Đại tướng nằm võng bên bụi tre đằng ngà |
Năm ấy tướng Giáp đã 80 tuổi. Đoạn đường Vinh - Hà Nội tuy chỉ hơn 300km nhưng
bụi bặm và dằn xóc. Tướng Giáp trở về phòng, viết mấy dòng cáo lỗi gửi Đoàn đại
biểu Nghệ Tĩnh rồi lại lên xe về Hà Nội, nơi ông sẽ phải ra trước Hội nghị
Trung ương 12, đối diện với những cáo buộc chính trị mà về sau được gọi là vụ
“Năm Châu - Sáu Sứ”.Tại Hội nghị Trung ương 12, Khoá VI, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ chức,
thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một văn bản tuyệt
mật nói rằng: Một vụ bè phái vi phạm nguyên tắc Đảng hòng chi phối vấn đề bố
trí nhân sự cấp cao đang diễn ra. Những người tham gia bao gồm Võ Nguyên Giáp,
Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp khác.Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách an ninh, Trung tướng Võ Viết Thanh, nhớ lại:
“Nghe ông Tâm nói, có cảm giác như đang có một âm mưu đảo chính để đưa Đại
tướng Võ Nguyên Giáp lên làm chủ tịch nước sau đó thay ông Linh làm Tổng bí
thư; đưa Trần Văn Trà lên làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời gian trước Hội nghị
Trung ương 12, ông Trà bị triệu tập ra Hà Nội và bị giữ lại ở Nhà khách số 8
Chu Văn An. Văn bản tuyệt mật này được phổ biến tới thường vụ các tỉnh, thành,
bằng cách cho đọc nguyên văn nhưng bị cấm sao chép”.Tướng Đồng Sỹ Nguyên, uỷ viên Bộ Chính trị Khoá VI, nói: “Lật đổ là một câu
chuyện bịa đặt. Ông Giáp không chỉ là một đại tướng mà xứng đáng là một đại
nguyên soái. Một người không chỉ coi trọng sinh mạng binh sỹ mà còn đặt danh dự
của tổ quốc lên trên. Ông là một người thận trọng. Nhân vụ Sáu Sứ, họ còn lật
lại hồ sơ vụ ‘chống Đảng năm 1967’, đưa ra tài liệu cũ của Lê Đức Thọ, đây cũng
là một vụ án được dựng lên”. Ông Võ Viết Thanh kể thêm: “Tại hai Hội nghị 12 và
13 của Ban Chấp hành Trung ương, nhiều vị tướng trong Quân đội hết sức bức xúc,
đứng lên phát biểu bảo vệ tướng Giáp. Cụ Võ Nguyên Giáp cay đắng: Đến một vị
tướng đã đánh thắng Điện Biên Phủ mà người ta vẫn vu cho là con nuôi của mật
thám Pháp”.Gần tới ngày Đại hội, một hôm vào khoảng 9 giờ đêm, Bộ trưởng Nội vụ Mai Chí
Thọ triệu tập một cuộc họp kín gồm có các thứ trưởng: Cao Đăng Chiếm, Phạm Tâm
Long, Bùi Thiện Ngộ, Võ Viết Thanh. Ông Mai Chí Thọ nói: “Tổng bí thư Nguyễn
Văn Linh giao nhiệm vụ cho Bộ Công an làm rõ sai phạm của anh Giáp và anh Trà
để xử lý cả về mặt Đảng và Nhà nước. Bộ chỉ đạo anh Võ Viết Thanh đảm nhiệm
việc này”. Cả bốn vị thứ trưởng nghe đều phân vân, lo lắng. Ông Võ Viết Thanh
nói: “Đề nghị Bộ trưởng trình bày lại với Tổng bí thư đây là những người có
công với nước, nếu có sai thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác minh làm rõ còn
khi đã chuyển công an thì phải có dấu hiệu phạm tội”. Mai Chí Thọ dứt khoát:
“Chúng ta phải thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư”.Ông Võ Viết Thanh nói tiếp: “Nếu phải điều tra, tôi đề nghị nên giao cho anh
Cao Đăng Chiếm hoặc anh Bùi Thiện Ngộ vì hai anh có kinh nghiệm trong ngành hơn
tôi. Tôi không từ chối, nhưng tôi biết bản báo cáo của đồng chí Nguyễn Đức Tâm
lấy nguồn tin từ một số người không tốt trong Cục II, Bộ Quốc phòng. Tôi cũng
biết người đẩy ra vụ này là Đoàn Khuê. Cá nhân tôi với Cục trưởng Quân báo Tư
Văn và Cục phó Vũ Chính có ý kiến khác nhau trong một số việc như: lợi dụng
nghiệp vụ đi buôn lậu; tổ chức cài đặc tình vào nội bộ… Bây giờ nếu tôi làm vụ
này nữa thì rất căng với Cục II”. Mai Chí Thọ gắt: “Ông phụ trách an ninh,
không làm thì ai làm”. Võ Viết Thành đành phải: “Tôi xin chấp hành”.Ông Võ Viết Thanh kể: “Tôi bay vào Sài Gòn. Anh em an ninh đã có đủ tư liệu,
vấn đề là tình hình nội bộ rất căng vì có tác động từ cấp cao. Nhiều người
khuyên tôi khi điều tra không nên làm khác báo cáo của Nguyễn Đức Tâm. Người
gần gũi nhất là Thiếu tướng Trần Văn Danh cũng nói là có người khuyên như vậy.
Ông Danh gọi tôi tới, tôi hỏi: ‘Lời khuyên này xuất phát từ đâu anh Ba?’. Ba
Trần, tên thường gọi của tướng Trần Văn Danh, nói: ‘Ở cấp rất cao’. Tôi nói:
‘Tôi đề nghị anh Ba trả lời họ, tôi đang được giao một công việc mà tôi không
thể nào làm trái đạo đức và pháp luật’. Ba Trần nghe bắt tay, không ngờ anh chỉ
hỏi thế để thăm dò nhưng anh là người ủng hộ tôi làm đúng”.Ông Võ Viết Thanh kể tiếp: “Ngày 14-5-1991, tôi ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thị
Sứ. Anh em thi hành không bắt tại nhà vì sợ động mà bắt bí mật, đưa về 258
Nguyễn Trãi. Vừa vào trại, Sáu Sứ hỏi: ‘Các anh ở phía nào?’. Anh em dằn mặt:
‘Chị không được phép hỏi như thế, chúng tôi là cơ quan an ninh, yêu cầu chị nói
hết’. Sáu Sứ trả lời: ‘Tôi là người Cục II, yêu cầu được nói chuyện điện thoại
với Tư Văn, Vũ Chính’. Anh em An ninh nói: ‘Chị là người phạm pháp, chị không
được phép gặp ai cả’. Trong một ngày Sáu Sứ khai hết(172)”.Không hề có một tổ chức nào do cụ Giáp đứng đầu như báo cáo của Nguyễn Đức Tâm
đề cập. Theo ông Võ Viết Thanh, Sáu Sứ khai bà được Vũ Chính cấp tiền, cấp xe
và đi gặp vị tướng nào, nói gì là đều theo chỉ đạo của Cục II. Thông qua một
người tên là Năm Châu, từng công tác chung với ông Thanh Quảng, nguyên là thư
ký của tướng Giáp, Sáu Sứ được đưa tới nhà Võ Nguyên Giáp cùng một số cựu chiến
binh. Hôm Sáu Sứ đến, cụ Giáp đang ăn, nghe có đoàn Cựu chiến binh, cụ dừng bữa
cơm để tiếp. Sáu Sứ mang theo một giỏ trái cây vào tặng rồi xin cụ Giáp cùng
chụp ảnh với Đoàn. Toàn bộ cuộc gặp chỉ có vậy nhưng Sáu Sứ báo cáo: “Cụ Giáp
đã đồng ý với kế hoạch”. Rồi theo ông Võ Viết Thanh: “Băng ghi âm cuộc nói chuyện
của Sáu Sứ ở nhà tướng Giáp nghe không rõ nhưng Cục II vẫn xào nấu thành một
bản báo cáo, theo đó: Đang có một vụ đảo chính, một vụ bè phái trong Đảng hòng
chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao trước Đại hội VII do tướng Võ Nguyên
Giáp, Trần Văn Trà cùng một số cán bộ cao cấp khác tiến hành. Bản báo cáo này
trở thành cơ sở để Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Đức Tâm báo cáo trước Hội nghị
Trung ương 12 về tướng Giáp”.Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Chánh Văn phòng tướng Giáp, từ Hội nghị Trung
ương 12 về nhà nghỉ trưa, tướng Giáp hỏi: “Cậu có nhớ ai tên là Năm Châu từng ở
Nam Bộ ra đây gặp mình không?”. Ông Huyên nhắc lại sự việc xong, tướng Giáp ăn
cơm rồi đi ngủ. Đến cận giờ họp buổi chiều, ông Huyên vào phòng thấy tướng Giáp
vẫn ngáy khò khò, ông Huyên hỏi: “Việc đang thế này mà anh cũng ngủ được à?”.
Tướng Giáp cười: “Cây ngay không sợ chết đứng”.Trong khi đó, ngay sau khi Sáu Sứ bị bắt vào ngày 15-5-1991, theo ông Võ Viết
Thanh: Cục II rúng động, Cục trưởng Tư Văn đổ bệnh. Trong ngày ông Võ Viết
Thanh cầm bản cung của Sáu Sứ bay ra Hà Nội, 17-5-1991, tướng Lê Đức Anh viết
một bức thư cực ngắn: “Kính gửi: Bộ Chính trị. Tôi xin không ứng cử vào Quốc
hội khoá IX. Xin cám ơn Bộ Chính trị. Kính! Lê Đức Anh”. Do căng thẳng, tướng
Lê Đức Anh ngay sau đó bị đột quỵ. Bác sỹ Vũ Bằng Đình, người trực tiếp cấp
cứu, nói: “Ông Lê Đức Anh bị xuất huyết dạ dày, huyết áp tụt xuống bằng 0, hồng
cầu chỉ còn một triệu. May mà cấp cứu kịp”.Theo ông Võ Viết Thanh: “Ra Hà Nội, tôi làm báo cáo đưa ông Mai Chí Thọ đề nghị
Bộ trưởng ký. Ông Mai Chí Thọ nói: ‘Cậu ký luôn, gửi và trực tiếp báo cáo anh
Linh’. Ngay chiều hôm đó, Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà xếp lịch gặp Tổng
bí thư. Nghe tôi báo cáo xong, ông Linh không nói gì. Nhưng, sáng hôm sau thì
nhận được ‘điện mật’ của Văn phòng yêu cầu các nơi ngưng phổ biến và gửi trả
văn bản do Nguyễn Đức Tâm ký về Văn phòng Trung ương. Sau đó, Trung ương không
có một lời nào nói lại với tướng Giáp, còn tướng Trần Văn Trà thì vẫn bị giữ
lại ở số 8 Chu Văn An”. Theo ông Võ Viết Thanh: “Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã
không đưa kết luận về vụ Sáu Sứ ra báo cáo trước Hội nghị Trung ương và ngay cả
các uỷ viên Bộ Chính trị cũng không mấy ai biết”. Thái độ của Tổng bí thư như
một tín hiệu để ngay lập tức ông Võ Viết Thanh nhận được đòn “đánh dưới thắt
lưng” của Cục II.Theo ông Võ Viết Thanh, ngày 23-6-1991, khi đại biểu đã được triệu tập về Hà
Nội: “Trước phiên họp cuối cùng của Hội nghị trù bị, Hồng Hà, Chánh Văn phòng
Trung ương đưa tôi miếng giấy, ghi: ‘Đề nghị đồng chí Võ Viết Thanh đến giờ
giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc riêng’. Tôi tới phòng làm
việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê,
Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và
Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo
đồng chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính
trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng,
nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai
việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ
Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí
là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút
đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khoá VII”.Ông Võ Viết Thanh nói: “Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi
thì tôi không còn kiềm chế được(173). Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng
ngắn, tôi đã định kéo khoá, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng,
tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức
giận”(174). Cho dù giữ mình để bảo vệ Đại hội, tương lai chính trị của ông
Thanh đã coi như khép lại. Ông Võ Viết Thanh nói: “Nếu tôi cứ nghe lời khuyên,
kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức,
đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan tướng Trà
và tướng Giáp. Làm thế, thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi”(175).Năm ấy, tướng Giáp vừa tròn 80 tuổi(176). Ông không nằm trong bất cứ cơ cấu
nhân sự nào, vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”, nếu thành, chỉ có thể hạ bệ uy tín của ông
trong Đảng. Khi Võ Nguyên Giáp đã là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Lê Đức
Anh chỉ mới là một cán bộ ở cấp tiểu đoàn. Sự mặc cảm trước uy danh của tướng
Giáp chỉ có thể được tích tụ thông qua hai người đã cất nhắc Lê Đức Anh: Lê
Duẩn và đặc biệt là, Lê Đức Thọ.
Huy Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét