 4:
Đối xử không đúng – Hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi –hàng triệu người
chết vì tai nạn biển. Sau ngày giải phòng Miền Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam,
vận dụng theo quan điểm Mác, xây dựng Việt Nam tiến lên CNXH (1975 – 1995). Sau
20 năm, cả nước về kinh tế, xã hội, văn hóa sa sút nghiêm trọng. Đảng và Nhà
nước phải áp dụng chính sách đổi mới mới tạm phục hồi lại đất nước, cả bộ mặt
xã hội được thay đổi.
Nhiều quan điểm, tư
tưởng của Mác bị hủy bỏ và được thay bằng quan điểm tư tưởng mới.
- Chống tư hữu, nay
cho tư hữu
- Chống làm giàu,
nay cho làm giàu
- Chống bóc lột,
nay cho bóc lột, mời cả Tư bản nước ngoài vào để cùng bóc lột
- Mở rộng giao lưu
với tất cả các nước tư bản
- Cấm làm ngoại
thương, nay cho làm ngoại thương.
- Cho mở phòng khám
bệnh, bán thuốc, mở trường tư thục
- Hạn chế bớt quốc
doanh – xóa các Hợp tác xã
Nhờ đổi mới, đất
nước có cơ hội phát triển nhanh – có triển vọng đuổi kịp một số nước. Nhưng một
điều đáng tiếc đã gây ra một sức cản cho bước đi của cả dân tộc, đó là:
Về kinh tế, những
quan điểm tư tưởng lỗi thời của Mác bị loại bỏ, nhưng về chính trị, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng vẫn tuyên bố Đảng vẫn kiên trì đường lối Mác – Lê Nin. Tức là
vẫn theo những quan điểm về đấu tranh giai cấp – theo chủ nghĩa lý lịch. Hình
thức thì dân chủ, thực tế, mọi tự do của con người đều bị hạn chế. Tự do ngôn
luận, báo chí, bầu cử, biểu tình – Bộ máy đàn áp được tăng cường (quân đội –
công an). Tổ chức Nhà nước có nhiều Bộ, nhiều ngành nhưng trên hết lại là Bộ
Chính trị, là Tổ chức có quyền quyết định mọi vấn đề, trên cả Chính phủ, trên
cả Quốc hội, cả Tòa án Tối cao. Bộ Chính trị làm việc theo nguyên tắc
thiểu số phục tùng đa số. Một nhóm người trong Bộ Chính trị chỉ cần sắp xếp
để khi nào bỏ phiếu mình cũng nắm được đa số, là nắm được mọi quyền hành.
Vì vậy Bác Hồ đã bị
vô hiệu hóa. Bác không muốn làm Cải cách ruộng đất theo lối Trung Quốc, Bác
không muốn xử bắn bà Nguyễn Thị Năm (một phụ nữ có công với Cách mạng) nhưng đa
số trong Bộ Chính trị không đồng ý, Bác Hồ phải xếp ý kiến của mình sang một
bên.
Nhiều vụ tham nhũng
lớn theo luật pháp lẽ ra phải xử nặng, Bộ Chính trị bảo: đây là người của Đảng
không được đụng đến. Một số đã lợi dụng sự tin cậy, nắm toàn bộ tài sản của đất
nước, đã biến hóa tài sản quốc gia thành của riêng. Tệ tham nhũng phát triển
tràn lan, không tài nào ngăn chặn được. Ngân quỹ quốc gia thất thoát: 1 - 2
triệu tỷ đồng để vào túi của kẻ có chức quyền.
Thượng bất chính,
hạ tắc loạn; kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức con người sa sút nghiêm trọng
tạo nên nguy cơ xảy ra sự sụp đổ chế độ.
Ai là người yêu
nước, yêu dân, ai là người quan tâm đến vận mệnh của nước nhà, ai là người quan
tâm đến sự tồn vong của chế độ, đều phải lên tiếng đề nghị với nhà nước phải từ
bỏ Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, một đường lối chính trị đặc quyền đặc lợi cho một
“thiểu số” đã đưa đất nước Việt Nam đi từ thất bại này đến thất bại khác.
Hãy trở lại với Bác
Hồ, với chủ trương thực hiện đường lối hòa hợp dân tộc, đoàn kết các giai cấp,
cả trong và ngoài nước, theo đường lối ấy đã đưa đất nước đi đến thành công,
thành công, đại thành công.
