Nguyễn Trần Bạt
Chủ tịch / Tổng giám đốc,
InvestConsult Group.
-Trước hết, trong khi ăn cắp chỉ là một
hành vi phi đạo đức của con người khi bị thúc bách bởi những nhu cầu bậc thấp
thì tham nhũng là hành vi sử dụng quyền lực để chiếm đoạt. Nói như vậy để thấy
tham nhũng là một hành vi gắn liền với sự tha hoá của quyền lực; nói cách khác,
tham nhũng là hành vi riêng có của những kẻ được nhân dân trao cho cương vị đại
diện. Thứ hai, trong khi những kẻ ăn cắp vẫn còn cảm giác lén lút khi đi ăn cắp
thì những kẻ tham nhũng đã trở nên vô cảm trước những hành vi chiếm đoạt của
mình. Do đó, những kẻ ăn cắp vẫn còn thừa nhận sự tồn tại của pháp luật trong
khi những kẻ tham nhũng chà đạp lên nó. Thứ ba, những kẻ ăn cắp không có khả
năng truyền bá những ảnh hưởng chính trị còn những kẻ tham nhũng vẫn có thể
tham gia hoạt động chính trị. Nếu nói một cách thẳng thắn hơn thì điều đó có
nghĩa là những kẻ tham nhũng cần và phải đi qua con đường chính trị và sử dụng
sức mạnh chính trị.
-Chính nền dân chủ chứ không phải chế độ
độc tài mới là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng tham
nhũng. Sự độc tài tự thân nó đã gắn liền với sự tha hoá quyền lực; đến lượt
mình, nó sẽ không chỉ bắt đầu một hiện tượng tham nhũng mà còn khiến tham nhũng
phát triển ở những quy mô lớn hơn với những mức độ trầm trọng hơn.
Một số người đưa ra biện pháp công khai hoá
nhưng chúng tôi hoàn toàn không tán đồng. Công khai hoá là gì? Công khai hoá là
phủ lên tất cả những kẻ tham nhũng thứ ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng của sự
trong sạch và những giá trị người cao quý và khiến tất cả chúng cùng lúc nhận
ra rằng mình không phải là đối tượng duy nhất đã bị thú hoá, rằng quanh mình có
không ít những kẻ đã bị thú hoá và nếu tập trung hết thảy những kẻ đã bị thú
hoá lại, chúng sẽ có sức mạnh ghê gớm – sức mạnh của sự huỷ diệt. Do đó, nội
dung khoa học của chương trình chống tham nhũng là phải chỉ ra thời điểm và mức
độ công khai hoá thích hợp; nếu không, chính sự công khai hoá đó sẽ dồn những
kẻ bị thú hoá vào đường cùng, chúng sẽ trở nên dữ tợn hơn bao giờ hết bởi sự
hành hạ và tra tấn của nỗi sợ và để tồn tại, chúng sẽ quay lại truy đuổi con
người.
Trong đời sống hàng ngày của con người, tâm lý – trạng
thái cảm hứng của con người khi hành động – đóng một vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, tâm lý là một đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng hay nói cách khác, rất
nhiều yếu tố có thể tác động tới tâm lý; trong trường hợp những thay đổi tâm lý
diễn ra theo chiều hướng tiêu cực, người ta sẽ mô tả chúng như là sự biến dạng
tâm lý.
Khi nghiên cứu sự biến dạng của tâm lý, chúng
ta sẽ thấy rằng tham nhũng không phải là hiện tượng tiêu cực duy nhất gây ra
biến dạng tâm lý nhưng nó là một trong những yếu tố gây ra những biến dạng
khủng khiếp nhất, trên quy mô rộng lớn nhất, ở mức độ sâu sắc nhất và thậm chí,
có thể nói, tham nhũng gây ra sự biến dạng nhân cách. Vì lý do đó, tham nhũng,
với tư cách là nguồn gốc của sự biến dạng tâm lý, sẽ trở thành đối tượng nghiên
cứu của bài viết này. Hy vọng rằng, những phân tích về vấn đề này sẽ có tác
dụng như một lời cảnh tỉnh đối với những kẻ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của
sự biến dạng này.
Tham nhũng và sự biến dạng từ tâm lý đồng
chí đến tâm lý đồng loã
Tâm lý đồng chí là một trong những tâm lý
rất căn bản vì bản chất hay mục tiêu của sinh hoạt chính trị là tìm kiếm sự
đồng thuận. Bất kỳ sự đồng thuận nào cũng phải dựa trên tâm lý đồng chí tức là
sự cùng chí hướng; nói cách khác, nếu không có tâm lý đồng chí làm nền tảng thì
sẽ không có sự đồng thuận.Do đó, nghiên cứu tâm lý đồng chí chính là nghiên cứu
điều kiện hình thành các tổ chức nói chung và các tổ chức chính trị hay các
đảng chính trị nói riêng.
Tuy nhiên, không phải ở đâu tâm lý đồng chí
cũng được cảm nhận và có giá trị giống nhau. Chẳng hạn, ở những môi trường
không có sự cạnh tranh về chính trị, người ta sẽ không có điều kiện để đo đạc
giá trị cũng như ý nghĩa của tâm lý đồng chí; ngược lại, xã hội càng dân chủ
tức môi trường cạnh tranh chính trị càng gay gắt thì tâm lý đồng chí càng quan
trọng bởi nó được thử thách trong sự cạnh tranh về mức độ sáng suốt chính trị
giữa các đảng chính trị. Do đó, ở những quốc gia mà sự cạnh tranh chính trị
diễn ra bình đẳng thì tâm lý chính trị sẽ trở thành tiêu chuẩn quan trọng nhất
của việc hình thành các đảng chính trị – nó chính là dấu hiệu con người trong
việc phân biệt các đảng chính trị khác nhau.
Vậy, quá trình biến dạng từ tâm lý đồng chí
thành tâm lý đồng loã diễn ra như thế nào? Khi con người phấn đấu vì một lý
tưởng hay một mục tiêu chính đáng thì tâm lý đồng chí là tâm lý chi phối các
tập thể chính trị nghĩa là tâm lý đồng chí trở thành tâm lý cơ bản của những
con người sinh hoạt trong cùng một không gian chính trị. Tuy nhiên, khi lý
tưởng hay mục tiêu cao đẹp không còn nữa thì tâm lý đồng chí sẽ bị biến dạng
thành tâm lý đồng loã; nói cách khác, chính tâm lý đồng chí khi thất bại sẽ trở
thành tâm lý đồng loã. Như vậy, quá trình thay đổi, biến dạng từ tâm lý
đồng chí thành tâm lý đồng loã gắn liền với quá trình biến dạng hay sự lạc hậu
của lý tưởng chính trị và lý tưởng xã hội.
Vậy tham nhũng xuất hiện ở đâu trong lộ
trình từ tâm lý từ đồng chí tới tâm lý đồng loã? Khi nghiên cứu về sự hình
thành và phát triển của các tổ chức, chúng ta sẽ thấy một hiện tượng tương đối
phổ biến là một đảng chính trị sẽ trở thành đảng cầm quyền sau khi đạt được
những thành tựu chính trị nhất định và quá trình tha hoá thường diễn ra
đồng thời với những va chạm về lợi ích, địa vị và quyền lực. Tuy
nhiên, cũng chính những nghiên cứu này lại chỉ ra rằng, quá trình tha
hoá là quá trình khách quan tất yếu của bất kỳ tổ chức nào và chính vì thế, nội
dung khoa học quan trọng nhất của các tổ chức chính trị chính là chống lại sự
tha hoá quyền lực. Đương nhiên, khi nhận ra những biểu hiện của sự tha
hoá, người ta sẽ đề ra và áp dụng những biện pháp để chống lại hay ít nhất cũng
nhằm giảm tốc độ của quá trình tha hoá; nhưng, mọi biện pháp đều bất lực trước
hiện tượng tha hoá của các tổ chức cầm quyền nếu không có môi trường cạnh
tranh. Môi trường cạnh tranh lý tưởng nhất cũng tức là môi trường duy nhất đảm
bảo tính hợp lý của các tổ chức chính trị là môi trường dân chủ – ở đó, mọi tổ
chức chính trị đều phải đương đầu với rủi ro là bị gạt ra khỏi các sinh hoạt
chính trị của xã hội nếu không thành công trong việc ngăn chặn quá trình tha
hoá của mình. Kết luận như vậy hoàn toàn đồng nghĩa rằng, ngay cả khi áp dụng
các biện pháp mang tính tổ chức mà không có sự cạnh tranh chính trị thì cũng
chỉ có thể kéo dài sự tồn tại hoặc làm chậm lại quá trình tha hoá của các tổ
chức chính trị chứ không thể khắc phục được nó.
Quay trở lại sự biến chất của lý tưởng, có
thể nói, khi lý tưởng bị biến chất thì người ta sẽ thiên về phân chia quyền lực
và quyền lợi. Sự phân chia quyền lực dẫn đến sự hình thành các phe phái trong
một đảng. Bàn về sự phân chia thành các phe phái trong cùng một đảng, chúng ta
cần phải phân biệt giữa sự phân chia chính thống và sự phân chia không chính
thống; ở đây, cũng có thể hiểu là sự phân chia công khai và sự phân chia trong
bóng tối. Sự phân chia thành các phe phái trong cùng một đảng một cách công
khai, xét về mặt bản chất, chính là sự đa dạng hoá của các khuynh hướng chính
trị; nó sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chính trị để chống lại sự độc quyền chân lý
và do đó, nó là một yếu tố tích cực. Ngược lại, sự phân chia trong bóng tối là
sản phẩm của quá trình tha hoá quyền lực; đến đây, tham nhũng bắt đầu xuất hiện
như là tác nhân của sự biến dạng từ tâm lý đồng chí thành tâm lý đồng loã. Như
vậy, tâm lý đồng loã không phải là tâm lý của một đảng chính trị mà là tâm lý
của một phái trong đảng chính trị đã bị tha hoá.
Trong quá trình phát triển của mình, một
đảng chính trị sẽ được điều chỉnh bởi hai loại tâm lý. Thứ nhất là tâm lý đồng
chí tức phần còn lại của những lý tưởng chính trị chưa bị thoái hoá. Phải khẳng
định rằng, ở bất kỳ tổ chức chính trị nào, phần còn lại này luôn luôn tồn tại;
nếu không, đảng chính trị sẽ biến mất hoàn toàn. Nói cách khác, chừng nào một
đảng chính trị còn tồn tại thì những hạt nhân hợp lý về mặt lý tưởng chính trị
cũng vẫn còn tồn tại. Trong lòng bất kỳ tổ chức chính trị nào, các mặt tiêu cực
và các mặt tích cực không ngừng cạnh tranh với nhau dẫn đến sự hình thành các
phái chính trị như đã phân tích trong phần trước. Các phái chính trị không
chính thống sẽ bị điều chỉnh bởi tâm lý đồng loã tức là tâm lý của những kẻ
cùng ăn chia một vùng quyền lực, quyền lợi hoặc thậm chí một vùng chân lý – đó
chính là bản chất của tham nhũng. Các phái chính trị chính thống không bị điều
chỉnh bởi tâm lý đồng loã nhưng bị điều chỉnh bởi một loại tâm lý đồng
chí thứ hai – đó là tâm lý đồng chí trên những khía cạnh hẹp hay tâm lý đồng
chí trên những vấn đề cụ thể. Trên đây là những mô tả về những tác động của
tham nhũng lên một trong những module tâm lý căn bản nhất của con người hay sự
trượt từ tâm lý đồng chí tới tâm lý đồng loã.
Tâm lý bị truy đuổi về mặt tinh thần hay
hồi ức về những giá trị người của những kẻ đã bị "thú hoá"
Xã hội thường quan niệm một cách đơn giản
về tham nhũng như là ăn cắp. Trong bài viết này, chúng tôi xin nhắc lại rằng
tham nhũng hoàn toàn không giống với ăn cắp, thậm chí cũng không thể coi ăn cắp
là trạng thái bậc thấp của tham nhũng. Tại sao lại như vậy?
Trước hết, trong khi ăn cắp chỉ là một hành
vi phi đạo đức của con người khi bị thúc bách bởi những nhu cầu bậc thấp thì
tham nhũng là hành vi sử dụng quyền lực để chiếm đoạt. Nói như vậy để thấy tham
nhũng là một hành vi gắn liền với sự tha hoá của quyền lực; nói cách khác, tham
nhũng là hành vi riêng có của những kẻ được nhân dân trao cho cương vị đại
diện. Thứ hai, trong khi những kẻ ăn cắp vẫn còn cảm giác lén lút khi đi ăn cắp
thì những kẻ tham nhũng đã trở nên vô cảm trước những hành vi chiếm đoạt của
mình. Do đó, những kẻ ăn cắp vẫn còn thừa nhận sự tồn tại của pháp luật trong
khi những kẻ tham nhũng chà đạp lên nó. Thứ ba, những kẻ ăn cắp không có khả
năng truyền bá những ảnh hưởng chính trị còn những kẻ tham nhũng vẫn có thể
tham gia hoạt động chính trị. Nếu nói một cách thẳng thắn hơn thì điều đó có
nghĩa là những kẻ tham nhũng cần và phải đi qua con đường chính trị và sử dụng
sức mạnh chính trị.
Tham nhũng, vì thế, là một khoảng đen tối
trong hoạt động chính trị, nó không chỉ làm mất mát quyền lợi vật chất của xã
hội mà còn làm biến chất một trong những hoạt động cao quý nhất của nhân loại –
đó là hoạt động chính trị. Những kẻ ăn cắp không có điều kiện để xây dựng các
chính sách nhưng những kẻ tham nhũng thì bẻ gẫy chính sách, chà đạp lên nhà
nước thông qua việc làm biến dạng các chính sách. Trong khi những kẻ ăn cắp
phải "lao động" một cách vất vả thì những kẻ tham nhũng lại
"lao động" một cách nhàn nhã; nhưng, thứ "lao
động" đó của chúng đang làm băng hoại các giá trị đạo đức, gây tổn hại đến
uy tín của hệ thống chính trị và nhà nước. Tội ác của những kẻ tham nhũng không
đơn giản chỉ là những khối lượng vật chất bị chúng chiếm đoạt, mà chính là sự
bẻ gẫy các thể chế, từ thể chế tinh thần đến thể chế chính trị, thể chế nhà nước
và thậm chí làm biến dạng cả văn hoá.
Vì những tội ác như vậy, những kẻ tham
nhũng luôn phải đối diện với cảm giác bị truy đuổi, ít nhất về mặt tinh thần.
Những ai đã từng đọc "Những người khốn khổ" của Victor Hugo mới có
thể hiểu nổi cảm giác bị truy đuổi đó đáng sợ đến mức nào. Jean ValJean chỉ ăn
cắp duy nhất một chiếc bánh mỳ nhưng luôn cảm thấy mình bị truy đuổi, ngay cả
khi ông ta đã trở thành thị trưởng Madolen, đã trốn vào tu viện và cố gắng sống
như một con người lương thiện. Cảm giác truy đuổi ở những kẻ tham nhũng, có lẽ,
còn đáng sợ gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, cảm giác truy đuổi đó, thực ra,
là một dấu hiệu tích cực; nó cho thấy những kẻ tham nhũng vẫn còn có cảm giác
tội lỗi, vẫn còn nuối tiếc những giá trị người hay nói đúng hơn, vẫn còn nhớ về
và trân trọng khoảng thời gian đã từng là người. Chúng tôi cho rằng hoàn toàn
không quá lời khi nói như vậy bởi dẫu chỉ tham nhũng một lần thôi, con người đã
tự nguyện cống nạp mình, cống nạp những giá trị người cao quý trong mình, cống
nạp những phẩm hạnh của mình cho quỷ sứ; hay nói theo một cách khác, con người
đã tự nguyện và chủ động "thú hoá" những giá trị của
mình. Và hàng đêm, khi đối diện với sự truy đuổi tinh thần đó, những kẻ tham
nhũng lại bị dày vò bởi ý nghĩ "Liệu ta có thể quay trở lại làm người
không? Và nếu như ta không thể quay trở lại làm người thì những đứa con của ta
có thể quay trở lại làm người hay không trong khi nhân cách, trí tuệ và hoài
bão của chúng đang được nuôi dưỡng bằng những đồng tiền nhơ bẩn?". Bản
thân sự dày vò đó đã là hình phạt khủng khiếp nhất đối với những kẻ tham nhũng
và do đó, nhiệm vụ của chúng ta không phải là chống tham nhũng bằng các biện
pháp hình sự thông thường mà phải chống tham nhũng bằng cách xây dựng một cơ
chế có khả năng khuếch đại sức mạnh của cảm giác bị truy đuổi đó.
Như trong phần trước đã phân tích, những kẻ
ăn cắp hoàn toàn khác với những kẻ tham nhũng; trong khi những kẻ ăn cắp còn
biết quy phục trước sức mạnh của đạo đức thì những kẻ tham nhũng
đã trở nên vô cảm trước những giá trị đạo đức. Thứ duy nhất khiến
những kẻ tham nhũng khiếp hãi là những con thú mạnh hơn. Nhưng, liệu con người
có thể sống và cảm thấy hạnh phúc hay không khi để tồn tại và tránh khỏi móng
vuốt của những con thú nhỏ, họ phải nương tựa vào những con thú mạnh hơn. Con người
không thể và không được phép làm như vậy bởi nếu không, họ sẽ biến mình trở
thành miếng mồi của những con thú mạnh hơn. Tuy nhiên, con người cũng không thể
tiêu diệt những con thú bởi ngay khi con người tiêu diệt những con thú thì con
người cũng không còn là con người nữa. Vậy, phải chăng con người đã hoàn toàn
bất lực trước hiện tượng tham nhũng và những kẻ tham nhũng?
Xin được trả lời ngay rằng, vẫn còn có một
liều thuốc khác để kìm chế hiện tượng tham nhũng – đó là xây dựng nền dân chủ.
Chính nền dân chủ chứ không phải chế độ độc tài mới là công cụ hữu hiệu để ngăn
chặn sự phát triển của hiện tượng tham nhũng. Sự độc tài tự thân nó đã gắn liền
với sự tha hoá quyền lực; đến lượt mình, nó sẽ không chỉ bắt đầu một hiện tượng
tham nhũng mà còn khiến tham nhũng phát triển ở những quy mô lớn hơn với những
mức độ trầm trọng hơn. Một số người đưa ra biện pháp công khai hoá nhưng chúng
tôi hoàn toàn không tán đồng. Công khai hoá là gì? Công khai hoá là phủ lên tất
cả những kẻ tham nhũng thứ ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng của sự trong sạch và
những giá trị người cao quý và khiến tất cả chúng cùng lúc nhận ra rằng mình
không phải là đối tượng duy nhất đã bị thú hoá, rằng quanh mình có không ít
những kẻ đã bị thú hoá và nếu tập trung hết thảy những kẻ đã bị thú hoá lại,
chúng sẽ có sức mạnh ghê gớm – sức mạnh của sự huỷ diệt. Do đó, nội dung khoa
học của chương trình chống tham nhũng là phải chỉ ra thời điểm và mức độ công
khai hoá thích hợp; nếu không, chính sự công khai hoá đó sẽ dồn những kẻ bị thú
hoá vào đường cùng, chúng sẽ trở nên dữ tợn hơn bao giờ hết bởi sự hành hạ và
tra tấn của nỗi sợ và để tồn tại, chúng sẽ quay lại truy đuổi con người. Chính
sách ân xá kinh tế cũng không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc kiềm
chế tham nhũng; nó chỉ là giải pháp để cứu nguồn vốn của xã hội và hợp thức hoá
những giá trị đã bị "thú hoá"; nghĩa là, vì lợi ích của con người,
chúng ta đã phải hợp thức hoá những giá trị đã "thú hoá" và tạo điều
kiện cho những giá trị từng bị "thú hoá" đó quay trở lại đời sống.
Chính sách ân xá kinh tế, do đó, chỉ giải quyết được phần nào những thất thiệt
về mặt vật chất mà tham nhũng gây ra chứ không thể khắc phục được nó. Vì thế,
chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng nền dân chủ như
một trong những cơ chế kiềm chế tham nhũng và làm trong sạch lại những giá trị
đã bị "thú hoá".
Tuy nhiên, quá trình dân chủ hoá không thể diễn ra nhanh chóng. Lịch sử nhân
loại đã chứng minh mọi nhà nước độc tài đều sụp đổ. Vì sự phát triển của xã hội
loài người mà các thể chế dần dần được thay bằng thể chế dân chủ; quá trình dân
chủ hoá đời sống loài người là một quá trình kiên nhẫn của lịch sử và những
nghiên cứu xoay quanh quá trình kiên nhẫn ấy đã đưa đến kết luận: nền dân chủ
là cơ chế duy nhất có thể khắc phục tất cả các hiện tượng tiêu cực, trong đó có
hiện tượng tham nhũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét