Phạm Văn Chữ
1- Đọc “sáng tạo”
* Hồi kháng chiến chống Pháp, việc dạy- học khó khăn lắm. Có nơi, người có bằng Yếu lược (tương đương lớp 4), chưa được qua đào tạo sư phạm, đã phải dạy lớp 1, 2, 3. Đã thế, sách giáo khoa cũng không có. Lần ấy, cô giáo trẻ TH.H nhận tài liệu cấp trên gửi về dạy bài Tập đọc “Anh hùng đánh xe tăng”. Trong bài có câu: “Anh nhảy chồm lên, dí tiểu liên vào xe tăng địch…”. Nhưng vì văn bản đánh máy trên giấy mỏng pơluya, chữ lèm nhèm, nên cô phỏng đoán và đọc thành: “Anh…dí tiểu tiện vào xe tăng địch…”. Và thế là cô phân tích về hành động của người anh hùng với tư thế “đứng trên đầu thù”, “ coi khinh kẻ thù…”; bọn địch thật nhục nhã…!
* Hồi chiến tranh phá hoại miền Bắc, viêc điều động giám thị cho thi ĐH cũng rất khó khăn. Lần thi năm ấy, cô giáo M, dạy Văn cấp II, được phân công coi thi Khối A. Đến giờ thi môn Vật lí, sau khi nhận được đề thi, cô đã tự đọc thầm để hiểu đề thi trước khi đọc một lần cho thí sinh cả phòng nghe, rồi mới chép lên bảng. Nhưng vì thói quen nghề nghiệp, thường đọc diễn cảm bài Giảng văn lên bổng xuống trầm, thể hiện cảm thụ thẩm mĩ, nên sau khi bảo cả phòng chú ý nghe cô “đọc mẫu một lần”, cô cất tiếng đọc với giọng điệu “đầy xúc cảm”:
- Cho một hiệu điện/ (lắng lại). Thế là… 25 vôn! (xót xa). Điện trở trong của dây dẫn là 5 mũ Nguyễn Chãi (trầm tĩnh). (Kí hiệu ôm như mũ cánh chuồn trong ảnh Nguyễn Trãi)
Cả phòng thi tức cười mà không dám cười.
2- Lạy ông tôi ở bụi này
- Thầy T, dạy Vật lí rất giỏi và cũng rất nghiêm với học trò. Giờ kiểm tra của thầy đố có anh nào dám “cựa quậy” để gian lận.
Thế mà chấm bài kiểm tra, thầy lấy làm lạ, bài làm của trò K có cách giải đúng, nhưng phần trả lời cuối bài lại rất buồn cười. Trả lời: Ảnh cách thấu kính là: loan. Chữ “loan” được khuông lại cẩn thận. Nhưng sao lại là “loan” nhỉ? A… thì ra K đã “tinh tướng”, coppi bài của bạn gần bên. Bạn viết là: ảnh cách thấu kính là 10cm. Nhưng nhìn mập mờ, 10cm lại nhầm ra “loan”!
- Chuyển cấp từ lớp cuối THCS lên lớp đầu cấp THPT phải thi tuyển 2 môn Văn- Toán. Sở GD chủ trương coi thi thì đổi trường, còn chấm thi thì Sở đánh phách, cắt phách, rồi “ xáo trộn” bài thi, gửi về các trường THPT trong tỉnh chấm, cho khách quan.
Nhưng trong khi chấm một bài thi môn Làm văn, cô giáo B thấy gần cuối bài, trước phần kết luận, có mấy câu rất lạ: Cụ (cậu) chép xong cứ chờ đó. Phần kết luận sẽ gửi vào sau. Nhớ cảnh giác mấy thằng giám thị.
A…, thì ra anh rể đi ném bài cho em trai vợ. Ở nhà đã căn dặn, phải chép cẩn thận, không được bỏ sót một câu chữ nào.
3- Làm hai vụ to lên là không cớ lợi
Tổ chức Lễ khai giảng năm học xong, thầy hiệu trưởng bị đau nặng, phải đi nằm BV tỉnh. Thầy chỉ vắng 1 tuần mà trường đã xẩy ra 2 vụ.
- Dưới câu khẩu hiệu vừa viết xong trên bức tường ngoài nhà văn phòng TẤT CẢ VÌ HỌC SINH THÂN YÊU!, trong một đêm, kẻ nào đã dám cả gan lẻn vào viết hai chữ “Bốc phét!” ngay dưới hai chữ “thân yêu”. Ai cũng tức… Thầy Hiệu phó và thầy Bí thư Đoàn trường có sáng kiến đặt “Thùng thư tố giác”, mà sau mấy ngày vẫn không tìm ra thủ phạm.
- Có mấy em HS nam cá biệt ở lớp 12G, mặt cứ nhơn nhơn khi gặp thầy- cô, không bao giờ mở miệng chào thưa gì cả. Thầy Bí thư Đoàn trường triệu tập lên, bắt viết Bản tự kiểm điểm. Tất cả đều viết thống nhất một lí do rằng, đã “chào” trong học phí rồi; tưởng đã nạp học phí thì không phải chào nữa (?!).
Thầy bực quá, không kiềm chế nổi, đập tay xuống bàn và quát: “Học phí cũng phải chào, nghe chưa!”. Rồi thầy phê bình mấy em này trước toàn trường.
Lành bệnh, thầy Hiệu trưởng trở về, nghe báo cáo lại. Buồn lắm. Thầy bảo: Đáng lẽ bí mật cho qua, các thầy làm cho hai vụ này to lên là không có lợi!
4- Dạy “mẹo làm quan”
Đến dạy lớp 12E, Trường TH Dân lập N.C.T, nhiều thầy, cô đã phải “xin hàng”, vì lớp luôn “ồn ào như chợ”, nên cố mà dạy cho xong tiết, chứ không thể thu hút học sinh chú ý được; mặc dù đây là những GV dạy giỏi do nhà trường thỉnh giảng.
Nhưng riêng thầy H, dạy môn Lịch sử, thì “không hàng”. Không phải thầy dạy hay, khiến mấy đối tượng quậy phá chú ý nghe giảng, mà cốt thầy đã có cách riêng. Thầy bảo, các em sau này sẽ làm quan. Mà làm quan thì phải có mẹo, không có mẹo thì không thể làm quan được. Nêú lớp đừng ồn ào, để cho thầy dạy, thầy cam kết, sẽ dành ra vài phút cuối mỗi giờ bày cho “mẹo làm quan”. Nói đến làm quan thì em nào cũng thích, nên vỗ tay tán thưởng và giữ lời cam kết với thầy. Và đây là một “mẹo” thông qua câu chuyện thầy kể:
Ngày trước, ở bên Tàu, có ông Trang Tử (369- 286 TCN), rất yêu loài vật. Ông nuôi một bầy khỉ và chăm sóc khá chu đáo. Ngoài các thức ăn thông thường, ông còn cho khỉ ăn thêm hạt đậu, thứ “khoái khẩu” của chúng. Nhưng rồi, gặp năm mất mùa, Trang Tử bèn nói với bầy khỉ:
- Năm nay lương thực khan hiếm, ta chỉ có thể cho mỗi con ăn buổi sáng 3 hạt đậu và buổi chiều 4 hạt đậu thôi.
Nghe xong, lũ khỉ nhăn mặt buồn rầu, nhao nhao kêu khóc, xin ông chủ thương tình xét lại, nếu không thì “khổ cho chúng con lắm!”. Ông chủ lắng nghe, rồi cười vui và đổi sang giọng thương cảm:
- Thôi được, thương tình các con, từ nay ta cho mỗi con ăn buổi sáng 4 hạt đậu và buổi chiều 3 hạt đậu. Sướng chưa?
Thế là cả bầy khỉ vỗ tay, reo cười, nhảy múa và đội ơn ông chủ (?!).
5-Trong quần dài của bố em có cái gì?
Các trường THCS đều mở chuyên đề Dạy học nêu vấn đề. Đây là kiểu dạy- học hiện đại, được coi là “chiếc đũa thần” gõ vào trí thông minh của học trò. Nhưng cái khó là đặt ra câu hỏi tạo tình huống có vấn đề, buộc HS động não.
Cô giáo X.M đã xung phong dạy tiết thể nghiệm chuyên đề ở lớp 6A. Hôm ấy, có đại diện Phòng GD, Ban GH và nhiều thầy, cô cùng dự giờ để rút king nghiệm.
Ngay từ khâu giới thiệu bài mới, cô đã đưa ra câu hỏi “ nêu vấn đề”:
- Ở nhà, các em đã từng thấy bố mặc quần dài. Vậy, cô hỏi: Khi bố em mặc quần dài, thì trong cái quần dài của bố em có cái gì?
Cả lớp cố suy nghĩ mà không thể tìm ra câu trả lời. May thay, có một HS nam dơ tay xin phát biểu:
- Dạ thưa cô, khi bố em mặc quần dài, thì trong cái quần dài của bố em có cái quần đùi ạ!
Thế là cô khen em thông minh, cho 10 điểm; rồi kết luận chuyển tiếp vào bài:
- À, đúng rồi, khi bố em mặc cái quần dài thì trong caí quần dài của bố em có cái quần đùi. Vậy cho nên, hôm nay, chúng ta học bài “Kĩ thuật cắt may quần đùi”.
Rồi cô vui vẻ ghi mục bài lên bảng.
6- Bài ca vần ôt
Thời bao cấp, tại Văn phòng nhà trường, trong giờ ra chơi, các thầy bèn “hè nhau” làm “thơ con cóc” như các “thi sĩ- thầy đồ” thuở trước.
Thầy A: Không hiểu vì sao, thầy- cô ta cứ hay vận vào với cái vần ôt tai quái. Này nhé, mấy tháng nay, ta chỉ được bán cho gạo 20%, còn toàn là mì hột (hạt bo bo). Tôi có câu: Thầy giáo ăn mì hột. Rồi nữa, nhà tranh vách đất của ta luôn bị dột. Nhà dột thì hôm nắng có cái thú là được “ngắm trời qua lỗ thủng”, nhưng hôm mưa thì cũng phiền. Tôi lại có câu: Thầy giáo ở nhà dột…
Thầy B: Tôi thấy săm lốp xe đạp của các thầy thường lấy dây mây cột lại (buộc lại) để kéo dài độ bền, nên tôi có câu: Thầy giáo đi xe cột.
Thầy C: Hôm qua, thầy Hiệu phó truyền đat phải chuẩn bị hồ sơ chu đáo, cuối tuần này Sở sẽ về kiểm tra. Nghe thế, các cô đầy lo lắng, nào là 3 tập bài kiểm tra chưa chấm, nào là điểm chưa vào sổ, nào là hồ sơ còn luộm thuộm...Tôi thấy phải có câu này: Thầy giáo thường dật thột.
Thầy D: Nói điều này hơi sái. Mấy năm nay, một số thầy cô trong tỉnh ta “ra đi” quá đột ngột. Nên tôi xin nối thành câu kết: Thầy giáo chết đột ngột! (Nói trộm vía và xin lỗi các thầy!)
Thế là “tức sự sinh tình”, chỉ trong mươi phút giải lao, “Bài ca vần ôt” dành cho thầy giáo được hoàn thành;
Thầy giáo: ăn mì hột
Thầy giáo: ở nhà dột
Thầy giáo: đi xe cột
Thầy giáo: thường dật thột
Thầy giáo: chết đột ngột!
Một thầy đọc to lên, rồi tất cả vỗ tay, cười khà khà, tưởng như đời không biết khổ là gì!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét