Đầu
năm 2013, đảng Cộng sản Việt Nam phát động phong trào góp ý “Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992”.
Mặc cho thông tin
chính thống ra rả tuyên truyền, phong trào bị một phần dư luận xã hội xem là
trò hề, sửa đổi thì cũng như rắn lột da, rắn lại hòan rắn, chả mấy người tin.
Theo một hướng khác, ngày 19-1-2013, 72 người, hầu hết là các
quan chức từng có chân trong đảng và nhà nước cộng sản, cho công bố một kiến
nghị và khởi xướng một phong trào thu thập chữ ký. Đến nay họ đã thu được trên
5,659 chữ ký, phần đông những người ký hiện đang sống tại Việt Nam.
Bản Kiến Nghị gồm 7 điểm, trong đó có
điểm nhấn mạnh quyền lập hiến:
“Quyền lập hiến (xây dựng, ban hành hay
sửa đổi hiến pháp) là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư
pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ
quan nào, kể cả Quốc hội.”
Đến ngày 21-2-2013, một nhóm sinh viên
và cựu sinh viên luật ở Hà Nội cho công bố một bản kiến nghị khác cho
rằng:
“Quyền lập hiến là quyền tự nhiên thuộc
về nhân dân và vì vậy quyền phúc quyết Hiến pháp đương nhiên cũng là của nhân
dân… một bản Hiến pháp ban hành mà không thông qua thủ tục phúc quyết sẽ mất đi
phần lớn ý nghĩa vốn có và không được nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế ghi
nhận.”
Bài viết này mong chia sẻ đôi điều suy
nghĩ về quyền lập hiến và quyền phúc quyết (trưng cầu dân ý) của người Việt
chúng ta.
Hiến pháp là gì?
Hiến pháp là một văn kiện vạch ra một
viễn kiến, một hướng vươn tới cho xã hội, cho chính trị, cho kinh tế, cho giáo
dục, cho văn hoá... là văn kiện nền tảng xây dựng một quốc gia.
Hiến pháp quy định các nguyên tắc để xây
dựng chính phủ, các giới hạn của chính phủ và đề ra các thủ tục họat động cơ
bản cho chính phủ.
Nói một cách bình dân, hiến pháp là một
hợp đồng giữa dân và chính phủ. Cũng như mọi hợp đồng, hiến pháp quy định nghĩa
vụ và trách nhiệm của mỗi bên, vì thế hiến Pháp phải được đồng thuận của đại đa
số ngừơi dân. Nói rõ hơn quyền lập hiến và quyền phúc quyết là quyền của tòan
dân.
Về Hiến Pháp Việt Nam, vì nhận rõ vai
trò quan trọng của hiến pháp, ngay khi lên ngôi, vua Bảo Đại đã tỏ ý muốn có
một hiến pháp, xây dựng một thể chế Quân Chủ Lập Hiến cho Việt Nam, nhưng ý
nguyện của nhà vua không được người Pháp đồng ý.
Bảo Đại tham gia soạn thảo hiến pháp |
Sau khi thoái vị, vua Bảo Đại đã giữ một
vai trò trong việc soạn thảo Bản Dự Thảo Hiến Pháp 1945. Bản dự thảo được phổ
biến trên báo vào cuối tháng 11 năm 1945. Nó được sửa đổi và được Quốc Hội
thông qua vào tháng 11 năm 1946, nhưng lại không được Chủ tịch nước cho ban
hành.
Ban hành hiến pháp là một thủ tục luật
pháp để xác nhận rằng hiến pháp đã được biểu quyết một cách hợp lệ. Hiến pháp
sẽ có hiệu lực từ lúc được ban hành và mọi người phải tuân theo. Mặc dù không
được ban hành đa số người Việt vẫn đồng thuận xem Hiến Pháp 1946 như hiến pháp
đầu tiên của Việt Nam.
Trên tạp chí Bách Khoa, Đoàn Thêm - một
người chuyên ghi lại các sự kiện lịch sử, một chứng nhân trong việc xây dựng và
thông qua Hiến Pháp 1946, cho biết Hiến Pháp 1946 chỉ có giá trị ba ngày, nhưng
ông không cho biết lý do vì sao hiến pháp này chỉ có giá trị ba ngày.
Điều rõ nhất là Hồ chí Minh và đảng Cộng
sản chỉ sử dụng những sắc lệnh và nghị quyết của đảng, không hề đếm xỉa đến
những điều ghi trong Hiến Pháp 1946.
Trong kỳ họp thứ 11 Quốc Hội khoá I, Hồ
chí minh thông báo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1946. Ngày 31-12-1959, quốc hội đã
đồng ý thông qua hiến pháp sửa đổi. Và ngày 1-1-1960, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh
công bố, không màng đến việc “đưa ra tòan dân phúc quyết” theo đúng khỏan c
điều thứ 70 của Hiến Pháp 1946.
Quyền lập hiến cuả người dân đã bị đảng
Cộng sản sang đoạt qua Hiến Pháp 1946 và bị chiếm đoạt trong các Hiến Pháp
1959, 1980 và 1992.
Tại miền Nam hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị
Cộng được xây dựng dựa trên hai Hiến Pháp 1956 và 1967.
Hiến pháp hay
Cương lĩnh Đảng?
Đảng Cộng sản dùng hiến pháp như một
phương thức để thể chế hóa các sách lược cai trị trong từng giai đọan, luật hóa
nhiệm vụ chính trị và bảo đảm vai trò lãnh đạo.
Các sách lược và nhiệm vụ của đảng Cộng
sản đều được Bộ Chính Trị họp kín quyết định, được các Đại Hội, Hội Nghị Đảng
thông qua, rồi đưa ra Quốc Hội, đưa vào Hiến Pháp. Vì thế dưới chế độ cộng sản
Hiến Pháp chỉ là Cương lĩnh của đảng Cộng sản.
Chính vì thế các Hiến Pháp 1959, 1980 và
1992 càng ngày càng xa lìa thực tế xã hội, càng xa cách người dân và càng trở
nên lạc hậu. Cụ thể là Đại Hội Đảng 6 ra quyết định giải tán hai đảng ngọai vi:
đảng Xã Hội và đảng Dân chủ. Sang đến Đại Hội 7 quyết định bắt chước Liên Xô
đưa điều 4 vào Hiến Pháp, công khai đặt “Đảng” trên Hiến Pháp trên Quốc Hội.
Bản Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp lần này
còn đặt “Đảng” trên Tổ Quốc, trên Nhân Dân, buộc Quân Đội phải “trung” với
“Đảng”. Việc thể chế hóa Quân Đội phục vụ “Đảng” lại bộc lộ nỗi lo tự chuyển
biến, tự chuyển hóa, trong diễn biến hòa bình đang ngấm ngầm xảy ra bên trong
Quân Đội thách thức sự tồn vong của đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì không có một Hiến pháp vạch ra một
viễn kiến, một hướng vươn tới cho xã hội, cho chính trị, cho kinh tế, cho giáo
dục, cho văn hoá... đảng Cộng sản đã và đang đưa đất nước vào cuộc khủng hỏang
tòan diện và bế tắc, với nguy cơ mất nước.
Trước tình thế thay vì trao trả quyền
lập hiến cho dân, đảng Cộng sản lại dở trò góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992. Việc
đảng Cộng sản tuyên truyền giữ điều 4 Hiến Pháp đã được nhà báo Huy Đức ví đảng
Cộng sản lấy điều 4 Hiến Pháp làm hầm trú ẩn.
Suy rộng ra các chiến sĩ thông tin tự do là pháo binh từ xa liên
tiếp pháo vào hầm. Các chiến sĩ dân chủ đang cùng đồng bào ngày đêm vây hãm
quanh hầm. Còn các nhân sĩ “Kiến Nghị 72”, các sinh viên “Kiến Nghị Sinh Viên”
là các chiến sĩ công khai “diễn biến hòa bình” ngay trong hầm trú ẩn.
Thứ hai tuần này, 25-2-2013, Nguyễn Phú Trọng công khai xác nhận
việc góp ý điều 4, đòi đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa
quân đội đều là những biểu hiện suy thóai chính trị tư tưởng đạo đức. Đảng cần
“lãnh đạo”, cần “xem ai” có những biểu hiện đòi hỏi nói trên.
Khổ nội Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban
biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý lại từng tuyên bố:
"Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các
nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả."
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Dũng, còn nói rõ
hơn: “Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc
quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân
dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia.
Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm
tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước.”
Thế ra tư tưởng chính trị của hai viên chức cao cấp Quốc Hội suy
thóai hay họ đã “phản động” tiếp tay với nhân dân mở cửa hầm trú ẩn.
Ngay tối ngày 25-2-2013, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, phó phòng,
biên tập viên báo Gia đình và Xã hội, phổ biến trên Facebook năm điều muốn nói
với Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng.
Ngay ở điều một ông Kiên tuyên bố:
“Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi
muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của
toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện
hành.”
Ngày 26-2-2013, báo Gia đình và Xã hội ra Quyết định kỷ luật,
buộc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên phải thôi việc. Ông Kiên cho biết đã lên tiếng vì
đạo đức và đã chọn con đường đến với dân chủ tự do dẫu biết con đường ấy đòi
hỏi rất nhiều kiên nhẫn và hy sinh.
Trước đây Nguyễn Minh Triết còn nhìn nhận bỏ điều 4 cũng như bỏ
hầm trú ẩn là tự sát. Ông Triết không nhận ra nếu họ tiếp tục cầm cự, buộc cách
mạng xẩy ra, tạo thêm rủi ro cho họ và gia đình. Chỉ có diễn biến hòa bình để
chuyển tiếp sang thể chế tự do dân chủ mới có thể giúp họ tồn tại và quay về
với dân tộc.
Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam
Trước tình trạng đảng Cộng sản càng ngày càng bị cô lập, tháng 9
năm 2005, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm duy Nghĩa , Đại Học Quốc Gia Hà Nội, lên
tiếng kêu gọi đảng Cộng sản cần quay về giá trị Hiến Pháp 1946, bởi mỗi câu chữ
trong đó đều "vang vọng tiếng dân".
Trên diễn đàn đài BBC, người viết có bài “Hiến pháp đúng mực sẽ
giúp người dân làm chủ”, giải thích mô hình nhà nước trong Hiến Pháp 1946 còn
rất nhiều khiếm khuyết: tam quyền không phân lập, mọi quyền lực đều tập trung
trong tay chủ tịch nước, mà chủ tịch nhà nước lại không được dân chúng trực
tiếp bầu. Mô hình này tạo cơ sở xây dựng thể chế độc tài cộng sản.
Từ đó người viết kêu gọi cùng vận động một hiến Pháp mới tự do
dân chủ với tam quyền phân lập, với viễn kiến, với hướng đi rõ ràng cho dân tộc
Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét