15 tháng 3, 2013

Nguyễn đại nhân SẼ LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ?


* MINH DIỆN

Nguyễn Bá Thanh: "Nói chi với nhau phải  nói cho chắc...
Đừng biến những cái đơn giản thành phức tạp!"
 

                 BVB - Gần bảy năm trước, Nguyễn Thiện Nhân rời cái ghế Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ra Thủ đô Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo. Lúc bấy giờ ông là một người ưa nhìn. Một gương mặt thon đầy, cặp lông mày nét ngang, cái trán cao tương xứng với cái bằng tiến sỹ từ Đức, chứ không phải loại học giả bằng thật, như nhiều quan chức khác.  Ông lại lại là con trai của bác sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thiện Thành nhiều người nể trọng.
Mọi người để ý từng lời nói, hành động của Nguyễn Thiện Nhân, hy vọng  những đổi mới trong ngành giáo dục.  


                   Phát súng đầu tiên mà nguyên thượng úy Nguyễn Thiện Nhân tuyên chiến với kẻ thù truyền kiếp của ngành giáo dục là: “Không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Báo chí ca ngợi rầm rầm, và cả nước hồi hộp theo dõi “người chiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân” xung trận “Hai Không”!
                 Hôm nay ở Sài Gòn, mai đã thấy Nguyễn Thiện Nhân ở biên giới phía Bắc. Vừa họp ở văn phòng bộ buổi sáng, chiều đã có mặt ở một trường học nào đó.
                Nguyễn Thiện Nhân tâm sự với báo chí: “Sau khi nhậm chức, tiếp xúc với giáo viên, phụ huynh, được chia sẻ, tôi thấy mọi việc tốt đẹp hơn, không thấy bế tắc, và nhiều áp lực như trước”.
                   Và Nguyễn Thiện Nhân hể hả với thắng lợi bước đầu: “Hai không làm được khiến nhiều người bất ngờ. Ngoài việc tất cả 64 tỉnh, thành phố đều có văn bản hưởng ứng cuộc vận động, thì năm nay không có tỉnh nào giao chỉ tiêu bao nhiêu học sinh khá, giỏi như trước. Đó là những tín hiệu vui!” .
              Hình ảnh Nguyễn Thiện Nhân luôn xuất hiện trước ống kính với gương mặt tươi rói, và người ta gọi ông là “Nhân văn”, “ Nhân hậu”, “Hạt nhân”. Nhất là khi ông trực  tiếp đến trao quà cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người dũng cảm tố cáo tiêu cực trong thi cử ở Hà Nội, thì “Người chiến sĩ trong ngành giáo dục Nguyễn Thiên Nhân” càng sáng như sao Khuê.  
                        Không biết có phải vì quá hưng phấn không, mà Nguyễn Thiện Nhân đã tự ca mình: “Từ khi nhận chức Bộ trưởng giáo dục tôi đã không hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình,  tôi rất thương vợ tôi. Tôi rất mong có những lúc được tắt điện thoại di động, không nghĩ tới công việc để có thời gian cho gia đình!”( 14-2-2007 VTC NEW).
                  Nhưng tất cả chỉ có thế! Ngôi sao Khuê vụt tắt trên bầu trời Hà Nội!
                Những việc Nguyễn Thiện Nhân làm được ở Bộ giáo dục chỉ dóng lên một hổi chuông, rồi để nó nhanh chóng bị tan biến vào thinh không!
                    Tiến sỹ danh dự Đại học RMIT!
                    Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước!
                    Huân chướng Lao động!...
                    Tất cả những danh hiệu hào nhoáng ấy không cứu nổi cuộc vận động “hai không” thất bại đau đớn của ông!
                    Nguyễn Thiên Nhân ngồi trên Bộ trưởng giáo dục đào tạo 1448 ngày,  làm lóe lên  ít ngày sáng sủa, rồi những đám mây đen cũ lại quay vể, và hình như mù mịt hơn? Bệnh thành tích  như tức nước vỡ bờ, thi cử không thèm dùng phao lén lút,  mà hội  đồng thi còn xả láng cho thí sinh chép bài.
                      Đúng lúc đó  Nguyễn Thiện Nhân phủi đít, bỏ kiêm nhiệm rách việc, chễm chệ ngồi lên  ghế Phó thủ tướng Chính phủ
                     Nguyễn Thiện Nhân mập ra,  mỡ ra,  mặt  bự gần gấp đôi bảy năm trước, lên TV cứ thấy hồng hào sinh lực.
                    Nhưng hình  như  tướng  càng phát, trí tuệ và nhân cách càng giảm? Biểu hiện về trí tuệ bị lão hóa, là khi ông khuyên các đại biểu Quốc hội phải gương mẫu đừng ăn thị gà không rõ nguồn góc tại kỳ họp thứ 4, khiến cả nghị trường cười no nê.  Còn sự thụt lùi nhân cách là chiềng mặt nhận cái gọi là “Nhà giào ưu tú”.
                    Theo quy định của Bộ giáo dục mà Nguyễn Thiện Nhân từng làm bộ trường, thì nhà giáo ưu tú phải có đóng góp trong việc xây dựng đơn vị, trường trở thành tập thể lao động xuất sắc, có ít nhất 7 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở,  một lần đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, bộ, hoặc Thủ tướng tặng bằng khen.  Nguyễn Thiện Nhân có giảng dạy ở trường đại học, nhưng từng khúc, từng khúc cộng lại chưa được 6 năm, và hình như chưa có  đủ danh hiệu chiến sĩ thi đua như quy định.
                 Cái danh hiệu nhà giáo ưu tú đối với một vị Uỷ viên Trung ương đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chả bõ bèn gì, nhưng, nó lại thêm một cái lỗ thủng, làm chìm cái phao nhân cách của  Nguyễn Thiện Nhân!
                 Nguyễn Bá Thanh cùng tuổi Quý Tỵ với Nguyễn Thiện Nhân, nhưng tướng mạo như một người da đỏ, nhìn dữ dằn  hơn Nguyễn Thiện Nhân. Trong khi Nguyễn Thiên Nhân nói năng tủn mủn thì Nguyễn Bá Thanh “đắc khẩu đại ngôn” tỏ ra không ngán ngại tranh cãi tới cùng.
                  Mấy bữa nay báo chí tốn nhiều giấy mực vì Nguyễn Bá Thanh. Có những bài viết ca ngợi ông đến phát ngượng. Người ta ví Nguyễn Bá Thanh như một Triệu Tử Long! Thì  bảy năm trước, báo chí cũng đua nhau dồn hơi thổi Nguyễn Thiện Nhân  lên mây, gọi ông  là “một chiến sĩ quả cảm trong ngành giáo dục!”.
                 Hôm nay nhìn Nguyễn Thiện Nhân, người viết bài này nghĩ về Nguyễn Bá Thanh và quãng đường phía trước của ông mà cảm thấy ái ngại thay cho ông.
                 Ở Đã Năng, chỉ Nguyễn Bá Thanh nói cho mọi người nghe, chả có đối tượng nào tranh cãi với Nguyễn Bá Thanh. Giờ Nguyễn Bá Thanh sẽ phải nghe người ta nói. Nên nhớ, một anh lái xe Taxi, một chị bán rau, một bà bán nước chè xanh ở  Hà thành hay nói và nói hay hơn một cán bộ tuyên huấn xứ Quảng!  Nguyễn Bá Thanh sẽ phải nghe tiếng hót của hàng trăm con bách thanh để  lựa  giọng bổng, trầm, để phân biệt giả chân!
                 Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu”, giờ trên đầu không phải một mà tới vài cái vòng kim cô, dưới chân ghế không ít sợi giây thòng lọng và chung quanh nham nhản lá bài sấp ngửa ! 
                  Hổ quen rừng, chim ưng quen núi!  Rừng nào cọp nấy. Nguyễn Bá Thanh như con hổ đến khu rừng mới, rộng lớn hơn, nhưng lắm hang sâu, núi cao, vực thẳm  hổ báo,  rắn rết và cạm bẫy cũng nhiều!
                 Nguyễn Thiện Nhân khi bước những bước đầu tiên trên đường phố Thủ đô, gót chân ông hình như  khá  sạch? Còn Nguyễn Bá Thanh lại sẵn có cái gót chân Achilles!
                Ngày ông Nguyễn Tấn Dũng từ Kiên Giang ra Hà Nội nhậm chức, người viết bài này cũng như nhiều người cũng từng đặt vào ông những kỳ vọng đổi mới. Nhưng năm tháng qua đi phải thất vọng vì ông.

               Tôi biết các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thiện Nhân vả một số người khác từng ấp ủ hoài bão lớn, muốn làm một cái gì đó, nhưng lực bất tòng tâm. Giờ đến lượt Nguyễn Bá Thanh!
               Một lần cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói, như tâm sự: “Muốn  được việc phải tranh thủ sự đồng tình của hết người này đến người khác. Cái việc mình định làm lúc đầu vuông như  cái bánh chưng, tranh thủ riết nó như cái bánh dày!”. Rồi nay TBT Nguyễn Phú Trọng lại nói lý luận hơn là “tham nhũng, tiêu cực cần phải được xem xét khách quan, biện chứng!…”. Kể ra, các vị chính khách Nhà Nguyền thời WTO cũng bươn trải, nỗ lực, muốn bứt phá, nổi bật và cũng có người để lại không ít tai tiếng. Khi gần như thành nếp quen thiên hạ kỳ vọng nhân vật lãnh đạo mới xuất hiện, Nguyễn Bá Thanh gánh trọng trách ngay vấn đề đang nóng hổi, nhạy bén, nhạy cảm, liên quan đến "đại cục" này, liệu rằng ông sẽ làm được những gì?
               Hôm trước tôi chúc ông Nguyễn Bá Thanh cố giữ lấy cái tôi, hôm nay tôi vẫn mong như thế. Thử thách trước mắt đối với ông, theo thiển nghĩ của tôi, là vụ án Tiên Lãng (Hải Phòng) với cương vị của mình, ông có dẹp bỏ được sự trả thù hèn hạ, cứu một dân oan?


Không có nhận xét nào:

Trang