15 tháng 11, 2013

"Nhiều trường hợp dùng nhục hình để đóng án, báo công"

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ khác Truyện Kiều ở chỗ Kiều bán mình chuộc cha rồi, ở nhà, em gái vẫn lấy được chồng, em trai thành đạt, còn gia đình ông Chấn thì tan nát...”
GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII liên tưởng khi trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet xoay quanh vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn.
GS Nguyễn Minh Thuyết so sánh vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn giống như trong Truyện Kiều.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, bên cạnh yêu cầu đảm bảo xét xử công minh, cần phải đề cao vai trò của luật sư, của tranh tụng đối với các vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư được quyền tham gia ngay từ đầu vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều vụ án, kể cả vụ án được dư luận hết sức quan tâm như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, luật sư đều rất khó tiếp cận với bị can.
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn như giọt nước tràn ly, làm bục ra hàng loạt bất cập, sai phạm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Xưa nay việc mớm cung, bức cung không phải là chuyện hiếm. Đã có không ít người chết trong phòng tạm giam, tạm giữ ; và cái chết của họ được giải thích bằng rất nhiều lý do khác nhau như bỗng dưng đổ bệnh, tự ngã đập đầu vào tường, tự tử không rõ nguyên nhân,…
Vẫn biết rằng, đối tượng phạm tội hình sự thường ngoan cố, khai báo gian dối, không chịu nhận tội…, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, tuy nhiên, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TNTNNĐ của Quốc hội cho rằng, không phải vì thế mà được phép dùng nhục hình với họ.
“Nhiều trường hợp dùng nhục hình là do nghiệp vụ kém, không đấu trí nổi với can phạm. Nhưng cũng nhiều trường hợp dùng nhục hình là do muốn gán tội cho người ta để đóng án, báo công, thậm chí để che giấu sự thật. Trong bất kỳ trường hợp nào, dùng nhục hình cũng là phạm pháp, là trái với Công ước quốc tế chống tra tấn mà nước CHXHCN Việt Nam tham gia.”
Theo GS Thuyết, trước đây cũng từng xảy ra một vụ kết án tử hình oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biết nhưng cũng không gỡ được tội cho người bị oan. Rồi người bị oan chưa được giải oan thì đã chết vì bệnh hiểm nghèo. Có thể người bị bệnh hiểm nghèo đã chứa mầm bệnh từ lâu, nhưng biết đâu, nếu không chịu cảnh tù đày, họ không bị bệnh tật quật ngã dễ dàng như vậy. 
GS Thuyết cho rằng để tìm ra sự thật và quy trách nhiệm cho những trường hợp làm oan cho dân không khó, điều quan trọng là có muốn điều tra làm rõ không thôi.
Trở lại với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, theo ông Thuyết thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thu thập các bằng chứng để chứng minh các điều tra viên 10 năm trước có ép cung ông Chấn không. Điều này ai cũng thấy rõ, vì nếu như không có tội thì tại sao một người có đầu óc bình thường (không bị tâm thần) như ông Chấn lại phải nhận những tội ác như hiếp dâm, giết người – toàn những tội đáng ghê tởm và có thể bị kết án tử hình?
Cơ quan điều tra cũng nên làm rõ vì sao một người dân đã nhặt được CMND của kẻ giết người ở nơi xảy ra vụ án, nộp cho Công an mà chứng cứ quan trọng này vẫn bị bỏ qua.
GS Thuyết cho rằng vụ án này chẳng khác nào câu chuyện oan khuất của gia đình nàng Kiều. Chỉ một lời vu vơ của thằng bán tơ đã khiến Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ. Tiếng oan dậy đất, án ngờ dựng mây.
“Cũng có cảnh bức cung: Rường cao rút ngược dây oan. Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người. Có chăng vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ khác Truyện Kiều ở chỗ Kiều bán mình chuộc cha rồi, ở nhà, em gái vẫn lấy được chồng, em trai thành đạt, còn gia đình ông Chấn thì tan nát.
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận trong thời gian qua. 
“Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra chuyện áp dụng nhục hình, bức cung, mớm cung, cản trở luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật định, gây ra những vụ án oan cho người dân. Những điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được trong một xã hội dân chủ; phải được chấm dứt ngay lập tức” – GS Thuyết nói.
Ông cũng nhận định, hiện cơ quan công an đang được trao quyền quá lớn. Để ngăn ngừa oan sai, người đứng đầu ngành phải cam kết trước dân chấm dứt những hành vi vi phạm pháp luật đã nêu ở trên.
Bên cạnh đó, trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn còn cần xem xét trách nhiệm của viện kiểm sát và tòa án. Và cần bãi bỏ những cách làm không phù hợp như họp ba ngành trước mỗi vụ án quan trọng để thống nhất quan điểm xét xử, vì cách làm này trái với yêu cầu ba cơ quan công an, kiểm sát, tòa án phải giám sát lẫn nhau để xét xử được khách quan, công bằng. 
                                                                                                                          Nguyễn Dũng

Không có nhận xét nào:

Trang