Tôi đã viết
cuốn 1000 năm Lịch sử quân sự Việt Nam, Dân tộc Việt Nam đã hơn 20
lần bị xâm lược, đã hơn 20 lần đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, có được
sự thành công đólà nhờ sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc, không có chỗ
nào là do nhờ có đấu tranh giai cấp.
2) Vấn đề
một Đảng hay nhiều Đảng
Trên thế giới nhiều
nước áp dụng chế độ đa đảng. Một số ít áp dụng chế độ một đảng. Việt Nam ta thời
Bác Hồ đã thực hiện chế độ đa đảng. Mỗi chế độ chính trị đều có cái hay cái dở
của nó.
Ở Việt Nam ta hiện
nay lại đang thi hành chế độc độc đảng: Ta thực hiện được an ninh quốc phòng
tốt nhưng về chính trị, bề ngoài ta không nhìn thấy những lộn xộn lớn – nhưng
bên trong lòng dân ngao ngán với việc Đảng lãnh đạo với một chế độ độc quyền,
lạc hậu, qua hơn 30 năm nay thất bại nhiều lần mà không chịu sửa chữa. Từ độc
đảng những sai trái bị bưng bít, không có tiếng nói thứ hai đấu tranh để sửa
chữa – báo chí bị kiểm duyệt một chiều chặt chẽ, không đưa ra công luận được
những sự thực xấu xa. Bọn tham nhũng dựa vào bè cánh, đặc quyền đặc lợi, phát
triển không có cách gì ngăn chặn. Luật kê khai tài sản được công bố, nhưng
không ai thực hiện. Uy tín của Đảng bị sa sút nặng trong quần chúng nhân dân –
một nguy cơ của sự sụp đổ của chế độ đảng đến gần.
Vấn đề chính cốt
lõi là phải có một đường lối chính trị đúng đắn, hợp với lòng dân, hợp với quy
luật phát triển của xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công
bằng, văn minh, đoàn kết, an ninh quốc phòng ổn định, chính trị ổn định.
Nếu một đảng
mà làm tốt được việc trên [làm thật chứ không làm gian trá như
lâu nay vẫn làm – BVN] thì tất nhiên nhân dân vẫn ủng hộ chế độ một
đảng.
Nếu trái lại, những
điều trên không thực hiện được, chế độ không dựa vào dân, vẫn đi vào con đường
độc tài, chuyên chính, thì nhân dân yêu cầu phải có nhiều đảng (2 - 3 - …) dễ
bề kiềm chế lẫn nhau, thúc đẩy lịch sử dân tộc tiến lên không ngừng.
3) Có nên
bỏ điều 4 của Hiến pháp hay không?
Hiến pháp Việt Nam
đã qua 4 lần thay đổi, Bản Hiến pháp đầu tiên không có điều 4. Dần
dần để khẳng định thể chế chính trị chuyên chính vô sản, Đảng muốn đóng vai trò
độc tôn lãnh đạo. Nhà nước Việt Nam có Chính phủ, có Quốc hội, nhưng Đảng Cộng
sản Việt Nam muốn là tổ chức cao hơn cả, đứng trên cả Chính phủ, trên cả Quốc
hội. Bộ Chính trị của Đảng (gồm 13 -14 người) là tổ chức cao hơn tất cả các Bộ
- những vụ tham nhũng lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng, những thất thoát lớn của Nhà
nước, đúng ra phải đưa ra vành móng ngựa, đưa ra xét xử - nhưng Bộ chính trị
bảo là người của “tao”, phải buông tha, thế là tha bổng – thời Bác Hồ có vụ
Trần Dụ Châu, tham nhũng của bộ đội có mấy cái áo trấn thủ, Bác Hồ phải răn đe
phạt nghiêm, xử bắn, những vụ tham nhũng hiện nay gấp một ngàn vạn lần – không
thấy một ai bị bắn. Trong những vụ lớn, mức phạt nặng nhẹ, không do Chánh án
toàn án tối cao, mà do Bộ Chính trị quyết định. Kỷ cương, phép nước bị đảo lộn
– người dân không thấy đâu là pháp luật, đâu là công lý.
Nếu ở Mỹ, hiện nay,
Đảng Dân chủ đang nắm chính quyền lại đưa Hiến pháp ra sửa đổi, thêm điều 4, để
tôn vinh vai trò lãnh đạo của Đảng mình, thì nay mai, Đảng Dân chủ đổ, Đảng
Cộng hòa lên ngôi lại sửa đổi Hiến pháp lập lại một điều 4 cho Đảng mình lãnh
đạo. Nếu dựa theo quy luật đó, không có Đảng lãnh đạo nào lên nắm chính quyền
mà lại không muốn thêm một điều 4 để tự tôn vinh, để cưỡi lên đầu lên cổ của
các tổ chức khác, kể cả nhân dân.
Nếu như vậy, thì ở
Mỹ, cứ 4 năm một lần, nước Mỹ phải sửa đổi một lần Hiến pháp, để có thêm một
điều 4 mới. Và nếu cả thế giới đều bắt chước Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì
thế giới sẽ không có thế giới đại đồng, mà sẽ có đại loạn.
Về quy luật, không
có một nhà nước nào là vĩnh cửu ( Đinh (12) – Lê (29) – Lý (216) – Trần (175) –
Nguyễn (143) – Việt minh Cộng sản) sẽ có một lúc nào đó Chính thể Việt minh
Cộng sản sẽ đổ [dó là điều chắc chắn – BVN], liệu lúc đó điều 4 có
còn tồn tại nữa hay không?
Dưới thời đại
Bác Hồ không có điều 4 – Đảng Lao động Việt Nam được nhân dân tin tưởng tuyệt đối –
vì sao? Vì đường lối của Bác Hồ hợp với lòng dân – Vì
Đảng và dân là một. Đảng được uy tín tuyệt đối trong nhân dân. Ngày nay
Đảng Cộng sản sản sinh ra điều 4, phá tan kỷ cương phép nước, phá tan đoàn kết
của cộng đồng dân tộc, kinh tế sa sút, văn hóa, đạo đức xã hội bị tha hóa
nghiêm trọng, uy tín của Đảng bị xuống cấp chưa từng thấy.
Đại vương Trần Hưng
Đạo luôn nhắc nhỏ: Phải lấy dân làm gốc, phải khoan thư sức dân,nhờ
vậy các vua đời Trần đã ba lần đánh thắng Nguyên Mông. Bác Hồ, theo gương Trần
Hưng Đạo, biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nên đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam
đánh thắng hai đế quốc Pháp, Mỹ.
Ngày nay Đảng Cộng
sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo: không lấy dân làm gốc,
mà lấy Chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm gốc, lấy đấu tranh giai cấp làm gốc, Bộ Chính
trị làm gốc. Ngày nào ta còn theo đường lối bè cánh, hẹp hòi, chia rẽ, đặc
quyền, đặc lợi, ngày ấy bọn cơ hội càng có đất phát triển – vô hình trung bệnh
tham nhũng là con đẻ của chế độ lấy Chủ nghĩa Mác làm gốc – bệnh tham nhũng
được đà phát triển, kéo dài là một nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ chế độ vào một
ngày không xa.
Những người lãnh
đạo phải thấy rõ: điều 4 là một tồn tại không hợp Hiến, không hợp pháp, nó là
một yếu tố độc hại đang đưa Đảng Cộng sản tiến nhanh trên con đường sụp đổ – nó
là nguồn gốc hủy hoại sự tồn vong của Đảng Cộng sản hiện nay.
Cần có đủ đầu óc
thông minh và sáng suốt mới dám chủ động hủy bỏ điều 4. Hủy bỏ việc lấy chủ
nghĩa Mác làm gốc, để ngăn chặn cái nhọt ung thư tham nhũng ngay từ gốc nguồn –
có vậy mới cứu nguy và duy trì được vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản
hiện nay.
4) Việc có
cần đổi tên Đảng tên nước hay không?
Tại sao chỉ có hai
cái tên: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đã
xảy ra sự tranh cãi liên tục trong mấy năm, mà vẫn chưa có được kết luận – có
phải vì cái âm thanh tên này hay hơn tên kia mà đòi hỏi phải đổi thay.
Cái chính là:
Mỗi cái tên đều
mang theo nó sự mong muốn tiến tới của các cái tên ấy. Ví dụ nếu lấy tên nước
là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì là nước Việt Nam có mục đích cuối
cùng là lên CNXH – theo mô hình Xô Viết. Thực tế nhà nước XHCN theo mô hình Xô
Viết là một điều không tưởng – nước Nga – các nước Đông Âu, đi theo con đường
lên CNXH theo mô hình Xô Viết đều đã bị thất bại. Nước Việt Nam ta, sau 1975,
đã xây dựng CNXH theo mô hình Xô Viết cũng đã bị thất bại thảm hại – nếu không
đổi mới thì đất nước đã bị sụp đổ, tàn lụi.
Hiện nay, thực tế
lịch sử đòi hỏi, phải xóa bỏ cái tên không tưởng CNXH thay vào đó bằng cái tên
Dân chủ Cộng hòa là hợp với tình hình kinh tế, chính trị thực tế trong Đối Nội
và Đối Ngoại của Việt Nam hiện nay và lâu dài.
Còn về cái tên Đảng
Cộng sản, nó mang ý nghĩa là Đảng sẽ tiến lên đích cuối cùng là Cộng sản Chủ
nghĩa.
Chế độ XHCN đã là
không tưởng, thì chế độ Cộng sản lại còn ngoài cái không tưởng – làm gì có cái
xã hội: làm tùy năng lực, hưởng theo nhu cầu, nhiều người muốn đổi
tên Đảng là Đảng của những người lao động – hay Đảng Lao động Việt Nam là hợp
với thực tế trước mắt và lâu dài.
Thay đổi hai cái
tên để Đảng tránh phải mang tiếng là Đảng luôn nêu hai cái bánh vẽ để lừa quần
chúng – nhân dân – lừa cả thế giới.
Thay đổi cái tên
Cộng sản, còn có nghĩa là bỏ một cái tên đã nhắc lại những đau thương mà lịch
sử loài người đã phải trải qua. Nói đến hai chữ Cộng sản, làm mọi
người nhớ đến Staline, Mao Trạch Đông, hai nhà độc tài cộng sản đã giết hại
hàng chục triệu sinh mệnh con người để bảo vệ quyền lực của mình; đến chế độ
Polpot diệt chủng ở Campuchia (Polpot mang danh cộng sản, diệt hàng triệu dân
Campuchia, sọ dừa và xương chất thành núi); đến Cải cách ruộng đất, đến Cải tạo
công thương, đến hàng triệu người phải bỏ nước sau 1975, đến chính sách tôn
sùng sự bất công thành một quốc sách, tôn sùng sự dốt nát hơn là sự thông minh
sáng tạo. Bỏ hai chữ Cộng sản có lợi về Chính trị cho trong nước, về ngoại giao
đối với quốc tế. Không ai muốn lên CSCN với câu kinh thánh nổi tiếng của nhà
Chính trị Trần Phú: Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ.
May sao ông Trần
Phú không gặp thời, nếu không thì Việt Nam ta đã có một Tần Thủy Hoàng, một ông
vua từng ra lệnh chôn sống 2000 nho sĩ và đốt hết sách của Khổng Tử – Mạnh Tử,
hay một Staline, một Mao Trạch Đông, một Polpot 100% không hơn không kém. Ông
Trần Phú đang được Đảng và Nhà nước tôn vinh như một hảo hán anh hùng dân tộc –
được đặt tên đường, tên phố, bệnh viện, trường học, dựng tượng, xây lăng tẩm đồ
sộ. Thầy trò Trường Trần Phú (Hà Nội) đang lo lắng học tập và ra trường theo
gương ông Trần Phú như thế nào???
5) Việc nên
nêu khẩu hiệu
“Trung với nước hiếu
với dân” hay “Trung với Đảng hiếu với dân”
Đảng muốn quân đội
là một công cụ của Đảng, để bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ Đảng lúc cần thiết – nên một
số người nêu quân đội phải:
“Trung với Đảng –
Hiếu với dân”. Theo nhiều nước trên thế giới, người ta nêu: quân đội của một
quốc gia phải có tính độc lập – phải là một lực lượng vũ trang luôn
sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc khi lâm nguy.
Vì vậy, trên thế
giới các tổ chức chính trị đang nắm chính quyền đều nêu khẩu hiệu “quân đội
phải trung với nước hiếu với dân” sau đấy mới trung với chế độ hiện hành.
Chế độ nào dù tài
giỏi đến mấy cũng chỉ tồn tại một thời gian, chế độ nối tiếp sẽ thay thế – nếu
nêu khẩu hiệu: “quân đội phải trung với Đảng sau mới hiếu với dân” thì một khi
chế độ ấy đổ vỡ, quân đội sẽ đổ theo. Bao sĩ quan , tướng lĩnh phải giải ngũ,
bao vũ khí, khí tài, bị xếp xó, trở thành sắt vụn, đưa ra bán đấu giá (kể cả
bom nguyên tử, B52…). Như quân Phát xít: Đức, Ý, Nhật … Chế độ sau
không thể một lúc xây dựng nên một quân đội hùng mạnh để bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian
chiến tranh Việt Nam (9 năm) Chính phủ Pháp bị đổ đến 8 lần – thế nhưng đạo
quân xâm lược vẫn là một thứ quân, đó là quân đội Pháp (với Mỹ cũng vậy…).
Tất nhiên khi thay
đổi một chế độ, thì người lãnh đạo chế độ mới phải có những biện pháp để thay
đổi, cho quân đội hợp với đường lối chính trị mới của mình.
Đảng Cộng sản Việt
Nam có công khai sinh ra QĐNDVN từ đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và
xây dựng nó trưởng thành cho đến ngày nay. Mặc dù vậy, khẩu hiệu nêu lên với
đạo quân này vẫn phải là: “Trung với nước, hiếu với dân” sau mới nói đến trung
với Đảng.
Bác Hồ trong chuyến
đến thăm Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây (1946) đã tặng cho học sinh võ
bị khóa 1 lá cờ có ghi dòng chữ “Trung với nước, hiếu với dân”. Lá cờ của Bác
còn nằm ở nhà bảo tàng Trường Sĩ quan Lục quân hiện nay.
Nước bao giờ cũng
là vĩnh cửu, còn Đảng dù có tài giỏi đến mấy cũng chỉ có thời hạn. Chẳng khác
gì bố mẹ, sinh ra con bao giờ cũng phải dạy con: lớn lên các con phải biết
“trung với nước sau là hiếu với nhà”, không bao giờ bố mẹ lại bảo: lớn lên các
con phải “trung với gia đình sau hiếu với Tổ quốc”. Nếu dạy con theo kiểu này,
khi đất nước có giặc, các con sẽ ở nhà hết để bảo vệ gia đình và bố mẹ, không
có ai cầm súng đánh giặc giữ nước.
6) Vấn đề
tam quyền phân lập
Mỗi chế độ khi quản
lý đất nước đều phải thông qua pháp luật, việc quản lý pháp luật phải qua ba tổ
chức:
- Bộ phận Lập pháp
(Quốc hội)
- Bộ phận Hành pháp
(Tòa án)
- Bộ phận Tư pháp
(Viện kiểm sát – Luật sư)
Ba quyền hành này
phải hoàn toàn có tính độc lập riêng của nó, phải được tôn trọng, có vậy việc
quản lý đất nước mới có hiệu nghiệm – việc quản lý đất nước mới nghiêm minh.
Luật pháp mỗi khi
đã ban hành, mọi người công dân đều bình đẳng trước pháp luật và phải tuân theo
pháp luật, không phân biệt thứ bậc trong xã hội.
Ở nhiều nước văn
minh, tiên tiến, một số Thủ tướng, kể cả Tổng thống đương chức, hay về hưu, mà
phạm pháp, đều bị đưa ra tòa án xét xử.
Ở Việt Nam ta hiện
nay, tam quyền phân lập không được thể hiện rõ ràng, minh bạch.
Luật pháp là của
chung, ai cũng phải thi hành – thế nhưng một số người có chức, có quyền tự cho
mình đứng ngoài pháp luật, còn luật lệ là thuộc của dân đen.
Đảng CSVN muốn mình
là thống soái, đã dùng biện pháp tự ghi điều 4 vào Hiến pháp, đặt Đảng CS đứng
trên cả Chính phủ, cả Quốc hội, cả nhân dân. Quyền lập pháp đặt dưới sự chỉ đạo
của Đảng, Đảng chỉ đạo xây dựng luật hợp với quy chế xây dựng chủ nghĩa xã hội
theo quan điểm hợp với Mác – Lê nin.
Về hành pháp, Đảng
cũng tự cho mình đứng trên cả Bộ Tư pháp, trên cả Tòa án tối cao – mọi xét xử
lớn đều phải thông qua Bộ Chính trị – có những vụ trọng tội phải xử nặng, nhưng
Bộ chính trị bảo là “Người của Đảng, phải buông tha – “Tòa án phải tuân theo –
Tòa án bị vô hiệu hóa – công bằng xã hội bị vi phạm nghiêm trọng.
Còn phần Tư pháp,
với tiếng nói yếu ớt của các Viện Kiểm sát, các luật sư, hoạt động tư pháp mang
tình hình thức, để cho bề ngoài là nhà nước có vẻ tôn trọng quyền của công
dân. Nhân dân đòi hỏi Đảng và Nhà nước Việt Nam phải tôn trọng tam
quyền phân lập và phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, để giữ được công
bằng xã hội, kỷ cương phép nước của một nhà nước văn minh, một dân tộc văn
minh.
Kết
Trên đây, tôi đã
lược qua một số vấn đề góp một số ý kiến cá nhân vào thư Kiến nghị của 72 nhân
sĩ của cả nước đã gửi lên Quốc hội, lên Hội đồng xét việc sửa đổi Hiến pháp.
Tôi tán thành bản
Tuyên bố của hàng ngàn “công dân tự do”, bản Tuyên bố của Hội đồng Giám mục,
của Thượng tọa Thích Chí H., đại biểu cho hàng triệu giáo dân và phật tử.
Những thư và kiến
nghị đó chứng tỏ toàn dân đang lo lắng đến vận mệnh của đất nước, mong muốn có
một Hiến pháp tiến bộ, lâu dài. Đây là một thời cơ để những người lãnh đạo nắm
lấy để sửa đổi Hiến pháp, xây dựng một thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển
của đất nước.
Những ý kiến của
tôi đều xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của đất nước Việt Nam, nhiều lợi ích
bảo vệ sự tồn tại của chế độ hiện hành.
Đại vương Trần Quốc
Tuấn, 3 lần đánh thắng Nguyên Mông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi sau 10 năm đánh đuổi
được giặc Minh, Hồ Chí Minh sau 30 năm đánh đuổi 2 đế quốc lớn: Pháp – Mỹ, giải
phóng được đất nước Việt Nam đều nhờ vào lấy dân làm gốc, biết dựa
vào dân – luôn nghĩ đến khoan thư sức dân – không sợ giặc mạnh, chỉ sợ dân
không đồng lòng, đỡ thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân…
Hiện Đảng Cộng sản
Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo không lấy dân làm gốc,
mà lấy đấu tranh giai cấp làm gốc, lấy Bộ Chính trị làm gốc,
đang đưa đất nước trên con đường tuột dốc: kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội,
chính trị sa sút nghiêm trọng – tham nhũng không ngăn chặn được đưa đến nguy cơ
sụp đổ chế độ.
Lê Quý Đôn có nêu 5
biểu hiện của một chế độ có nguy cơ mất nước, đó là:
- Trẻ không trọng
già
- Trò không trọng
thầy
- Binh kiêu tướng
thoái
- Tham nhũng tràn
lan
- Sĩ phu ngoảnh mặt
(Không trọng nhân tài khinh trí thức)
Chế độ hiện hành có
gần đầy đủ những biểu hiện trên. Những cấp lãnh đạo, những người có trách nhiệm
cần phải thông minh, tỉnh táo, tiếp thu những kiến nghị của các Lão thành cách
mạng, các nhân sĩ trí thức, là trí tuệ của dân tộc, để thay đổi đường lối chính
trị, xây dựng một thể chế mới, hợp với xu thế phát triển của thời đại, để đưa
đất nước ra khỏi một giai đoạn tối tăm của lịch sử, cứu Đảng Cộng sản ra khỏi
các vực thẳm trên con đường sụp đổ – tránh sự hốt hoảng bằng thái độ dọa nạt,
răn đe khủng bố tầm thường…
Năm 1952, tôi vinh
dự được tham gia lớp Chỉnh Đảng đầu tiên của Trung ương Đảng ở cây đa Tân Trào
– các học viên hầu hết là các Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy, Khu ủy, một số là TWUV,
một số là Bộ Chính trị, là Bộ trưởng, Thứ trưởng – tôi còn nhớ, có mặt trong
đợt đó: Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Tạo,
Trần Công Tường, Lê Lộc… Một số cán bộ chủ chốt của quân đội được dự. Bác Hồ,
tuần nào cũng có một lần lên lớp cho Học viên. Một hôm, một học viên xin ý kiến
của Bác “Chúng cháu là cán bộ đảng viên, luôn có một lo lắng: làm thế nào là
đúng với lập trường, quan điểm Cách mạng – làm thế nào là sai…”
Bác vui vẻ trả lời:
“Hễ mỗi lần, các
chú làm việc gì đều phải nghĩ đến: làm việc này có lợi cho dân, cho
nước, cho Đảng, thì các chú cứ làm, không sợ sai. Nếu không lợi cho dân,
cho nước, cho Đảng, chỉ lợi cho cá nhân, cho một số nhỏ… thì cương quyết không
làm”.
Lời dạy của Bác đơn
sơ, giản dị, nhưng đầy tính chân lý, tôi đã ghi lòng tạc dạ. Nên suốt 75 năm đi
theo Cách mạng, tôi đã không bị phạm vào sai lầm gì lớn.
(Xem lời nhận xét
về Việt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh/Quân đội nhân dân Việt Nam;
của Giáo sư Trần Việt Hà – Đại học Kinh tế quốc dân; của một Giáo sư Trường
Nguyễn Ái Quốc Trung ương ở phần chú thích).
Từ thời Bí Thư thứ
nhất Lê Duẩn (1960), hơn 50 năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn nêu kiên trì
đường lối Mác – Lê nin, kiên trì đường lối đấu tranh giai cấp, đã đem lại những
hậu quả tai hại như đã nói trên. Đường lối ấy chỉ lợi cho một nhóm người, cho
tập đoàn thống trị. Tôi đã kể lại một câu chuyện, nhắc lại một lời nhắn nhủ của
Bác Hồ, người con thân yêu của dân tộc. Nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ
Chính trị của ông, là những người vững vàng nhất về chính trị, ắt phải hiểu hơn
ai hết: thế nào là Cách mạng, là quan điểm lập trường Cách mạng.
Trước khi dứt lời
tôi muốn nhắc một điều về giáo lý của Đức Phật, đó là “thuyết nhân quả”.
Trong khi một nhóm người dựa vào Học thuyết Mác – Lê nin, chiếm các chức quyền,
chiếm đoạt tài sản của nhân dân; họ đã một mình lên CNXH, còn lên cả CSCN và để
lại đằng sau trên 80 triệu người dân sống thoi thóp, phải vật lộn với bao khó
khăn hàng ngày, gánh chịu hậu quả của hàng triệu tỷ đồng thất thoát của Nhà
nước đang đổ lên đầu họ. Kéo dài một đường lối sai lầm đã làm khổ cực cho bao
nhiêu người khác là một tội ác. Đức Phật dạy: nhân nào thì có quả ấy,
quả nào cũng có nhân ấy… ai đã gây ra những sai lầm làm tổn hại cho
đất nước, dân tộc, kẻ ấy phải hứng chịu những trừng phạt không tránh khỏi của
Trời Phật.
Phải nhanh chóng
hối cải, vứt bỏ những bất công, những điều xấu xa độc ác, trút bớt lòng tham,
quay lại với cái thiện, mới mong cứu vãn được một phần tội lỗi.
Về giáo lý, Đức
Phật khuyên mọi người phải từ bi, bác ái, đùm bọc giúp đỡ nhau – luôn nghĩ đến
và làm việc thiện. Còn giáo lý của Mác, là đấu tranh giai cấp: Một đứa trẻ mới
lọt lòng, Mác đã dạy: phải nghĩ đến tiêu diệt các giai cấp loài người, để chỉ
còn lại trên trái đất này: Công nhân và nông dân. Người theo Chủ nghĩa Mác,
không từ bỏ một hành động tội ác nào để làm theo lời dạy của Mác, sẵn sàng sống
trong sự bất công, sẵn sàng làm khổ cực người khác một cách không thương tiếc.
Rõ ràng là hai giáo lý: một bên là Thiện, một bên là Ác…
Đức Khổng Tử dạy:
Nhân chi sơ tính bổn thiện. Thế mà chủ nghĩa Mác đã biến các chú bé ngây thơ
Staline, Mao Trạch Đông, Polpot thành những con người thú, hung dữ hơn cả những
con thú dữ nơi rừng xanh. Trên thế giới, có nhiều tôn giáo, thời gian tồn tại
của một tôn giáo, là thước đo mức tin cậy của nhân loại với tôn giáo ấy, hãy
xác minh đâu là một chính đạo hay đâu là một không chính đạo?…
- Đạo Phật tồn tại
đến nay trên 2500 năm (đang phát triển)
- Đạo Thiên chúa
tồn tại được được 2013 năm
- Đạo Hồi tồn tại
được trên 1500 năm
- Đạo Mác tồn tại
đến khi Liên Xô sụp đổ được 75 năm.
Về cuối đời, Mác
cũng đã tự tuyên bố phủ định một số học thuyết mà ông đã ban bố trong những
thời kỳ đầu của tuổi trẻ (như đường lối giai cấp chuyên chính vô sản, giai cấp
công nhân đào mồ chôn giai cấp tư sản,…). Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm sống
lại những điều mà chính Mác cũng đã không còn công nhận nữa.
Đảng Cộng sản Việt
Nam còn tôn vinh Chủ nghĩa Mác, còn muốn kéo dài tuổi thọ của các cụ… còn muốn
cả dân tộc Việt Nam đưa các cụ lên bàn thờ và còn muốn các trường học phải dạy
Chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Hãy trả các cụ về với các cụ bà, với châu Âu. Còn ta,
ta về về với Bác Hồ, về với ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn...
Xin nhắc một lời
thơ:
Quan nhất thời
dân vạn đại
Ghế quan ai ngồi
xin chớ thờ ơ
Thương dân dân
lập bàn thờ
Hại dân dân đái
ngập mồ thối xương.
Cụ Hoàng Giáp
Nguyễn Khắc Niêm (bố của Nguyễn Khắc Viện) có mấy vần thơ khuyên vua Thành Thái
trong việc trị nước:
Tôn tộc đại quy (Tôn trọng gia tộc thì sẽ có sự quy
tụ, đoàn kết lớn)
Tôn lộc đại nguy (Tôn sùng bổng lộc – khuyến khích
tham nhũng – thì rước lấy nguy hiểm lớn)
Tôn tài đại
thịnh (Tôn trọng nhân
tài thì đất nước hưng thịnh lớn)
Tôn nịnh đại
suy (Tôn sùng gian
nịnh thì đất nước rơi vào suy vong lớn)
Đảng Cộng sản Việt
Nam hiện nay đang tôn lộc, tôn nịnh, không tôn tài tôn
tộc, thích nghe những lời đường mật, ghét lời trung thực. Tổ tiên đã dạy:
- Phải lấy
dân làm gốc
- Tuyệt đối không
được lấy Mác – Lê Nin làm gốc.
|
Chú thích:
- Một số nhận
xét về Đặng Văn Việt – của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng Tư lệnh/ Quân đội Nhân dân Việt
Nam)
1. Tiếc là Việt
không còn ở quân đội
2. Rất tiếc là Việt
không có mặt ở Điện Biên Phủ. Nếu có mặt, trận đánh 57 ngày đêm đó, chắc chắn
sẽ được rút ngắn (½) về thời gian và giảm thiểu tối đa về thương vong, hao mòn
vật chất.
3. Nếu Việt còn ở
quân đội, Việt có thể đảm đương tới cương vị Tổng tham mưu trưởng.
4. Việt về tài đức
là điều không cần phải bàn đến: sáng tạo về quân sự, vững vàng về chính trị,
khả năng văn học dồi dào.
5. Cần phải sớm trả
lại danh dự và vị trí Cách mạng cho cụ Đặng Văn Hướng – thân sinh ra Đặng Văn
Việt – một thân sĩ dân chủ có nhiều cống hiến quý giá cho dân tộc – cho Cách
mạng.
- Của
Giáo sư Trần Văn Hà (Đại học Kinh tế quốc dân)
1. Đặng Văn Việt là
một tấm gương sáng: chí trung với nước, chí hiếu với dân, không chút vì danh
lợi địa vị. Tôi nghĩ rằng Đặng Văn Việt có thể là một mẫu hình của người Việt
Nam tiến bộ của Thế kỷ thứ 21 này.
2. Tự hào thay dân
tộc Việt Nam có những người con ưu tú như vậy.
- Của
một Giáo sư trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Học viện Chính
trị Quốc gia)
1. Kính chào Đại
vương Đường số 4, vị anh hùng Đường số 4 – người Đảng viên kiên cường luôn vì
sự nghiệp của dân tộc, của đất nước, của Đảng của Bác Hồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét