Một số người bị ốm đến xin lá cây dã hương về cho vào nước đun, rót
ra cốc nêm mấy hạt muối vào uống thì bỗng thấy cơ thể khỏe mạnh lạ thường. Có
người bị mắc bệnh ngoài da dùng lá dã hương pha với nước để tắm cũng lành bệnh.
Ở làng Dương Phạm, Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định, không ai là không
biết về cây dã hương có tuổi đời hơn 500 tuổi và xung quanh đó là bao giai
thoại ly kỳ, bí ẩn.
Đôi bạch xà và cây thần dược
Nghe tưởng như chuyện bịa đặt, ấy vậy khi hỏi bất kỳ ai ở làng
Dương Phạm, Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định họ đều biết về đôi bạch xà ngụ ở gốc cây
dã hương ở đền Hoàng Cô.
Nhiều người từng tận mắt trông thấy đôi rắn to màu trắng, có mào đỏ
trên đầu dài khoảng hai mét rưỡi. Ông Nguyễn Công Thâu người thủ nhang luôn túc
trực tại đền quả quyết “tôi đã nhiều lần trông thấy hai ông rắn, nhưng có một
điều đặc biệt là đôi bạch xà rất hiền lành, ngay cả khi tôi tới gần cũng không
bị tấn công hay gây nguy hiểm gì hết”.
Nhiều người ở Dương Phạm cho rằng đó là đôi rắn thần đền thờ Hoàng
Cô và chúng có nguồn gốc cùng với cây dã hương. Hiện nay, trong điện thờ Hoàng
Cô cũng có tượng vải đôi bạch xà ở hai bên tả hữu của bà chúa Ngô Thị Nữ Hoằng.
Chính vì thấy được sự linh thiêng của cây dã hương, nhiều người dân
sinh sống quanh vùng thường hay đến khấn vái coi đây như một niềm tin tinh thần
quý báu.
Một số người bị ốm đến xin lá cây dã hương về cho vào nước đun, rót
ra cốc nêm mấy hạt muối vào uống thì bỗng thấy cơ thể khỏe mạnh lạ thường. Có
người bị mắc bệnh ngoài da dùng lá dã hương pha với nước để tắm cũng lành bệnh.
Người bị sốt, bị cảm thường hay đến đền thánh xin lá rồi về cho vào
nước nóng xông hơi thì thấy người nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái.
Đàn ông trong làng Dương Phạm hay đợi cây dã hương ra quả, ra khấn
đền bà Hoàng Cô, sau đem quả về tách hạt ra bỏ vào rượu ngâm uống, quanh năm
không biết đau ốm là gì.
Không biết là chuyện hoang đường hay đáng tin nhưng từ bao đời nay,
cây dã hương đã trở thành một cây thần trong lòng mỗi người dân làng Dương
Phạm.
Những tai nạn khó hiểu
Việc cây dã hương xuất hiện tại làng Dương Phạm vốn đã là một điều
lạ lùng, không những thế tại đây còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện kỳ
lạ mà đến giờ chưa ai giải thích được. Và cũng chính những điều lạ thường đã
tạo nên sự linh thiêng của dã hương đại thụ ở đền Hoàng Cô.
Ông Thâu, người trông coi đền thờ cho biết, nói về chuyện kì bí xảy
ra xung quanh ngôi đền thì nhiều vô số, nhưng kể ra nhiều người lại nghĩ bày
chuyện ma quỷ, mê tín. Chỉ xin kể những câu chuyện người thật, việc thật mà ông
tận mắt chứng kiến.
"Năm 1960, một người thợ xây tên Uẩn nhà ở ngay sát đền thờ
Hoàng Cô, khi làm nhà đã chiếm vào đất miếu, nhiều người khuyên can không nghe,
Uẩn vẫn cứ làm. Sau đó ít lâu, từ một người khỏe mạnh, Uẩn bỗng trở nên ngớ
ngẩn, chẳng còn biết gì nữa.
Đến năm 1971, ở làng có người tên Nguyễn Văn Thành, đi kéo lúa
ngoài đồng, lúc về thấy có con chim sâu trên cây dã hương mới cầm hòn đất ném,
hòn đất bay thẳng vào đền Hoàng Cô, tức thì cánh tay Thành đang nhiên gẫy gập,
mang đi bệnh viện băng bó nhưng không khỏi mà còn sưng phù lên. Bấy giờ người
nhà Thành mới đưa đến đến làm lễ, vái tạ, một thời gian sau thì cánh tay Thành
trở lại lành lặn. Hiện ông Thành vẫn đang sinh sống tại làng Dương Phạm",
ông Thâu liệt kê chi tiết.
Khó hiểu hơn là câu chuyện có người làng Dương Phạm to gan vác dao
trèo lên cây dã hương chặt ba cành to đem đi bán. Một thời gian sau, trong một
lần đi xe máy, người này đâm vào chính gốc dã hương và thiệt mạng.
Năm 1984, có ông chủ tịch xã cầm súng đứng dưới gốc cây dã hương
bắn hai phát súng, hai năm sau đang ngồi làm việc bỗng ộc máu mồm mà chết.
Trẻ con quanh làng nhiều đứa ngổ ngáo đi vào đền trèo cây, bẻ cành,
hái lá thì trở nên ngớ ngẩn, phải đến khi thắp hương khấn vái ở đền Hoàng Cô
mới trở lại bình thường. Trâu bò không trông để vào đền phá phách thì tức khắc
mấy hôm sau tự nhiên con thì ốm, con thì chết ". Chính những điều xảy ra
trên đã khiến cây dã hương và đền thờ Hoàng Cô trở nên uy linh lạ thường, không
ai dám xâm phạm hay có ý phá phách."
Ông Dương Xuân Đáp, phó chủ tịch UBND xã Yên Nhân cũng cho rằng, có
quá nhiều điều kỳ bí ngẫu nhiên, khó có thể giải thích và đã tạo nên sự uy
nghiêm của cây cổ thụ đại lão mộc tại đây.
Những cái chết kỳ bí, những hiện tượng không ai giải thích nổi mỗi
ngày một nhiều xung quanh gốc cây ấy. Đến tận bây giờ chưa ai có thể lý giải
những sự kỳ bí ấy dưới góc độ khoa học, hay mặt tâm linh.
Nguồn gốc cây thần
Tương truyền ở làng Dương Phạm, Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định trước kia
có đôi vợ chồng quanh năm làm nghề mò cua, bắt ốc. Chồng là Ngô Công Tước, vợ
là Nguyễn Thị Thái. Vào một ngày nọ, người vợ bỗng thấy cơ thể có sự thay đổi
bất thường. Đêm đó, hai vợ chồng đi ngủ thì thấy ánh hào quang rực rỡ phát ra
trong phòng.
Kể từ đó, người vợ mang thai và sau 18 tháng đẻ ra một cô con gái
chân dung khác thường, đẹp như ngọc nữ trong tranh. Họ đặt tên con là Ngô Thị
Nữ Hoằng, càng lớn Nữ Hoằng càng xinh đẹp, nết na, thông thạo chữ nghĩa, đặc
biệt, cô có tài thêu thùa, ca hát nức tiếng quanh vùng.
Mùa xuân năm 1468, Nữ Hoằng
tròn 19 tuổi. Một lần, trong lúc cô đang cùng đám con gái trong làng đi cắt cỏ
bên sông, bỗng thấy có chiếc thuyền Rồng của nhà vua đi qua. Lúc này vua Lê
Thánh Tông vừa đi đánh giặc tại Chiêm Thành về, đang đi du ngoạn bên sông. Khi
đi qua đám con gái, một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng “Hỡi cô cắt cỏ
bên sông, có ngự thuyền Rồng anh đón đi chơi”. Tức thì Nữ Hoằng đối lại ngay
“Tay cầm bán nguyệt xênh xang, lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ”.
Câu đối lưu loát lọt vào tai nhà Vua, người liền vén rèm ra xem
dung nhan của cô gái thông minh ra sao. Vừa nhìn thấy Ngô Thị Nữ Hoằng, nhà vua
đã không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp như tiên giáng trần của cô. Đặc biệt vua Lê
Thánh Tông còn ngạc nhiên vì trên đầu của Nữ Hoằng luôn có đám mây đi theo để
che nắng, che mưa. Biết đây chẳng phải người thường, nhà vua vô cùng sủng ái
đón cô vào cung và phong làm Nhị Vị Cung phi.
Tuy nhiên, sau khi vào cung, rà soát lại đời cha ông, nhà vua mới
hay biết Nữ Hoằng vốn có tích chung huyết thống với mình, không được phép chung
chăn gối. Bởi vậy, vua Lê Thánh Tông phong cho Nữ Hoằng làm Đức Chúa Hoàng Cô,
Đô Tư Phán Xứ Hậu, chuyên dạy dỗ các công chúa.
Đến khi Đức Chúa Hoàng Cô lâm bệnh và qua đời. Theo di nguyện bà để
lại, nhà vua mang 1 quan tài vàng, 7 quan tài bạc cùng quan tài chứa thi thể
của bà về quê hương an táng.
Tuy nhiên, khi lính nhà vua vừa đặt chân đến làng Dương Phạm bỗng
trời nổi cơn giông bão, mây đen vần vũ, mưa như trút nước, quân lính phải dựng
lều trại đợi cơn phong ba đi qua. Sớm hôm sau, nhà vua đi ra nơi đặt linh cữu
bà Nữ Hoằng thì đã thấy đất đùn to như một đống mối, chen kín gần hết quan tài.
Biết đây là nơi thiên táng, đất địa linh, nhìn lại thế đất nơi này
thì đúng hình đầu Rồng. Nhà vua quyết định cho quân lính đào mộ và an táng bà
tại đây. Sau đó dựng một ngôi đền thờ bên cạnh, gọi là đền Hoàng Cô. Đằng sau
ngôi đền, nhà vua cho trồng một cây mộc hương xoan dã, cây lá xanh mướt, quanh
năm tỏa mùi hương, người dân trong làng thường gọi là cây Xoan Dã.
Kể từ đó đến nay trải qua hơn 500 năm, mộc hương năm nào, giờ đã
trở thành dã hương đại thụ, to lớn, thân mình mấy người ôm không xuể. Qua bao
biến đổi thăng trầm, dã hương vẫn tồn tại như một huyền thoại sống về người con
gái đẹp làng Dương Phạm và cùng với đó là những giai thoại kỳ bí.
Bảo tồn và phát triển cây liệt vào sách đỏ
Hiện tại, cây dã hương có đường kính gốc 11 mét, cao khoảng 25-30
mét, cành cây to xù xì, tán lá xum xuê vươn rộng cả một vùng; đặc biệt có bộ rễ
nổi kỳ dị độc đáo, trong đó có 2 rễ lùa ôm vào hậu chẩm ngôi miếu trông như hai
cánh tay. Trên thân có cây sanh sống cộng sinh quấn lấy một phần thân cây. Đây
là một loạt cây được ghi trong sách đỏ thế giới, ở Việt Nam hiện tại chỉ còn có
hai cây có tuổi đời trên 500 năm. Ông Thâu cũng đang tiến hành ươm các cây dã
hương con trồng xung quanh khu vườn trồng dã hương đại thụ nhằm duy trì nguồn
giống cây quý hiếm.
Nhiều người dân trong vùng đã tự góp tiền để xây dựng lại ngôi mộ
của bà Ngô Thị Nữ Hoằng và làm rào quanh khu vực cây dã hương để bảo vệ. Đồng
thời xây công trình giao thông “cây dã hương” làm con đường bê tông chạy từ
ngoài làng vào đến ngôi đền Đức Thánh Hoàng Cô nơi có dã hương đại thụ.
Trao đổi với PV, phó chủ tịch UBND xã Yên Nhân, ông Dương Xuân Đáp
cho biết: “Chính quyền xã đã tiến hành khảo sát và biết đây là một loại cây cực
kỳ quý hiếm, thêm nữa lại có giá trị lịch sử và được nhân dân trong vùng thờ
phụng. Bởi vậy, xã đã phối hợp với nhiều giáo sư có chuyên môn về cây dã hương
để có biện pháp bảo tồn như diệt sâu, mối mọt ở cây, đổ đất vào gốc để bộ rễ
cây bám chắc, không bị đổ khi có bão lớn. Đồng thời lên kế hoạch xây dựng khuôn
viên quanh đền Hoàng Cô và hoàn tất công trình đường giao thông cây dã hương”.
Ông Đáp cũng cho biết, do nguồn kinh phí của xã có hạn, nên rất cần được sự
đóng góp từ phía xã hội để duy trì và phát triển cây đại thụ đang có nguy cơ
tuyệt chủng trên thế giới.
Theo tin mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét