23 tháng 3, 2013

Những tấm lưng đàn bà


Đón con gái từ bệnh viện phụ sản ra, chị mới chính thức xin nghỉ phép. Hai ngày mẹ con nó lưu viện rơi vào cuối tuần. Trừ hai ngày đó, chị còn hẳn mười ngày phép trước mắt cho con, mười ngày trọn vẹn, tươi tắn. Sau đó ư, đàn bà nằm ổ giống như cua lột, thôi thì sau đó mình tính nữa.

Nhớ lại tất cả những gì má đã làm khi mình sinh đứa con gái này. Má phải đánh đường tận quê lên thành phố, tay xách nách mang, con cá con lươn rau vườn trái chín. 

Khác là hồi đó đường sữa, thịt heo hiếm như vàng, muối thay nước mắm, giấy báo cũ phải đi xin. Bây giờ thứ gì cũng có, toàn những thứ đặc hiệu nhưng món bếp than để dưới gầm giường, chính chị cũng phản đối. 

Tiền bạc thong dong nhưng công việc cho sản phụ lại muôn đời giống nhau mà người mẹ thời nào cũng có hai chân thôi. 

Lấp vấp, lụi đụi, tóc không kịp chải, lưng không kịp thẳng, chưa chi chị thấy mình giống một con kiến với quả núi, lúc nào cũng có thể tan ra vì sức nặng của nó.

 Đèn đường chưa tắt đã phải dậy. Tính ra chị dán lưng được có vài tiếng trên giường. Khu bếp của nhà chúng nó ở tầng lửng, khá gần phòng của con gái nằm nên luôn nhớ phải nhẹ tay, nhẹ tay, chị dặn mình. 

Giờ này sản phụ ngủ ngon và đứa bé cũng ít ngọ nguậy. Đưa các thứ rửa từ đêm qua vô đúng chỗ của chúng, nấu nước cho vô bình thủy đề phòng mất điện, nấu nước ủ đậu nành rang, lại nấu nước om chè xanh và pha cà phê cho mình, cho rể. 

Chị tranh thủ bấm máy giặt trong lúc quét dọn từ trước ra sau rồi mới mở cổng sấp ngửa ra chợ. Sương mai quen thuộc, bỗng thấy nhớ không khí thể dục ở khu công viên nhà và hai bà bạn đang ở phương trời xa. Bà Bê nghỉ hẳn không lương ba tháng để đi Hoa Kỳ lo cho con gái cũng vừa sinh. 

Còn bà Xê nhờ hưu non và chồng già nên cả vợ lẫn chồng đã khăn gói sang Singapore chăm đứa cháu ngoại chưa đến tuổi đi nhà trẻ. Dù sao mình cũng nhẹ tênh hơn, chị tiếp tục so sánh khi quay lại mở cổng để kéo ra chiếc xe tay đi chợ. 

Dù sao mình và con cũng chỉ hai đầu thành phố, hai chặng xe buýt là gặp nhau. Dù sao mình cũng để được ba nó ở nhà, giường trống bếp nguội nhưng anh ấy không phải tham gia vào cái việc chăm bẵm này. Còn sướng chán so với ông chồng của bà Xê.

Đi chợ cũng phải lập trình để ít tốn thời gian. Mua rau mua củ mua lá xông trước. Thôi, vẫn phải mua cái nồi đất nhỏ để ủ vài cục than hơ cho cháu ngoại ấm bụng, ấm chân. Quên xem xét khu vực gia vị trong bếp nhà con để biết có nước mắm ngon chưa, có tiêu xay chưa, có còn đường không. 

Trời ơi, không biết đẽo dần trái núi này từ tảng đá nào. Sao hồi đó mình không thấy má mình đi như chạy? Khu thịt cá buổi sớm tanh tưởi vì các chủ sạp đang bày hàng, nước nôi tung tóe khắp nơi. Chị phải dán mắt vào từng sạp cá đen của khu chợ lạ để kiếm cho con cá lóc hay cá trê đồng. 

Mất quá nhiều công cho việc này. Lại phải tìm rau ngót không bị phun thuốc trong biển rau sạch, bẩn lẫn lộn. Bà Bê Nam tiến sau 75, bảo sản phụ ngoài đó phải ăn một tháng rau ngót vừa sổ dạ vừa sạch sữa, mẹ con tuyệt đối an toàn. Gì nữa, chuối xiêm ăn tráng miệng. 

Con nó đẻ thường nên khoai lang củ và khoai lang đọt không kiêng. Gì nữa, thực đơn mới chỉ có một ngày, hôm nào cũng phải tươi hôm ấy. Còn bữa ăn cho chàng rể không dám nghỉ phép để “cày” và còn mình. Thôi, mình và rể sẽ nấu trưa cho cả ngày, đỡ việc.

Chị về đến nhà, chàng rể khéo nịnh đã nhanh nhẩu: “Con phóng xe mua bánh bao Chợ Lớn nè. Vợ con có kiêng bánh bao không mẹ?”. Chị thấy như được an ủi, nói vui: “Coi chừng bánh bao nhân thịt chuột, cả nhà ăn để đi cấp cứu hết hả con?”. 

Nó, chàng rể chủ trương kiểu người Nhật, đàn ông đi cày, đàn bà bằng cấp hẳn hoi ôm bếp (tức là giữ lửa, nội tướng), được cái này mất cái kia, mẹ ơi! Nó ăn vội ăn vàng và giúp chị lấy quần áo từ máy giặt ra phơi rồi lên xe máy, mất hút trong dòng người hối hả.

Phải chạy lên phòng xem cháu ngoại dậy chưa để còn ẵm nó lên một lát cho giãn lưng, lau mặt lau mày và xem dây rốn. Thấy hai mẹ con ngủ say, chị mừng húm, chạy xuống tầng bếp bắt đầu bữa sáng cho con gái. Cháo nấu với chân giò, cho con có sữa. 

À quên, trời ơi, sao bà Bê, bà Xê gọi về hỏi thăm mà không nhắc mình chuyện bóp sữa cho con gái? Hôm ở bệnh viện phụ sản, chỉ xoa dầu để “hâm” sữa non chứ đã bóp đúng kiểu dân gian đâu. Chị lại nhớ má, bà tán nhuyễn viên men hòa vào rượu rồi bôi chúng lên hai “trái sữa” của con và dùng tay bóp đều. 

Má làm nhẹ nhàng, cần mẫn, hai mẹ con cùng nhìn vào một điểm và hình như cùng ngậm ngùi với sứ mệnh đàn bà. Bỗng dưng chị nghe rõ mùi trầu của má từ tiềm thức, cả mùi của men và rượu thơm nồng. Các bác sĩ để trống khoản bóp sữa trong mục lời khuyên nhưng mình cứ theo má làm. 

Lại chạy ra quán tạp hóa đầu hẻm mua rượu, luôn tiện hỏi thăm không men thì rượu suông có được không? Đầu óc mụ mị, chưa bao giờ chị thấy lo lắng và đặc sệt cảm xúc như lúc này.

Bắt đầu công việc mà chị sợ nhất. Lâu quá rồi, hai tay chị còn lớ ngớ với việc bồng đứa bé sơ sinh, nói gì phải tắm cho nó. Con rể bảo, mẹ để con thuê một cô hộ lý làm thêm ngoài giờ, nhưng chị gạt ngang, nhà chỉ hai người cày, gì cũng thuê thì bán nhà mà sống à? 

Con gái nhìn chị ngập ngừng: “Chắc không, có chắc không mẹ? Ráng vài hôm con cứng cáp rồi con tắm cho nó, dễ ợt”. Dễ ợt là cái người ta nói chớ không phải lúc người ta làm. Chị lại nhớ má, bà đặt thau nước trên nền gạch, một cái ghế cóc cho bà, những cái giẻ lau để sẵn chung quanh còn chị lóp ngóp dậy trải khăn, lấy quần áo và phấn thơm, dầu khuynh diệp để sẵn. 

Má vo quần lên tận háng, thả một chân dài ra để đặt đứa bé lên đùi, một tay bóp chặt hai vành tai nó rồi khoát nước từ từ, cái đầu nhỏ xíu, cái cổ mong manh, cái ức xinh xinh, cái bụng hằn những gân máu và cuối cùng nhúng cả phần chân của nó vào thau nước ấm. Đứa bé ngủ ngay sau khi được thoa phấn và mặc yếm. Trao đứa con cho chị xong, má chị mới đấm thùm thụp vào xương sống mình, thở hắt ra. Như bà vừa gánh một núi đất.

Tiếng chuông điện thoại kéo chị xuống bếp hiện lên hàng số thân thuộc của Bê. Con rể nói để sắm cho mẹ cái túi nhỏ đeo máy trước ngực, “bảo đảm có sợi dây màu đen thời trang hết ý”. Mỗi tuần chị ta gọi một lần, vào lúc thong dong. 

Thong dong bên ấy nghĩa là cao điểm bận rộn của bên này tính theo múi giờ. Nhưng chị không dám nói thẳng với bà bạn, vì chị rất cần giọng nói của bạn mình. Với bà Xê cũng vậy, múi giờ không chênh nhưng “con mẹ buôn dưa lê” ấy thích nấu cháo điện thoại. Sắp tàn đến nơi hết rồi, cái đội hình tam giác này cần phải bền vững, keo sơn. 

Hai bà ấy khác nhiều người trong đám thể dục của khu phố là không phì phèo thuốc lá đợi kiều hối, không kể công sinh thành với đồng tiền của con, không ngồi nhàn để con mình tự bơi trong giai đoạn đàn bà nhất của nó, tức là lúc sinh và nuôi con nhỏ. 

Lần này bà Bê kể bà nội bên Hoa Kỳ của đứa bé rất ngộ, ngộ ghê, đến thăm con cháu thì ở khách sạn, ăn với con rủ chúng share (chia tiền) và không dám bồng đứa bé khi nó còn trong tháng. Bà mẹ ấy luôn miệng trầm trồ khen mẹ vợ của con trai mình chịu khó, nấu ăn ngon mà lại còn chu toàn. 

Chị chưa từng đi Hoa Kỳ, cũng không quen biết người phụ nữ Hoa Kỳ nào nên ngạc nhiên như không tin vào tai mình. Những chuyện khác thì chị hình dung được, hút bụi, tưới cây, đi siêu thị, nấu ăn, canh cháu, phục vụ con... 

Bà Bê còn nói vui, ở xứ người không sợ câm mà chỉ sợ cụt tay. Sao vậy, là vì phải ú ớ tiếng Anh bằng cả hai tay. Chị bỗng nhớ lời của bà Xê, ở Singapore lâu, có chồng giúp một tay nên không cực mấy, chỉ thèm đủ thứ, dưa cải, bưởi Năm roi, lá chanh, lá mơ... Bà bạn ấy tổng kết một câu không biết vui hay buồn: “Chỉ có đàn bà Việt mình là giỏi hy sinh”.

14 ngày nặng nhọc và chậm chạp. Chàng rể của chị cảm động không nói nên lời khi thấy rốn con khô, sữa mẹ đầy và mọi thứ thuần thục với một sinh mệnh bắt đầu cuộc sống riêng trong nắng sớm, trong đêm dài, trong trời trong đất. 

Con gái của chị cũng thành người khác, ánh mắt biết ơn, ngữ điệu dịu dàng và nhiều câu hỏi hơn về bà ngoại, về chị của thời khắc sinh thành nó khi xưa. Chị thấy tiếng vỗ trong lòng con, một người mẹ của cõi đời, với tình mẫu tử dạt dào bên trong nó.

Về lại căn hộ của mình, chị không vui mà thấy vướng víu không dứt. Về với người chồng nửa tháng tự đi làm, tự “cơm đường cháo chợ” - từ của chính anh. Chị thấy anh mừng vì con và cháu ngoại khỏe mạnh nhưng vẫn không giấu được vẻ mừng hơn khi vợ lại là của mình. 

Anh thường nói nửa đùa nửa thật với bạn bè trên bàn ăn hay trên điện thoại: “Cảnh giác, con trai cưới vợ mình mất nhà, còn con gái đẻ mình mất vợ, nghen. Không hiểu sao? Thì con có đôi, vợ chồng trẻ thành ông bà chủ trẻ, nó khuôn mình vô một phòng, không mất nhà là gì? Còn con gái đẻ, nó điều mẹ nó đi, mình mất vợ, đúng không?”. Chị cũng có tổng kết của mình: Đàn bà giỏi hy sinh vì đàn ông quen ích kỷ.

Tối đó anh bảo chị nằm xoài ra, giở áo lên để anh xoa lưng, anh rất muốn làm việc này khi đến thăm con và cháu ngoại nhưng thấy chị chân không bén đất, đành thôi. Chị úp mặt trên chiếc gối mới thay vỏ, tận hưởng. Anh gạ, ở chỗ con sấp ngửa chứ về với chồng thì không phải nằm sấp hoài đâu nghen. 

Chị bật cười mà lòng bỗng nhớ đến con gái đang ở cách xa mình chỉ mười mấy cây số, nó không có người làm, chồng cày mệt chắc đã nằm riêng, giờ này hẳn hai mẹ con nó đang nhớ và ước ao có chị. Lòng quặn lên, lưng chị không hào hứng mấy với hai bàn tay của chồng. 

Thấy như “mất vợ” nữa rồi, anh vội kéo áo vợ kín lưng, dỗi hờn. Chị bắt đầu nói về kế hoạch nghỉ không lương ít lâu để chăm con chăm cháu. 

Anh gay gắt, nó không đi làm, chỉ có chăm con mà không xong sao? Chị nhớ thời ở cữ của mình, má ở với chị cho đến khi cháu tròn tháng để cúng kiếng bốn phương tám hướng xong mới ra về. Chị với con có xa xôi gì, hai chặng xe buýt, con nằm chỗ mới có 17 ngày, sao nỡ?

Cuối cùng anh đã xuôi xuôi, bảo sẽ khóa cửa, mỗi chiều sẽ phóng xe đến chỗ con để đỡ chị và để “em đỡ thèm chồng”. Chị sung sướng như anh đang nắm tay chị cùng bay lên thiên đường, ở đó đâu cần hoa cỏ chim muông, chỉ cần có tiếng cười của con và cháu là đủ. 

Chị bảo không ai thấy rõ được lưng mình, một tấm kính không giúp được gì. Anh không hiểu, anh bảo chị có ba nốt ruồi son mà anh thuộc lòng, thế thôi. Chị cả quyết, chị có tấm lưng giống má và giống cả hai bà bạn của mình, trên đó là những từ chỉ có đàn bà với nhau mới cảm nhận được.

                                              Truyện ngắn của Dạ Ngân



Không có nhận xét nào:

Trang