Tác giả: MỸ HÒA
Nhìn lại các điểm nóng năm 2012, GS Nguyễn
Minh Thuyết cho rằng, cách xử lý của chính quyền nhiều nơi hiện nay chưa thể
hiện được sự tôn trọng đối với người dân.
Thưa giáo sư, có thể nói trong năm 2012 vừa
qua, các lĩnh vực xã hội - dân sinh đều có những điểm nóng, ví dụ vấn đề tăng
viện phí, y đức của bác sĩ trong lĩnh vực y tế; các quy định mới ban hành gây ý
kiến phản ứng trong dân đối với lĩnh vực GTVT, v.v... Nhưng theo ông, đâu là
những vấn đề/ nhóm vấn đề nóng nhất, gây nhiều bức xúc nhất trong năm vừa qua?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo
tôi có 3 vấn đề nóng nhất trong năm vừa qua, đứng đầu là vấn đề đất đai.
Năm 2012 mở đầu bằng vụ cưỡng chế đất đai đối với gia đình ông Đoàn Văn
Vươn. Tiếp đến là vụ thu hồi đất ở Văn Giang cũng rất rầm rộ với lực lượng giải
tỏa hùng hậu. Rồi vụ thu hồi đất tại Dương Nội... Bức xúc đất đai rất dễ dẫn
đến bùng nổ xã hội.
Vấn đề nóng thứ 2 trong năm
qua là giá - lương - tiền. Đây là một thuật ngữ cũ mà đã hàng chục năm nay
không ai nhắc đến, nay lù lù trở lại. Giá cả tăng quá nhanh trong khi đồng
lương thì hầu như không nhúc nhích. Tiền mặt không có, mặc dù chúng ta lạm
phát. Ngân hàng làm ăn yếu kém, còn nhiều nguy cơ. Đó là chưa kể hiện tượng
thao túng, lũng đoạn nhằm chiếm đoạt ngân hàng theo kiểu cá mạnh nuốt cá yếu.
Vấn đề thứ 3 là bảo vệ an toàn
cho người dân: người dân đang lo lắng về các vụ cướp giật hoành hành ở Sài Gòn,
các vụ cướp tiệm vàng diễn ra nhiều nơi... Đến học sinh tới trường cũng không
còn an toàn nữa.
Môi trường cũng nhiều chuyện
đe doạ sự an toàn của dân, mà Thuỷ điện Sông Tranh 2 là một ví dụ.
Quan hệ chính quyền với dân
Theo ông, trong năm 2012 thì những vấn đề
nổi cộm trong quản lý, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân là gì?
Theo tôi, có hai vấn đề nổi
cộm.
Thứ nhất là một số văn bản quy
phạm pháp luật đưa ra không được người dân tán thành. Có lẽ các cơ quan ban
hành văn bản chưa làm tốt công tác đánh giá tác động chính sách, chưa thăm dò ý
kiến người dân và chuyên gia. Vì thế một số quy định đưa ra lại phải tạm dừng,
không thực hiện được, gây ảnh hưởng đến uy tín nhà quản lý.
Đơn cử, các quy định đổi giờ
làm, rồi thu phí hạn chế phương tiện giao thông, thu phí xe nội đô... đều đã
phải bỏ.
Gần đây nhất là quy định tại
Nghị định 71 về phạt hành vi không chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện giao
thông gặp phản ứng gay gắt của dư luận.
Một ví dụ khác là quy định
giấy chứng minh nhân dân (CMND) phải có tên bố mẹ mặc dù bị rất nhiều ý kiến
phản đối nhưng vẫn thực hiện. Gần đây nhất, trong phiên giải trình trước UB
Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã phải nhận khuyết
điểm của Bộ về việc "để lọt" Thông tư 27 hướng dẫn thi hành Nghị định
về cấp CMND mới bắt buộc ghi tên cha mẹ.
Rồi trong lĩnh vực quảng cáo,
Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua đã bỏ giấy phép con, thực hiện hậu kiểm
thay vì tiền kiểm. Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế đang đề nghị giữ quyền xét duyệt
trước nội dung quảng cáo thực phẩm trong Nghị định hướng dẫn thi hành
Luật Quảng cáo. Nếu Chính phủ đồng ý với Bộ Y tế thì Nghị định sẽ trái luật. Và
như vậy thì dứt khoát Quốc hội không đồng ý vì không thể quay lại tình trạng
giấy phép con làm khổ dân, trái với tinh thần cải cách hành chính mà không hiệu
quả.
Vấn đề thứ 2 là việc giải
quyết mối quan hệ giữa chính quyền với người dân chưa tốt, đặc biệt là khi xảy
ra những chuyện "tế nhị". Cách xử lý của chính quyền nhiều nơi chưa
thể hiện được sự tôn trọng đối với người dân. Về vấn đề này, các địa phương cần
học tập chính quyền Đà Nẵng: họ sẵn sàng đối thoại và giải quyết vấn đề của
dân.
Gỡ khó
Nhiều ý kiến cho rằng năm 2013 nền kinh tế VN
sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Rồi các loại phí rậm rịch tăng. Điều này ảnh hưởng
sâu sắc đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Ông nhận
định thế nào về triển vọng năm 2013? Những kiến nghị của ông đối với Nhà nước
nhằm ổn định tình hình dân sinh - xã hội trong năm tới?
Theo tôi, năm 2013, kinh tế
đất nước và đời sống người dân sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Khó khăn của DN sẽ
làm cho người dân đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Để giải quyết những bức xúc,
tồn tại lớn mà tôi đã chỉ ra lúc đầu, theo tôi, cần áp dụng một số giải pháp
như sau:
Thứ nhất là giải pháp liên
quan đến đất đai. Năm 2013 Quốc hội sẽ bàn thảo và thông qua Luật Đất đai (sửa
đổi). Cần thấy là đất đai "nóng" như thế, gây nên nhiều chuyện như
thế chứng tỏ chính sách có vấn đề. Nếu một hiện tượng, một yếu kém, hạn chế,
bức xúc lan tỏa rộng thì nguyên nhân chủ yếu là chính sách, chứ không phải chỉ
là khuyết điểm, sai lầm của cơ sở, địa phương khi thực hiện. Cũng như thời bao
cấp, hợp tác xã làm ăn kém và dân đói phổ biến, khắc phục mãi không xong, chỉ
đến khi điều chỉnh lại chính sách dân mới hết khổ.
Lần này chúng ta có dũng cảm
nhìn nhận lại chính sách đất đai cho phù hợp với thực tiễn, với lòng dân thì
mới giải quyết được vấn đề.
Thứ 2 là vấn đề giá - lương -
tiền: Nếu cứ quanh quẩn trong cơ chế hiện nay thì không giải quyết được vấn đề
này: Nhà nước muốn tăng lương cho người lao động nhưng không có tiền. Muốn hạ
giá các mặt hàng thì phải can thiệp vào thị trường, phá vỡ cơ chế thị trường.
Nhưng không thể không can thiệp vào một số lĩnh vực kinh doanh độc quyền vì đây
là những lĩnh vực chủ chốt quyết định giá cả các mặt hàng khác. Như vậy, chỉ có
xoá bỏ độc quyền thì nền kinh tế mới vận hành theo cơ chế thị trường thực sự.
Bước đầu có thể sẽ phải hỗ trợ nâng cao thu nhập của người dân. Nhưng mà dù thu
nhập người dân có thấp thì cơ chế thị trường tự do vẫn tốt hơn, vì khi đó người
dân có quyền lựa chọn, và các nhà cung cấp phải tìm cách giảm giá, chứ không
phải như hiện nay các ông độc quyền đưa ra giá nào dân cũng phải chịu.
Cần quản lý ngân hàng hiệu quả
hơn. Muốn giữ giá đồng tiền thì phải xây dựng lại mối quan hệ Chính phủ - Ngân
hàng cho hiệu quả và minh bạch.
Thứ 3 là vận động nhân dân
tiết kiệm và dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã
hội, cán bộ, đảng viên phải đi đầu làm gương. Hiện dân mình còn nghèo nhưng rất
lãng phí. Nhiều khi lãng phí còn do phong tục, tập quán, chứ không phải tự
người ta muốn. Ví dụ: cưới xin tùm lum, tốn kém nhưng không ai dám đưa ra các
biện pháp giải quyết, vì thấy người khác đều làm thế. Khi một số địa phương đưa
ra các nghị quyết tạo điều kiện chấm dứt việc này thì lại kêu. Ví dụ, quy định
tối đa 50 mâm cỗ cưới của Hà Nội là để cán bộ, đảng viên đi đầu làm gương mẫu
trước, rồi người dân sẽ theo, nhưng cũng bị phản ứng.
Cần vận động người dân dùng
hàng VN. Chính phủ vận động thì sẽ vi phạm quy định của WTO nhưng các tổ chức
xã hội vận động thì không sao. Dân có dùng hàng Việt thì DN trong nước mới sống
được. Nhưng có thực tế là đến nay ngay cả các DN cũng chuộng sử dụng hàng
ngoại, ví dụ: mua máy móc, công nghệ nước ngoài, chứ không đặt hàng người trong
nước. Hồi trước khi còn ở trường, tôi thấy các giảng viên, sinh viên Hàn Quốc
hầu như không bao giờ dùng hàng nước ngoài. Họ cho biết ở nước họ, từ cái kim
đến cái máy bay đều là hàng trong nước.
DN phải nỗ lực nâng cao chất
lượng sản phẩm và làm ăn trung thực, nhưng bản thân người dân cũng cần ủng hộ,
hỗ trợ DN.
Thứ 4 là cần đảm bảo DN tiếp
cận được vốn. Đặc biệt, vốn trong dân còn rất nhiều và người dân cũng muốn đồng
vốn sinh lợi. Nhưng làm thế nào để huy động tự nguyện và phải mang lại lợi ích
cho dân chứ không phải dùng biện pháp hành chính áp đặt, làm thiệt dân.
Chúng ta không bao cấp, nhưng
ngân hàng phải có lãi suất cho vay hợp lý, chứ không như bây giờ, mức công bố chính
thức thì thấp (12% hay 15% gì đó), nhưng DN muốn vay được tiền lại phải
"đi đêm" với ngân hàng. Không thể để ngân hàng "bóp" DN gần
chết, chỉ buôn tiền mà ngồi mát ăn bát vàng, hưởng lợi lớn như thế.
Cần mạnh dạn bán hay nói một
cách lịch sự là "cổ phần hóa" các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Không thể "ôm" mãi những "anh chàng đẹp mã" nuôi thì rất
tốn kém mà chẳng sinh lợi đồng nào. Phải dứt khoát thúc đẩy quá trình này.
Trước đây lộ trình là đến năm 2014 cơ bản cổ phần hóa xong. Giờ đã đến năm 2013,
không làm thì bao giờ làm. Mà trong cái cơn khó khăn thì bán đi thôi, không nên
ôm.
Thứ 5 là có các biện pháp quản
lý đảm bảo an toàn cho người dân, đừng để người dân hoang mang, mất thêm niềm
tin trong khi đã gặp quá nhiều khó khăn rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét