26 tháng 2, 2013

Cà pháo


Trân Châu
Ngày đầu năm nhiều ơi là nhiều những món ngon, món ngọt nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ tới quả cà pháo trong bữa ăn hàng ngày. Mà chẳng riêng gì tôi, nhiều thực khách ở các nhà hàng sang trọng khi gọi món cứ cất lời rõ to "Cho bát cà pháo giòn tan nhé". Đúng rồi cà không phải là sự lựa chọn đầu tiên khi vào bữa nhưng là điểm "nhấn", điểm đến cuối cùng, khi kết thúc bữa ăn, mỗi người một chén cơm canh với quả cà, đứng dậy rồi còn dư vị mặn mòi...

Cà pháo muối - món ăn để lâu qua ngày này ngày khác của một thời khó nhọc, cái thời xa xưa chẳng biết tự bao giờ, những bữa ăn bao gia đình làng quê Việt Nam chẳng có gì để nuốt trôi cơm, chỉ có quả cà mặn mòi và nước dưa chua đun lên. Có khi là cơm độn mì hột, độn khoai khô, độn sắn. Cà lúc đó được xem như thịt. Bà tôi, mẹ tôi đã chế ra các món "thịt" cà như : cà xào, cà kho. Cà muối lâu ngày sau khi đã mặn cay mặn đắng, bà lấy từng quả cắt làm đôi, rồi rửa sạch bằng nước giếng, để ráo. Lấy một chút mỡ lợn để trong hũ ( hồi ấy mỡ cũng hiếm như mì chính), cho vào chảo và xào cùng với cà, thêm một chút đường, một chút lá chanh và ớt cắt sợi. Thế là cả nhà được một bữa liên hoan "thịt cà", vừa mặn, vừa béo, vừa giòn. Ăn mà mỡ còn lấp lánh nơi miệng, hàng xóm cứ tưởng nhà có thịt!. Có khi nhà mua được cá mắm, bà bỏ cà vào kho cùng với mắm. Mắm đã mặn, cà còn mặn hơn, nhưng lúc ăn, cà ngấm cá, ngấm mật, cứ mặn đằm nơi lưỡi, cắn từng tí một, tí một dè dè, cứ thế bát cơm hết veo lúc nào chả hay.
Cà pháo muối nén có lẽ là món dễ làm nhất và hợp khẩu vị nhất với nhiều người. Sau khi đã chán ngán các món kho, món xào, các "sơn hào hải vị", vị mặn tinh khiết cùng vị giòn khó tả của cà khiến cho bữa ăn thêm đậm đà. Cà pháo ăn với canh cua, với canh rau vặt, nước rau muống luộc là món khoái khẩu của nhiều người. Chuyện vui rằng bữa cơm đầu tiên với nhà chồng, cô con dâu gắp một quả cà và cắn một miếng, hạt cà bắn vào mặt mẹ chồng. Nhưng bà mẹ chồng không giận, còn thương vì cô đã chọn món đầu tiên là cà. Vả lại quả cà cô cắn tiếng kêu giòn, như tiếng pháo nổ.
Dân gian còn lẩy Kiều: "Kiều càng sắc sảo mặn mà. So về bề mặn  nhạt thì cà mặn hơn", nghe thú vị đáo để!
Chẳng hiểu sao trong ca dao cũng có một đoạn về cà mà lấy tích từ trong truyện Kiều: 
"Khen anh làm rể Chương Đài 
Một năm ăn hết mười hai vại cà 
Giếng đâu thì dắt anh ra 
Kẻo anh chết với vại cà nhà em". 
   Thế mới biết cà không chỉ ngon cơm mà còn như dây tơ hồng ông tơ bà nguyệt, bền duyên đôi lứa, mặn nồng son sắt chăm chút cho nhau. Bạn gái tôi tỏ ra rất sành: món ngon đâu phải kỳ công và đắt tiền, mà là món ấy người mình yêu có thích ăn hay không!. Ngày Xuân tản mạn về cà để nhớ thêm về những ngày "tương cà", những ngày "Tào khang phu thê bất khả hạ đường". "Tào khang" là tấm, cám. Vợ chồng từ khi đang khổ cực, ăn cám ăn tấm với nhau thì giàu sang rồi không được bỏ...


Không có nhận xét nào:

Trang