Con cá lạ này có hình dáng rất đặc biệt, giống với cá mập,
đầu dẹp. Trên thân con cá này có các đốm trắng nhìn rất bắt mắt, thân dài
khoảng từ 5 – 6m, vòng bụng rộng chừng 1,5m, ước tính nặng khoảng trên 500kg.
Phóng viên đã tìm đến nhà và có cuộc gặp gỡ với anh Thủy, tìm hiểu
về cuộc đấu trí này.
Anh Chu Văn Thủy
6 người, 4 chiếc thuyền và con cá lạ
Biết chúng tôi tới tìm hiểu về việc con cá lạ. Anh Thủy buồn rầu:
“Các chú tới muộn rồi, con cá nó ra biển ngay hôm đó luôn mà, tiếc lắm”.
Anh Thủy kể: “Khoảng 8h sáng ngày hôm đó (31/10), tôi đang chèo
thuyền thúng để kéo lưới cùng với những ngư dân khác, cách bờ khoảng 2km thôi.
Lúc đầu kéo rất nhẹ nhưng sau đó không thể kéo được nữa, chúng tôi nghĩ là lưới
đã mắc vào hòn đá nên tôi lặn xuống kiểm tra.
Tôi vội mang cái kính rồi lặn xuống, khi vừa xuống nước, tôi không
tin vào mắt mình nữa, nguyên nhân không kéo được lưới là do có con cá rất to
mắc phải, chứ không phải hòn đá như chúng tôi vẫn nghĩ.
Tôi liền bơi lên, thông báo cho những ngư dân khác biết, hành động
của chúng tôi rất nhẹ nhàng, tránh làm con cá hoảng sợ. Con cá không chỉ mắc
vào lưới của tôi mà còn mắc vào cả lưới của 3 ngư dân khác nữa.
Khi chúng tôi quyết định kéo con cá lên bờ, nó vùng vẫy rất mạnh,
khiến cho 3 chiếc thuyền thúng suýt chút nữa bị chìm. Quá hoảng sợ, một ngư dân
đã dùng dao cắt đứt đoạn dây dùng để nối lưới vào thuyền của họ.
Thật tình, lúc ấy tôi cũng rất lo sợ, nếu không cẩn thận thì con cá
có thể làm chìm thuyền bất cứ lúc nào. Dù sợ nhưng tôi vẫn cố gắng kéo con cá
lên bờ vì chưa khi mô (nào) thấy con cá to như rứa (vậy) hết, nếu để nó đi,
tiếc lắm.
Tôi đã gọi điện thoại cho người bạn có thuyền máy to hơn tới giúp
rồi chúng tôi, gồm 6 người, có 3 chiếc thuyền thúng, 1 thuyền máy bắt đầu làm
việc. Để cho chắc chắn, tôi lấy thêm 2 cái lưới có sẵn trên thuyền, giăng ra để
cho con cá không thoát được.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vùng vẫy, nhưng nó càng vùng vẫy, lưới càng
siết chắt nó lại, sau đó con cá nằm im, chúng tôi cũng thấm mệt, bàn tay rát
bỏng. Tôi liền lấy dây thừng xuống buột đuôi con cá.
Vừa xuống nước, buộc được dây xong, tôi tá hỏa lên vì ngoài con cá
chúng tôi đang vây bắt còn có hai con cá khác cũng to như nó bơi xung quanh, có
lẽ chúng đi kiếm ăn theo bầy.
Ai cũng ngạc nhiên với kích thước con cá lạ này.
Dân làng đổ xô ra xem con cá lạ.
Khoảng 1h chiều, chúng tôi mới đưa được con cá vào bờ. 5 người kia
đưa con cá vào trước, còn mình tôi ở lại để thu dọn mấy cái lưới lúc nãy. Ai
nấy đều rất vui mừng".
Niềm vui không trọn vẹn.
Theo nhận định của tôi, con cá này là cá mẹ, vừa mới sinh xong vì
trong mang của nó có con cá nhỏ, hình thù giống hệt nó. Loài cá này tôi không
biết là cá gì, vì đây là lần đầu tiên trong đời gặp.
Thường thì loài cá này kiếm ăn ngoài biển sâu, nhưng có thể nó mới
sinh con nên đói, mới vào tận trong đất liền kiếm ăn. Lưới của chúng tôi dùng
để đánh cá nhỏ, có lẽ nó ăn cá nhỏ nên mới bị mắc vào lưới.
Nhìn bằng mắt thường, con cá lạ này có hình dáng rất đặc biệt, giống
với cá mập, đầu dẹp. Trên thân con cá này có các đốm trắng nhìn rất bắt mắt.
Thân nó phải dài từ 5 – 6m, vòng bụng rộng chừng 1,5m, cái vây hai bên tôi đo
được gần 5 gang tay (khoảng 1m) và ước tính nặng khoảng trên 500kg.
Lúc đó rất mệt, tay lại bỏng rát, rất đau nhưng khi nghĩ về con cá,
tôi lại thấy vui, mệt mỏi tiêu tan hết. Nhưng thật không ngờ, khi đưa con cá
vào bờ, mọi người trong thôn đổ ra xem, người nào cũng trầm trồ thán phục.
Mấy thanh niên làng ngồi lên con cá, cho nó bơi. Lúc đầu có cột dây
nhưng sau đó họ cởi hết dây trói, cho nó bơi gần trong mép bờ biển. Nó rất
thông minh, bơi nhẹ nhàng nhưng khi gặp vùng nước sâu, sóng to, nó quẫy mạnh
đuôi làm cho mấy thanh niên trên lưng rơi xuống hết rồi lặn ra ngoài biển khơi.
Mấy người có mang lưới ra giăng nhưng không được.
Khi vừa bắt được cá, có mấy người gọi điện thoại cho tôi với ngỏ ý
muốn mua lại với giá cao, tôi đang do dự, ai ngờ niềm vui không tồn tại được
lâu… "Coi như công sức của mấy anh em đổ xuống sông xuống biển rồi, 4
tiếng vật lôn với nó chứ có ít mô", anh Thủy tiếc rẻ nói.
Được biết, người dân thôn Hải Phong – Kỳ Lợi – Kỳ Anh hầu hết đều
sống nhờ bám biển, họ thường đánh bắt nhỏ lẻ, với chiếc thuyền thúng và tay
lưới nhỏ, vốn bỏ ra không nhiều và không ra khơi xa đánh bắt lâu ngày như những
vùng khác.
Trước đây, cũng có một số con cá to dạt vào bờ, nhưng hầu hết tất cả
đều đã chết. Đây là lần đầu tiên ngư dân bắt được con cá to như vậy, những bô
lão trong làng cũng chưa biết con cá đó là cá gì.
Phan Chính – Đức Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét