Võ Giáp
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Truyện Kiều - Nguyễn Du
Trong thơ Nguyễn Du, lúc tả cảnh, lúc tả
người, nhất là khi đi sâu vào hoàn cảnh, vào tâm trạng của con người, Nguyễn
Du thường mượn trời – mây – trăng – gió – cây cỏ - hoa – chim … để gửi
gắm.
Mặt khác, Đại thi hào Nguyễn Du đã vận
dụng hầu hết các sắc màu có trong thiên nhiên. Từ núi Hồng, sông Lam (xưa là sông Thanh Long) là phân giới hai
trong ba mặt bao bọc quanh quê nội Nghi Xuân, nơi có tám cảnh đẹp nổi
tiếng, mặt còn lại là biển Đông (xưa gọi là Quế Hải), tất cả đều vững
chãi, bất biến đã tạo nên ý tưởng Hồng
Sơn liệp hộ:
… Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ ….
Tạp thi 1 – Thanh Hiên
(Chó vàng rượt thú chân Hồng Lĩnh)
Đến vẻ đẹp tươi thắm Kim Thiều, có cánh
đồng Hiên mênh mông trước đình làng, xanh ngắt một màu lúa thì con gái, điểm
những cánh cò trắng chập chờn tần tảo như dáng mẹ đã
hút hồn Nguyễn Du. Phải thế chăng mà thi sĩ có bút hiệu Thanh Hiên.
Rồi Nguyễn Du sinh ở phường Bích Câu trong
thành Thăng Long, nơi đây xưa cũng đã được mệnh danh là địa đàng. Với huyền
thoại Tú Uyên – Giáng Kiều, gần đó còn có suối Ngọc từ Nùng Sơn chảy vào đảo Rùa Vàng. Nguyễn
Du lớn lên bên cánh đào Nhật Tân. Ở tuổi học trò đã từng bần
thần bên tia nắng trên những chuyến đò ngang vượt dòng sông lớn quanh năm bền
bỉ sắc hồng, xuôi vượt Hoàng Mai, … Ở đây còn có hồ Lục Thủy với tích trả kiếm, có hồ Trúc Bạch giáp Cổ Nguyệt đường bên bờ hồ Tây,
nơi chàng đã từng cùng ai ngắm trăng vịnh cảnh, hái những bông sen còn vương tơ
lòng.
… Kim thần khứ thái liên
Nãi ước đông lân nữ …
Mộng đắc thái liên – Thanh Hiên
(Sáng ngày đi hái sen
Hò hẹn nàng bên xóm)
Chàng đã được chiêm ngưỡng lầu son gác tía trong kinh thành cổ … Những màu
sắc trong cuộc sống, của các địa danh ấy từng gắn bó với đời chàng đã tạo nên
cảm hứng tô đẹp những câu thơ bất hủ. Những màu sắc ấy được đem vào thơ với các
trạng thái tâm lý khác nhau của các cảnh vật, nhân vật trong thơ.
Vì vậy mà 3254 câu thơ “mua vui”
trong Truyện Kiều, bình quân, cứ hơn vài chục câu thì có một câu “sử dụng” màu
sắc. Còn trong các bài thơ chữ hán của Nguyễn Du thì nửa số bài thơ cũng “sử
dụng” diệu sắc. Trong Truyện Kiều ta còn bắt gặp hình ảnh tài - sắc, hương -
sắc, sắc – không, … để đánh giá và rút ra những kinh nghiệm tự điều chỉnh cuộc
sống.
Các màu thường gặp trong thơ như đào, hồng, son, xích, nâu, vàng,
lục, xanh, chàm, tía, cùng trắng,
đen … với các sắc độ thắm, biếc, nhợt nhạt, trong, đục, … có một sự trùng hợp khoa học trong
vật lý. Màu của quang phổ, căn cứ theo độ dài của bước sóng ánh sáng. Nếu tính
theo độ dài của bước sóng ánh sáng giảm dần, ta có hồng, đỏ, da cam, vàng, lục,
lam, chàm, tím. Trắng là sự tổng hợp các màu trong quang phổ, nếu chỉ tổng hợp
một số màu dễ dẫn đến …”đục”. Còn đen được coi là không màu. Khi bước sóng
giảm, cũng nghĩa là tần số tăng, Nguyễn Du đã tài tình dùng màu đào, hồng (ứng với tần số thấp) để diễn tả sự
dịu dàng, thướt tha … Bóng
hồng nhác thấy nẻo xa … ; đến
các màu chàm, tía (ứng với các tần số cao) khi diễn tả
sự gay gắt, nặng nề… Mặt
như chàm đổ mình dường dế giun… (Truyện Kiều)
Trong các màu mà Nguyễn Du đem vào thơ
trong Truyện Kiều, màu hồng,
màu xanh được dùng nhiều nhất, kế đến là màu vàng, màu trắng.
Cũng có màu chỉ dùng một lần, ví dụ như chàm,
chì(đen nhạt), có màu sử dụng hai lần như tía.
Màu có từ đỏ lam, tím không xuất hiện. Nếu căn cứ vào khoảng
bước sóng ánh sáng thì “đỏ” nằm trong vùng màu son, xích, “lam” nằm trong vùng
màuxanh và “tím” nằm trong
vùng tía. Có lúc không
dùng màu cụ thể mà ta vẫn hình dung ra màu,màu hoa lê: trắng, màu thiền: nâu, Đầu cành “lửa lựu” lập lòe đơm bông : đỏ, “Cỏ” pha màu áo nhuộm “non da trời”:
Xanh lục nhạt, Mây thua nước
tóc “tuyết” nhường màu da: trắng
Có thể với một màu, nhưng trong văn cảnh,
Nguyễn Du viết, có lúc để diễn tả cái đẹp, có lúc lại diễn tả mặt trái của cái
đẹp. Dùng màu ”thay thế” người, cảnh, vật Nguyễn Du đã làm cho câu thơ đẹp hẳn
lên, hay hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong thông tin mà không vướng cách nói
trần tục (xin không nói thêm các câu sau):
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Màu hồng hay đào được đem vào thơ nhiều nhất, cả hai
thường dùng để diễn tả vẻ đẹp và thân phận của người con gái. Hồng chỉ vẻ đẹp
mang dáng dấp “thượng lưu” và đào chỉ vẻ đẹp dân dã hơn: má hồng, vườn hồng, vẻ hồng, cánh
hồng, hồng quần, đào tiên, Tịt
mù nào thấy “bóng hồng” vào ra, Bấy
lâu nghe tiếng “má đào”. Còn để nói lên thân phận người con gái, ta thường
gặp bụi hồng, vò hồng, hồng
rụng, giọt hồng, Khăng
khăng mà buộc lấy người “hồng nhan”. Có lúc ẩn ý như, hồng quân: trời, Nào người tiếc lục tham hồng là ai thay cho cách nói trần trụi: Đạm Tiên
không có chồng con, Duyên em
dẫu nối chỉ hồng: Dẫu em được nên vợ chồng; tiện hồng: bức thư, phiến hồng: trát quan, thưa hồng rậm lục: chuyển mùa
đông sang mùa xuân. Màu hồng,
đào còn nâng giá trị của các
vật dụng: trướng hồng, trướng
đào, cờ hồng, cờ đào, đuốc hồng, khăn hồng …
Màu xanh hay thanh sử dụng nhiều gần bằng màu hồng –
đào. Màu xanh diễn tả sự trẻ trung, phát triển, tốt đẹp… Vận vào cảnh là cảnh
đẹp thường có trong thiên nhiên: Trời xanh, liễu xanh, chim xanh, sông xanh, Cỏ non “xanh rợn” chân trời. có
từ “nẩy xanh” tuyệt hay: Đào
đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh: chuyển mùa xuân sang mùa hạ. Nhưng khi vận
vào người, có lúc lại nói lên mặt không hoàn chỉnh, xấu xa: Áo xanh, lầu xanh, mặt xanh, Đầy nhà vang tiếng “ruồi xanh”. Có lúc dùng với ẩn
ý như khuôn xanh: trời, mắt xanh: người đáng trọng, Mày xanh trăng mới in ngần: mày cong lá liễu (có bản viết Mày ai ….) Có lúc không chỉ màu: Ngày xanh, xuân xanh, sử xanh, dặm
xanh, … Ta còn gặp các mức độ xanh: lờ
mờ xanh, xanh rì, xanh biếc, Sông
Tần một dải “xanh xanh”.
Ta cũng gặp chữ hán thanh: Thanh thiên, thanh lâu, thanh y (có lúc ẩn ý người hầu), Thênh thênh đường cái “thanh vân”
hẹp gì.
Màu vàng thường diễn tả tính bền vững, thước đo
quyền quý, đẹp: Nét vàng, cồn
vàng, gan vàng, nhạc vàng, giấc vàng, vàng thau, “Sen vàng” lãng đãng như gần như xa…Nhưng
màu vàng còn diễn tả sự đi xuống, tàn tạ: Lá
vàng, cỏ vàng, suối vàng, bóng vàng trời tây, Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng.
Có lúc ẩn ý: ác vàng (mặt trời), Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng
sân: (trăng) … Có lúc mô tả vật quý: kiệu
vàng, chuông vàng, Thề hoa
chưa ráo “chén vàng”…
Màu trắng hay bạch thường diễn tả mặt tốt, cái đẹp: Mây trắng, ngọc trắng, trinh bạch, Cành lê trắng điểm một
vài bông hoa. Có lúc lại diễn tả với ý xấu, mất mát: Treo trên một tượng “trắng đôi lông
mày”. Có lúc dùng với ẩn ý: Bạch
nhật: ban ngày, dầu chong
trắng đĩa: cạn dầu, Dẫu
rằng xương trắng quê người quản đâu: không ngại chết nơi khác. Có một số
vật thể, hình ảnh dùng thay từ trắng:Tuyết,
bạc, vôi để diễn tả thân
phận: bạc mệnh, bạc như vôi, Tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa
râm. Có lúc lại được thay bằng trong để diễn tả sự tinh khiết, tâm sáng …
Thực ra, trong khác trắngbởi
trong cho ánh sáng đi qua, còn trắng lại cản ánh sáng.
Màu đen đùng để diễn tả sự khẳng định, cam
chịu, tuột dốc, thay đổi. Có lúc là điều ác: đen
bạc, chịu đen. Quá chơi
lại gặp “hồi đen”. Có lúc
dùng với ý khác: Mập mờ đánh
lận con đen: đánh tráo cái (thứ) xấu của mình. Có lúc dùng từ gần nghĩa: tối, đục. Hoặc sắc độ: đen sì, Dãi dầu tóc rối “da chì”
quản chi.
Không có từ đỏ nhưng màu đỏ ẩn trong từ xích, son diễn tả sự bền chặt, đằm thắm, vẻ đẹp: tấc son, lòng son, tấm son, Thấy nàng mặt phấn “tươi son”. Những là cười phấn cợt son. Có
lúc đào, hồng, thắm cũng chỉ màu đỏ Ba quân chỉ ngọn cờ đào, Này rằng
hồng điệp xích thằng.
Màu lục diễn tả ý sâu xa và trong một câu
màu lục không đứng một mình mà đi kèm với xanh hoặc hồng để đối hoặc so sánh: thẹn lục – e hồng, tô lục - chuốt
hồng, tích lục – tham hồng, Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh, Thưa hồng rậm
lục đã chừng xuân qua.
Màu nâu xuất hiện ba lần và gắn với chùa,
phật: Nâu sồng từ trở màu
thiền (có bản in thuở), Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng …
Màu tía trong truyện Kiều với ẩn ý thay
“người” và cũng chỉ xuất hiện hai lần. Trong mỗi câu, màu tía cặp đôi với màu
hồng Làm chi dày tía vò hồng
lắm nau và Dường gần rừng tía dường xa bụi
hồng. Có người cho rằng tía trong Truyện Kiều là màu tím (Bởi: “Vạn tử thiên hồng” được dịch là
muôn tía ngàn hồng). Thực ra tử có nghĩa là tím (bởi “Tia tử ngoại” được dịch là “Tia
tím hay tia cực tím”). Các từ tử trong Truyện Kiều không có nghĩa tím.
Màu chàm diễn tả nội tâm sâu sắc và cũng chỉ sử
dụng hai lần: Mặt như chàm đổ mình dường dẽ giun và Trót
vì tay đã nhúng chàm.
Thắm và biếc
là chỉ sắc độ, nhưng cũng có
khi trong một văn cảnh cụ thể lại chỉ màu Dù
khi lá thắm chỉ hồng, Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
Cuộc sống và cảnh vật trong Truyện Kiểu có
nhiều vẻ, để làm nổi bật, tác giả đã dùng cách so sánh trong một câu, có thể là
tương khắc, tương hòa hay tương
hợp. Ở đây xin nêu một số cặp về sắc
màu Nguyễn Du đã vận dụng: Xanh – đào, hồng – xích, vàng - biếc, son –
đen, trong - trắng, bạc – vôi, tía - hồng, thắm – xanh, thanh - bạch … Màu hồng
và màu xanh cặp với tám màu khác, trong khi nâu cặp ….với “nâu”, còn chàm và
chì không có cặp đôi. Đây cũng có thể là hiện tượng thơ lục bát ngày trước chịu
ảnh hưởng bởi cách viết của thể loại phú…
Còn thơ chữ Hán của Nguyễn Du ghi lại qua
các thời kỳ: Mười năm gió bụi (1786 - 1796), ở ẩn quê nội (1796 - 1802) và làm
quan với nhà Nguyễn (1802 - 1820); được thể hiện trong 4 tập thơ: Thanh Hiên
tiền hậu tập, Bắc hành tạp lục và Nam trung tạp ngâm, với hầu hết là các bài
thơ đường luật (không kể các bài văn tế khác).
Thơ đường luật trước hết là nghệ thuật
“sắp đặt”, những từ những ngữ rất cô đọng và cũng rất tượng trưng như: sơn,
giang, thủy, phong, vân, … Hay như: Thanh phong, minh nguyệt, bạch đầu, phù
vân, thu tứ, xuân hứng, … Nếu thiếu các từ ngữ đó sẽ dễ làm cho bài thơ đường
luật xưa nhạt bớt thi vị.
Trong thơ đường luật, nửa sổ bài thơ của
Nguyễn Du có dùng màu sắc. Đặc biệt, màu trắng chiếm một nửa, màu xanh chiếm
khoảng một phần tư, màu vàng chiếm hơn một phần mười, màu hồng đào trong Truyện
Kiều chiếm nhiều nhất, thì thể thơ này chỉ chiếm dưới một phần mười, các sắc
màu khác sử dụng rất ít.
Phải chăng các bài thơ này chủ yếu mang
tính tự sự, ngoại cảnh cũng là nội tâm. Người khác cho rằng Nguyễn Du là một
“sầu nhân”, thì Nguyễn Du cũng tự đánh giá: đời mình cũng chỉ bàng bạcthôi, nên tóc cũng bạc theo, bởi phần do thời cuộc, phần do
sức khỏe, làm cho mây cũng chỉ có màu trắng…
Màu trắng lấp lánh trong các câu thơ và tóc trắng, đầu bạc hầu như không có trong Truyện Kiều.
Mặt khác, Nguyễn Du tuy bỏ được cái mộng
làm quan to, nhưng cái danh hão huyền lại chưa tha cho thi sĩ. Nó dày xé trong
lòng thi nhân, phải chăng đó là văn chương, làm cho mái đầu thêm bạc.
Cao hứng cửu vô hoàng các mộng
Hư danh vị phóng bạch đầu nhân
Mạn hứng I
(Hứng lên chẳng đoái lầu vàng mộng
Danh hão chưa tha kẻ bạc đầu)
Lúc Nguyễn Du về nằm chờ ở quê nội (bạch
vân ngoại bệnh). Ông tổ chức một nhóm săn thú ở chân núi Hồng Lĩnh. Do vậy,
chưa hẳn đây là một thú vui.
Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ
Bạch vân ngoại bệnh Quế Giang biên
Tạp thi I
(Chó vàng rượt thú chân Hồng Lĩnh
Mây trắng bệnh nằm bờ Quế Giang)
Đàn cò trắng quanh cồn ở cửa sông, không
làm đẹp thêm cho thi sỹ nghèo, còn bởi đây chỉ là “long vĩ” (đuôi rồng).
Long vĩ chân biên đa bạch âu
Mạn hứng
Trong cái tĩnh lặng của thiên nhiên, vẫn
có một người tóc đã bạc trắng mà vẫn chưa tìm ra dằm nghỉ.
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân
Dạ hành
(Đêm đen đợi mãi không hề vén
Tóc trắng lạc loài thiếu chỗ nương)
Dù uống rượu một mình để giải sầu mà sầu
vẫn đọng
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Đối tửu
(Năm tháng ngầm trao tóc trắng về)
Bỗng một thời say nàng Cầm đàn hát, Nguyễn
Du không những say tiếng đàn, tiếng hát, mà say cả nét kiều diễm của nàng. Nay
gặp và nghe lại, tiếng hát vẫn như xưa, nhưng mái đầu hai người đã bạc.
Hồng trang yếm ái đào hoa diện …
rồi: Tịch
mạt nhất nhân phát bán hoa …
và: Nam Hà quy lai đầu tận
bạch
Long Thành cầm giả ca
(Áo hồng chìm dưới mặt hoa đào …
Cuối chiều có nàng pha bạc tóc …
Về lại Nam Hà càng trắng tóc)
Trên đường đi sứ, do có loạn, mà Nguyễn Du
phải đổi đường về quê qua Tổ Sơn, thì nắng quái dọi nơi bốn bÒ là núi làm thi
sĩ cảm xúc.
Ba ba bạch phát hồng trần lộ
Tổ Sơn đạo trung
(Trắng phau mái tóc đường trần đỏ)
Dù làm quan ở Thuận Hóa, Huế; cảnh đẹp
nhưng phảng phất buồn, lại cộng với tâm trạng của mình lúc đó, làm cho câu thơ
buồn thêm.
Vãng sự bi thanh trủng
Tân thu đáo bạch đầu
…
Nhàn tâm tạ bạch âu
Thu chí
(Chuyện cũ buồn xanh mộ
Chớm thu đến trắng đÇu
…
Tâm nhàn ơn “bạch âu” – Cò trắng)
Khi làm quan ở Quảng Bình trong cảnh “cá
chậu chim lồng”, đến Giang Thành ông gửi gắm
Bạch vân hồng thụ bất thăng thu
Tân thu ngẫu hứng
(Mây trắng cây hồng vẫn nhạt thu)
Vẫn là nỗi buồn về kiếm sống
Tà nguyệt vô quang tinh mãn thiên
và Bạch đầu së kế duy y thực
Dạ tọa
(Trăng xế tối đen sao ngập trời
và Bạc
đầu lo mỗi cơm cùng áo)
Rồi ông cảm thấy mình như một người Thăng
Long đáng thưong đang lẩn trốn cuộc đời. Thể hiện qua 5 khổ thơ:
Ngẫu hứng
(Cáo lông trắng khỏe, lông vàng béo
Bông lau hơi trắng, cúc hơi vàng
Một dãy chuối che thềm xanh biếc
Mười đứa con thơ một sắc rau
Hay phải Thăng Long mới nhích vào)
Cảnh làm quan của Nguyễn Du khác gì người
lính thú
Bạch vân hồi thủ cách thiên nhai
Đại tác cửu thú tư quy
(Chân trời nhìn lại trắng mây qua)
Có lúc nhớ về chốn cũ, nơi con sông Hồng
chảy qua, với câu mở và câu kết
Lâu khoái sâm si tiếp thái thanh
và Điệp
Sơn bất cải cựu thời thanh
(Chữ thanh trên có ba chấm thủy – Trong xanh)
Vị Hoàng doanh
(Cây, gác trập trùng bén ngất xanh
Điệp Sơn mãi biếc một màu xanh)
Phú nông giang là sông Luộc, nơi có cô
hàng chiếu thông minh và kết thúc ở Lệ Chi Viên, nơi Nguyễn Du có thời ẩn náu.
Thanh sơn thương vãng sự
Bạch phát phục trùng lai
Độ Phú nông giang cảm tác
(Núi xanh thương chuyện cũ
Tóc trắng quay về đây)
Thanh minh, tiết tảo mộ gia tiên, xa nhà
càng buồn nhớ
Nhân tự bi thê, thảo tự xanh
Thanh minh ngẫu hứng
(Người vốn u sầu, cỏ vốn xanh)
Trên đường tiếp sứ Thanh, khi qua sông Đáy
(Thanh Quyết) thi sĩ cảm cảnh đẹp chiều quê
Lịch lịch thanh sơn tại nhãn tiền
và Chinh
hồng sổ điểm bạch vân biên
Thanh Quyết giang vãn diếu
(Lớp lớp non xanh trước mắt trông
Trắng một màu mây c¹nh cánh hồng)
Cũng trên đường đi sứ, cảm phục Khuất
Nguyên mà thấm cảnh đẹp, nên có câu kết đẫm vị thiền.
Mãn mục Sở sơn vô hạn thanh
Vũ Thắng quan
(Núi Sở thỏa nhìn vô tận xanh)
Chùa Thiên Thai ở Huế, chuông chùa lại đúc
từ thời Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng) cái thời niên thiếu mà Nguyễn Du còn ở
phường Bích Câu (Thăng Long). Do vậy sắc màu của cảnh chùa càng gợi nhớ.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
Vọng Thiên Thai tự
(Chùa cổ thu vùi vàng lá lấp
Sư già triều trước trắng mây bồng
Thương cho đầu bạc còn lao khổ
Chẳng được núi xanh mãi bạn cùng)
Sông Gianh (Linh Giang) của Quảng Bình,
Nguyễn Du còn gọi là thành cũ, ở đây là Lệ Giang thành, nơi ông làm quan. Đây
còn là chiến địa của đôi bên phân tranh
Tam quân cựu bích phi hoàng diệp
Bách chiến tàn hài ngọa lục vu
Độ Linh Giang
(Lũy cũ ba quân vàng lá rụng
Xương tàn trăm trận biếc lùm phơi)
Sông Nễ (sông Ròn) nằm phía trong dãy
Hoành Sơn thuộc địa phận Quảng Bình, mỗi lần đến đây Nguyễn Du lại bùi ngùi nhớ
quê
Yến đảo thu hàn thanh nhập hải
Nễ giang trào trướng bạch hàm thiên
Nễ giang khẩu hương vọng
(Thu lạnh đảo “chim” xanh ấp biển
Triều cao sông Nễ trắng ôm trời)
Thăm thành ông Ninh tính cách
tráng sỹ được thể hiện.
Đàn kiếm trường ca đối bạch vân
Ninh Công thành
(Gõ kiếm hát dài giữa trắng mây)
Giấc mộng hái sen là một bài thơ mà Nguyễn
Du ngây ngất và thanh thản viết, phải chăng đó còn là tình yêu.
Liên diệp hà thanh thanh
Liên hoa kiều doanh doanh
Mộng đắc thái liên
(Lá sen sao xanh xanh
Hoa sen cầu bồng bềnh)
Nguyễn Du cũng có lúc tìm được sự an vui, trong đó dù trong cảnh nghèo, nhất là khi ẩn mình ở quê nội.
Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn
rồi Song ngoại hoàng hoa tú khả san
và Linh vũ hoàng hoa bố địa kim
Tạp ngâm II vµ III
(Trước cửa ẩn nhân xanh giả sơn
Ngoài cửa đẹp tươi đóa cúc vàng
Nhờ mưa gieo cúc vàng đầy đất)
Dù mới ngoài 50, đã thấm thía với cái già
Tự thẩn bạch đầu thu khiếm thập
Mãn đình hoàng diệp lạc phân phân
Thu nhật ký hứng
Sau hơn 20 năm Nguyễn Du mới có dịp trở
lại Thăng Long, ngoài những biến đổi về kinh thành, người đẹp và bạn bè cũng
thay đổi, chỉ có tiếng sáo và ánh trăng cùng thức với người xưa.
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
và Quan
tâm nhất dạ khổ vô thụy
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung
Thăng Long
(Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
Nỗi lòng cả tối về không ngủ
Tiếng sáo trong veo giữa sông trăng)
Qua đó, chúng ta thấy những cảnh, những
người trong thơ hiện lên qua những bức ảnh màu, do Đại thi hào Nguyễn Du “chụp”
lúc thì qua ánh sáng tự nhiên, lúc lại qua những kính lọc sắc khác nhau, đã đem
lại những nét đẹp vừa bác học vừa dân dã trong những câu thơ. Cũng như những
tấm ảnh do vệ tinh chụp được qua những giải tần khác nhau sẽ thu được những
hiệu quả khác nhau, có khi chụp sâu được cả trong lòng đất, cả
trong lòng đại dương.
Còn nay, khi ta muốn tưởng tượng để vẽ lại
cụ Nguyễn Du, ta chọn màu “chủ đạo” gì cho hợp! Nàng Thúy Kiều khóc Đạm Tiên
bằng “trâm vạch lên da cây” với những sắc màu: Bạc mệnh, ngày xanh, má hồng, tiếc
lục – tham hồng, suối vàng!
Còn cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng “lệ thấm đầu ngọn bút” với màu trội: Hồng – đào! Và tự sự bằng màu
trôi: Bạc mệnh là màu cụ dùng nhiều nhất, mà
chắc còn bởi cuộc sống của cụ Nguyễn Du - Mệnh chẳng chỉ mới “hồng hồng,
bàng bạc” đó sao!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét