· Đọc Danh
sách 161 ngành đào tạo thạc sĩ vừa bị Bộ GD&ĐT ra Quyết định Dừng tuyển
sinh (VNN, 29.12.2012), không dám tin vào mắt mình: Chuyện không phải động trời
mà phải nói là long trời, lở đất bởi
sai phạm như thế, kéo dài như thế, hậu quả cho xã hội nhiều không kể xiết, mãi đến
bây giờ một phần sự thật mới
được phanh phui…
Những con số xót xa…
Danh sách
trên cho biết khá đầy đủ về năm được giao nhiệm vụ (có quyền tuyển sinh), số
lượng học viên và số lượng giảng viên cơ hữu cùng ngành; số lượng PGS, GS, TSKH;
giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành – sau đây sẽ ghi là (0-0-0) - tức là
cả 3 yêu cầu trên đều bằng không (0).Theo Danh sách (DS) trên, ngành đào tạo
Thạc sĩ sớm nhất được mở từ năm 1987 (Hồi sức ấp cứu và chống độc, Đại học Y HN 4-2-4),
muộn nhất là 2011 (Quyền Con người 4-4-0), Quản lý Giáo dục (6-0-0), Chính sách
Công (6-2-1) thuộc Học viện KHXH; Kỹ thuật Hàng không, ĐHBK – ĐHQG TP.HCM
(0-0-0); Lý luận và Lịch sử sân khấu (0-0-0), Lý luận, lịch sử và Phê bình Điện
ảnh-Truyền hình (0-0-0), thuộc Đại học SK-ĐA HN…
Có thể nói
không quá rằng 161 ngành học bị tạm dừng đào tạo là 161
nỗi đau khó tìm ra
ngôn ngữ để diễn tả thành lời. Nó đủ hình, đủ dạng; nó vừa như là sự bi hài lại
vừa như là sự báng bổ Nữ Thần Thông thái Athéna; nó giống với sự đùa dai của sự
thật trước bóng đêm u ám của sự dối lừa; nó vừa là nguyên nhân lại vừa là hậu
quả của tất cả những gì trì trệ, kém cỏi, nhiễu nhương của nền giáo dục thời
nay…
Thử đọc qua,
ta sẽ thấy những điều khó hiểu đến tột cùng. Chẳng hạn, ở phần trên, ta thấy là
Bộ GD&ĐT đã cấp phép cho mở 3 ngành đào tạo Thạc sĩ năm 2011 là Kỹ thuật Hàng
không và 2 ngành SK-ĐA – cả ba đều có “cấu trúc” 0-0-0(!) Tại sao cả ba đều
không thể lớn hơn KHÔNG mà vẫn cho phép mở, để đến nỗi bây giờ bút ký chưa ráo
mực đã phải dừng? Ai phải chịu trách nhiệm về chữ ký đó và, dư luận có thể nghi
ngờ về việc đã có mùi tiền trong việc chạy dự án mở cao học hay không?
Bây giờ, từ
thực tế cuộc sống về “Lời than vãn của bà Athéna” (học theo cách đặt tên một
bài báo của Bác Hồ -Lời than vãn của Bà Trưng Trắc),
rằng quản lý giáo dục kém, rằng đạo đức xã hội có nhiều suy thoái, rằng học
không đi đôi với hành, rằng 50% (hoặc hơn) sinh viên ra trường phải đào tạo
lại, rằng các công trình xây dựng chưa nghiệm thu đã hỏng…; chúng ta thử tìm
xem những yếu kém và xa xót ấy, chương trình đào tạo cao học “đóng góp” cho xã
hội thế nào?
Học viện
Chính trị - Hành chính Quốc gia TP HCM (2, số TT trong DS), mặc dù có cơ cấu
giảng viên 5-1-0 nhưng đã và đang đào tạo 125 Thạc sĩ Hồ Chí Minh Học từ cách đây… 11 năm (2002). Khoa Quản trị Kinh doanh ĐHQG HN (17), cơ
cấu 10-2-0, đã, đang đào tạo 1.148 vị Thạc sĩ QTKD từ…
năm… 1995(!)? Đại học Bách khoa ĐHQG TP HCM, mở ngành Công nghệ và Quản lý Xây dựng (29), cơ cấu là 7-0-2, đào tạo 253 học
viên. Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, ĐHQG HN (158), mở ngành Đo lường và Đánh giá Giáo dục,
đào tạo 127 học viên từ 2005, với cơ cấu là 1-1-1. Đại học SP TP HCM, mở ngành Đại số và Lý thuyết số (127), đào tạo 87 học viên, cơ cấu
giảng viên là 0-0-0. Đại học SP Huế, mở ngành Quản lý Giáo dục (112),
cơ cấu 2-1-0, đào tạo 168 ThS. Đại học KT QD, mở ngành Quản lý Kinh tế (82), đào tạo 244 học viên, cơ cấu là
9-4-0. Đại học KH&XHNV – ĐHQG TP HCM, mở ngành Văn hóa học (78), đào tạo 175 THS Văn hóa, với cơ
cấu 6-2-0… v.v và v.v…
Những ai
quan tâm đến chương trình đào tạo cao học đều có trình độ nên thiết nghĩ, không
cần thiết phải phân tích, mổ xẻ sâu các ví dụ nêu trên bởi ai cũng biết rằng
giảng viên chuyên ngành Hồ Chí Minh học, Văn hóa học,Quản lý Giáo dục là… KHÔNG thì làm sao có thể đào tạo ra những
ThS CÓ chất lượng về những ngành khoa học đóng vai trò rường cột của tư tưởng,
văn hóa, quản lý giáo dục?...
Nói “hậu quả nghiêm trọng” vẫn là
chưa đủ
Không thể tính hết về số, về lượng của
những sai lầm trong đào tạo ThS nói riêng, trong nền giáo dục, xã hội, đất nước
nói chung. Lý do cũng giản dị: Sai về bán buôn, đầu tư có thể tính ra lỗ, lãi
chỉ sau một chuyến “ăn” hàng; còn cái sai về giáo dục thì hậu quả sau 5 hay 10
năm vẫn chỉ là số ít, vì nó còn kéo dài hệ lụy cả trăm năm!
Những ThS
của 20-30 năm trước, giờ đây trong số họ có không ít người là TS, PGS, GS.
Không phủ nhận khả năng vươn lên của một số rất nhỏ tài năng bị bó buộc bởi
hoàn cảnh, còn đa số vẫn trượt dài trên con đường dởm chính chủ hóa.
Bên cạnh đó, hàng ngàn người đã trở thành lãnh đạo, ít thì PGĐ sở, Phó CT huyện,
nhiều thì… không đếm xuể.
Về mặt đạo
đức học đường thì cái
lỗ đen của thảm họa thật khó lường. Điều rất đáng nói là suốt thời gian dài,các thầy (Bộ GD&ĐT, trường đại học, các học
viện, thầy cô giáo) cứ lên lớp giảng bài, tha hồ bàn về đạo đức, cái trung thực
của sự học, các bổn phận làm người nhưng, TẤT CẢ sinh
viên, học viên đều biết rằng đó là những điều không giống với sự thật(!) Làm
sao việc đào tạo thạc sĩ – một trong những tiêu chuẩn đáng trọng của khoa học,
cấp độ thứ nhất của học vấn cao sang lại bị làm dối, vay mượn, giả vờ như thế,
thử hỏi rằng có thể thuyết phục được ai? Thầy có quyền tráo trở trước sự thật
một, trò “được phép” dối trá gấp 5, gấp 10 là “nguyên tắc” của cái lẽ đương
nhiên. Khoa học bị biến thành trò hề của cuộc đời, thành nụ cười xót xa của
kiến thức, thành bài học tàn nhẫn của đạo đức, làm sao xã hội, học vấn, văn
hóa, tư tưởng, nếp nghĩ không rách nát, không tả tơi?
Một nhà hiền
triết có nói rằng một khi các đấng “thần linh” của học vấn tha hóa, tức trí
thức tham tiền, quân nhân sợ chết thì sự băng hoại đạo đức là điều
không thể nào tránh khỏi. Đào tạo ThS, TS dởm, suy cho đến tận cùng thì cũng
chỉ vì tất cả đều nhảy múa xung quanh đồng tiền mà thôi. Người viết bài này đã
được nghe không dưới một lần lãnh đạo các trường đại học nói rằng “sống được”
là nhờ tại chức, cao học chứ chính quy – “may lắm khỏi lỗ chứ ăn nhằm gì”. Quả
thật, tuyển sinh viên vào 2.000, trong đó có đến gần 1.000 thuộc diện chính
sách, nhà trường phải miễn, giảm học phí thì đúng là ăn không thể nên, làm không
thể ra. Nhưng, đào tạo cao học là “đắt xắt ra miếng” – không có chuyện miễn
giảm, phần lớn là cán bộ đi học đều có chức quyền (hoặc sắp có chức quyền cao
hơn), nghĩa là khả năng chi trả, “đầu tư” vô cùng lớn; các thầy cô tha hồ được
nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, ôi chao là chuyện của cái sự đời, có
ngàn vạn biến thiên của CAO HỌC thời nay. Có thể có rất nhiều lý do nữa nhưng
người viết bài này khẳng định rằng: Tôi đã học xong chương trình cao học, đủ
tất cả mọi điều kiện nhưng không bảo vệ luận văn tốt nghiệp bởi vì đau đớn quá – có không ít “bạn cùng lớp”, sinh
viên tại chức ngày xưa, tôi dạy, cùng nhau trở thành sang trọng, trong khi tôi
biết rõ kiến thức của họ vẫn ‘thông minh như thuở nào”(!)
Như thế, đào
tạo cao
học trở
thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận với vô vàn cái “lợi” theo nghĩa đen
trần trụi nhất của khái niệm đong, đếm. Nơi đào tạo tha hồ thu học phí,
ăn chia; thầy cô giáo liên hoan và nhận phong bì, quà biếu mệt nghỉ; học viên
lo kiếm tiền đủ mọi cách sao cho đầu tư sinh ra bằng khá, bằng giỏi mà lại phải
học ít nhất; sau đó, có cái bằng ThS rồi sẽ được bổ nhiệm chức vụ, tiền bạc lại
như nước lũ tràn về... Chỗ nào cũng thấy tiền và, dẫu tiền bạc không có mùi
nhưng các loại bằng cấp thì có đủ thứ mùi không thể nào chịu nổi. Không ai
không biết điều đó; nhưng, tại sao người ta cứ mặc nhiên coi đó như chuyện bình
thường, đến mức, nếu mở cao học mà ‘đầu vào’ ít, sẽ bị coi là kém khôn ngoan
như “chấm thi chặt quá”, “chương trình nặng quá”, “học phí đắt quá”... Tuyệt
nhiên không hề thấy ai nói rằng học khó, ít người tài, thực sự mới đúng là cái
đáng giá làm nên hai chữ sự học. Thử ngẫm mà xem: Có đất nước nào, thời nào như
ở ta: Học đại học tại chức, hay tốt nghiệp chính quy, xin không được việc
đều... “rủ nhau” trở thành ThS, TS…(!?)
Danh sách tạm dừng tuyển sinh đào tạo cao
học chỉ mới cho dư luận biết phần nổi của tảng băng từ mù từ những con số khó
biện minh, nhưng, rất cần nhấn mạnh rằng còn có vô khối những điều đáng buồn
khác nằm sau chúng, hay đang bị khuất lấp từ chúng. Chẳng hạn, Các chương trình
đào tạo có hàng chục năm “phát triển” nhưng tại sao đến tận bây giờ, giảng viên
cơ hữu (TS) bắt buộc phải có, cũng chỉ một vài người? Phải chăng cái tâm lý
chây ỳ, để lâu hóa bùn đã nhiễm nặng vào “máu thịt” của nền giáo dục nước ta?
Việc thiếu giảng viên cơ hữu tất yếu sẽ đưa
đến chuyện mời giảng viên thỉnh giảng. Cái “sự tích” mời nhau vòng quanh thì
không ai là không biết. Mời để “tạo điều kiện” thuận lợi cho học viên và cho
cả… thầy, cô. Các thầy cô đang ngấp nghé PGS luôn “quan tâm” mời GS có tên
trong Hội đồng phong học hàm; thành thử, mỗi môn học 30 tiết, dạy vài buổi, mỗi
buổi 2-3 tiết cho có là chuyện thường ngày. Đó là chưa nói chuyện, các môn học
chỉ mới về tên gọi chứ nội dung thì hầu hết, 70-80% trùng với chương trình cũng
thầy ấy, cô ấy, dạy khi còn học đại học(!) Thử nhìn vào Danh sách Tạm dừng sẽ
thấy: Từ Hà Nội đến Huế, TP HCM; đâu đâu cũng mở ngành Quản lý Giáo dục nhưng
thực chất, chỉ có 2 giảng viên cơ hữu (TS) công tác ở Viện Khoa học Giáo dục
Việt Nam và 1 ở Viện Đảm bảo CLGD-ĐHQG HN mà thôi. 3 giảng viên đó tha hồ dạy
cho học viên cao học cả nước về… nghệ thuật… quản lý!
Một câu hỏi nữa cũng cần đặt ra là số
tiền “khủng” mà các chương trình đào tạo cao học thu về được “ăn chia”, phân bổ
như thế nào? Ví dụ, lớp Cao học ngành Văn do Đại học Đ. vừa mới mở, tuyển sinh
30 học viên (có tin cho biết mới vào nhập học thêm 5 học viên nữa); học phí và
các chi phí “khác” trong 2-3 năm học hàng chục triệu/người. Trong buổi họp lớp
đầu tiên, các học viên được thông báo, “theo kinh nghiệm từ nhiều khóa trước”,
tổng các khoản chi cho đến khi lấy được bằng ThS là từ 60-70 triệu đồng(!?);
trong khi chi phí đào tạo không thể lớn hơn con số 300 triệu đồng(! Có nghĩa là
chỉ một lớp cao học thôi, nhà trường, các thầy cô giáo đã thu được lợi nhuận…
vài trăm %(!) Điều này giải thích vì sao bất chấp mọi rào cản, quy chế, các
trường đại học, học viện lại coi đào tạo cao học như “lẽ sống” của chính mình.
Chắc hẳn, nếu Marx sống lại, ông cũng phải bất lực trong việc lý giải siêu lợi
nhuận của CNTB tại sao có thể thua xa chính nó thời kinh tế thị trường theo
định hướng XHCN… Chỉ tính sơ sơ vậy, sẽ hiểu ngay rằng lâu nay trường trường
cao học, người người thạc sĩ; bất chấp văn hóa lung lay, đạo đức xuống cấp,
giáo dục lạc hậu, phản khoa học; còn xã hội thì biến đổi khôn lường…
Theo Thông báo của Quyết định Tạm
dừng Tuyển sinh ThS, đến 31.12.2014, nếu các cơ sở đào tạo không đáp ứng hay
đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, Bộ GD&ĐT sẽ có công bố chính thức và, cũng
theo Quyết định trên, những ngành học đã “LỠ” tuyển sinh, vẫn được tiếp tục đào
tạo(?) Nói như thế thì dư luận phải hỏi rằng, cách chém nhưng không cho đứt ấy
liệu có phải là giải pháp đúng bởi sai phạm cách gì cũng có “lối thoát”, trầm
trọng đến khủng khiếp vẫn có “đường ra”? “Kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” chẳng
bao giờ là con đường tốt đẹp cho một dân tộc muốn chuyển mình, đi lên bằng tài
năng và hiểu biết đích thực, đúng như sự đòi hỏi không khoan nhượng, của cuộc
đời…
HÀ VĂN THỊNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét