Tiến sĩ Edwin
Moise
Trong Cuộc chiến Đông Dương lần
thứ Nhất, ông Võ Nguyên Giáp đã dùng chiến thuật du kích rất hiệu quả chống
người Pháp. Nhưng từ năm 1950 trở đi, ông cũng đánh những trận đánh chính quy;
các đơn vị lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐND) công khai đối đầu với quân
Pháp trang bị tốt hơn.
Năm 1951, các đơn vị QĐND tìm cách tấn công vào đồng bằng Sông Hồng
nhưng gặp thất bại nặng nề. Năm 1954, họ cũng lại chịu nhiều thương vong, nhưng
đã giành thắng lợi lớn tại Điện Biên Phủ và cao nguyên miền trung và miền nam
Việt Nam.
Ông Giáp không bao giờ bày tỏ hối hận về cách ông “nướng quân” để
thắng Pháp. Nhưng trong phần còn lại của cuộc đời, khi có những tranh luận
chính sách quan trọng bên trong Đảng Cộng sản, ông thường có xu hướng ôn hòa.
Sau khi ban lãnh đạo cộng sản nhận ra Cải cách Ruộng đất 1953-1956
ở miền Bắc đã trở nên quá khích, gây nên nhiều cái chết không đáng và đau khổ,
ông Giáp trở thành người phát ngôn của đảng để lên án các chính sách quá khích.
Trong thập niên 1960, ông không hẳn tin tưởng vào việc công khai
đối đầu với Mỹ, đến mức ông đã gây mất lòng sâu sắc phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ
trong đảng. Họ nghi ngờ ông là “kẻ xét lại”, tin tưởng vào học thuyết “chung
sống hòa bình” của Liên Xô.
Năm 1964, khi an ninh quân đội, được Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Công
an Trần Quốc Hoàn chống lưng, tạm giam và thẩm vấn các sĩ quan quân đội vì nghi
ngờ thuộc phe xét lại, dường như một điều mà họ muốn tìm là bằng chứng để có
thể quy tội tương tự cho Tướng Giáp. Nhưng Hồ Chí Minh đã bảo vệ ông.
Ở mức độ nhất định, quyền lực của ông Giáp bị giảm sút; phe Lê Duẩn
có quyền đáng kể trong việc bổ nhiệm các vị trí chỉ huy. Nhưng ông Giáp vẫn giữ
chức tổng tư lệnh và bộ trưởng quốc phòng, và vẫn còn ảnh hưởng quan trọng về
chiến lược quân sự.
"Ông Giáp trước sau như một trung thành với
Đảng. Trong các cuộc gặp được quảng bá rộng rãi hồi thập niên 1990, với cựu Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara và các sử gia Mỹ viết về chiến tranh Việt
Nam, ông tránh công khai phê phán những chính sách mà bản thân ông từng bất
đồng hồi thập niên 1960."
Ông có xu hướng thận trọng. Ông lập luận phản đối cách điều hành
chiến tranh diều hâu của Nguyễn Chí Thanh ở miền Nam năm 1966 và nửa đầu 1967.
Tết Mậu Thân 1968 nguyên thủy là kế hoạch của ông Thanh, và ông Giáp cho rằng
nó quá tham vọng. Bất chấp nghi ngờ của ông, phe Lê Duẩn đã cố ép để thi hành
nó.
Ông Giáp lần lượt để mất các chức vụ tổng tư lệnh quân đội năm
1975, bộ trưởng quốc phòng năm 1980 và thành viên Bộ Chính trị năm 1982. Nhưng
người ủng hộ của ông vẫn còn nhiều trong quân đội. Ông còn ở trong Ban Chấp
hành Trung ương cho đến năm 1991 và giữ chức phó thủ tướng phụ trách khoa học.
Tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, People’s War, People’s Army, của
ông Giáp có lẽ được đọc nhiều nhất ở phương Tây trong số sách của lãnh đạo cộng
sản Việt Nam.
Nhưng ông cũng là người thường bị hiểu sai nhất. Khi ai đó phịa ra
một trích dẫn giả mạo rồi nói đó là lời của một lãnh đạo cộng sản Việt Nam, họ
thường chọn ông Giáp. Ví dụ, trường hợp rõ nhất là những tuyên bố về Cải cách
Ruộng đất đao to búa lớn hơn là lời nói thật của ông Giáp. Hay những tuyên bố
rằng ban lãnh đạo cộng sản đã tuyệt vọng và cân nhắc việc từ bỏ chiến tranh
chống Mỹ sau thất bại Mậu Thân 1968, hay ở giai đoạn sau của cuộc chiến Việt
Nam.
Ông Giáp trước sau như một trung thành với Đảng. Trong các cuộc gặp
được quảng bá rộng rãi hồi thập niên 1990, với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Robert McNamara và các sử gia Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, ông tránh công
khai phê phán những chính sách mà bản thân ông từng bất đồng hồi thập niên
1960.
Khi về hưu, ông dành nhiều năm để viết hồi ký. Nhưng các cuốn sách
đó chủ yếu tập trung về Cuộc chiến Đông Dương lần 1.
Ông viết nhiều cuốn về Trận Điện Biên Phủ. Nhưng ông không viết về
giai đoạn thập niên 1960, khi ông đôi khi đã không cùng chung đường lối với các
lãnh đạo lấn lướt trong đảng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang là Giáo sư,
Khoa lịch sử, Đại học Clemson, Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét