18 tháng 6, 2013

'Bạn gọi điện cho ai, gõ gì trên bàn phím họ đều biết!'

Theo báo Washington Post và Guardian, NSA và FBI đã hơn sáu năm nay có quyền truy cập vào các máy chủ của nhiều công ty Internet. Họ bí mật quan sát và âm thầm nghe trộm cả thế giới
New York – Trụ sở của cơ quan An ninh Quốc gia, một trong những cơ quan tình báo Mỹ nằm trong hai tòa nhà lớn nhiều tầng được lắp kính ở mặt tiền. Các tòa nhà này có thể nhìn thấy được từ đường cao tốc, nhưng bạn sẽ không thể đến gần các tòa nhà này được.

Chúng được cách ly với thế giới bên ngoài và nằm trong khuôn viên của căn cứ quân sự Fort Meade, ở phía Đông của Washington. Khi bạn ngắm nhìn các ăng ten khổng lồ và các thiết bị thu âm, bạn sẽ tràn ngập những cảm giác đầy ấn tượng làm nhói lên nhịp đập của trái tim, cơ quan bí mật này đang lặng lẽ quan sát và âm thầm nghe trộm cả thế giới.

Một điều rất rõ ràng, Cơ quan An ninh Quốc gia hiện nay có khả năng tiếp nhận được nhiều thông tin về cuộc sống riêng tư của người Mỹ hơn so với những gì mà bạn có thể tưởng tượng ra được trước đây. Theo tờ Washington Post và báo Guardian, các cơ quan của NSA và FBI đã hơn sáu năm nay có quyền truy cập vào các máy chủ của nhiều công ty Internet - với sự đồng thuận của các công ty này. Chính phủ xác nhận sự tồn tại của một chương trình bí mật, nhưng các công ty được nêu tên đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.
Trong câu chuyện này, chúng ta đang nói về các tập đoàn truyền thông và thông tin, mà dịch vụ của họ được hầu hết mọi người trên toàn thế giới sử dụng hàng ngày: Apple, Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Paltalk, AOL, Skype và YouTube. "Dữ liệu được thu thập trực tiếp từ các máy chủ của các công ty," – một tờ báo Mỹ cho biết, dẫn lời từ một tài liệu "tối mật". Bất cứ một người nào ở Hoa Kỳ sử dụng các dịch vụ của các công ty đã nêu, đưa lên trên trang web cá nhân những hình ảnh của mình, lưu trữ các file thông tin trong các bộ nhớ của điện toán đám mây, lưu trữ các file âm thanh hoặc video, nhận và gửi e-mail, chia sẻ tài liệu, hoặc đơn thuần chỉ là đăng ký vào một dịch vụ hoặc hủy bỏ đăng ký sử dụng dịch vụ - người đó đã chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ với các nhân viên của NSA và FBI.
Theo những thông tin đã được công bố, các chuyên gia phân tích của cơ quan An ninh quốc gia có khả năng theo dõi hoạt động và các đường dây liên lạc của người dùng trong một khoảng thời gian rất dài. Các cơ quan an ninh đã sử dụng một phần mềm có tên là PRISM và có logo một con chim ăn thịt mang dấu (tuyệt mật) để thực hiện các nhiệm vụ này, chỉ có một số rất ít các nghị sĩ được biết về phần mềm và ứng dụng của nó.
Chính phủ Mỹ cũng đã xác nhận sự tồn tại của chương trình PRISM, nhưng giải thích rằng hoạt động của phần mềm đó theo hướng chủ yếu đối với người nước ngoài. Một quan chức cao cấp của Tổng thống Mỹ trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters cho biết, những cơ sở dữ liệu thông tin thu thập từ những đối tượng không chỉ có công dân Hoa Kỳ và đang sống ở nước ngoài.Gần đây nhất, Quốc hội Mỹ sau một cuộc "điều trần sâu và rộng," và một cuộc tranh luận nóng bỏng, vẫn cho phép kéo dài các hoạt động của chương trình bí mật đã được nêu.
Trên các trang báo của tờ New York Times, Giám đốc Tình báo quốc gia Hoa Kỳ (DNI), ông James Robert Clapper, vị quan chức cao cấp dưới quyền của Tổng thống Obama đã cố gắng biện minh cho sự tồn tại của chương trình. Theo lời phát biểu của ông, chương trình được thực hiện trong khuôn khổ của Luật giám sát các cơ quan tình báo nước ngoài (FISA), cũng vừa may là đạo luật này vừa được phê chuẩn bởi Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, chương trình theo dõi bí mật này thực sự vô cùng cần thiết, "các dữ liệu thông tin mật thu thập được thông qua chương trình này nằm trong số những cơ sở dữ liệu thông tin có giá trị quan trọng bậc nhất và hữu ích nhất mà chúng tôi có, các dữ liệu thông tin này được sử dụng để bảo vệ đất nước của chúng ta từ vô vàn các nguy cơ đe dọa từ phía bên ngoài," - ông James Klepper khẳng định.
Quá lo lắng về nhưng thông tin trên báo chí, một số các công ty truyền thông – thông tin từ những công ty đã được nêu trên vào tối thứ Năm vừa qua đã phát biển trên các phương tiện thông tin đại chúng bác bỏ những cáo buộc nói trên. Đại diện chính thức của hãng Apple nói, ông từ trước đến giờ chưa bao giờ nghe nói về “chương trình PRISM”. Những thông tin về các cuộc liên lạc điện thoại, theo lời ông, chỉ được đưa ra trên cơ sở quyết định của tòa án. Và tập đoàn Google cũng phản bác hoàn toàn những thông tin của báo chí. Trong bài phát biểu chính thức của hãng có nêu: “Không có một cửa hậu nào cho chính quyền trong dịch vụ của hãng tồn tại”. “Chúng tôi cung cấp các thông tin của người dùng chỉ trong khuôn khổ pháp lý và rất cẩn thận cân nhắc tất cả các yêu cầu cung cấp thông tin người dùng theo cách này”.

Cùng một quan điểm như vậy là trang mạng xã hội Facebook, “bảo vệ không gian riêng tư của người dùng đối với mạng xã hội là ưu tiên có cấp độ quan trong bậc nhất” đại diện chính thức của trang xã hội này nhấn mạnh. Đại diện chính thức của Yahoo, căn cứ vào các nguồn thông tin có trên báo chí, đã tuyên bố như sau, chúng tôi không cung cấp cho cơ quan nhà nước quyền được truy cập vào các servers , hệ thống và mạng của chúng tôi. Mối quan tâm hàng đầu của Yahoo - bà nói - là cẩn trọng và nghiêm túc đối với không gian riêng tư của người dùng.
Tờ The Washington Post trong bài viết của mình đã căn cứ vào một bản trình chiếu Power Point bí mật giới thiệu về phần mềm thu dữ liệu thông tin, được trình bày cho các chuyên gia thu thập và phân tích xử lý thông tin hàng đầu của NSA, trong đó có những slides đã lọt vào tay của tờ báo này Theo tờ The Washington Post thông báo, đây là những thông tin của phần mềm tuyệt mật mà những thành viên của một hãng phần mềm phát triển, các slides được chuyển giao cho The Washington Post từ một trong những cán bộ thuộc cơ quan tình báo đặc biệt, kinh hoàng về quy mô thâm nhập vào đời sống riêng tư người dùng các phương tiện thông tin và truyền thông của phần mềm: “Họ - chính xác với nghĩa đen của câu nói – hoàn toàn có khả năng theo dõi tất cả các thông tin riêng tư của bạn, khi bạn nhấn phím trên bất cứ phương tiện thông tin và truyền thông nào, trình bày những suy nghĩ riêng tư của mình”- Viên chức trong nội bộ cơ quan đặc biệt này khẳng định.
Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra ánh sáng trong các bài báo, cơ sở pháp lý để đưa vào khai thác sử dụng phần mềm PRISM là Đạo luật Yêu nước (Patriot Act), được phê chuẩn sau cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Al Qaeda ngày 11.09.2001. Đạo luật cho phép các cơ quan tình báo đặc biệt có toàn quyền trong việc theo dõi các đối tượng nghi vấn là khủng bố.
Cũng theo tờ The Washington Post, chương trình PRISM được đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2007, trong thời gian cầm quyền của Bush (con). Nhưng cho đến bây giờ các cơ quan đặc biệt tiếp tục nâng cấp và mở rộng chương trình. Với phầm mềm gián điệp PRISM trong 1 tháng các cơ quan đã có tới hơn 2.000 báo cáo tuyệt mật. Đôi khi các dữ liệu được đưa vào các báo cáo trong các cuộc giao ban hàng ngày của tổng thống Obama, được lấy từ nguồn thông tin thu thập được bằng các phương pháp quan sát bí mật và nghe lén của chương trình này.
Cùng với những thông điệp về chương trình PRISM, các báo vào thứ năm bắt đầu tung ra các tài liệu buộc tội về chương trình nghe lén bí mật của chính phủ. Vào thứ tư, tờ báo The Guardian cho biết đã có những cáo buộc NSA thu thập dữ liệu các cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ. Theo tờ báo Anh, hãng điều hành viễn thông Verizon của Mỹ đã chuyển cho NSA về tất cả các cuộc đàm thoại khách hàng của họ. Với 121 triệu thuê bao, Verizon là hãng truyền thông và cung cấp đường truyền internet lớn thứ tư tại Mỹ.
Đại diện chính thức của Nhà Trắng khi khẳng định gián tiếp những thông tin báo chí nói trên, đã cố gắng muốn bảo vệ các hoạt động can thiệp vào truyền thông telephone và gọi các hoạt động này là đúng pháp luật.

Theo khẳng định của ông, các hoạt động nghe lén điện thoại là “công cụ quan trọng để đảm bảo an ninh dân tộc trước các nguy cơ khủng bố”. Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng rất lớn ở Ủy ban an ninh quốc gia thừa nhận là những việc như thế này đã tồn tại nhiều năm. Quốc Hội đã nhận được thông báo từ phía nhà nước và chính phủ. Cái đó được gọi là “Bảo vệ nước Mỹ”, bà Dianne Feinstein thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ khẳng định, người đồng nghiệp của bà, ông Saxby Chambliss, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, bổ sung thêm: “Tôi chưa bao giờ thấy một trường hợp phàn nàn nào từ phía người dân”.
Nhưng dù sao chăng nữa sau khi công bố những tài liệu được ra ánh sáng ở Mỹ, những chỉ trích ngày càng mạnh hơn, trong đó có từ phía Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và nguyên ứng cử viên tổng thống ông Al Gore. Ông Al Gore gọi các hoạt động nghe trộm điện thoại là “đáng xấu hổ” và “vượt quá giới hạn”.
Nếu những thông tin đã được công bố kia là đúng, thì đó là một trong những chứng cứ cho thấy chính quyền ông Obama đã sử dụng những biện pháp cứng rắn, nhằm mục đích ngăn chặn những nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Nhưng cách đây không lâu, Bộ Tư pháp bằng một giải pháp bí mật đã nhận được một bản kê các cuộc gọi của các phóng viên hãng thông tấn AP Associated Press và kênh truyền hình Fox News. Các cán bộ của Bộ tư pháp đang cố gắng tìm hiểu nguồn tin ngay trong nội bộ của Bộ, ai đã cũng cấp thông tin cho báo giới về những chiến dịch bí mật.
Tổng thống Barak Obama, người bước lên đỉnh cao của quyền lực bằng lời hứa sẽ minh bạch hơn nữa những hoạt động của chính quyền, nhưng hiện nay, theo như tất cả các sự việc xảy ra, đang cố gắng sử dụng những biện pháp nghiêm khắc chống lại những kẻ được coi là phản bội trong chính hàng ngũ của mình. Trong thời gian nắm quyền của tổng thống Obama, có nghĩa là từ năm 2008 đến nay, đã có 8 bị cáo bị đưa ra trước tòa xét xử theo Luật chống gián điệp (Espionage Act) – nhiều hơn hẳn so với những năm cầm quyền của các đời tổng thống trước đây.
Một trong những bị cáo là Hạ sĩ Bradley Manning, người bị cáo buộc là đã gửi hàng ngàn tài liệu mật cho nhóm điều hành cổng thông tin điện tử Internet WikiLeaks với mục đích lôi ra ánh sáng các sự kiện tuyệt mật và các nội dung bí mật đối ngoại. Phiên tòa chống lại Hạ sĩ Bradley Manning bắt đầu vào tuần này - trên địa bàn căn cứ quân sự Fort Meade. Chỉ cách vài trăm mét từ các ăng-ten nghe lén của NSA.

Trịnh Thái Bằng theo "Handelsblatt", 

Không có nhận xét nào:

Trang