Theo Cương giản.com ( Hoàng Văn Huấn)
Đọc bài thơ "Tâm sự cuối năm của
người xa quê" của tác giả Nguyễn Chi Thức trên CGO, tôi rất xúc động và
muốn gửi tiếp đến bạn đọc tác phẩm sau đây để đọc giả hiểu hoàn cảnh của người
đi lao động làm thuê ở bất cứ đâu và lúc nào cũng như vậy, từ đó có định hướng
tốt hơn cho thế hệ sau mình.
NHỮNG NGÀY KHỐN KHỔ
Được tin Nhà nước đang tuyển lao động đi
làm ở Iraqi, chúng tôi chen chân nhau đi bằng được mà không cần tính chuyện
sang đó có quyền lợi, nghĩa vụ thế nào. Công nhân thì đi làm thợ đã đành, kỹ sư
và cán bộ quản lý được đi làm đúng chức danh hay phiên dịch là tốt ,
nếu không, làm lao động phổ thông cũng ok. Sự nghèo đói khiến người ta phải hạ
mình đến như vậy. Ông cha chẳng đã có câu “giàu sang, nghèo hèn” rồi
còn gì. Tôi may mắn hơn nhiều anh chị em khác, thi đỗ làm phiên dịch tiếng Anh.
Vậy là chúng tôi rồng rắn kéo nhau đi.
Cảm giác đầu tiên của
tôi khi đặt chân xuống sân bay Bagdagh là mình đang chui vào một cái lò lửa,
mặc dù lúc đó đang giữa đêm. Chỉ sau vài ngày hoàn thành các thủ tục bắt buộc
như kiểm tra sức khỏe, đăng ký với chính quyền sở tại, ổn định nơi ăn ở...,chúng
tôi phải ra công trường. Mùa hè ở đây có nhiều hôm nóng đến trên 50 độ C. Công
việc mà đơn vị tôi phải đảm đang là thi công phần cống xả của một công trình
tiêu nước khá lớn trên sa mạc Xamara. Cái nắng rùng rợn đổ xuống khối sắt thép
rùng rợn, dội lại thứ hơi nóng rùng rợn vào da thịt của những người đang dựng
cốt thép dưới hố móng làm ít ai chịu đựng nổi một tiếng đồng hồ. Mà dừng tay là
bị các ông chủ quát tháo, thậm chí có khi còn bị đánh đập. Nhiều người đã lâm
bệnh và từ trần. Thi hài của những người xấu số mới đầu còn được đóng vào quan
tài kẽm đưa về Việt nam an táng, về sau không hiểu vì lý do gì, Chính phủ quy
định cho thiêu thi hài lấy tro đưa về. Cũng vào thời gian đó, tôi đọc được bài
thơ “Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển”
của Du Tử Lê viết từ Canada:
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi
tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi
tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi
tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
khi
tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời
lưu vong tận huyệt với linh hồn.
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
Rồi một lần cùng anh em trong
đơn vị đi thiêu xác một đồng nghiệp về, tôi buồn bã viết bài “Khi tôi chết hãy đưa tôi vào lọ”:
Khi tôi chết hãy đưa tôi vào lọ
Đời làm thuê không cả một nấm mồ
Qua Ấn độ là quê hương tôi đó
Xứ Việt nam xa tít mịt mù
Khi tôi chết hãy đưa tôi vào lọ
Xin người đừng vuốt mắt cho tôi
Tám chiếc lốp xua đi bao nỗi khổ
Một nắm tro lưu lại đến muôn đời
Ai đã đưa tôi đến chốn này
Giữa vùng sa mạc nắng gắt gay
Còng lưng lao động như trâu ngựa
Ứa nước mắt và nuốt đắng
cay
Rồi một ngày kia tôi ngã xuống
Đời sẽ nhen lên ngọn lửa hồng
Đốt xác tôi thành trăm mảnh vụn
Thiêu hồn tôi tới chín tầng không
Tôi cám ơn người đã giúp tôi
Kiếp trần gian không dễ đền bồi
Xin hẹn kiếp sau ta gặp lại
Chén thù chén tạc rượu đầy vơi
Iraqi 1988
Bài thơ vừa mượn ý thơ Du Tử Lê, vừa
nói đúng hoàn cảnh của những người lao động bên Iraqi. Chúng tôi đi làm mà
không biết lương họ trả bao nhiêu; chỉ nghe loáng thoáng được hơn 300 đô la Mỹ
mỗi tháng gì đó nhưng Nhà nước dùng để trả nợ mà ta vay họ lúc chiến tranh.
Chuyện trả nợ cũng chỉ nghe nói chứ có ai đưa văn bản cho đâu mà biết. Cái mà
chúng tôi biết đích thực là mỗi tháng được phía chủ trả mỗi người 27 Dina tiền
Iraqi, đổi chợ đen ra được 10 đến 20 đô la Mỹ tùy thời điểm. Đây là khoản tiền
ăn mà bên thuê cấp cho người lao động. Khi tôi hoàn thành hai năm nghĩa vụ lao
động, được Nhà nước trả 625 đô la Mỹ và phải tự kiếm lấy công việc cho mình.
Nhiều người trong số chúng tôi đã trở thành thất nghiệp. Thôi thì chuyện đó âu
cũng là sự đổi chác. “Muốn ăn muống thì phải lội hồ”. Có được trong tay hơn 600 đô
la sau hai năm lao động là đủ cứu vợ con thoát khỏi sự khốn cùng. Cái đáng buồn
là thi thể của những người xấu số. Có lần chúng tôi đốt xác của một công nhân
luống tuổi. Ông nguyên là thầy giáo của trường Đại học Thủy lợi, phải đi làm
lao động phổ thông vì không chen được vào một suất lao động kỹ thuật. Già yếu,
không chịu đựng nổi khí hậu khắc nghiệt, ông đã phải bỏ mạng nơi đất khách quê
người. Thi hài ông được bỏ vào chiếc quan tài gỗ, đặt trên mấy thanh thép xoắn
lấy từ công trường , hàn vào với nhau thành cái giá. Chúng tôi chất tám chiếc
lốp ôtô tải cũ phía dưới và châm lửa đốt ông giữa sa mạc. Sau nhiều giờ lửa
cháy ngùn ngụt, mọi vật biến thành than và tro, chúng tôi gắp từng mẩu than
xương màu trắng của người đồng đội vào hai cái lọ mà sau này một lọ sẽ được gửi
về cho gia đình, còn một lọ được giữ lại ở đại sứ quán phòng trường hợp lọ kia
bị thất lạc và cũng để bạn bè lấy chỗ thăm viếng.Quá trình nhặt nhảnh,
chúng tôi phát hiện có một cục gần bằng nắm tay chưa cháy hết; nó
cứ co lại giữ chặt khối nước bên trong. Đó là trái tim. Chúng tôi
phải dùng nhiều cách để đốt cháy hết trái tim ông. Tôi bỗng nhớ đến
trái tim Trương Chi. Thì ra trái tim là một cấu trúc bền vững nhất
trong cơ thể con người.
Hoàng Văn Huấn
1 nhận xét:
Người Việt Nam dùng tiền Việt tuy có mệt mỏi khổ sở chút đỉnh nhưng còn đỡ khổ nhục nhọc nhằn khi cầm tờ đô la của người ,thường những kẻ "chu du" nước ngoài về hay gọi là VÉ .Ôi! để kiếm được một vé không phải dễ gì đổi cả sinh mạng ,sự tự do thật bất hạnh .Hãy thương lấy người thân của mình khi đi xa xứ làm ăn và hãy sử dụng đồng tiền của người thân gửi về một cách tiết kiệm ,hiệu quả nhất tuyệt đối không tiêu xài lãng phí.
Đăng nhận xét