2 tháng 3, 2013

Trống, kèn và góp ý Hiến pháp


Nguyễn Hùng


Sự kiện được gọi là 'lấy ý kiến dân về sửa đổi Hiến pháp' ở Việt Nam đã hé lộ cho thấy một số nghịch lý trong xã hội với trên 90 triệu dân ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21. 
Cả Tổng bí thư và Chủ tịch Quốc hội đều đã lên tiếng chỉ trích những người có quan điểm không đồng nhất với Đảng Cộng sản về một bản tân hiến pháp.
Sau khái niệm "lề trái" của cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông, người đứng đầu Quốc hội đưa ra khái niệm "ngược chiều".
Ông Nguyễn Sinh Hùng hôm 27/2 cảnh cáo không được “chống phá Đảng, Nhà nước” trong quá trình góp ý Dự thảo Hiến pháp.
Dường như ám chỉ bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp do một nhóm nhân sĩ, trí thức đưa ra, Chủ tịch Quốc hội nói: "Cái đó là ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn.
"Đó là cách làm không đúng quy định. Tôi chưa nói là vi phạm pháp luật nhưng mà không đúng quy định.
"Chúng ta phải đấu tranh."
Bản thân những bình luận này của người đứng đầu cơ quan làm luật tự thân nó cũng đã bao gồm những nghịch lý.
Ông Hùng không nói là những người có tiếng nói trái chiều đã làm sai luật nhưng lại cho rằng cần phải đấu tranh với họ.
Chỉ trong vòng bốn câu, ông nhấn mạnh tới việc phải "đấu tranh" tới hai lần.
Nếu bất cứ ai từng trải trong những cuộc lấy ý kiến theo đúng nghĩa của nó đều hiểu rằng mục tiêu là thu thập được càng nhiều ý kiến càng tốt để có cơ sở đưa ra quyết định cuối cùng bất luận chất lượng của các ý kiến đó ra sao, ít nhất ở giai đoạn mời gọi ý kiến đóng góp.
Trong một xã hội coi trọng công dân, người ta cũng không đặt vấn đề ai phải thắng ai, đảng phải thắng dân hay dân phải thắng đảng.
Vấn đề là đạt được sự hiểu biết về chủ đề đang bàn thảo cũng như hiểu biết giữa hai bên.
Điều này khó có thể đạt được nếu cả hai bên đều có mục tiêu "đấu tranh" để chiến thắng.
Mục tiêu của hiến pháp
Cách lái tranh luận về hiến pháp ở Việt Nam có vẻ cũng đi ngược lại những giá trị phổ quát mang tính quốc tế, điều mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lập ra nước Việt Nam hiện đại, từng đưa vào ngay những dòng đầu của Tuyên ngôn Độc lập 1945.
"Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.
"Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
"Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ."
Lời mở đầu Hiến pháp 1787 của Hoa Kỳ
"Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ."
Trong bối cảnh thảo luận về sửa đổi hiến pháp, người ta cũng có thể nhìn vào mục tiêu mà những cha đẻ của Hoa Kỳ đề ra cho bản khế ước xã hội này ngay trong lời mở đầu của Hiến pháp 1787:
"Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ."
Trải qua hơn hai thế kỷ, toàn bộ bảy điều trong Hiến pháp 1787 vẫn được giữ nguyên và 27 sửa đổi đều được ghi kèm theo dưới dạng các tu chính án.
Bảy điều này lần lượt quy định về ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, quan hệ giữa các bang, các khoản nợ quốc gia và phê chuẩn hiến pháp.
Toàn bộ bảy điều đều không nhắc gì tới đảng phái mặc dù liên quan tới quân đội Hiến pháp quy định: "Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ và của lực lượng dự bị ở một số bang."
Khi Hiến pháp được thông qua, ngành hàng không chưa tồn tại và sau này mặc dù quân đội Hoa Kỳ có thêm không quân, điều này không được bổ sung vào Hiến pháp.
Vai trò quân đội
Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt nam mà theo đó quân đội phải trung với Đảng trước nhất sau đó mới tới tổ quốc và nhân dân đã gây ra nhiều tranh luận.
Đề nghị sửa đổi được đưa ra sau các biến cố Mùa Xuân Arab mà trong đó quân đội Ai Cập đã đứng nhìn nhà độc tài Hosni Mubarak sụp đổ sau 30 năm thay vì chạy lại nâng đỡ ông trước các cuộc biểu tình phản kháng của người dân.
Đảng muốn quân đội trung thành với đảng trước rồi mới đến tổ quốc và nhân dân
Điều này trái với những gì xảy ra tại biến cố Thiên An Môn cũng bắt đầu vào mùa xuân năm 1989 khi quân đội đã xả súng vào người biểu tình tại thủ đô Bắc Kinh làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Khác với Việt Nam, chủ tịch nước ở Trung Quốc vừa là người đứng đầu đảng, vừa là người đứng đầu nhà nước và quân đội.
Trong bối cảnh quốc tế hóa như hiện nay, một số nhà lý luận thậm chí còn gợi ý rằng người dân, và suy rộng ra cũng bao gồm cả quân đội, cần trung thành với tình đồng loại và lý trí thay vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay kể cả tình yêu nước, vốn cũng bị xem là có thể được dùng làm cái cớ để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người trên hành tinh và trà đạp lên quyền lợi của những nhóm khác.
Nhìn vào ba cuộc chiến gần đây với Hoa Kỳ, Khmer Đỏ và Trung Quốc của Việt Nam, người ta có thể thấy tinh thần dân tộc và ở chừng mực nào đó, lòng yêu nước đã bị một trong hai, hoặc cả hai phía của chiến trận khích động nhằm gây ra sự giết chóc trong quá trình dùng sức mạnh vũ lực để giải quyết xung đột.
'Hãy nói đi'
"Hãy nói đi! Tiếng nói khiến bạn tự do," là lời của Phó giáo sư Jennifer Petersen ở Hoa Kỳ khi bình luận về tự do biểu đạt, vốn được quy định trong điều 1 của 10 điều sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua hồi năm 1791.
Điều sửa đổi đầu tiên này quy định: "Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình."
Với sửa đổi hiến pháp đầu tiên, quyền tự do biểu đạt những gì người dân suy nghĩ được xem là quyền "tối cao, xuyên suốt thời gian và bất khả xâm phạm."
"Phát biểu sơ sót là điều không thể tránh khỏi trong tranh luận tự do, và ... phải được bảo vệ nếu như muốn đảm bảo 'không gian sống' cho tự do biểu đạt."
Thẩm phán Brennan của Tòa Tối cao Hoa Kỳ
Nhờ sửa đổi hiến pháp này mà báo New York Times hồi năm 1964 đã thắng trong vụ bị một quan chức kiện vì đã làm ông này mất thanh danh cho dù báo thừa nhận một quảng cáo tố cáo cảnh sát mà báo này đăng đã có những sai sót.
Trong án lệ đi vào lịch sử New Yor Times v Sullivan, Thẩm phán Brennan của Tòa Tối cao nói ông đã xem xét vụ kiện "trong bối cảnh của cam kết quốc gia to lớn đối với nguyên tắc mà theo đó thảo luận về các vấn đề công cần phải không hạn chế, sôi nổi và hoàn toàn cởi mở.
Ông Brennan cũng nhấn mạnh rằng "phát biểu sơ sót là điều không thể tránh khỏi trong tranh luận tự do, và ... phải được bảo vệ nếu như muốn đảm bảo 'không gian sống' cho tự do biểu đạt".
Dựa vào những lý lẽ này, Tòa Tối cao đã đồng loạt quyết định rằng các quan chức chính phủ sẽ chỉ được bồi thường cho thanh danh bị ảnh hưởng xấu nếu họ chứng minh được rằng báo chí cố ý (chứ không phải vô tình) đưa tin sai sự thật và báo chí hoàn toàn ý thức được rằng tin họ đưa là sai vào lúc đăng tin.
Ở một chừng mực nào đó điều có thể coi là 'Điều 88' của Hoa Kỳ đã hoàn toàn được gỡ bỏ vào năm 1964 cho dù Hoa Kỳ vào thời điểm đó chỉ bắt báo chí hoặc đương sự bồi thường trong các vụ kiện phỉ báng chứ không áp dụng hình thức tù giam giữ mà Việt Nam hiện vẫn còn áp dụng cho việc "tuyên truyền chống nhà nước".
'Thuộc địa hóa'
Những hạn chế tự do biểu đạt ở Việt Nam thể hiện qua màn lấy ý kiến cho hiến pháp thực tế chỉ là ví dụ tiêu biểu của một xu hướng chung mà nhiều nhà tư tưởng đã cảnh báo.
Triết gia người Đức Jürgen Habermas nói ngay từ đầu thập niên 1980 rằng các bộ máy hành chính đang "thuộc địa hóa" đời sống chính trị.
Ông nói việc thuộc địa hóa này đã khiến người dân mất dần tính chất công dân và ngày càng trở thành người tiêu dùng.
Sự tồn tại của họ là để phục vụ cho thị trường tiêu thụ hơn là cho các chức năng dân chủ mà họ thực hiện.
Và đây có lẽ là điều trớ trêu lớn nhất ở Việt Nam.
Tại một đất nước vẫn tự coi mình là cộng sản và đang tiến lên một xã hội ưu việt hơn cả thế giới tư bản, người dân không chỉ bị 'bóc lột sức lao động' bởi những người sở hữu 'tư liệu sản xuất' như Marx nói mà còn bị giam cầm về tư duy bởi những người đang nắm toàn bộ các phương tiện truyền thông và cả ba hệ thống hành pháp, lập pháp và tư pháp.





Không có nhận xét nào:

Trang