12 tháng 11, 2013

LÒNG DÂN QUA BÀI THƠ “NHÂN DÂN”


Giới văn nghệ bảo Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sỹ đa tài, cái gì anh cũng mần được, mà mần rất giỏi: thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ, nhà báo. Anh đã đoạt rất nhiều giải thơ, giải nhạc, giải báo, giải vẽ bìa sách. Và một giải thưởng lớn nhất là anh đã đi vào lòng bạn đọc. Tôi là một trong hàng triệu người yêu thơ và nhạc của anh từ lúc nhỏ, bởi thơ, nhạc của anh luôn trăn trở về thân phận tình yêu và đất nước. Anh viết về chiến tranh trong hòa bình, đọc lên cứ nghe man mác một nỗi buồn nhân văn: “Những khẩu pháo một thời đã bắn/ giờ nằm yên trong viện bảo tàng/ Những chiếc máy bay giữa trời bốc lửa/ Xác bây giờ nằm đâu/ Quanh khẩu pháo vô tư cỏ mọc/ Lá non mềm như chưa có chiến tranh”… Nhưng khi anh viết về tình yêu lại đưa người đọc đi vào ngất ngây, say đắm “Em mười chín tuổi nghìn năm về trước / Sao đến bây giờ mới hai mươi/…Cứ tưởng một lần cho đỡ khát/ Nào ngờ bùa ngải lú trời xanh”…
Sinh ra nơi đồng chua nước mặn của vùng quê ven biển Diễn Châu (Nghệ An). Lớn lên anh vào lính rồi nghiệp văn chương thơ phú đưa thi sỹ đi khắp mọi miền quê của Tổ quốc. Anh nhớ da diết cha mẹ, nhớ về quê hương, bạn bè thời chăn trâu, cắt cỏ. Không thế mà anh có bài thơ “Mẹ” khó có bài thơ đương đại nào sánh kịp. Ngay phần nhạc trong bài hát “Khúc hát sông quê” mỗi lần hát lên ai mà không nao lòng, da diết nhớ về nơi chôn rau cắt rốn. Anh là một thi sỹ “không mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ khóc ri rỉ như ve sầu tháng hạ” mà anh đầy trách nhiệm với quê hương, Tổ quốc. Không bất ngờ tý nào khi gần đây thi nhân viết báo bài “Thế lực dơi” và tiếp đó là bài thơ “Nhân Dân” trong bối cảnh đảng CSVN đang bàn chuyện phê và tự phê trách nhiệm của từng thành viên BCT và các đảng viên. Vấn đề tế nhị này không nói ra thì triệu triệu người dân Việt đều biết về kết quả của nó. Tạm gác tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo đi thẳng vào “dầu sôi lửa bỏng” của đất nước. Mở đầu bài thơ “Nhân Dân” anh đưa ra một triết lý “Có thể thay quan, không thay được Nhân Dân/ Thay tên nước, không thể thay Tổ quốc”. Thế mà sự đời thật trớ trêu và đầy nghịch lý: “Nhưng sự thật khó tin mà có thật/ Không thể thay quan, dù quan đã thành sâu”. Quan ở đây rõ ràng không phải quan thời phong kiến “Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Vì “Quan thành dòi đục khoét cả đất đai/ Vòi bạch tuộc đang ăn dần biển đảo”. Uất ức quá! Uất đến “Đêm nằm mơ thấy biển Đông hộc máu/ Những oan hồn xô dạt tận Thủ Đô”. Sự khái quát của 2 khổ thơ đầu mà cái cớ “nằm mơ” đưa ta đi đến những hiện thực đang phơi bày đầy nhức nhối: “Những oan hồn chỉ còn bộ xương khô/ Đi lũ lượt, đi tràn ra đại lộ/ Những oan hồn vỡ đầu, gãy cổ/ Ôm lá cờ rách nát vẫn còn đi”. “Lá cờ” là biểu tượng của Tổ quốc, nhưng nó đã “rách nát” bởi những “con sâu” đã cắn xé, gặm nhắm? Viết đến đây tự nhiên trong lòng tôi bỗng trào dâng lên bài hát “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của Mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về lòng Mẹ lặng im”… Đất nước nhiễu sự, hàng triệu trai trẻ hy sinh để Tổ quốc yên bình, vậy mà “sâu keo” lại nảy nòi đục khoét.
Tôi có mấy câu thơ báo Tiền Phong, báo Nghệ An đã đăng tải, có thể nó chưa hay nhưng xin đưa ra đây để nhắc lại một nỗi niềm: “Sâu keo nhiều, cánh đồng mất trắng/ Đói lòng, lão nông đẵn tre làm thang ra phố bán/ Có kẻ ngồi ăn nhồm nhoàm trong quán/ Chỉ cho lão bán thang đến viện bảo tàng/ Có kẻ áo mũ sênh sang/ Ví lão và thang như bản nhạc quá cố/ Reo lên cười hô hố/ Có tay mở cửa ô tô nói nhỏ/ Ông Bờm đưa tre ra phố làm gì/ Reo lên cười hì hì/ Lão nông bán thang chợt đứng chợt đi/ Dấu chấm than kép, chấm từ đất lên trời/ Còng lưng bán thang/Lão rao ời ời/ Lời như có muối, xát vào lòng tôi”. Nhưng “lão nông bán thang” trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là cả một đội quân hùng mạnh, họ biết đoàn kết lại, hùng hậu “Đi qua hàng rào, đi qua những đoàn xe/ Đi qua nắng qua mưa, đi qua đêm, đi qua bão/ Đi đòi lại niềm tin, đi đòi lại cuộc đời/ Đi đòi lại những ông quan thanh liêm đã chết tự lâu rồi”. Có một ẩn dụ nghe tưởng chừng vô lý“Những ông quan thanh liêm đã chết tự lâu rồi” thì làm sao mà đòi được? Thế mà có lý, vì khát vọng được tin yêu, khát vọng được thánh thiện luôn là mơ ước. Và nữa, trong cái “chết lâu rồi” vẫn có kẻ “còn sống”, nhân văn của thi sỹ là thức tỉnh cái đã chết của những con sâu. Bài thơ tiếp tục khát khao như lòng Dân, ý của Nguyễn Trọng Tạo “Đòi lại ánh mặt trời cho tái sinh vạn vật/ Tôi tỉnh lại thấy mặt tràn nước mắt/ Nước mắt Nhân Dân mặn chát rót vào tôi”. Thì ra Nguyễn Trọng Tạo “nằm mơ”, giấc mơ hãi hùng, khủng khiếp. Cứ theo ý thơ, tôi tưởng tượng ra thi sỹ vùng dậy toát mồ hôi rồi chép ngay bài thơ “Nhân Dân” một mạch. Nhưng tôi lại tự hỏi “tỉnh mơ” rồi mà thi sỹ vẫn có tiếp 4 câu cuối “Ôi! Những ông quan không Dân trên chót vót đỉnh trời/ Có nhận ra tôi đang kêu gào dưới đáy/ Cả một tỷ tôi sao ông không nhìn thấy/ Vì tôi vẫn là người, mà ông đã là sâu?”. Tôi không trả lời được những điều nhà thơ thể hiện đaang bỏ ngõ câu hỏi? Nhưng dẫu là giấc mơ thì bài thơ cũng đầy ắp tính thời sự, không tránh né, đầy trách nhiệm. Đó là lòng Dân và ý của Nguyễn Trọng Tạo, mong “bão nổi can qua” cho những ông quan thanh liêm trở lại cùng Dân Nước…
Nhớ đến thời gian đang ngồi trên ghế nhà trường tôi đã mê thơ Nguyễn Trọng Tạo. Thơ anh không cầu kỳ, mà tự nhiên đi vào lòng người lúc nào không biết, giống như bùa mê “Cứ tưởng một lần cho đỡ khát/ Nào ngờ bùa ngải lú trời xanh”. Sức mạnh của thơ là thế, nó có khi còn mạnh hơn cả một binh đoàn, không súng ống, xe tăng, máy bay, gây máu đổ mà lay động, thức tỉnh mọi lương tri phải làm gì để phần chiến tranh trong hòa bình không tồn tại. Đó là nạn tham nhũng, tham quyền cố vị làm khổ dân lành. Yêu mến, quý trọng thơ nói riêng của Nguyễn Trọng Tạo tôi luôn luôn nung nấu muốn gặp anh. Hai chục năm trước, tôi đến Huế, theo nhà thơ Ngô Minh tìm đến nhà riêng, nhưng anh đi vắng. Một lần về huyện Diễn Châu công tác, tôi dò hỏi và được bí thư huyện  đưa tôi đến thăm anh ở xã Diễn Hoa. Nhà anh cấp 4, mái ngói rêu phong của thời gian. Anh ân cần mời mọi người bia, rượu. Tôi cầm cốc bia mãi trên tay quên uống, cứ nhìn anh như nhìn một người tình quá lâu mới gặp lại. Ngày 21/6 vừa qua ra Hà Nội kỷ niệm ngày báo chí (báo Tamnhin.Net) tôi lại được gặp anh. Anh vẫn khỏe trẻ, phong độ. Lần đó đang ăn uống mừng ngày báo chí, thấy tôi cứ xóng nóng ngó xuống tầng dưới, anh cũng ngó xuống theo, thấy một cô gái. Tôi nói với anh đó là con gái tôi. Anh chạy xuống nắm tay đưa cháu lên cùng ăn. Thế đó, trong cái vĩ đại của con Người Thơ Nguyễn Trọng Tạo có một trái tim thật tình cảm, dễ gần gũi. Tôi hú vía nhớ lại năm 1981 anh định dùng súng tự tử vì một chuyện văn chương, nhưng thật may Thơ đã cứu anh thoát khỏi tử thần. Nếu không thì tôi và con gái tôi, hai cha con yêu thơ anh làm sao găp được thi sỹ để khoe với bạn bè hôm nay. Và hôm nay tôi làm sao đọc được bài thơ “Nhân Dân” đầy chấn động của anh.
Anh là một nhà thơ giàu trăn trở, trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước. Vì thế mà anh luôn nói thẳng trước mọi quan niệm của mình. Bài “Đừng thêm những tháng tư”…Có đoạn: “Năm nay lại 30 tháng tư, chả viết được dòng nào… Cứ tưởng đất nước thống nhất rồi chỉ toàn vui “non sông thu về một mối” như diễn văn chiến thắng đã đọc, nhưng lòng người đã thu về một mối hay chưa? 35 năm vẫn còn trăm mối tơ vò”. Trong bài, anh trích thơ của Nguyễn Duy: “Nghĩ cho cùng mỗi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Anh là sỹ quan quân đội, đi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, từ chiến tranh anh nhìn đến hòa bình mà thơ, văn, báo chí anh viết luôn luôn đau đáu, trăn trở. Anh vẫn dũng cảm như một người lính, một người lính trọn đời thuộc về Nhân Dân.
                                                                                                               HỒ HỒNG TUYẾN

                                             ***
           NHÂN DÂN

Có thể thay quan, không thay được Nhân Dân

Thay tên nước, không thể thay Tổ Quốc
Nhưng sự thật khó tin mà có thật
Không thể thay quan dù quan đã thành sâu!

Quan thành dòi đục khoét cả đất đai

Vòi bạch tuộc đã ăn dần biển đảo
Đêm nằm mơ thấy biển Đông hộc máu
Những oan hồn xô dạt tận Thủ Đô

Những oan hồn chỉ còn bộ xương khô

Đi lũ lượt, đi tràn ra đại lộ
Những oan hồn vỡ đầu gãy cổ
Ôm lá cờ rách nát vẫn còn đi

Đi qua hàng rào, đi qua những đoàn xe

Đi qua nắng đi qua mưa đi qua đêm đi qua bão
Những oan hồn không sức gì cản nổi
Đi đòi lại niềm tin, đi đòi lại cuộc đời

Đòi lại những ông quan thanh liêm đã chết tự lâu rồi

Đòi lại ánh mặt trời cho tái sinh vạn vật…
Tôi tỉnh dậy thấy mặt tràn nước mắt
Nước mắt của Nhân Dân mặn chát rót vào tôi.

Ôi những ông quan không Dân trên chót vót đỉnh trời

Có nhận ra tôi đang kêu gào dưới đáy
Cả một tỷ tôi sao ông không nhìn thấy?
Vì tôi vẫn là người mà ông đã là sâu?…



                                                    NGUYỄN TRỌNG TẠO


Không có nhận xét nào:

Trang