Ai cũng biết rươi là một đặc sản quý và hiếm, không phải vùng đất
nào cũng có và không phải mùa nào cũng có, không phải cứ có tiền là mua được
ngay. Bởi đơn giản, rươi là một sinh vật hiếm, với rất nhiều bí ẩn.
Rươi Xuân Hồng Nghi Xuân quê tôi |
Những ai đã từng ăn rươi, từng thấy rươi
(rươi sống) thậm chí như chúng tôi là những người dân địa phương từ khi sinh ra
đã thấy rươi, đi vớt rươi hàng mấy chục năm nay, nhưng rươi vẫn là một ẩn số.
Mỗi lần nhắc đến rươi là cả một câu chuyện dài, cả một cuộc tranh luận không
lời kết, mỗi người, mỗi cách. Tất cả, chỉ dừng lại ở phỏng đoán, kinh nghiệm
chứ chưa có bất cứ giải thích khoa học nào cả.
Rươi sinh sản và phát triển bí ẩn
Rươi chỉ có rải rác ở một số tỉnh địa phương đồng bằng vùng trũng, có diện tích
đất ngập úng, có con nước thuỷ triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ,
nước lợ như một số tỉnh đồng bằng bắc bộ, bắc trung bộ. Ở Hà Tĩnh, rươi chỉ có
ở một ít vùng gần hạ lưu sông Lam: xã Xuân Hồng, Xuân Lam, huyện Nghi Xuân.
Thậm chí trong cùng một cánh đồng, vùng có rươi, vùng không, thửa ruộng có
rươi, thửa ruộng lại không có.
Có những cụ già ở các địa phương sống gần hết cả đời người, đã chứng kiến không
biết bao nhiêu lần rươi nổi, nhưng cũng không biết rươi sinh sản như thế nào,
khi nào, sống ở đâu và ăn thức ăn gì. Cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào
giải thích về loại sinh vật này. Chỉ biết vào những tháng mùa đông, rươi lại
nổi lên mặt nước khoảng 1-2 giờ đồng hồ, rồi lại biến mất. Rươi nổi và bơi trên
mặt nước như con đỉa. Có khi nổi dày đặc, đỏ cả mặt nước. Những người nông dân
đã không biết bao nhiêu người, bao nhiêu lần xới đất sâu, tỉ mỉ ở những vùng
đất có rươi nổi để tìm. Nhưng sau khi nổi và biến mất người ta không tìm thấy
bất kỳ một dấu hiệu nào của rươi sót lại. Kể cả những thửa ruộng đắp bờ kín không
cho nước chảy ra.
Nhiều người giải thích huyền bí cho rằng, nó sống ở tầng đất thứ 9, nhưng thân
rươi lại vô cùng mềm và dễ vỡ. Chỉ cần chạm nhẹ vào thân nó, là nó có thể vỡ ra
và chết. Nên rươi không thể chui nhanh xuống đất như vậy được.
Hàng năm, rươi lại càng ít dần đi. Nhưng theo kinh nghiệm của dân địa phương,
những thửa ruộng nào phun nhiều thuốc cỏ, thuốc trừ sâu thì năm sau ở thửa
ruộng đó, Rươi sẽ nổi ít hơn.
Rươi xuất hiện lạ lùng
Không ai biết nó sinh sản vào mùa nào, như thế nào, con nào là con đực, con nào
là con cái hay là lưỡng tính. Nên cũng không ai biết khi rươi xuất hiện trên
mặt nước là lúc bắt đầu hay kết thúc cuộc đời của nó. Chỉ biết rằng khi xuất
hiện, nó nổi đồng loạt trên mặt nước, thấy đỏ cả mặt ruộng như ổ cá tràu con,
khoảng 1-2 giờ, rồi tất cả “biến mất”. không ai biết chắc chắn nó nổi ngày nào,
giờ nào. Chỉ theo kinh nghiệm bao nhiêu năm của người dân địa phương chúng tôi,
thì Rươi chỉ xuất hiện vào 3 tháng là tháng 9,10,11 âm lịch hàng năm. Rươi
thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30; Mồng 1,
mồng 2: Ngày 14, 15 rằm. Các ngày khác chỉ nổi rải rác, ít và khi có, khi
không. Những ngày cuối tháng, rươi lại thường nổi vào lúc 1-2 giờ sáng; Những
ngày giữa tháng, ngày rằm, rươi lại thường nổi đồng loạt lúc 19-20 giờ. Các
ngày khác có khi lại nổi lúc 7-8 giờ sáng. Tuy nhiên, các ngày, giờ rươi nổi
cũng rất thất thường, thay đổi, không cố định. Không ai biết mà giải thích.
Nhiều khi đến ngày rươi nổi, cả xóm, làng đều ra đồng, chờ để
vớt, nhưng lại không thấy. Có khi bỗng nhiên thấy rươi nổi nhiều đỏ cả đồng, cả
xóm, làng lại ùn ùn kéo nhau ra đồng vớt rươi.
Cách đánh bắt độc đáo
Rươi chỉ nổi ở những cánh đồng vùng nước lợ, có con thuỷ triều lên xuống
của các con sông chảy qua các con Hói, lạch vào đồng. Trong cánh đồng, nó
cũng chỉ có ở những vùng giáp cửa biển, thửa ruộng gần con nước lên xuống. Những nhà có
ruộng vùng này, họ đắp bờ ruộng cao lên quá mặt nước và tháo cho nước chảy qua
một chỗ, động thời dùng lưới nhỏ hứng rươi. Ở những vùng đất chung thì mọi
ngưòi cùng nhau dùng vợt để vớt. Ở các khúc hói, lạch, mỗi khúc một lại có một
“trộ” rươi, được người ta ngăn lại đón rươi theo con nước. Các “trộ” rươi này
được người ta thầu khoán với hợp tác xã. Thường đây là những chỗ thu được nhiều
rươi nhất. Sau khi đưa rươi về, ngươi ta phải chăm giữ cẩn thận trước khi nhập
bán. Rươi thích nhiệt độ lạnh từ 1-8C . Người ta phải dùng đá lạnh mới tan ra
để cho rươi vào, có như vậy rươi mới sống được một thời gian vài ngày trước khi
được lái buôn đưa đi để bán sang Trung Quốc.
Người dân địa phương không ai dám ăn rươi
Lúc trước rươi nhiều và rẻ. Đến mùa rươi, cả làng thơm phức mùi chả rươi. Chúng
tôi, có khi ăn chả rươi cả tuần liên tục, làm thức ăn chính hàng ngày. Gần 7-8
năm nay, rươi ít dần, giá cao vọt, dù thèm, nhưng hầu như trong làng không ai
dám bỏ ra hàng trăm ngàn để mua rươi ăn. Những nhà đánh bắt được cũng chỉ
dành bán đi lấy tiền. chỉ cần 10kg là họ cũng đã có gần 1,5 triệu, bằng thu
nhập bình thường của cả gia đình trong một tháng.
Rươi là mặt hàng xa xỉ, siêu lợi nhuận
Trước đây, Rươi nhiều, chưa có người buôn bán nơi khác đến mua nên rươi bán rẻ.
Nhưng, trong khoảng 7-8 năm trở lại đây rươi càng ngày càng ít đi, trong khi đó
có các lái buôn từ Thanh Hoá vào mua để bán sang Trung Quốc nên giá rươi tăng
vọt và trở thành mặt hàng xa xỉ” với giá 1kg/130 ngàn, có khi lên tới 160
ngàn đồng. Trung bình các ngày nhiều rươi mỗi nhà vớt được 10-20kg, những người
ít thì 4-5kg. Nhiều nhất có một số nhà, chỉ trong một đêm (hay đúng hơn
là trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ) vớt được 100kg rươi và tính theo giá hiện
nay tương đương thu lại 13-15 triệu đồng, ít nhất mỗi nhà cũng có 200-300 ngàn
đồng mỗi đêm. Những đêm rươi nổi nhiều cũng phải đến khoảng hơn 4 tạ rươi, đem
lại cho người dân khoảng gần 60 triệu đồng/đêm. Tính qua 3 tháng mùa rươi,
người dân ở đây thu về hơn 600 triệu đồng.
Trần Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét