Ca men thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước |
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Một tháng sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Ban Chấp hành Trung
ương Đảng lại nhóm họp, đẩy cách mạng miền Nam lên một tầm mức rõ ràng hơn: “Đã
đến lúc miền Bắc cần tăng viện trợ cho miền Nam, miền Bắc phải phát huy hơn nữa
vai trò là căn cứ cách mạng cho toàn đất nước”. Không lâu sau đó, Sư đoàn 325
được đưa vào “Chiến trường B” (207).
Người Mỹ không ngồi yên khi nhịp độ chi viện quân sự từ miền Bắc
vào Nam ngày càng tăng cao. Mỹ chủ trương đánh mạnh vùng Hạ Lào và ngoài Biển
Đông, Hạm đội Bảy dịch chuyển dần lên rồi đưa tàu USS Maddox vào vịnh Bắc Bộ.
Trực Ban Tác chiến Quân uỷ Trung ương tuần lễ đầu tháng 8-1964, Cục trưởng Quân
báo, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, kể: “Nguồn tin của chúng tôi cho biết, sau khi tàu
Maddox di chuyển hỗ trợ cho các máy bay của hải quân Mỹ ném bom Nậm Căn, nhằm
quấy rối, chặn đường chi viện miền Nam sẽ quay về Hạm đội Bảy. Quân uỷ cũng
nhận định không có dấu hiệu Mỹ dùng tàu Maddox đánh ra miền Bắc”.
Ngày 2-8-1964, khi chiếc tàu USS Maddox di chuyển từ phía Bắc Việt
Nam vào vùng biển Hòn Mê, thuộc địa phận Thanh Hoá, nó đã bị một đơn vị hải
quân miền Bắc dùng tàu phóng ngư lôi bắn trúng mũi. Thương vong không đáng kể,
nhưng “Capitol Hill đã náo loạn”. Ngày 4-8-1964 hệ thống ra đa của USS Maddox
nhận được tín hiệu sẽ có một cuộc tấn công thứ hai. Mặc dù, về phía Việt Nam,
“nhật ký chiến sự không ghi nhận bất cứ sự kiện gì vào ngày 4-8 cả” (208).
Vụ tàu USS Maddox đã khiến cho lòng kiêu hãnh của những người Mỹ ở
Washington bị thách thức. Ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ lần đầu tiên thi hành một
số phi vụ bắn phá trên miền Bắc. Ngày 7-8-1964, 100% nghị sỹ ở Hạ viện và sau
đó 98/100 thượng nghị sỹ bỏ phiếu thông qua “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”; theo đó,
cho phép tổng thống toàn quyền hành động quân sự với miền Bắc cộng sản. Một
tuần sau, từ Thanh Hoá, 160 sỹ quan chính quy kết thúc sớm lớp huấn luyện, bắt
đầu hành trình vượt Trường Sơn (209).
Theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Khi ‘sự kiện Vịnh Bắc Bộ’ xảy ra, cả
Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh đều đi vắng. Trung Quốc và Liên Xô cùng làm ầm
lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chủ trì họp kiểm điểm. Vào họp Hồ Chí Minh đặt
vấn đề rất nghiêm: Ai ra lệnh? Hôm xảy ra vụ tàu Maddox, trực Quân uỷ Trung
ương là tướng Trần Quý Hai, tôi là trực ban tác chiến chịu trách nhiệm nắm tình
hình địch. Trần Quý Hai nói là đã báo cáo Bộ Chính trị trước khi ra lệnh nhưng
kiên quyết không nói cụ thể báo cáo ai. Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải kỷ luật.
Trong khi, Văn Tiến Dũng nói, ‘mình không đánh nó thì nó cũng sẽ đánh mình, bản
chất đế quốc là thế’. Cuối cùng Trần Quý Hai nhận kỷ luật cho dù ai cũng biết
phía sau lệnh này là ai” (210).
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trở thành lý do để những người chủ chiến ở cả
phía Mỹ và Việt Nam đẩy nhịp độ chiến tranh lên mức cao hơn. Từ miền Bắc, viên
tướng đứng đầu xu hướng đánh thắng Mỹ bằng quân sự, Nguyễn Chí Thanh, được cử
vào Nam trực tiếp làm bí thư Trung ương Cục. Cùng đi có các tướng Lê Trọng Tấn,
Nguyễn Hoà, Hoàng Cầm và Trần Độ.
Chỉ ít lâu sau, tháng 2-1965, Bộ Chỉ huy Miền Nam quyết định mở
Chiến dịch Đồng Xoài. Đồng thời, ở Cao Nguyên, một cuộc tấn công lớn đã được
nhắm vào khu ở của cố vấn Mỹ ở thành phố Pleiku. Người Mỹ trả đũa bằng cách mở
một đợt tấn công bằng không quân vào miền Bắc. Cuộc tấn công này nhanh chóng
biến thành một chiến dịch ném bom có hệ thống với mật danh “chiến dịch Sấm
rền”. Sự kiện này đã đặt miền Bắc vào tình thế chấp nhận để cho một lực lượng
quân nhân của các nước xã hội chủ nghĩa bí mật có mặt trên miền Bắc.
Năm 1964, ông Lê Duẩn từng dự định “giành chính quyền Sài Gòn”
trong năm 1965 bằng cuộc đảo chính của Đại tá Phạm Ngọc Thảo kết hợp với một
cuộc tổng tiến công, nhân khi “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ được coi là “phá
sản” còn quân Mỹ thì chưa được đưa vào tham chiến. Đại tá Thảo được ông Lê Duẩn
“đánh vào” chính quyền Ngô Đình Diệm với vỏ bọc “người trí thức tham gia kháng
chiến trở về với chính nghĩa quốc gia”. Còn cuộc tổng tiến công thì theo ông Võ
Văn Kiệt, năm 1964, chỉ riêng Khu uỷ Sài Gòn-Gia Định đã cho thành lập năm
“phân khu”. Cũng trong năm 1964, từ Hà Nội, ông Lê Duẩn đã cử một “bộ khung”
vào Nam.
Một thành viên trong “bộ khung” này, ông Kiều Xuân Long, kể: “Chúng
tôi bắt đầu đi B cuối năm 1964, đích thân Lê Duẩn và Tố Hữu tiễn đưa. Đầu năm
1965, chúng tôi tới Tây Ninh, gặp cán bộ Trung ương Cục, họ thúc, ráng đi lẹ
lên coi chừng không kịp”. Đồng tiền “miền Nam Việt Nam” cũng được in và chuyển
vào Trung ương Cục với mật danh: “Hàng 65”. Nhưng cuộc đảo chính do Phạm Ngọc
Thảo cầm đầu thất bại. Giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến bắt đầu.
Ngày 8-3-1965, lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và tháng 7 năm ấy bắt đầu
tham chiến tại miền Nam. Đáp lại, trong tháng 9-1965, hai đơn vị chủ lực cơ
động của Nam Bộ, Sư đoàn 9 và Sư đoàn 5, lần lượt được thành lập; tháng 6-1966,
Miền cho lập thêm Sư đoàn 7. Từ đó, quân đội Mỹ tiếp tục được ồ ạt đưa sang cho
đến khi đạt con số 543.000 người vào năm 1968.
Mậu Thân và tham vọng của Lê Đức Thọ
Cuối năm 1966, khi trả lời phỏng vấn Harrison Salisbury, phóng viên
tờ New York Times, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng, Hoa Kỳ đúng là “mạnh hơn
rất nhiều về quân sự”, nhưng, theo ông: “Cuối cùng sẽ thất bại vì có nhiều
người Việt Nam sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam hơn người Mỹ”.
Sức chịu đựng của nền chính trị Mỹ bắt đầu bị thách thức khi số
lính Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam lên tới con số hàng trăm mỗi tuần. Từ năm
1961 cho tới đầu năm 1968, có 31.000 người Mỹ bị chết và mất tích ở Việt Nam.
Cảnh chết chóc của binh lính và đặc biệt là dân thường được chiếu mỗi tối trên
máy truyền hình bắt đầu có trong phòng ngủ của các gia đình Mỹ.
Theo mô tả của Henry Kissinger, “McNamara mong muốn kết thúc chiến
tranh một cách tuyệt vọng, và nhiều lần khẩn khoản tôi moi bất cứ dấu hiệu lờ
mờ nào, cho dù là gián tiếp, có thể giúp ông thúc đẩy công cuộc đi tới một kết
cục bằng thương lượng” (211). Ngày 7-4-1965, Tổng thống Johnson tuyên bố tại
Baltimore: “Mỹ sẵn sàng thương lượng không điều kiện”. Cuối tháng 12-1965,
người Mỹ cử Harriman, một nhà ngoại giao, tới Ba Lan để nhờ Ba Lan làm trung
gian thương lượng với Hà Nội.
Ngày 2-1-1966, J. Mikhalowski, thứ trưởng kiêm Tổng thư ký Bộ ngoại
giao Ba Lan, tới Hà Nội và thông báo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh: Mỹ rất linh hoạt. Họ sẵn sàng tìm mọi cách để thương lượng.
Mikhalowski nài nỉ: “Cần phải có một sáng kiến. Phải tiến lại với những ý kiến
chứng tỏ chúng ta muốn hoà bình, và qua đó các đồng chí sẽ tranh thủ được dư
luận thế giới về mình” (212). Nhưng cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh đều cự tuyệt (213).
Ngày 14-6-1966, một nhà ngoại giao người Canada được gửi tới Hà
Nội, nhưng chuyến đi của ông cũng thất bại. Tiếp đó, ông Jean Sainteny, người
từng ký với Hồ Chí Minh bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, đã được Tổng thống
Pháp cử tới Việt Nam.
Ngày 1-7-1966, tại Hà Nội, Sainteny cho biết: “Mỹ đang tìm một giải
pháp để khỏi mất thể diện và chính Việt Nam mới ở thế thắng. Mỹ đã bị đánh bại.
Đối với một nước nhỏ mà làm cho Mỹ không thực hiện ý đồ là đã ở trong thế thắng
rồi” (214). Rồi Sainteny thuyết phục Phạm Văn Đồng: “Cần nghĩ đến chiến tranh
nhưng cũng cần nghĩ đến hoà bình. Một ngày nào đó sẽ phải thương lượng” (215).
Đúng lúc ấy, Hồ Chí Minh được mô tả là đã bước vào phòng, cắt ngang
cuộc gặp giữa Sainteny và Phạm Văn Đồng: “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói
cho ho rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù có phải
hy sinh tất cả” (216). Hôm sau, ngày 5-7-1966, trong cuộc tiếp chính thức, Hồ
Chí Minh nói với Sainteny: “Chúng tôi hiểu đế quốc Mỹ. Chúng tôi biết sức mạnh
của họ. Họ có thể san bằng Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và các thành
phố khác. Điều đó không hề làm yếu quyết tâm chiến đấu đến cùng của chúng tôi ”
(217).
Từ năm 1967, người Mỹ bắt đầu thiết lập một kênh liên lạc với Việt
Nam qua người Pháp. Giữa tháng 7-1967, Henry Kissinger trở thành người trung
gian khởi động tiến trình thương lượng. Cho đến lúc ấy, người Mỹ không hề biết
rằng, ông Lê Duẩn đang có trong tay một kế hoạch đầy tham vọng mà về sau được
các nhà báo Mỹ gọi là “Tet Offensive” và các văn kiện chính thức của Hà Nội gọi
là “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân-1968”.
Trong “chiến tranh giải phóng miền Nam”, cho dù tướng Giáp vẫn là
bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tư lệnh, bí thư Tổng Quân uỷ, nhưng theo ông Lê
Trọng Nghĩa: “Thay vì ông Giáp là người quyết định, ông Lê Đức Thọ có sáng kiến
lập ra Tổ năm người giúp Trung ương chỉ đạo tác chiến miền Nam gồm: Lê Duẩn, Võ
Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng và Lê Đức Thọ. Trong tổ này, ông Giáp
chỉ còn một phiếu”.
Chiến dịch Mậu Thân được lên kế hoạch sau “những cuộc họp liên
miên” mà các bên tham gia đã phải “tranh cãi gay gắt”. Đại tá Lê Trọng Nghĩa,
người dự hầu hết những cuộc họp này, nói: “Trong Quân uỷ xuất hiện hai xu hướng
khác nhau: Một xu hướng cho rằng phải đánh bằng quân sự thì mới giải quyết được
cách mạng miền Nam, xu hướng này do Nguyễn Chí Thanh phát ngôn và phía sau là
Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Một xu hướng đồng ý đánh, nhưng vừa đánh vừa cân nhắc
tình hình chính trị, nếu khi nào khả năng chính trị xuất hiện thì nắm lấy cơ
hội đàm phán hoà bình, người đứng đầu xu hướng này là Võ Nguyên Giáp, Nguyễn
Văn Vịnh. Tuy nhiên, tới tháng 6-1967 thì đôi bên đi đến thống nhất: đánh; một
ý đồ chiến lược được hình thành gọi là Kế hoạch 67-68”.
Chiều 5-7-1967, Bộ Chính trị làm cơm tiễn đưa Nguyễn Chí Thanh trở
lại miền Nam, cùng dự có Hồ Chí Minh. Sau bữa cơm, tướng Thanh có ngồi lại khá
lâu với tướng Giáp. Người thân của ông kể lại rằng: Sau một đêm trằn trọc bên
người vợ tại nhà riêng ở số 34 Lý Nam Đế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị choáng
mệt. Lúc gần sáng, ông được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108, nhưng khi
vừa được đặt nằm xuống giường bệnh thì từ ông “phát ra tiếng kêu ‘ặc’ rồi mặt
và toàn thân tím ngắt”. Khoảng chín giờ sáng ngày 6-7-1967, Nguyễn Chí Thanh
mất với kết luận của bệnh viện là do “nhồi máu cơ tim”.
Vị tướng đại diện cho xu hướng “giành chiến thắng hoàn toàn bằng
quân sự” vừa ra đi thì có hai sứ giả mang thông điệp hoà hoãn từ Washington
tới: ông Raymond Aubrac và Herbert Marcovich. Aubrac là người quen cũ của Hồ
Chí Minh trong thời kỳ ông tới Paris dự Hội nghị Fontainebleau (218). Sự ra đi
đột ngột của tướng Thanh cũng làm cho ông Giáp bị sốc, ngay sau tang lễ Nguyễn
Chí Thanh, tướng Giáp được đưa đi Hungary dưỡng bệnh. Hồ Chí Minh tiếp các sứ
giả Washington khi bên mình không còn hai đại tướng. Ông bắt đầu nói về đàm
phán.
Ngày 24-7-1967, “Aubrac cảm thấy có dấu hiệu mới mẻ” (219) khi gặp
Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gần như đã bàn chi tiết phương thức tiến
hành đàm phán (220) với điều kiện Mỹ ngưng ném bom miền Bắc.
Ngày 25-8-1967, Aubrac và Marcovich chuyển tới tổng đại diện Việt
Nam tại Paris thông điệp thương lượng đầu tiên của Chính phủ Mỹ gửi Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Hoa Kỳ sẵn sàng chấm dứt ném bom bắn phá bằng không
quân và hải quân ở miền Bắc Việt Nam với sự hiểu biết răng việc đó sẽ nhanh
chóng đưa tới những cuộc thảo luận có hiệu quả giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà để tiến tới giải quyết những vấn đề đang làm hai nước chống đối nhau”
(221).
Không ai biết rõ thông điệp trên đây của Washington có được miền
Bắc chuyển đến lãnh tụ tối cao hay không. Khi miền Bắc trả lời thì Hồ Chí Minh
đã không còn ở Hà Nội nữa. Theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Ngày 5-9-1967, Hồ Chí
Minh được đưa đi nghỉ ở Bắc Kinh. Chúng tôi nhận được thông báo từ Ban Tổ chức
Trung ương của Lê Đức Thọ: Bác mệt, phải đi nghỉ đông, từ nay, những ai trước
trực tiếp làm việc với Bác thì làm việc với đồng chí Lê Duẩn”.
Ngày 11-9-1967, Mai Văn Bộ trao cho Aubrac và Marcovich trả lời của
Hà Nội: “Thông điệp của Mỹ đã được trao sau một cuộc leo thang đánh phá Hà Nội
và với sự đe doạ liên tục đánh phá Hà Nội. Rõ ràng đó là một tối hậu thư đối
với nhân dân Việt Nam. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiên quyết bác
bỏ nhưng đề nghị trên đây của Mỹ” (222). Một kế hoạch mang tên San Antonio,
theo đó, Mỹ sẽ “chấm dứt hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam - để đổi lấy
các cuộc đối thoại, miễn là Hà Nội không lợi dụng việc ngừng ném bom” (223),
vẫn được người Mỹ đưa ra. Ngày 29-9-1967, Johnson đồng ý “Kế hoạch San
Antonio”, nhưng theo Kissinger, Hà Nội đã bác bỏ nó.
Theo ông Trần Việt Phương, thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Lê Đức
Thọ và Lê Duẩn không thể đưa hai con người đang nắm quyền và có nhiều uy tín đó
đi đâu nếu hai người không đồng ý. Việc Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đi ra
nước ngoài được giải thích là để nghi binh. Để thế giới tin rằng, miền Bắc
không thể triển khai một kế hoạch to nếu hai nhân vật quan trọng vào bậc nhất
đó không có mặt ở Hà Nội”.
Những diễn biến sau đó cho thấy câu chuyện không đơn giản là một
cuộc nghi binh. Đại tá Lê Trọng Nghĩa nói: “Hai mươi ngày sau khi Nguyễn Chí
Thanh mất, ngày 27-7-1967, Hoàng Minh Chính bị bắt. Hơn một tháng sau khi Hồ
Chí Minh được đưa tới Bắc Kinh, ngày 18-10-1967, người thư ký thân cận nhất của
ông là Vũ Đình Huỳnh cũng bị bắt”. Một vụ án được nói là “Chống Đảng” do Trưởng
Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, trực
tiếp chỉ đạo, bắt đầu khởi động.
Cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh không làm thay đổi quyết tâm
dứt điểm chiến trường miền Nam của ông Lê Duẩn. Theo tướng Giáp: “Anh Thanh mất
khi chỉ mới có ý đồ chiến lược đánh vào thành phố chứ chưa hề có kế hoạch tổng
công kích-tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân”. Tuy nhiên, trong khoảng thời
gian Võ Nguyên Giáp ở Hungary và Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh, một kế hoạch được đặt
tên là “Chiến dịch Quang Trung” được gấp rút xây dựng.
Hồ Chí Minh được đưa về Hà Nội khi cuộc Tổng tiến công đã gần kề.
Theo ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông, ngày 21-12-1967, Văn phòng Trung ương
điện “mời Bác về dự họp Bộ Chính trị”. Ngày 23-12-1967, chuyên cơ chở Hồ Chí
Minh về tới Gia Lâm. Ông Vũ Kỳ viết: “Máy bay lượn hai vòng vẫn chưa hạ cánh
được vì đèn chỉ huy trên sân bay chệch mười lăm độ. Đồng chí lái giàu kinh
nghiệm quyết tâm hạ cánh không theo đèn. Rất may là an toàn. Các đồng chí Lê
Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ra đón Bác tại sân bay, đưa Bác về nhà và báo
cáo công việc với Bác” (224).
Ngay sau khi khách khứa rút lui, việc đầu tiên mà Hồ Chí Minh làm
là gọi điện tới Quân uỷ Trung ương để hỏi thăm sức khỏe tướng Giáp. Theo ông Vũ
Kỳ, khi nghe Quân uỷ nói Đại tướng đang ở nước ngoài, Hồ Chí Minh nhắc gửi quà
và thiệp cho vợ chồng “chú Văn”. Ông nói: “Nô-en và Tết dương lịch bên ấy cũng
như Tết ta của mình. Tâm lý của những người xa quê hương rất mong có một món
quà của tổ quốc” (225). Không chỉ hiểu tâm trạng của vị tướng đang bị đặt ra
ngoài thời cuộc, theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Hồ Chí Minh lo cho sự an toàn của
tướng Giáp”.
Từ Hungary, ngày 20-9-1967 tướng Giáp gửi thư cho Đại tá Nguyễn Văn
Hiếu: “Cậu Hiếu, bọn mình còn ở lại đây ít hôm nữa. Chắc Hoàng đã có thư. Rất
mong thư nhà. Nhớ liên lạc với anh Thạch, anh Tiến, khi nào có đoàn sang thì
gửi mình”. Theo Đại tá Hiếu, “anh Thạch” và “anh Tiến” trong bức thư này là
Nguyễn Cơ Thạch và Hoàng Văn Tiến, cựu thư ký của tướng Giáp, lúc đó đang công
tác tại Bộ ngoại giao. Bức thư tướng Giáp cho thấy ông đã bắt đầu “đói thông
tin” và, thay vì được báo cáo qua con đường chính thức, phải tìm hiểu tình hình
trong nước qua những người tin cẩn.
Ngày 11-11-1967, tướng Giáp gửi cho Đại tá Nguyễn Văn Hiếu lá thư
thứ hai từ Hungary: “Hiếu, đã nhận được thư của Hiếu gửi cho đoàn, sau đó nhận
được thư dài hơn viết từ trước. Sức khỏe tôi khá hồi phục nhưng chưa khỏi hẳn.
Hoàng sẽ nói rõ. Hiếu xem, lúc về sẽ bố trí ăn ở làm việc thế nào để có thể
chuẩn bị trước. Thăm các cậu ở báo Quân Đội Nhân Dân, Cục I, Cục II và các cục
khác. Nghe nói bài báo của ta có chỗ lộ bí mật (Hoàng Tùng nói), như thế là
không đúng. Ta đã cân nhắc rất kỹ”.
Theo Đại tá Hiếu, đọc lá thư viết trên postcard này, ông rất lo
lắng. Tại sao tổng tư lệnh đương chức lại băn khoăn “lúc về sẽ bố trí ăn ở làm
việc thế nào?” Đại tá Hiếu kể: “Khi anh Văn ở Hungary, ở nhà họp Quân uỷ tôi đã
nhiều lần phải chịu đựng những lời nói xấu anh Văn một cách công khai. Trước
đó, Quân uỷ rất đoàn kết nhưng, có thời gian Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng
lôi kéo một số cán bộ cô lập anh Văn. Trước khi vào Nam, có thời gian Nguyễn
Chí Thanh hay bóng gió: ‘Ở nhiều nước Tổng tham mưu trưởng mới là tướng, còn bộ
trưởng quốc phòng chỉ là anh dân sự’. Khi đó, Văn Tiến Dũng đã thay Hoàng Văn
Thái làm Tổng tham mưu trưởng. Tuy nhiên, khi Nguyễn Chí Thanh mất, anh Văn vẫn
bị sốc vì cuộc chiến cần tướng tài. Xét về năng lực, Nguyễn Chí Thanh sắc sảo
hơn nhiều so với Văn Tiến Dũng”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký tướng Giáp, ông không có điều
kiện để xác minh điều mà Trần Quỳnh nói, trước giờ dự định vào Nam, Nguyễn Chí
Thanh nhắc Hồ Chí Minh phải chú ý vấn đề nội bộ. Nhưng, ông Huyên xác nhận, ở
thời điểm ấy cũng có người nói tướng Giáp chống Đảng và muốn thay tướng Giáp.
Theo ông Huyên: “Có người đề nghị, Bác nói: thông thường ở cấp ấy con người có
thể hành động như vậy nhưng chú Giáp thì không, hơn nữa ta đang đánh Mỹ và đang
thắng Mỹ không thể thay bộ trưởng quốc phòng”.
Theo ông Vũ Kỳ, ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt
ngay bên nhà của Hồ Chí Minh, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và có
nhiều tướng lĩnh đến báo cáo. Tại cuộc họp đó, theo ông Vũ Kỳ: “Bộ Chính trị đề
ra nhiệm vụ… đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao
nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết
định. Chiều tối, sau phiên họp Bộ Chính trị kéo dài và căng thẳng, Bác trở về
nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ có một điều gì đó khiến Bác chưa thật an
tâm. Cuộc họp hôm nay Bác chủ trì, ngồi ở ghế đầu bàn, đồng chí Lê Duẩn báo cáo
toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận” (226).
Ngày 1-1-1968, sau khi thăm một số nơi bị máy bay bắn phá ở Hà Nội,
vào lúc 2 giờ 30 chiều, sau khi tiếp “Bộ Chính trị đến làm việc”, Hồ Chí Minh
tiếp tục “sang Bắc Kinh dưỡng bệnh” (227). Ở Hà Nội, bàn tay của Lê Đức Thọ bắt
đầu siết mạnh hơn.
Tại Tổng Hành dinh, sáng 6-1-1968, Đại tá Lê Trọng Nghĩa đang họp
với Văn Tiến Dũng để làm kế hoạch bảo đảm cho chiến dịch thì ông Dũng nói: “Anh
sang Tổng cục Chính trị gặp Song Hào”. Ông Lê Trọng Nghĩa kể: “Tôi sang, người
tiếp tôi không phải là Song Hào mà là Phạm Ngọc Mậu, Cục trưởng Tổ chức kiêm
phụ trách Bảo vệ Nội bộ. Mậu bảo: ‘Anh để cặp, vũ khí, bản đồ lại đây rồi đi
ngay, có nhiệm vụ Trung ương giao’. Tôi lần lượt tháo ra khỏi người những thứ
bất ly thân, và tôi chỉ phải đi sang một phòng ở gần đó. Hôm đó, vợ tôi từ nơi
tản cư ở Vĩnh Yên về đang chờ tôi về ăn cơm để tối lại về nơi tản cư tiếp.
Nhưng tôi không chỉ bị giữ lại trong ngày, và cũng không chỉ có một mình. Từ
các nhà bên: Lê Minh Nghĩa, phó Văn phòng Quân uỷ, kiêm chánh Văn phòng Bộ Tổng
Tham mưu, Đỗ Đức Kiên, cục trưởng Cục Tác chiến… cũng cùng bị bắt. Lo lắng cho
một chiến dịch sắp bắt đầu, một tuần sau, lấy tư cách là bí thư Đảng Quân uỷ Bộ
Tổng Tham mưu, tôi viết thư gửi cho Bí thư Tổng Quân uỷ Võ Nguyên Giáp đặt vấn
đề vì sao có việc giữ người này. Một thời gian sau, khi tôi đã bị di lý đi nơi
khác, một cục phó Cục Bảo vệ tới nơi tôi bị giữ, thông báo: Anh Giáp đang nghỉ,
tất cả những chuyện của các anh và những chuyện trong Quân uỷ bây giờ thuộc
quyền giải quyết của anh Lê Đức Thọ”.
Sau khi “điều Lê Trọng Nghĩa” về trại giam, Cục trưởng Cục Cán bộ
Phạm Ngọc Mậu cho mời Chánh Văn phòng Quân uỷ Nguyễn Văn Hiếu. Theo ông Hiếu:
“Ông Mậu nói: ‘Học viện quân sự đang thiếu người, anh phải lên thay Hoàng Minh
Thảo làm phó giám đốc. Anh nên đi ngay’. Tôi hiểu là người ta cần tống mình đi.
Đến Tam Đảo biết thêm, người ta chỉ thị cho Học viện là tôi không được tham gia
cấp uỷ”. Như vậy, theo Cục trưởng Quân báo Lê Trọng Nghĩa: “Trước giờ nổ súng,
phần lớn tác giả của Kế hoạch Mậu Thân, kể cả tác giả chính là Cục trưởng Tác
chiến Đỗ Đức Kiên, đều bị loại ra khỏi vòng chiến đấu”.
Để đảm bảo hoàn toàn bí mật, chỉ trước khi nổ súng một tuần, Lê
Duẩn mới triệu tập các uỷ viên Trung ương về Kim Bôi họp Hội nghị Trung ương
lần 14. Tại hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thông báo với Trung ương rằng
trong cuộc họp quan trọng này “có nhiều đồng chí vắng mặt”. Bí thư Lê Duẩn nói:
“Trước hết, tôi xin báo cáo với các đồng chí, lần này hội nghị Trung ương chúng
ta họp, có một số đồng chí Trung ương bị ốm không đến được, có một số đồng chí
bận việc không đến được. Trong Bộ Chính trị cũng có đồng chí bận việc không đến
được, một số đồng chí sẽ đến, mai có đồng chí Thọ (Lê Đức Thọ), đồng chí Dũng
(Văn Tiến Dũng) sẽ đến báo cáo” (228).
Sau Hội nghị Trung ương 14, chiều 20-1-1968, Lê Đức Thọ có đến Bắc
Kinh để “báo cáo Bác Hồ”. Tướng Giáp nhớ lại: “Sắp nổ súng thì Bác cũng đang ở
Bắc Kinh. Bác điện cho tôi: chú thu xếp về càng sớm, càng tốt”. Từ Hungary,
tướng Giáp bay tới Bắc Kinh. Theo ông Vũ Kỳ, sáng 25-1-1968, Hồ Chí Minh gặp
riêng Võ Nguyên Giáp. Trong khi, cả “Cha già Dân tộc” và “Anh cả của Quân đội”
vẫn đang “an trí” ở Bắc Kinh thì những binh đoàn chủ lực miền Bắc bí mật áp sát
các đô thị miền Nam. “Ngày 29 tháng Chạp ta”, vào lúc sáu giờ chiều, Hồ Chí
Minh “nhận được điện của Bộ Chính trị và Trung ương chúc mừng Bác Hồ năm mới”
(229).
Cái đêm mà cả miền Nam chìm trong khói lửa của Tổng tiến công ấy,
Hồ Chí Minh đang ở Bắc Kinh, “trong căn phòng vắng” chỉ có ông và thư ký Vũ Kỳ,
“Bác” mỉm cười nghe một em bé hát “Bé bé bồng bông… em đi sơ tán, mai về phố
đông” và lời chúc Tết của chính mình :
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên !
Toàn thắng ắt về ta!” (230)
Máy bay Trung Quốc đưa tướng Giáp về tới Hà Nội ngay trong ngày 29
Tết. Hôm sau ông mới được tướng Vũ Lăng, cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo “Kế
hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”. Vũ Lăng nói: “Anh Văn Tiến Dũng bảo bây
giờ thì có thể báo cáo toàn bộ với anh Văn”. Tướng Giáp cố giữ vẻ mặt bình thản
để giấu niềm cay đắng. Ông, vị tổng tư lệnh, đã không được biết một kế hoạch
lớn như vậy cho đến trước khi nổ súng một ngày.
Bốn ngày sau khi Chiến dịch Mậu Thân bắt đầu, một trong những nhân
vật quan trọng nhất của chiến dịch, tướng Nguyễn Văn Vịnh, bị vô hiệu hoá.
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, uỷ viên Thường trực Tổng Quân uỷ, được cử vào
Trung ương Cục trao đổi Kế hoạch Mậu Thân chỉ mười ngày sau khi tướng Nguyễn
Chí Thanh mất. Tướng Vịnh trở lại Hà Nội vào đầu tháng 1-1968, và chính ông là
người báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Quân uỷ, là người trực tiếp
soạn thảo Nghị quyết Trung ương 14.
Theo thư ký riêng của ông, ông Phạm Văn Hùng: Chiều mồng 5 Tết Mậu
Thân, ông Vịnh được Lê Đức Thọ mời tới nhà riêng gặp vào lúc 15 giờ. Cuộc gặp
kéo dài tới chập tối nên ông Hùng không thể chờ. Sáng hôm sau khi ông Phạm Văn
Hùng quay lại nhà riêng và là nơi làm việc của ông Vịnh, 34 Cao Bá Quát, thì
được ông Vịnh cho biết, ông bị ngưng tất cả các chức vụ: uỷ viên dự khuyết
Trung ương Đảng, uỷ viên thường trực Quân uỷ, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khoảng ba mươi nhân vật cao cấp đã bị bắt, phần lớn là những người
thân cận với tướng Giáp như: Thiếu tướng Đặng Kim Giang (231), Cục trưởng Cục
II Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh Nghĩa,
Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân
dân Hoàng Thế Dũng, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật, nguyên tỉnh uỷ viên Tỉnh
uỷ Quảng Bình, Nguyễn Kiến Giang, Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật Minh Tranh,…
Trừ một số người bị bức cung để phải khai ra “vai trò cầm đầu của tướng Giáp”
lờ mờ nhận thấy mục tiêu chính trị của “vụ án”, phần đông cho đến tận cuối đời
không hiểu vì sao lại có vụ án này (232).
Theo Trần Quỳnh, trợ lý Lê Duẩn thì, thành phần bị bắt thời gian
này gồm: “Những người không tán thành đường lối chống xét lại của Đảng ta, một
số cán bộ cao cấp và trung cấp theo học ở trường Đảng cao cấp Liên Xô và trường
quân sự cao cấp Liên Xô bàn kế hoạch chống lại đường lối của Đảng. Họ lập một
nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc thay đổi Bộ Chính trị làm mục
tiêu. Họ nhắm vào những người không đồng tình với Nghị quyết 9, trước hết là
những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những uỷ viên trong Trung ương”. Các
văn bản do Lê Đức Thọ ký cũng nói tới Nghị quyết 9 và quan điểm xét lại (233).
Nhưng, trên thực tế, Nghị quyết 9 đã được quán triệt từ năm 1964. Người chủ
trương xét lại ở Liên Xô, Khrushchev, khi đó cũng đã bị phế truất và bị thay
bởi Brezhnev. Mặc dù mở đầu vụ án bằng việc bắt Hoàng Minh Chính, hầu hết những
nhân vật quan trọng bị bắt đều là thư ký của Hồ Chí Minh hoặc là những trợ thủ
đắc lực của tướng Giáp.
Theo thư ký của tướng Vịnh, ông Phạm Văn Hùng (234): “Ông Vịnh và
ông Giang đều đã cùng ở trong Quân uỷ, biết nhau rất rõ. Ông Vịnh ở nhà 34 Cao
Bá Quát, ông Giang ở nhà đối diện. Từ khi ông Giang ra khỏi quân đội, thỉnh
thoảng vẫn qua lại nhà ông Vịnh trò chuyện. Nhiều cán bộ cao cấp khác thỉnh
thoảng vẫn sang nhà ông Vịnh trò chuyện. Ông Vịnh là người cởi mở nhưng bí mật
quân sự thì không bao giờ ông ấy tiết lộ”.
Tướng Giáp trở lại Tổng Hành dinh khi không còn những cộng sự ăn ý
nhất. “Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân” diễn ra ngay trong đêm 30 Tết, thời điểm
hai miền có thoả thuận ngừng bắn để người dân đón Xuân. Tuy có gặp trục trặc về
giờ nổ súng do có sự nhầm lẫn trong việc sử dụng giờ Hà Nội với giờ Sài Gòn;
nhưng, gần như ngay sau Giao thừa, 31-1-1968, lẫn trong tiếng pháo mừng xuân
của thường dân, Quân Giải phóng đồng loạt nổ súng vào 5/6 thành phố, 36/44 thị
xã, 36/242 huyện lỵ, 25 sân bay,… Đặc biệt, cuộc tấn công đã gây rúng động với
những gì mà “Việt Cộng” đã làm ở Sài Gòn và Huế.
Tướng Giáp cho rằng: “Tổng tiến công vào một thời điểm bất ngờ là
một chủ trương sáng tạo, nhưng đề ra tổng khởi nghĩa là không phù hợp” (235).
Tướng Giáp không coi Mậu Thân là chiến thắng vì theo ông: “Lúc đầu mục tiêu đề
ra rất cao, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay
nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam (236). Đồng phục cho
công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung
ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản
thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá
trình là không đúng với thực tế” (237).
Trong Chiến dịch Mậu Thân, người Mỹ bắt được một tài liệu của tỉnh
Bình Định gửi cán bộ, nói rằng: “Tổng tấn công 1.000 năm mới có một lần, sẽ
quyết định số phận của đất nước, sẽ chấm dứt chiến tranh”. Chính ông Lê Duẩn, trước
chiến dịch cũng tiên đoán: “Cuộc khởi nghĩa ta nói đây là một giai đoạn cuối
cùng”. Ông Duẩn tin, khi quân chủ lực tiến vào thì Sài Gòn sẽ nổi dậy (238).
Ngay sau khi chiến dịch bắt đầu, Lê Đức Thọ đã đi thẳng vào miền Nam nắm vai
trò phó bí thư Trung ương Cục. Ông ở lại cho tới tháng 5-1968, khi tình hình
chiến trường không còn dấu hiệu chiến thắng nào.
Đợt “tổng tiến công” lần thứ nhất trong Chiến dịch Mậu Thân đã tạo
ra được yếu tố bất ngờ; tuy nhiên, Sài Gòn đã không “bị sập một cái” và không
có “nửa triệu người cầm súng cho ta” như dự đoán của Bí thư Lê Duẩn (239). Ngay
trong đợt đầu, theo Đại tá Tư Chu, chỉ huy Biệt động Sài Gòn, đã “có những hy
sinh, tổn thất lẽ ra có thể tránh được” (240). Nhưng, không chỉ tấn công đợt
đầu, theo tướng Giáp: “Khi yếu tố bất ngờ đã không còn vẫn kéo dài tiến công
vào đô thị; chậm chuyển hướng về củng cố, mở rộng, giữ vững vùng giải phóng và
làm chủ ở nông thôn do đó đã gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất rất nặng nề”
(241). Từ chỗ đang giữ thế thượng phong trên chiến trường miền Nam, Quân Giải
phóng đã phải trải qua những ngày chống đỡ trong tuyệt vọng (242).
Nhưng, không phải những căn cứ “Việt Cộng” bị biến thành đất trắng
được đặc tả trên truyền thông Mỹ mà là: cảnh Việt Cộng bắn nhau trong sân Toà
Đại sứ; cảnh những xác lính Mỹ bị giết trên đường phố Sài Gòn; cảnh tướng
Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một tù binh trong khi hai tay anh ta bị trói.
Tuần lễ đầu tiên của tháng 2-1968, số thương vong của lính Mỹ trong
vòng một tuần đạt kỷ lục: 543 chết; 2.547 bị thương. Ngày 27-2-1968, người dẫn
chương trình truyền hình có ảnh hưởng lớn khi đó, Walter Cronkite, “đã truyền
những làn sóng gây sốc cho toàn Nhà Trắng bằng cách dự báo sự thất bại” (243).
Wall Street, một tờ báo được coi là đang ủng hộ Washington cũng lo sợ Mậu Thân
sẽ “làm hỏng các mục tiêu đáng ca ngợi ban đầu” (244). Đài truyền hình NBC ngày
10-3-1968 bình luận: “Đến lúc chúng ta phải xác định liệu việc phá huỷ Việt Nam
để cứu Việt Nam có phải là điều vô nghĩa” (245).
Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson quyết định “ngừng ném bom đơn
phương một phần trong khu vực bắc vĩ tuyến 20” và sẽ “ngừng ném bom hoàn toàn
ngay khi các cuộc thương lượng quan trọng bắt đầu”. Johnson tuyên bố “sẽ không
có thêm lực lượng quân sự tăng cường lớn nào được phái sang Việt Nam”. Cũng
trong ngày hôm ấy Johnson nói rằng ông sẽ không ra tái ứng cử. Phản ứng của
Washington là cơ sở để Hà Nội coi Chiến dịch Mậu Thân là: “Một chiến thắng đã
làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải bắt đầu
xuống thang”.
Huy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét