20 tháng 11, 2013

Trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhân ngày 20/11

Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã có những suy nghĩ và trải nghiệm sâu sắc sau khi phát hành tự truyện "Tôi học đại học" nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chỉ trong thời gian ngắn, cuốn tự truyện thứ hai của thầy Nguyễn Ngọc Ký có tên "Tôi học đại học" do NXB Trẻ ấn hành đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả ở nhiều lứa tuổi trên mọi miền đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2013), đơn vị phát hành cuốn tự truyện đã tổ chức buổi giao lưu chân tình với nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Khác với "Tôi đi học", ở tự truyện "Tôi học đại học" bạn đọc lại có dịp chứng kiến một giai đoạn đầy khó khăn của Nguyễn Ngọc Ký khi phải xa gia đình tới một vùng đất xa lạ với những con người cũng hoàn toàn xa lạ trong những năm tháng theo học ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội tại vùng sơ tán - làng Tràng Dương (Đại Từ, Thái Nguyên).
Trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhân ngày 20/11 - 1
Giao lưu với thầy Nguyễn Ngọc Ký.

Trong những ngày đó, Nguyễn Ngọc Ký phải chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt, xung quanh là tiếng máy bay Mỹ rồi tiếng kẻng rền vang để sinh hoạt và học tập. Từ hoàn cảnh ngặt nghèo đó, ý chí và nghị lực của chàng sinh viên viết bằng chân một lần nữa lại bừng sáng trong tâm trí của mỗi người. Ngoài ra, ở "Tôi học đại học", nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cũng đồng thời ngợi ca những tấm lòng đến từ những người thầy, những người bạn và đặc biệt là hai cô gái Bùi Hạnh Nhu và Thu Hằng; cũng chính là hai mối tình rất đẹp và rất trong sáng của thời thanh xuân của Nguyễn Ngọc Ký. Chính từ những tấm lòng thơm thảo ấy, Nguyễn Ngọc Ký cho người đọc thấy được sức mạnh, sự vô giá của tình người ấm áp luôn là đôi cánh nâng đỡ cho mỗi con người vượt qua mọi khó khăn.
Tại buổi giao lưu, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã chia sẻ những câu chuyên thú vị xung quanh cuốn tự truyện "Tôi học đại học". Theo thầy Ký, đây là cuốn tự truyện có thời gian “thai nghén” lâu nhất - 43 năm từ năm 1970 đến năm 2013. Mặc dù trước đó đã có 30 đầu sách nhưng tự truyện "Tôi học đại học" là cuốn sách ra đời nhanh nhất, trong vòng một tháng sau khi hoàn thành bản thảo. Và chỉ sau chưa đầy hai tháng, tự truyện đã được tái bản để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhân ngày 20/11 - 2
Ông Nguyễn Văn Phước tặng hoa cho thầy Ký nhân dịp 20/11.
Buổi giao lưu cũng là dịp để nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký tâm sự và gửi gắm những tâm tư của mình tới những thầy cô giáo trên cương vị của một người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục. Năm 1970, tốt nghiệp khoa Ngữ văn của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Ngọc Ký trở về quê nhà ở Hải Hậu (Nam Định) bắt đầu công việc giảng dạy. Không có đôi tay lành lặn như các giáo viên bình thường khác, thêm vào đó lại không có kiến thức và nghiệp vụ sư phạm nên Nguyễn Ngọc Ký đã phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính vì những nỗ lực và những thành tích đã đạt được trong công tác, năm 1992, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhân ngày 20/11 - 3
Thầy Nguyễn Ngọc Ký tặng sách cho độc giả.

Sau buổi giao lưu, bạn Hoàng Bích Ngọc, sinh viên năm 4 khoa Ngữ Văn của trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Tôi từng được gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký vào năm học lớp 5. Thầy đã in đậm vào tâm trí tôi từ hồi đó, để sau này mỗi khi gặp những khó khăn tôi lại nghĩ về những khó khăn mà thầy đã trải qua, tôi càng có thêm động lực để vượt qua những khó khăn mà mình đang gặp.

Trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhân ngày 20/11 - 4

Năm sau, tôi sẽ tốt nghiệp ra trường. Và nếu mọi chuyện vẫn thuận lợi, tôi sẽ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng giống như thầy Ngọc Ký trước đây. Thực sự, tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp mà mình đã chọn. Bởi vì so với trước đây, nghề giáo đã không còn được trọng dụng, lương giáo viên vẫn còn ba cọc ba đồng. Chính từ những tác nhân bên ngoài đó đã tác động đến tôi làm cho ngọn lửa yêu nghề phần nào cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ có buổi giao lưu hôm nay, ngọn lửa đó tiếp tục được thắp lên. Cũng qua buổi giao lưu này, tôi học được ở thầy cách sáng tạo và tạo hứng khởi cho những bài giảng của mình để học trò tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Tôi biết ơn thầy rất nhiều!”.
                                                                                                 Theo Quyên Quyên

Không có nhận xét nào:

Trang