8 tháng 6, 2013

Lễ hội đánh cá Vực Rào

Hằng năm, cứ đến những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch hết, hàng ngàn người dân xã Xuân Viên cùng một số xã lân cận lại nô nức vào hội đánh cá Đồng Hoa.


Ngay từ 6 giờ sáng mọi người trên tay, trên vai những cái nơm để chuẩn bị cho ngày lễ 

Khách phương xa 
Sáng nay, ngày 8/6 (1/5 âm lịch) tại đầm Vực xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hàng nghìn người dân trong xã nô nức vào hội đánh cá Đồng Hoa. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian và nét độc đáo của nông dân.
Theo các cụ cao niên trong làng thì Lễ hội đánh cá còn được người dân địa phương gọi là lễ hội đánh Vực Rào. Đầm nước được chọn để tổ chức lễ hội có tên là đầm Vực, nằm dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ, non nước hữu tình. Đầm nước có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30ha bắt nguồn từ dãy núi Hồng và đổ ra nhánh sông của Biển nên rất thuận lợi cho các loài cá nước ngọt sinh sôi nảy nở.


Lễ hội thu hút hàng ngàn người dân địa phương Xuân Viên và vùng phủ cận. Lễ hội không kể gái trai, già trẻ...

Đây là một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.

Ngày trước lễ hội được tổ chức khá quy cũ, Làng lập ra quy định, có ban quản lý tuần tra canh gác, ngày thường không cho người dân đến đánh bắt cá. Chỉ khi đến ngày lễ, mọi người trong xã mới được tham gia hội và đánh bắt cá tại đầm vực.


Hàng ngàn người rầm rộ xuống dòng suối tại Đồng Hoa trong lễ hội đánh cá có truyền thống lâu đời này.

Theo tục lễ xa xưa, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch được chọn là ngày tổ chức lễ hội chính. Vào ngày này, Lý trưởng (người đứng đầu làng) và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ hương đăng hoa quả cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực. Sau khi làm lễ xong, một hồi trống chiêng vang dậy, đích thân Lý trưởng hú to một tiếng và cầm nơm xuống đầm úp cá trước. Sau đó tất cả mọi người trong làng, từ già trẻ gái trai, ai ai cũng tay nơm, tay lưới ào xuống đầm để thi nhau bắt cá.

Hàng trăm người dân tham gia lễ hội từ tờ mờ sáng

Nếu ai bắt được con cá to thì vừa dơ cá lên vừa hú to để “khoe” rồi mọi người dân trên bờ dưới nước đều hú theo để tán thưởng một cách hào hứng. Người ta quan niệm rằng, ai bắt được cá to hoặc nhiều cá thì sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy. Sau một ngày diễn ra lễ hội, người nào bắt được con cá to nhất sẽ được làng ban thưởng và con cá ấy đươc dùng làm đồ cúng dâng lên Thành hoàng làng nhân dịp tết Đoan Ngọ.

Một đứa trẻ thích thú trong chiếc nơm ở lễ hội đánh cá.

Ngày nay, Lễ hội đánh cá Đồng hoa không còn giữ được nhiều tục lệ như cha ông xưa nhưng người dân và chính quyền địa phương vẫn duy trì được những nét căn bản của lễ hội xưa. Hằng năm, cứ đến những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi mùa màng đã thu hoạch hết, chính quyền địa phương cùng hàng nghìn người dân nơi đây lại nô nức vào hội với lòng nhiệt tình và để giữ được những nét truyền thống của cha ông xưa để lại.

Người dân chăm chú xem lễ hội đánh bắt cá
Bà Võ Thị Lan (ở xóm Cát Thủy, xã Xuân Viên) 60 tuổi nhưng vẫn háo hức khi tham gia lễ hội: “Mấy chục năm rồi, cứ đến ngày lễ đánh Vực rào này tôi lại tham gia. Vui lắm, trong làng ai cũng đi, không kể già trẻ chi cả. Nhà tôi có 5 người tham gia cả 5. Năm ngoái tui bắt được 4 con cá chép vàng to với gần 6 cân cá loại nhỏ nữa. Không biết năm ni có bắt được nhiều không. Hy vọng tôi sẽ bắt được con cá to nhất làng”.

Sản phẩm của lễ hội đánh cá khi một người dân đánh được con cá chép nặng hơn 4kg.

 Lễ hội đánh cá Đồng Hoa với những nét độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân gian của người nông dân xưa, hội tụ được rất nhiều yếu tố về không gian văn hóa, truyền thống và địa thế nên rất được người dân tham gia hưởng ứng Nếu tính trên cả nước thì hiện nay chỉ còn vài ba lễ hội đánh cá tương tự vớ lễ hội đánh cá Đồng Hoa ở xã Xuân Viên, như lễ hội đánh cá Me ở Hà Tây và hội đánh cá thờ ở Phong Châu - Phú Thọ.
Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc dân gian độc đáo, không những nâng cao tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư mà còn mang tư tưởng khuyến nông khuyến ngư trong phát triển nông nghiệp nông thôn nên cần được bảo tồn và phát huy.


2 nhận xét:

Phan Văn Cương nói...

Đọc bài này mà nhớ quá !Quê mình ở làng Vân Hải xã Cổ Đạm cũng có một cái ao dùng chung cho cả làng rất rộng và sạch sẽ .Bình thường cả làng dùng để giặt dũ ,tắm rửa.Khoảng đến tháng 5 âm lịch khi đã thu hoạch xong vụ lúa chiêm ,quê tôi có tục cúng tết đoan ngọ mồng năm tháng năm .Sau khi mọi người cúng ông bà tổ tiên,thần linh và thành hoàng xong thì tụ tập hú nhau cả làng không phân biệt nam nữ, đàn ông đàn bà ,con nít gì cả mà đàn ông thì đa số dùng nơm có người dùng vó còn đàn bà, trẻ nít thì dùng dần sàng ,đúa cạu bắt , xúc cá ven bờ .Vui sướng, nhất là khi có người nơm được con cá to thì hò reo hú vang làng xóm .Ao làng bình thường to rộng vậy mà đến lúc này người nêm chật cứng.Trên bờ cũng đông vui nhộn nhịp không kém kẻ gọi người thưa .Ôi nhớ nhiều ghê hôm nay lại sắp đến ngày mồng năm tháng năm tết đoan ngọ quý tỵ rồi.

Nặc danh nói...

Bây giờ ao làng đã bị chiếm dụng, lấp hết rồi còn đâu nữa mà nơm!

Trang