Tác giả: HẢI TÂM
"Nhìn vào mặt tiêu cực của thế hệ đi
trước để lý giải cho việc không hành động là... phản động. Không thể nhìn vào
mặt tiêu cực để lý giải 'tôi xấu vì cha tôi xấu'" - ông Nguyễn Trần Bạt.
Quan trọng nhất là khát vọng thay đổi
- Trong một bài phỏng vấn, ông từng nhấn
mạnh 3 loại năng lực mà người lao động cần có, trong đó có khát vọng thay đổi.
Theo ông năng lực đó quan trọng với giới trẻ thế nào, nhất là đặt trong bối
cảnh khủng hoảng như hiện nay?
Cuộc sống bắt con người phải
thay đổi, cuộc sống không chiều ai cả. Chẳng hạn có người giỏi toán lại thành
công nhân đóng gạch, chúng ta cũng từng có thời kỳ rất dài như thế đúng không?
Theo tôi, khát vọng thay đổi
chính là năng lực quan trọng nhất mà thế hệ trẻ cần phải có, bởi họ cần đi tìm
những vùng đất mới. Nước Mỹ hình thành bằng khát vọng ấy, trở thành một cường
quốc, một nền kinh tế vĩ đại là nhờ hình thành quốc gia bằng những người có
khát vọng thay đổi. Trung Quốc ra khỏi tất cả những trì trệ trước đổi mới, phát
triển được như hiện nay là thành quả của khát vọng thay đổi.
Thế nhưng nếu thay đổi bạt
mạng, vô điều kiện thì lại nguy hiểm. Bởi nó khiến chúng ta biến tất cả mọi
nguyên liệu rất nguyên sơ của cuộc sống thành phế phẩm. Khát vọng thay đổi phải
dựa trên cơ sở khoa học, và luôn gắn liền với sự hiểu biết, với sự nhạy cảm có
chất lượng lương tri, có nền tảng đạo đức của con người.
Cho nên con người phải rèn
luyện cả năng lực cụ thể, năng lực kỹ trị lẫn cả năng lực đạo đức, tinh thần.
Bởi chúng ta có một đội ngũ nhiều người thành đạt nhưng không lành mạnh, vì xã
hội chúng ta không lành mạnh, và khi đã không lành mạnh về tinh thần thì càng
thành đạt càng không lành mạnh.
Xã hội lành mạnh là xã hội con
người vẫn còn sống được với nhau, tin, yêu nhau được, vẫn còn do dự trước tất
cả những hành động gây thất thiệt cho người khác. Luôn luôn phải có nền tảng về
đạo đức, luôn luôn phải xem sự lương thiện là một trong những vốn ban đầu của
đời sống con người.
- Theo quan sát từ xã hội cũng như từ chính
quá trình sử dụng nhân lực của mình, ông có thấy một khát vọng thay đổi đầy đủ
ở giới trẻ Việt Nam chưa?
Đủ, thậm chí là khát vọng lớn
hơn cả khả năng. Tuy nhiên điều đó vẫn là tích cực. Một người hát karaoke say
sưa và luôn tưởng tượng mình là Thanh Lam, hay Hồng Nhung thì đó là quyền của
họ và nó lành mạnh. Nó lành mạnh ở mong muốn hát bằng các diva đó, nhưng nếu
nghĩ mình là diva như họ thì lại là dấu hiệu tiêu cực. Cái ranh giới từ khát
vọng tích cực đến điểm hợp lý của nó chính là trí tuệ, đó là điều quan trọng
nhất mà thế hệ trẻ cần có.
Con người đều có ảo tưởng. Ảo
tưởng là một khái niệm triết học chứ không phải một khuyết điểm. Chúng ta cứ
lên án ảo tưởng như một khuyết điểm, mà không nhớ rằng nếu không còn tưởng
tượng, ảo tưởng nữa thì loài người sẽ "ngủ" say sưa thế nào.
Lớp trẻ cũng cần có ảo tưởng
thì mới đi qua được những chông gai, rắc rối, những tiêu cực, khó khăn, trở ngại,
như thiếu 100 triệu để "chạy" chẳng hạn. Không có ảo tưởng như vậy,
con người làm sao sống qua được những điều kiện như hiện nay.
- Thông thường khát vọng thay đổi phải được
dựa trên niềm tin. Tuy nhiên, có một nghịch lý là thế hệ trước thường hay nói thế
hệ trẻ mất niềm tin, hay hoài nghi. Ngược lại, nếu thế hệ trẻ bây giờ nhìn vào
"di sản" của thế hệ đi trước - những tiêu cực, trì trệ hiện nay - thì
liệu họ còn có niềm tin để từ đó xây dựng khát vọng thay đổi?
Tôi nghĩ nhìn vào mặt tiêu cực
của tình trạng, của thế hệ đi trước để lý giải cho việc không hành động là...
phản động. Không thể nhìn vào mặt tiêu cực để lý giải "tôi xấu vì cha tôi
xấu", và cũng chính vì thế mới có câu "Con hơn cha là nhà có
phúc". Con mà không hơn cha thì dân tộc này tồn tại bằng cách gì.
Ở thời đại, giai đoạn nào, thì
thế hệ trước cũng là tiêu cực đối với bọn trẻ. Không ai yên tâm vui vẻ mặc lại
áo của bà nội đi gặp người yêu cả.
Chúng ta phải chấp nhận điều
ấy, và gọi đó là hư hỏng là không đúng. Vì nếu giới trẻ sùng bái thế hệ trước,
luôn luôn lục lọi để mặc lại áo cũ của bà nội nó, thì với tư cách một người
cha, tôi sẽ khóc.
Làm một người cha, sự dũng
cảm, nhân văn nhất là nhìn thấy con mình điềm nhiên khác mình, thậm chí công
kích cả những đặc tính của mình và phải xem đó là hạnh phúc. Đó chính là dấu
hiệu tự do mà bọn trẻ cần nhất để đi ra khỏi quá khứ.
Tôi là một người đàn ông, một
người cha suy cho cùng thì không tệ lắm. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy khó
chịu về sự phủ nhận của con tôi đối với các giá trị mà tôi phải mồ hôi nước mắt
mới làm ra được cho chúng. Nếu con tôi cứ "hau háu" nhìn vào tài sản,
tiền bạc của tôi và biến cái đó thành không gian tinh thần cơ bản của nó thì
còn gì là tương lai nữa?
Tôi xem sự phủ nhận một cách
có hệ thống những quy tắc cũ là thái độ tích cực. Nhưng sự ý thức về nỗi vất vả
của cha mẹ và những giá trị họ tạo nên trong cả chuỗi dài của lịch sử phát
triển cũng là thái độ tích cực. Làm thế nào để cho con cháu chúng ta biết kính
trọng cha ông, nhưng không trở thành nô lệ của các kinh nghiệm của cha ông.
Những nhận thức đó sẽ phát
triển cùng bọn trẻ trong quá trình trưởng thành, trải nghiệm. Khi chúng phải
lăn lộn kiếm tiền nuôi vợ con, chúng sẽ hiểu được bố mẹ mình ngày xưa từng vất
vả thế nào để nuôi được mình. Cần kiên nhẫn chờ đợi phút giây bọn trẻ thức tỉnh
bởi giá trị của lịch sử, chứ đừng gây sức ép bắt buộc bọn trẻ phải kính trọng
thế hệ trước. Kính trọng là một loại tình cảm, không bắt ép được.
Vậy nên tôi nghĩ, không có gì
để bi quan về bọn trẻ cả đâu. Bọn trẻ có bi quan về thế hệ đi trước, chứ thế hệ
chúng tôi không bi quan về bọn trẻ. Nhưng chúng tôi dần dần cảm thấy lớp trẻ
đang bi quan về thế hệ cha chú.
Đối mặt và lựa chọn nghiêm khắc
- Khi theo dõi truyền thông chẳng hạn, tôi
cảm thấy cách thức thế hệ đi trước tiếp cận với giới trẻ thường mang tính chất
của người đứng bên trên và phán xét. Có lẽ không phải nhiều người có cái nhìn
tích cực và tin tưởng vào giới trẻ như ông vừa nói?
Lớp già như chúng tôi, hay trẻ
hơn chúng tôi dăm bảy tuổi có một nhược điểm lớn. Đó là chúng tôi là những nhân
vật của thời kỳ kinh nghiệm, không phải những nhân vật của thời kỳ học vấn.
Tôi là một trong số ít người
cố gắng thay thế kinh nghiệm bằng học vấn, nhưng về cơ bản vẫn là kinh nghiệm.
Kinh nghiệm luôn tích lũy dần theo tuổi tác. Cho nên người có kinh nghiệm bao
giờ cũng nhìn xuống đối với bọn trẻ, lấy cái ngố, sự ngây thơ, vụng dại của
chúng trong ứng xử hàng ngày để đánh giá con người và năng lực của chúng.
Đó là nhược điểm quan trọng
nhất của thế hệ chúng tôi. Nhìn theo cách đó bao giờ cũng thấy thất vọng một
chút, không yên tâm một chút, hồi hộp và bất an một chút. Điều này cũng là tâm
lý thông thường của mọi vùng miền, mọi giai đoạn trên thế giới này, cho nên
cũng dễ thông cảm. Thế hệ chúng tôi chưa đủ năng lực để sáng tạo ra bất kỳ cái
gì khác thế giới, nhân loại cả.
Mặt khác, thế hệ đi trước cũng
không thể phó thác một cách bừa bãi đối với thế hệ trẻ để chúng phát triển văng
mạng. Cách phó thác đó là một thái độ hoàn toàn vô trách nhiệm, và lười biếng
của thế hệ già. Và khi không lười biếng, không vô trách nhiệm thì bao giờ cũng
bảo thủ một chút. Sự bảo thủ ấy nếu duy trì ở chỉ giới hợp lý thì là sự bảo thủ
tích cực, nó thể hiện trách nhiệm, sự gắn bó.
Tôi có một người bạn là Hoàng
thân của Lào, dạy đại học ở Hawaii (Mỹ). Cách đây vài chục năm, anh ấy kể cho
tôi là hai vợ chồng anh để rèn luyện con đã cho con đi... bán cam. Kết quả, lời
thì con họ không kiếm được bao nhiêu, nhưng tiền xăng để hai vợ chồng
"rình mò" xem con mình hành động thế nào, có tự gây tai họa gì không
còn tốn hơn. Nhưng đó vẫn là bài học làm người cần thiết cho con họ.
Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi, đều
muốn con mình có kinh nghiệm hơn, trưởng thành lên, có học vấn cao hơn, đạt
nhiều thành tựu để có thể yên tâm vững bước. Đó là một tâm lý rất phổ biến,
bình thường ở mọi dân tộc, mọi thời đại, chứ không riêng gì VN.
- Vậy đối với giới trẻ trong thời kỳ hiện
nay, là một người đi trước, ông có lời khuyên gì?
Lời khuyên của tôi với các bạn
trẻ là hãy dũng cảm, cố gắng tích cực, bươn trải đối mặt với tất cả các sự
thật, và tự lựa chọn các tiêu chuẩn để đánh giá các sự thật ấy, không trốn
tránh. Chọn chỗ đứng an toàn để không "tên bay đạn lạc", để không
trượt xuống vực, nhưng phải đối mặt với các sự thật và suy xét, lựa chọn cho
mình thái độ, phương pháp, cách thức để tiếp cận với cuộc sống, để định hướng
nghề nghiệp của mình.
Chúng ta luôn phê phán mọi chất
lượng xã hội mà lại quên mất rằng chúng ta a dua, chúng ta không có năng lực
lựa chọn. Xã hội cũng không khuyến khích sự thận trọng trong quá trình lựa
chọn. Truyền thông là một trong những phương tiện cơ bản để hỗ trợ giới trẻ
trong việc lựa chọn, mà trước hết là lựa chọn thái độ với cuộc sống, nhưng cũng
chưa đủ "chín chắn" để thực hiện vai trò này.
Trong thời điểm nhiều biến
động như hiện nay, khả năng lựa chọn càng trở nên quan trọng với giới trẻ. Sự
lựa chọn nghiêm khắc, nghiêm túc là vô cùng quan trọng.
1 nhận xét:
Bài viết quá hay ,thế hệ nào đọc cũng lý thú chế độ nào đọc cũng thấy có lý và nếu như mọi người đọc đều vận dụng nó vào cuộc sống thì ở đâu chẳng tốt đẹp.hỡi mọi người hãy đọc và ngẫm nghĩ người tài đức ,uyên thâm trong xã hội chúng ta còn ở ngoài rìa nhiều quá ,làm sao để những con người này không về hưu và ra rìa sớm trước tuổi nhỉ????
Đăng nhận xét