18 tháng 11, 2013

Gửi các điều tra viên vụ ông Nguyễn Thanh Chấn

Bùi Hoàng Tám


Trước hết, xin chúc mừng các điều tra viên trọng vụ án ông Chấn dù tôi biết giờ đây, các anh đang vắt óc để làm sao bao biện, chối bỏ những gì các anh đã gây ra cho công dân lương thiện Nguyễn Thanh Chấn.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 Tôi chúc mừng các anh bởi ông Chấn đã không chết, tức là không bị tử hình và cũng không chết trong tù ngục mà hơn thế, ông Chấn còn được minh oan.
Nếu ông Chấn bị tử hình hoặc chết trong tù, chắc chắn các anh, dù vô tình hay cố ý đều mang trong mình một trọng tội “trời không dung, đất không tha”.
Ông Chấn sống sót trở về đã “cứu” cho lương tâm các anh (nếu có) nỗi ám ảnh suốt cuộc đời này.
Thế nhưng giờ đây, ông Chấn đã gây cho các anh một “trở ngại”, đó là tố cáo các anh đã dùng nhục hình để ép cung.
“Tất nhiên là phải chối” là bài báo của tác giả quen thuộc có bút danh Như Thổ, người đã nhiều năm gắn bó với ngành công an nên có thể coi đó như tiếng nói của người trong cuộc. Bài báo đã phân tích rất hay sự “tất nhiên là phải chối” này.
Có lẽ, lý do để khép tội các anh có ép cung hay không chắc chắn là khó, rất khó bởi một câu quen thuộc: Chứng cứ đâu?
Nói thẳng ra, đòi hỏi chứng cứ ở việc này là điều hài hước bởi nếu dùng nhục hình thì chỉ có các anh và ông Chấn biết. Ông Chấn bảo có, các anh bảo không. Còn vật chứng là các vết đánh đập, tra tấn thì thứ nhất, các anh thừa “ngón nghề” không để lại dấu vết. Vả lại qua 10 năm, vết sẹo chắc cũng đã liền da. Thế là nhân chứng không có, vật chứng cũng không có.
Ông Chấn bảo có, các anh bảo không, trong khi chân lý lại chỉ có một. Nếu không khép tội được các anh thì phải khép tội ông Chấn vì đã… vu khống.
Nói thế thôi chứ không phải không ai biết. Ông Chấn biết, các anh biết và trời xanh cũng biết còn dư luận thì càng biết.
Đã có hàng vạn comment gửi về Dân trí cũng là hàng vạn ý kiến đều cho rằng có chuyện tra tấn ép cung.
Vì vậy, tôi tin rằng 10 năm qua, nếu có dù chỉ một chút lương tri ít ỏi, thì từ sâu thẳm, lương tâm các anh không thể ngủ yên. Bởi cái tội “vu oan giá họa, bốc lửa bỏ tay người” nó lớn lắm, nó “tổn phúc” và “tổn đức” lắm. Các anh làm án nhiều, chắc các anh thừa biết, tội sát nhân không thoát khỏi lưới trời lồng lộng.
Tôi nói điều này không là để thuyết phục các anh bởi làm điều đó nó ngô nghê. Các anh vốn là những chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi chỉ muốn nói lên những suy nghĩ chân thực của mình và chắc cũng là ý nghĩ của nhiều người. Đành rằng làm điều đó với các anh là điều quá lớn bởi đang trên đà danh vọng…
Nhưng biết làm sao được, làm thì chịu, sai thì sửa và vay thì trả. Cuộc đời nếu nhìn ở một, hai hay thậm chí nhiều trường hợp thì tưởng như trời xanh không có mắt nhưng tổng thể một kiếp người thì trời luôn có mắt. Tâm anh đến đâu, tài anh đến đâu, trí anh đến đâu và phúc anh đến đâu thì được hưởng đến đấy.
Giờ đây khi sự việc đã vỡ lở ra rồi, thật lòng dù biện hộ thế nào thì hình ảnh của các anh cũng tổn thương nghiêm trọng trong mắt bè bạn, đồng nghiệp và cả những người thân. Bởi khó có ai không hiểu rằng, chuyện các anh dàn dựng, ép cung là có thật.
Nếu không tin tôi, các anh hãy thử nhìn những người xung quanh mà xem. Họ nhìn các anh hôm nay rất khác với các anh của ngày hôm qua. Và không chỉ thế, tôi nghĩ rằng chính các anh cũng nhận thấy mình thay đổi. Có thể nhỏ thôi, ví như các anh không còn nói to trong các cuộc họp hoặc mỗi khi gặp ai đó, các anh đều để ý xem thái độ của họ hôm nay đối với mình thế nào..,
Có một bộ tộc có một tập tục rất hay, là khi một người nào đó phạm trọng tội mà tất cả mọi thành viên trong bộ tộc đó đều đồng ý tử hình thì y sẽ bị tha bổng. Lý do của họ là hãy để kẻ đó sống trong sự cô độc và nguyền rủa của mọi người. Điều này, còn ngàn lần đáng sợ hơn cái chết.
Chợt nhớ câu tâm sự của Lý Nguyễn Chung sau khi tự thú, rằng “em cảm thấy nhẹ nhõm trong người” bởi suốt 10 năm qua, Chung luôn sống trong tâm trạng bị ám ảnh. Chung đã tự biến mình thành nhà tù giam cầm chính mình và giờ đây Chung hối cải. Đó là điều đáng quý trọng dẫu Chung có là kẻ sát nhân.
Tiền tài, danh vọng là một tài sản nhưng sự thanh thản lương tâm cũng là một tài sản rất lớn.
Con người ta sống trên đời chẳng ai trọn vẹn cả. Đừng để mỗi khi ốm đau hay tai nạn, lương tâm mình bị dằn vặt bởi câu hỏi “hay là tại bởi…” và cũng đừng để những khi như thế, người xung quanh buông lên một câu cảm thán có thể không nói thành lời: “Giời xanh có mắt!”…


Không có nhận xét nào:

Trang