Nguyễn Bính Châu
(Đoàn Luật sư TP. HCM)
Hiến pháp
là bộ Luật cao nhất và căn bản nhất của một quốc gia, thiết kế tổ chức bộ máy
chính quyền và cam kết bảo vệ những quyền lợi căn bản cho người dân.
Theo tờ
trình của ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đề nghị 7 định hướng lớn bổ sung cho Hiến pháp 1992 về chế độ chính
trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, bảo vệ tổ quốc
XHCN, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, kỹ
thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Nhiều đại
biểu cho rằng trọng tâm của đợt sửa đổi lần này là nên làm rõ khái niệm Nhà
nước Pháp quyền (Nhà nước quản lý và cai trị bằng Pháp luật), Nhà nước của Nhân
dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Có đại biểu đề nghị phân định rõ thẩm quyền,
trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có đại biểu thì
lại nhấn mạnh Hiến pháp phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, phải bảo đảm
thực sự quyền làm chủ của Nhân dân. Còn người dân và giới trí thức yêu nước thì
hy vọng rằng Hiến pháp kỳ này sẽ phân định rõ khái niệm pháp lý về nhân quyền
và phân định rạch ròi các quyền cơ bản của con người (không nói chung chung):
quyền tự do đi lại, quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận, quyền góp ý xây
dựng chính quyền, quyền tự do ứng cử để trực tiếp tham gia việc nước.
Giới luật sư
thì lại muốn Hiến pháp ghi nhận rõ hơn tý nữa quyền hành nghề Hiến định của
luật sư, quyền bảo vệ tự do cho công dân, bảo vệ sự chí công vô tư - công bằng
của bản án, bảo vệ dân oan trước pháp luật, bảo vệ Công lý Công bằng Xã hội và
và Pháp chế Xã hội Chủ nghĩa. Mấy ông bà Blogger (nhà báo tự do trên mạng
Internet) thì mong rằng Hiến pháp sẽ ghi rõ vạch mặt chỉ tên các “thế lực thù
địch đen tối, phản động, chống Chính quyền, chống phá Nhân dân” là ai? ở đâu?
những phần tử nào để biết đường né tránh, kẻo “nó” đến làm quen “rủ rê” thì
khổ, thân thì tan nát đời hoa còn gia đình thì lo sốt vó vì chẳng biết người
thân họ đi đâu?
Nói chung,
là cả một trời hy vọng vào “vận hội mới” từ Chính phủ đến Nhân dân, vào tương
lai tươi sáng sắp tới của đất nước khi “Hiến pháp mới” được ra đời. Trong niềm
phấn khởi ấy, tôi xin được góp ý những ước mơ sửa đổi bổ sung Hiến pháp (những
biện pháp an dân) như sau:
Tăng tập
trung quyền lực Chính phủ
Hiến pháp
mới phải ghi nhận cho được việc tiếp tục nâng cao quyền làm chủ của Nhân dân,
chính quyền phải trọng thị lắng nghe ý kiến của Nhân dân, của giới trí thức
thân hào nhân sĩ trong cả nước và tại Quốc hội. Trong tình hình kinh tế chính
trị khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khó khăn chung của đất nước (nguồn vốn
không thông, sản xuất thương mại trì trệ, điện nước xăng dầu thực phẩm lên giá,
thị trường địa ốc mất sức, thị trường chứng khoán chập chờn, đầu tư nước ngoài
chựng lại, an toàn giao thông vận tải có vấn đề, quá nhiều cầu đường xuống cấp
cần đầu tư sửa chữa, tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, gian lận xăng dầu và
lương thực nhiễm bẩn đáng báo động..). Các thành viên chính phủ chắc chắn phải
dành toàn bộ thời gian cho việc chuyên môn trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn
chồng chất của đất nước.
Các chuyên
gia pháp lý thấy cần nên cân nhắc việc hạn chế các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm
chức vụ, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, khiến các thành viên Chính
phủ phải mất sức quá nhiều trong hội họp Quốc hội, việc kê khai tài sản cán bộ,
giám sát Chính phủ và bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ của Quốc hội gặp khó khăn.
"Chúng ta nên cho
thành lập trên các trang báo (lề phải) và trang web của UBND Tỉnh, thành phố và
các Sở Bộ mục TIẾNG DÂN KÊU về chính sách và trách nhiệm công vụ lề lối làm
việc, để thông qua các kênh thông tin nóng này, kịp thời phát hiện những vướng
mắc oan sai trong công tác, kịp thời tháo gỡ xử lý các thỉnh nguyện chính đáng
của Nhân dân."
Để tránh
việc tổ chức tiếp công dân chỉ có tính chất hình thức long trọng tốn kém rề rà,
xóa bỏ nạn đùn đẩy của các cơ quan (thầy đổ bóng, bóng đổ thầy) hay cố tình bao
che cho nhau (phủ bênh phủ, huyện bênh huyện), nạn chây lười lãnh cảm của một
bộ phận cán bộ (đầy tớ của nhân dân) tha hoá biến chất. Chúng ta nên cho thành
lập trên các trang báo (lề phải) và trang web của UBND Tỉnh, thành phố và các
Sở Bộ mục TIẾNG DÂN KÊU (hoặc Người dân góp ý) về chính sách và trách nhiệm
công vụ lề lối làm việc, để thông qua các kênh thông tin nóng này, kịp thời
phát hiện những vướng mắc oan sai trong công tác, kịp thời tháo gỡ xử lý các
thỉnh nguyện chính đáng của Nhân dân.
Đổi mới
Hội đồng Nhân dân
Mở rộng và
mạnh dạn giao quyền chủ động cho Chính quyền địa phương với công thức: Đảng +
Chính quyền + Hội đồng Nhân dân (Hội đồng Nhân dân đúng nghĩa, tức chỉ gồm có
các thân hào nhân sĩ, trí thức yêu nước, các vị lãnh đạo tôn giáo, các người
thường dân thứ thiệt, không phải là cán bộ, quan chức Nhà nước).
Kinh nghiệm
cho thấy, các vị lãnh đạo chủ chốt tại địa phương vừa nằm trong chính quyền,
vừa ngồi vào vị trí Hội đồng Nhân dân, thường có tâm lý “người cùng một nhà” du
di cả nể (nước sông không đụng với nước giếng) nên không tiện góp ý phê bình,
những khuyết điểm của bộ máy chính quyền. Chưa kể có đôi lúc có tình trạng “Mẹ
hát, con khen hay”, biết sai mà không dám nói, bởi vì ai cũng ngại ”Đấu tranh
thì tránh đâu?”
Chúng ta
thường hô hào khẩu hiệu “phải gần dân, nghe dân, hiểu dân, thương dân và phấn
đấu phục vụ tốt nhân dân”. Vậy thì biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất, nhanh
gọn nhất là Hiến pháp phải đổi mới tư duy về bầu và ứng cử Hội đồng Nhân dân,
cơ quan quyền lực tại địa phương, cho người dân được quyền tự do ứng cử tham
gia vào Hội đồng Nhân dân, để người dân có điều kiện trực tiếp kịp thời sâu sát
góp ý xây dựng chính quyền trong quá trình UBND thực hiện các nhiệm vụ chức
năng, phục vụ người dân tại địa phương.
Trao cho Nhân dân quyền
giám sát hoạt động tư pháp
Tòa án là
chỗ dựa của Nhân dân khi người dân có việc kêu nài đến sự xét xử của Công lý.
Bên cạnh những thẩm phán tài đức thanh liêm, và các bản án hết sức chuẩn mực,
nghiêm minh trong sáng, thì vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, những bản
án oan sai – cố tình vi phạm pháp luật, thách thức luật sư và Công lý.
Tôi kiến
nghị để không còn án tiêu cực xử bậy, Hiến pháp nên quy định giao trách nhiệm
phát hiện án oan sai cho Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia và Bộ trưởng Bộ Tư
pháp. Chánh án Tòa án cấp tỉnh thành phố và Chánh án Tòa án Tối cao phải trả
lời việc khiếu nại bản án cho các cơ quan trên khi các cơ quan có công văn kiến
nghị, đồng thời, có trách nhiệm trả lời cho luật sư khiếu nại, theo từng luận
điểm pháp lý (các sai phạm pháp luật của bản án) mà luật sư nêu ra.
Trong trường
hợp không đồng tình với Chánh án, luật sư có quyền khiếu nại tư cách và trách
nhiệm thẩm phán với Chủ tịch nước, vì chúng ta không thể chấp nhận một bản án
oan sai, gây đau khổ cho người dân, trong chế độ Nhà nước Pháp quyền (vì bản án
oan sai còn kéo thêm hệ lụy “Nghiêm chỉnh Thi hành án oan sai” khiến người dân
chồng chất oan kiên lao đao khốn đốn).
Liên Đoàn
Luật sư nên tổ chức mục Ý kiến Luật sư trên trang Web, để các Luật sư có điều
kiện góp ý pháp luật, trao đổi kinh nghiệm, và kiến nghị Chánh án Toà án Nhân
dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tháo gỡ những vướng mắc
trong hành nghề luật sư, xem xét và hủy bỏ ngay tức khắc các bản án oan sai -
vi phạm pháp luật, gây đau khổ cho người dân, thực hiện cụ thể quyền giám sát
của Nhân dân về hoạt động Tư pháp.
Đảng là
lực lượng cầm quyền và lãnh đạo
Đảng hiện
nay đang quyết liệt chỉnh đốn, để tiếp tục khẳng định sự tin tưởng của Nhân dân
và khẳng định bản lĩnh lãnh đạo, phấn đấu đưa đất nước tiếp tục đi lên trên con
đường Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, tạo lập một xã hội Công bằng – Dân chủ - Văn
minh và Thịnh vượng.
Đảng lãnh
đạo Chính quyền không có nghĩa là Đảng phải tham chính, phải xắn tay sa đà vào
các công việc sự vụ của Hành pháp, phải ngồi vào ghế và làm việc của Chính
quyền, mà nên tập trung trí tuệ làm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, hoạch định
đường lối chính sách và tổ chức chính quyền, thanh tra Chính phủ, lập danh sách
Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, bổ nhiệm các chức danh chủ tịch, trưởng các
sở các phòng ban tỉnh thành quận huyện.
Bí thư tỉnh
thành phố quận huyện nên được phân nhiệm là chủ tịch Hội đồng Nhân dân, cơ quan
quyền lực địa phương để trực tiếp giám sát Chính quyền, thực hiện trách nhiệm
của Đảng trước Nhân dân, vì thực tế, Nhân dân không có cửa, không thể nào có
phương tiện đủ bản lĩnh đủ quyền lực mà giám sát Chính quyền.
Mở rộng
quyền dân chủ cho nhân dân
Lịch sử các
nước cho thấy Dân chủ không thể từ trên trời rơi xuống, nhưng cũng không thể là
vật ban phát mà chính quyền thương tình ban cho.
"Thông qua tự do ngôn
luận và nhất là tự do báo chí, các vị lãnh đạo guồng máy Nhà nước sẽ kịp thời
phát hiện những thiếu sót vướng mắc trong chính sách quản lý quốc gia, tiếp thu
ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền của mọi tầng lớp nhân dân để phát huy mọi
tiềm lực quốc gia."
Do vậy, để
có một Nhà nước Pháp quyền, kiến tạo một bộ máy Chính quyền từ trung ương xuống
địa phương, thực sự là của dân, do dân và vì dân, thì quyền làm chủ của Nhân
dân phải được khẳng định và nâng cao bằng việc Hiến pháp minh thị các quyền căn
bản của công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế
Nhân quyền 1948, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị 1966 (Việt
Nam gia nhập ngày 24/9/1982), Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và
Văn hóa 1966 (Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982), Công ước về quyền Trẻ em (Việt
Nam phê chuẩn ngày 20/2/1990).
Hiến pháp
phải minh thị làm rõ các quyền thiêng liêng và cơ bản của con người, như sau:
quyền không bị tước đoạt của cải (quyền người dân được đền bù thỏa đáng khi quy
hoạch giải tỏa, quyền yêu cầu chính quyền xóa quy hoạch treo và các dự án không
khả thi), quyền tự do thân thể (không bị bắt bớ giam cầm ngược đãi vô lý),
quyền được mưu cầu hạnh phúc (được học hành, được có việc làm, được chữa bệnh,
được tự do kết hôn, tự do tín ngưỡng), quyền tự do ngôn luận và phát biểu chính
kiến, quyền tự do báo chí, và tự do kinh doanh..
Chúng ta đã
thực sự bỏ qua ít nhiều cơ hội lịch sử: hòa giải hòa hợp dân tộc, canh tân và
phát triển đất nước, bánh xe lịch sử có lúc phải quay chậm lại vì ta chưa thấy
kịp nhu cầu cấp thiết phải Đổi mới, còn mới lạ trong tiếp quản, trọng dụng nhân
tài cho đất nước, chưa tận dụng mọi nguồn lực quốc gia. Mệnh lệnh hành chính
đôi khi còn quá quan liêu, không đạt sự đồng thuận - phù hợp với lòng dân, mang
nhiều cảm tính - chủ quan nóng vội, không khả thi, thiếu khoa học và kinh
nghiệm, chưa được đào tạo bài bản trong quản trị quản lý, trong lĩnh vực hành
chánh công, nên có nhiều văn bản Luật vừa mới được ban hành, là đã thấy có
vướng mắc hay thiếu sót.
Thông qua tự
do ngôn luận và nhất là tự do báo chí, các vị lãnh đạo guồng máy Nhà nước sẽ
kịp thời phát hiện những thiếu sót vướng mắc trong chính sách quản lý quốc gia,
tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền của mọi tầng lớp nhân dân để phát
huy mọi tiềm lực quốc gia, kịp thời điều chỉnh cách điều hành bô máy Nhà nước
sao cho xứng đáng, hợp lòng dân, và ngày càng phục vụ Nhân dân tốt hơn, đưa đất
nước sang trang sử mới: Độc lập - Công bằng - Dân chủ - Văn minh và Nhân ái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét