21 tháng 11, 2013

10 năm tù oan vẫn chưa đủ dài?

Trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, các con đê của pháp luật đã bị vô hiệu bởi sự tắc trách, tàn nhẫn của những người có trách nhiệm. 

Tái thẩm hay giám đốc thẩm vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn vẫn đang là một câu hỏi treo. Đây, còn là một vụ việc thử thách cả lòng trung thực, nắm vững nghiệp vụ tư pháp hay không của những vị có trách nhiệm liên quan đến vụ việc này. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của một cán bộ trong ngành pháp lý.
Trong tiến trình phát triển, con người vẫn luôn tự hào về khả năng tự hoàn thiện, khả năng tự xây dựng cho mình những thiết chế bảo vệ mình, bảo vệ đồng loại. Pháp luật là một trong những thứ như vậy.
Bị vô hiệu hóa, vì sao?
Để bảo vệ một công dân trước những cáo buộc pháp lý hình sự - một loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất - khoa học pháp lý đã dựng lên ít nhất là 06 rào cản, tạm gọi là 06 con đê bảo vệ:

con đê, oan sai, vô hiệu


- Con đê thứ nhất, bản thân công dân đó, với độ tuổi, với năng lực thể chất tâm thần đủ khả năng để nhận biết hành vi, và như thế, cũng có nghĩa là đủ khả năng để diễn giải, chứng minh sự không vi phạm của mình.
- Con đê thứ hai là cơ quan cảnh sát điều tra, với năng lực và trách nhiệm của mình, phải chứng minh một cách đầy đủ, khách quan hành vi phạm tội của nghi phạm. Khác với trách nhiệm dân sự, bên nguyên (tức là công dân) phải cung cấp chứng cứ. Với trách nhiệm hình sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan điều tra. Khi chưa chứng minh được thì chưa thể kết luận, dù có nghi ngờ…
- Con đê thứ ba cũng vô cùng vững chắc là Viện Kiểm sát nhân dân, giữ quyền công tố. Cơ quan này phải nghiên cứu kết luận điều tra của cơ quan công an, xem xét, thẩm định tính chính xác, khách quan, cân nhắc các tình tiết, chứng cứ… để đi đến quyết định có đủ điều kiện truy tố bị can ra tòa hay không, có thừa nhận tính đúng đắn của bản kết luận điều tra để chuyển nó thành cáo trạng buộc tội của mình hay không.
- Con đê thứ tư là luật sư bào chữa, một thiết chế giúp cho bị can, bị cáo có thêm sự trợ giúp pháp lý để chứng minh sự thật.
- Con đê thứ năm là phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử phải giữ sự trung lập, khách quan, xem xét các tình tiết buộc tội của VKSND với lập luận gỡ tội của bị cáo, của luật sư, để tìm cho ra sự thật và thay mặt Nhà nước ra phán quyết.
- Con đê thứ sáu là phiên tòa xét xử phúc thẩm, một chế định bắt buộc khi bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Đảm bảo có hai cấp xét xử cho một vụ án. Với mục đích xem xét lại tính đúng đắn, khách quan, đúng pháp luật của bản án sơ thẩm.
Nói “ít nhất” là bởi vì ngoài 06 con đê nói trên, còn có công luận, còn có các cơ quan chức năng xem xét đơn thư, còn các cấp xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm…
Ngần ấy con đê. Khoa học pháp lý đến giờ phút này đã dựng lên ngần ấy con đê, để ngăn cản những nhầm lẫn, bất công trên con đường đi tìm sự thật - thứ sự thật liên quan đến số phận con người - thế mà vẫn án oan! Thế mà cái sai, cái ác vẫn vượt qua để làm hại người vô tội!
Vì sao vậy? Vì những con đê của pháp luật chỉ là "con đê giấy”. Nó có trở thành con đê thật hay không lại phụ thuộc vào con người! Khoa học là của chung, chúng ta tiếp thụ được những kết quả chung ấy. Cái mà chúng ta cần là con người.
Trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, các con đê của pháp luật đã bị vô hiệu bởi sự tắc trách, tàn nhẫn của những người có trách nhiệm. Nhưng cuối cùng ông đã được bảo vệ bởi một "con đê phụ” mang tên “Nguyễn Thị Chiến” – vợ ông.
Tôi hình dung một người phụ nữ ốm đau, ít học, nghèo nàn, ngần ấy năm nuôi con, nuôi mẹ và đi tìm công lý cho chồng. Tấm lòng của người vợ trước nỗi oan khiên của người chồng đã không lay động được những trái tim vô cảm suốt 10 năm qua, nhưng hình như đã lay động được chín tầng mây, để rồi một ngày, sự thật được tiết lộ từ chính những người thân của kẻ thực sự gây án!
Không có sự thật nếu không trung thực
Đến một ngày sự thật được những người dân quê, bằng mọi nỗ lực, đặt trên tay các nhà thực thi pháp luật. Họ cùng mở mắt ra và ồ lên: “tình tiết mới”!
Tái thẩm hay giám đốc thẩm đây?
Giám đốc thẩm là thủ tục xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật khi có chứng cứ cho thấy bản án xét xử vi phạm pháp luật nghiêm trọng (luật nội dung và luật hình thức). Tái thẩm là thủ tục xem lại bản án đã có hiệu lực pháp luật khi có tình tiết mới, làm thay đổi bản chất vụ án.
Tôi cảm thấy ngỡ ngàng khi vụ án được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Đành rằng sự tự thú của Lý Nguyễn Chung là “tình tiết mới”. Nhưng chỉ dựa vào đó để xem xét lại bản án thì sao vẫn thấy bất ổn và buồn.
Bất ổn vì nếu Chung không thú thì Chấn cứ tù sao? Buồn vì một vụ án giết người mà chứng cứ buộc tội chỉ là có bàn chân gần giống với vết chân để lại hiện trường , bỏ qua các yêu cầu xác minh khoa học khác như vân tay, vân chân, bỏ qua việc nhặt được chứng minh thư của Chung tại hiện trường, bỏ qua mọi lời kêu oan… Vẫn chưa có thể bị coi là bản án xét xử vi phạm pháp luật nghiêm trọng sao?
Đành rằng không thể tuyệt đối hóa cái gì. Nhưng cái sai và cách sai như vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã thuộc loại “cực hiếm” trong lịch sử tố tụng. (Có thể nói người bố liệt sỹ đã cứu sống đứa con của mình trong một tình thế trớ trêu của số phận).
Tình tiết, chỉ có thể được coi là “tình tiết mới” trong tái thẩm khi trong các phiên sơ thẩm, phúc thẩm tòa án không đủ điều kiện để biết nó. Ví như ông Chấn thông đồng nhận tội thay, hoặc ông Chấn bị hoang tưởng, cứ tự nhận cho mình tội lỗi và các cơ quan bảo vệ pháp luật không có đủ điều kiện để tìm được sự thật. Còn ông Chấn kêu oan, ông Chấn có bằng chứng ngoại phạm, chứng cứ buộc tội mơ hồ, mười năm nay gia đình ông kêu cứu… Nó chẳng lẽ không là cái gì?
Sẽ không có khoa học, sẽ không có sự thật, nếu không có con người trung thực, có lương tâm trước nghề nghiệp và trước xã hội, thực thi.                 
                                                   Vũ Thị Thanh Tâm

1 nhận xét:

Phan Văn Cương nói...

Bọn này chỉ cần có tiền ,có chức đâu cần gì lương tâm .Có tiền có chức chúng sẵn sàng VU OAN ,CƯỠNG BỨC CUNG,ÉP BUỘC NGƯỜI TRONG SẠCH THÀNH NGƯỜI CÓ TỘI-Dương gian có thể vì phe nhóm bầy đàn mà bỏ qua cho bọn chúng nhưng xuống ÂM PHỦ thì nhất quyết bọn này phải voi giày ngựa xéo tru di tam tộc ba đời ... chẳng sai

Trang