14 tháng 2, 2013

CA TRÙ CỔ ĐẠM


Trần Ngọc Cảnh - Trung tâm VHTT-TT huyện Nghi Xuân Hà Tĩnh




Ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp vừa hát, vừa múa, vừa ngâm thơ, kể chuyện, vừa diễn kịch làm trò.v.v. vừa là dân gian vừa là bác học vốn có từ lâu đời, có thể từ thời Triệu Đà, thời Lý, Trần và hưng thịnh từ triều Lê; ca trù là môn nghệ thuật có địa bàn diễn xướng rộng lớn, rộng lớn hơn hẳn mọi loại hình âm nhạc dân gian khác.
Dân gian bởi vì có đông đảo nghệ nhân dân gian tự giác tham gia ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều thế hệ, được đào tạo theo lối truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề không có trường lớp chính quy; bác học vì đặc tính nghiêm ngặt, không thể vừa hát vừa lao động như hò ví dặm mà chỉ những nghệ nhân chuyên nghiệp, những văn nhân tài tử, những khách sành điệu mới đàn phách, trống chầu hát múa được. Trong khi dân ca quan họ chỉ thịnh hành ở vùng Kinh Bắc, chèo chỉ thịnh hành ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, ví dặm chỉ phổ biến ở xứ Nghệ, hay tuồng có nôi là mảnh đất miền Trung thì ca trù có ở rất nhiều nơi.  Từ xứ Bắc, xứ Đông, xứ Đoài, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh và cả xứ Huế đều có ca trù. Giáo sư Trần Quốc Vượng đảm bảo rằng ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có một loại hình ca nhạc gần giống như ca trù. Giáo sư, tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê cho biết chữ Đại Thạch trong ca trù còn gọi là đại thực, mà gốc chữ Đại Thực là phiên âm chữ Ả Rập mà ra, như vậy là ca trù còn có thể không chỉ có ở Việt Nam mà thôi, nghĩa là địa bàn diễn xướng của nó có thể rất rộng lớn.
           Sách "Thơ ca trù" của Ngô Linh Ngọc có nói nghĩa chữ Hán "trù" là thẻ và giải thích: Khi đào kép đàn ngọt hát hay, người nghe thưởng bằng những thẻ tre mà trước khi vào cuộc hát, các khách chơi đã mua trước ở nhà tơ để thưởng. Sau cuộc hát, đào kép cứ đem số thẻ tre được thưởng đến quản giáp hoặc người phụ trách quán ca mà đổi lấy tiền.
          Cũng có cách giải thích rằng chữ "trù" nói trẹ tiếng "trò" mà thành, vì khi hát ca trù là phải làm trò, phải diễn kịch.
          Ca trù còn có nhiều tên gọi khác như hát cô đầu, hát ả đào, hát nhà trò, hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà tơ.v.v…Tuỳ theo không gian diễn xướng khác nhau mà có tên gọi khác nhau.
Ả đào là đào nương, là người con gái hát, cũng có thể ngày xưa có một người con gái tên là Đào Thị Huệ hát rất hay nên người ta gọi là đào nương, sau đó thành danh từ chung Ả đào. Ả là đại từ nhân xưng chỉ người con gái, người chị, người đàn bà mà chỉ xứ Nghệ mới dùng còn ở ngoài Bắc thì gọi ả  = cô và đào có thể được gọi chệch đi thành đầu cho nên ả đào = cô đầu (theo nghệ nhân Phạm Văn Viên ở làng Sen, Nghĩa Đồng, Tân Kỳ cho biết năm 1979 khi cụ 84 tuổi).
           Chúng tôi xếp ca trù vào dân ca Nghệ Tĩnh bởi vì có nhiều truyền thuyết, huyền thoại kể rằng xuất xứ của ca trù là ở xứ Nghệ mà nôi ca trù xứ Nghệ là làng Cổ Đạm thuộc huyện Nghi Xuân.
Ở làng Cổ Đạm, đúng ra là làng Phú Lạp, thuộc Tổng Cổ Đạm, nay là xã Cổ Đạm - Nghi Xuân, (Trước đây là Xã Xuân Hoa )có lệ "Hễ con gái lớn lên, trước khi lấy chồng, phải đi hát ca trù vài năm đã" (Giáo sư Trương Chính - Thơ văn Nguyễn Công Trứ). Vì thế ở Cổ Đạm, ca trù mang tính dân gian rõ rệt. Trong làng có đình nhà trò, có đền thờ tổ sư ca trù là Đinh Lễ và Bạch Hoa, còn gọi là Thanh Xà đại vương và Mãn đào hoa công chúa. Hàng năm lấy ngày 11 tháng chạp làm ngày giỗ tổ, có 11 giáo phường trong xứ như Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành v.v…kéo nhau về Nghi Xuân giỗ tổ. Có câu thơ rằng:
"Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh, đưa với đón trọn tình chung với thuỷ". Cũng nơi đây đã từng xuất hiện nhiều tài năng đàn ca, được các vua chúa triều Nguyễn gọi vào Kinh đàn hát, được phong là "đào ngự", "kép ngự" như bà Tuyết Ngọc, bà Khang nổi tiếng hát hay múa đẹp, kép "Giai" có tài trào lộng. Đến nay dù đã qua bao nhiêu biến thiên thăng trầm, đất Cổ Đạm vẫn còn đến gần chục nghệ nhân như bà Khánh, bà Xuân, bà Gia, bà Mơn.v.v… vẫn đi hát ca trù phục vụ lễ cưới, lễ mừng nhà mới cho con cháu để lưu lại cho đời một thứ ca trù Cổ Đạm.
           Các nghệ nhân vẫn thường nhắc đến một Cai Ty giáo phường tên là Phan Phú Tuyền giỏi soạn lời, tài tập hợp đào kép, đi biểu diễn nhiều nơi rất được mến mộ: "Giáo phường Ty đệ nhất, tiếng tài hoa từ những thuở con con". Rõ ràng là đã có một cái nôi ca trù ở Cổ Đạm, đã có một giáo phường nức tiếng tài hoa, đã có một đền thờ Tổ, một đình nhà trò và đã có 11 giáo phường Ty khác châu tuần quanh làng ca trù Cổ Đạm này.
          Ngày nay khi ca trù đã phát triển ở nhiều vùng khác nhau như trên đã nói và với thời gian hàng ngàn năm thì việc tiếp thu từ nơi này sang nơi khác cũng là điều dễ hiểu; nhất là khi triều Nguyễn bắt các đào nương tài giỏi các nơi phải vào Huế để phục vụ thì ca trù đã được giao lưu rộng rãi. Những làn hát hay, điệu múa đẹp được trao đổi giữa các nghệ nhân tài hoa, những ngón đàn được truyền cho nhau không phải là không có, tuy nhiên, ca trù Cổ Đạm, ca trù xứ Nghệ vẫn có những nét riêng biệt. Theo các nghệ nhân Cổ Đạm thì tuy làn điệu của "ta" và ngoài Bắc cũng không khác nhau mấy, nhưng "ta" hát nhanh hơn, đanh hơn tiết tấu rõ hơn, không luyến láy ngưng nghỉ nhiều như ca trù Bắc. Phần đệm đàn, trống, phách cũng có chỗ khác biệt; đặc biệt khác nhau ở chỗ cách đánh phách. Nghệ nhân Phạm Văn Viên ở Tân Kỳ là người vốn ở Yên Thành và có gốc ở Cổ Đạm cho biết phách của "ta" đánh chìm, đánh lửng, phách ngoài Bắc đánh nổi, đánh dòn, cách "róc" phách của ta cũng ngắn hơn. Còn lối "xoè" đàn, lối rung, lối nhấn của ta cũng khác. Cho nên khi kép Bắc vào đánh đàn, đánh trống phách thì đào Nghệ không hát được.
          Về sự tương quan giữa ca trù và hát dặm cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Nếu ở ca trù có khi gọi là hát cửa quyền thì ở hát dặm cũng có điệu dặm cửa quyền; nếu ở ca trù có điệu hát ru thì ở dặm cũng có điệu dặm ru. Nhưng điều đáng nói là điệu dặm cửa quyền có thể thơ của ca từ khác với các điệu dặm thông thường:         
          Trước lên đền tui quen cụ Thượng
          Về chợ Hạ tui quen cậu Đình
          Vô Lạc Thiện tui quen cậu ấm Ninh
          Quen ông Tám Ca Lại Thạch
          Quen ông Bát Trạch ở Giang Đình
          Quen ông Ký Bưởi ở ngoài Vinh
          Ca từ của hát dặm thường ở thể thơ mỗi câu năm chữ, nhưng thể thơ của dặm cửa quyền khi 7 chữ, khi 8 chữ, khi 6 chữ, phảng phất như thể thơ hát nói.
          Mới ngày nào còn chưa biết chi chi
          Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
          Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu
          Ngã lãng du thời quân thượng thiếu
          Quân Kim hứa giá ngã thành ông…
          Còn điệu dặm ru và nhiều bài dặm vè khác đều có một số câu lục bát mở đầu giống như hát mưỡu của ca trù. Đây là mở đầu của bài dặm ru "Tứ thời tình cảnh".
          Mẹ dòng than thởi cùng con
          Thương tình kể nỗi nước non đường dài...
Và đây là câu mưỡu đầu của bài hát nói ca trù "Hồng hồng tuyết tuyết".
          Non xanh xanh nước xanh xanh
          Sớm tình tình sớm trưa tình tình trưa…
          Điều đáng làm cho các nhà nghiên cứu phải suy nghĩ là nếu như hát quan họ Bắc Ninh thường dùng tiếng điệm ơi a, hội hừ, tang tình, hát chèo thường đệm bằng i i hì thì ca trù đệm bằng âm ư, ư hư hừ và hát dặm, nhất là kiểu hát dặm cổ cũng đệm bằng nguyên âm ư và chư. Đây là câu dặm chúng tôi ghi âm tại xã Nghĩa Đồng huyện Tân Kỳ do bà Thành 75 tuổi hát năm 1980:
          Nồi tròn úp vung ư tròn
          Nồi méo úp vung ư méo
          Bao nhiêu na bình ư nghẻo
          Thì gánh à gióng ư quàng
          Chư thương cái thân ư nồi rang
          Khung có vung ư mà đậy
          Nỏ có ư vàng à mà đậy

          Và tiếng đệm "chư' thì khá phổ biến ở hát ví.
          Ờ ơ! Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở
          "Chư" anh đến bến đò thì đò đã sang sông…
          Ngoài ra, ta cũng để ý câu kết của hát nói trong ca trù. Bài ca trù chính có 11 câu, khi mở rộng có thể có nhiều, rất nhiều câu, nhưng bao giờ cũng được kết thúc bằng một câu sáu chữ. Hát sắc bùa Hà Tĩnh cũng được kết thúc bằng một câu sáu chữ như thế.
                                                     *
                                                *      *
          Chuyện kể ngày xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thuỷ với tiếng hát cây đàn. Có lần chàng đi sâu vào Ngàn Hống gặp được hai vị tên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài, được tiên ông cho một mẩu gỗ và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là đàn đáy, khi đánh lên, chim cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe. Với cây đàn, chàng đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát say đắm lòng người mà ngày nay vẫn gọi là ca trù. Có lần chàng đến châu Thường Xuân, Thanh Hoá. Viên quan châu ở đây tên là Bạch Đình Sa có nàng con gái tên gọi Bạch Hoa, tuổi đã tròn đôi tám mà chưa biết nói. Khi nghe tiếng đàn Đinh Lễ, cô gái đang ăn cơm, liền lấy đũa gõ vào mâm theo nhịp tiếng đàn. Quan châu cho mời Đinh Lễ vào nhà đàn hát, và khi dứt tiếng đàn, Bạch Hoa cất lên được tiếng nói. Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng, từ đó đất này thịnh hành lối hát gọi ca trù. Về sau cả hai đều không bệnh về trời. Dân Cổ Đạm lập đền thờ, phong làm tổ sư của ca trù. Ở một số nơi như làng Lỗ Khê thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội thờ tổ ca trù là Đinh Dự và Mãn Đào Hoa, làng Ngọc Trung, Thanh Hoá thờ Đinh Triết là Thanh xà đại vương và Mãn đường hoa công chúa và nhiều nơi khác nữa. Cả ba địa điểm chính là Cổ Đạm, Ngọc Trung và Lỗ Khuê, ta nhận thấy tổ sư đều là họ Đinh. Có tài liệu còn nói Đinh Dự là con của Đinh Lễ nữa. Vậy thì ta có thể liên tưởng rằng ba ông tổ họ Đinh là một gốc chăng? Và tại sao ở ba nơi cách nhau về địa lý xa như vậy lại cùng thờ ba ông tổ họ Đinh, và cùng phong là Thanh xà đại vương, rồi ba bà tổ cũng là Mãn đào hoa, Mãn đường hoa. Sự trùng nhau như thế ở hai nơi còn có thể, ở ba nơi thì đáng ngờ rồi! Ngay những nhà nghiên cứu âm nhạc Thanh Hoá, nơi có ca trù Ngọc Trung, có tổ sư là Đinh Triết cũng cho rằng Đinh Triết có thể là hậu duệ của Đinh Lễ bởi nàng Bạch Hoa vợ Đinh Lễ là người Thường Xuân Thanh Hoá. Tất nhiên huyền thoại thì chỉ là huyền thoại, nghĩa là chưa thể coi là căn cứ có tính khoa học chính xác. Nhưng nếu vì là huyền thoại mà phủ định thì chuyện nàng Âu Cơ vợ Lạc Long Quân đẻ ra một bọc trăm trứng, rồi 50 người con lên núi, 50 người xuống biển cũng là huyền thoại, và vì thế mà nói rằng dân Việt Nam ta không phải là con Rồng cháu Tiên, không phải là "đồng bào" (cùng một bọc) thì chúng ta có chịu chăng!
          Dẫu là ca trù có quê hương ở đâu thì ca trù Cổ Đạm cũng là một thực thể khách quan không thể phủ định. Nó mặc nhiên tồn tại đã mấy trăm năm hoặc hơn nữa, đã có nhiều thế hệ hát ca trù, đã có đào ngự kép ngự nổi tiếng, đã có những tay chơi sành điệu, sáng tác nổi tiếng về ca trù như Nguyễn Khản, sáng tác điệu hát múa bài bông mà thơ văn vẫn còn truyền tụng (án phách tân truyền lại bộ ca), như Nguyễn Công Trứ một tài danh ca trù đã sáng tác trên trăm bài hát nói, đã để lại một giai thoại về việc đi làm kép đàn để được chòng ghẹo cô Sử, một đào nương tài sắc mà bằng chứng là hai câu thơ:
          Giang san một gánh giữa đồng
          Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?
          Hay chính Nguyễn Công Trứ đã ca ngợi thú này:
          Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
          Không phật không tiên không vướng tục
          Và:
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
                                                          *
                                                       *     *
          Không gian diễn xướng, và hình thức diễn xướng của ca trù cũng khác nhau. Khi hát trong nhà thì chỉ một đào một kép, một hoặc vài quan viên, với một chiếc chiếu hoa gọi là hát nhà tơ. Khi ra nơi làng xã thì vừa múa, vừa hát, vừa đọc, kể chuyện, vừa hành lễ thì gọi là hát cửa đình, vào cửa quan hoặc vua chúa với đông đào kép, có cả đội hát đội nhạc thì gọi là hát cửa quyền. Khi Lê Lợi chiến thắng quân Minh, có tổ chức lễ mừng công bằng một hội nhạc đồ sộ lấy tên là "Bình Ngô phá trận nhạc". Tuỳ theo hình thức diễn xướng mà ca trù có nhiều tên nữa như hát ả đào, hát cô đầu, hát ca quán.v.v…
          Hình thành vào thời gian khá sớm của lịch sử, theo nhiều tài liệu nói là từ thời Triệu Đà đã có ca nữ họ Trình được tôn là hoàng hậu, thời Đinh Tiên Hoàng có Ưu bà Phạm Thị Trân, phát triển ở thời Lý, thời Trần Duệ Tông với Chế thắng phu nhân, thời Lê với Đào Huệ.v.v… Ca trù là một bộ môn nghệ thuật vừa dân gian, vừa bác học rất đáng trân trọng, đáng để cho các thế hệ con cháu học tập. Qua quá trình phát triển, theo các nghệ nhân thì ca trù có đến hơn 80 làn điệu:
          a) Hát múa hành lễ có chín khúc(Cửu khúc)
          1. Nguyên hoà khúc          (dâng rượu)
          2. Thái hoà khúc             (rước thần vào vị)
          3. Thọ hoà khúc              (tuần rượu thứ nhất)
          4. Dự hoà khúc               (tuần rượu thứ hai)
          5. Ninh hoà khúc            (tuần rượu cuối)
          6. Hài hoà khúc              (uống rượu nhận phúc)
          7. An hoà khúc                  (các biệt thần)
          8. Thuần hoà khúc          (cầu mong ban phúc lâu dài)
          9. Ưng hoà khúc             (tạ lễ)
          b)Hát cửa đình: Cũng là hình thức hát thờ cúng nhưng là hát để thần người cùng vui, số khán giả đông hơn hình thức mở rộng và vui vẻ hơn. So với cửu khúc thì hát cửa đình thoải mái hơn, không quá nghiêm cẩn như cửu khúc. Hát cửa đình gồm 13 bài:
          1. Giáo trống
          2. Giáo hương
          3. Dâng hương
          4. Thét nhạc (còn gọi là thiết nhạc)
          5. Hát giai
          6. Đọc phú
          7. Đọc thơ
          8. Gửi thư
          9. Hát múa đại trạch
          10. Múa bỏ hộ
          11. Múa bài bông
          12. Tấu nhạc
          13. Múa tứ linh
          c) Các làn điệu khác:
          Ngoài hát múa hành lễ, hát cửa đình gồm các bài thuộc loại hát múa nghiêm trang thường để dâng thần linh, vua chúa, ca trù còn có những làn điệu mang tính dân gian, múa hát tương đối phóng túng và tiếp thu, đan giao với nhiều loại hình dân ca khác như dân ca đồng bằng Bắc Bộ, chèo, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Trị Thiên Huế.v.v…
          Ví như hát giai, hát ru, sa mạc huê tình, trống quân, ba mươi sáu giọng, chúc hỗ điển rượu, chừ khi, tỳ bà, dặm ru, dặm cửa quyền, hát hãm, ngâm vọng, nhịp ba cung bắc, tiền hậu xích bích, chức cẩm hồi văn, hát xẩm, bồng mạc.v.v…

          (Trích nguyên bản trong cuốn Dân ca Nghệ Tĩnh - công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của cố Nhạc sĩ Vi Phong- do Sở văn hoá Thông tin Hà Tĩnh xuất bản năm 2000)

          
                                          Dàn nhạc của ca trù

          Ngày nay chúng ta thấy nhạc cho hát ả đào chỉ gồm một cây đàn đáy, một trống chầu và một cỗ phách. Đàn đáy do kép sử dụng, trống chầu thường do quan viên đánh và cỗ phách do đào nương vừa hát vừa đánh. Như vậy biên chế của nhạc hát ả đào thực tế chỉ có ba nhạc cụ, và nhạc công chính thức chỉ có một người đánh đàn đáy. Còn đánh phách là đào nương kiêm nhiệm và trống cũng là do quan viên kiêm luôn!
          Nhưng thực tế không phải hoàn toàn như thế. Tuỳ hoàn cảnh, tuỳ số lượng người nghe người xem, tuỳ hình thức diễn xướng là hát cung đình, hát cửa quyền, hay hát ở ca quán, nhà tơ hay tư dinh mà biên chế dàn nhạc ca trù có khác nhau. Khi cần tổ chức một nhạc hội như "Bình Ngô phá trận nhạc" thì huy động một lực lượng nhạc công, ca công đồ sộ. Riêng dàn trống, cồng, chiêng đã tới hàng trăm chiếc còn các loại đàn sáo cũng đồ sộ, với số lượng "đếm không xuể". Khi tế lễ ở thái miếu cung đình thì dùng bát âm, ở đền miếu thì có thể ít hơn và tuỳ nghi mà châm chước. Chung quy lại thì bộ gõ đóng vai trò quan trọng từ trống cơm, trống dẹt, sinh tiền, phách tre. Còn nhạc hơi thì chỉ dùng sáo và tiêu gọi là trúc địch và địch quản. Đàn thì chủ yếu là đàn đáy, đàn đoản, đàn cầm. Đàn cầm theo giáo sư Trần Văn Khê là loại đàn có 4 dây, mặt gỗ tròn, là cây đàn mà Kim Trọng đưa cho Thuý Kiều đánh:
          So lần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
          Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
          Khúc đâu Tư mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng
          Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hành vân
          Quá quan này khúc Chiêu quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia
          Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
          Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
          Sau này một số nơi ở Nghệ Tĩnh mà chúng tôi đi sưu tầm còn thấy các nghệ nhân dùng cả đàn nguyệt đệm cho ca trù như ở Lăng Thành Yên Thành, Thịnh Văn Hương Sơn dùng đàn bầu đệm như ở Hiến Sơn Đô Lương và cũng không loại trừ đàn nhị đàn líu. Nghệ thuật đệm đàn cho ca trù, đặc biệt là nghệ thuật đánh đàn đáy là một nghệ thuật tinh diệu không dễ học. Từ cách "xoè" đàn cho đến cách "rung", "nhấn" của đàn đáy cũng có cách riêng. Đàn đáy còn gọi là "đới cầm" hoặc "đái cầm" sau mới gọi chệnh ra là đàn "đáy", theo huyền thoại, do Đinh Lễ theo mẫu của tiên cho mà chế tác ra. Gọi là đàn đáy nhưng thực tế là cây đàn không có đáy, tức là thùng đàn không có mặt sau. Đó là cây đàn có cần dài 1m20 và có 3 dây, trục cuốn như trục đàn nguyệt, đàn nhị. Dây to gọi là dây "đài", còn gọi là dây "hàng" dây vừa gọi là dây " trung" và dây nhỏ gọi là dây "tiếu". Tiếng đàn đáy vừa phải hoà quyện với giọng hát, gọi là "ghim", vừa phải đan xen chặt chẽ với tiếng phách, phách có 5 khổ thì đàn cũng có 5 khổ. Đó là những khổ: Sòng, khổ giữa, khổ siết, lá đầu, sòng đàn. Đàn và hát phải "luyến" chặt với nhau và khi tiếng hát dứt thì đàn cũng im.
          Có hai lối đàn: Đàn khuôn và đàn hàng hoa. Đàn khuôn là đàn nghiêm túc theo lề luật kinh điển, nhấn nhá công phu. Đàn hàng hoa thì tuỳ nghi phóng túng. Những ngón đàn cơ bản là: Vê, vẩy, cáp, kiệu. Vê là rung tạo ra tiếng rền, vẩy là gẩy ngược que tạo ra tiếng đanh, cáp là thêm vào, kiệu là nhắc cho người hát.
          Năm 1980 ở hội thảo sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh lần thứ nhất, các nghệ nhân tập trung về biểu diễn tại hội trường Ba - rắc có câu chuyện như sau:
          Nhóm đào nương ở Diễn Liên Diễn Châu về dự hội thảo chủ yếu mang về điệu hát múa tiểu hàng có 3 bà, trong đó bà Diêu là một đào nương tài sắc, tuy đã ở tuổi trên 50 nhưng vẫn còn xuân sắc lắm và tiếng hát rất "giòn" cùng về với bà còn có một cụ ông người khác xã đem theo một cây đàn đáy cũ. Ông sành âm luật, đánh đàn khá chuẩn nhưng vì tuổi cao "gân" đàn không còn linh hoạt uyển chuyển nữa nên đệm một cách mệt mỏi. Ngồi kề ông lúc đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Yêm ở Đức Sơn Anh Sơn. Mấy lần thấy cụ Yêm cứ nhìn tỏ ý không hài lòng, rồi sau mấy cái chép miệng, cụ Yêm cầm lấy đàn nói: "Để, để tui". Ông kép đàn kia cũng nhường đàn cho cụ Yêm, và từ đó, cây đàn trong tay cụ Yêm, tiếng trong tiếng đục, tiếng khoan nhặt đâu ra đó. Từ cách dồn, rung, nhấn nhá, khi dồn dập, khi khoan thai, nâng tiếng hát của bà Diêu lên một tầm mới: Cao thanh mà không chói lói, trầm đục mà chẳng hề bi, khi lanh lảnh như tiếng gió thổi, khi trầm lắng như tiếng mưa sa làm người nghe như lặng hẳn đi. Và cũng từ đó cho đến khi hội thảo kết thúc, bà Diêu không rời cụ Yêm cả khi ăn, khi đi xem biểu diễn, khi đi chợ, gắn bó khăng khít với nhau từ miếng trầu chén rượu đến mức cụ Yêm ghé tai nói nhỏ với tôi rằng: "Con mệ hắn say tiếng đàn của tui rồi". Ngón đàn mà ông gọi là "hà sa", "lạc nhạn" với đôi tay của ông quả có sức mê hoặc lòng người. Còn lối đánh phách, phách ca trù Cổ Đạm không thua gì tiếng phách của chèo hay chầu văn ngoài Bắc. Trong hội thảo ca trù Cổ Đạm tổ chức tại Nghi Xuân năm 1998 chúng ta còn được nghe cụ Xuân 85 tuổi, đàn chị của đào nương Cổ Đạm róc phách nghe dòn tan và đặc biệt là có hồn, có sức gợi cho tiếng hát. Nếu tiếng phách của nghệ sỹ Bạch Vân hôm đó là dồn dập như mưa tuôn bão  nổi thì tiếng phách của cụ Xuân nghe thánh thót như suối chảy gió reo, tiếng phách gọi tiếng đàn tiếng hát. Ta như đắm chìm vào cuộc hát, như lạc vào chốn bồng lai!
          Nghệ thuật đánh trống chầu ca trù cũng rất đặc biệt. Bắt đầu cuộc hát, người quan viên cầm trống chầu ra lệnh bằng ba tiếng trống chầu đánh giục. Trống chầu có thể đánh vào mặt trống, cũng có thể đánh vào tang trống, dùng để ngắt câu, ngắt đoạn, vừa điểm xuyết phê phán, tán thưởng, chê trách hoặc phạt. Người cầm trống có thể bịt mặt trống bên cạnh tang trống. Bịt nặng hay bịt nhẹ tay, bịt sát tang hay bịt vào, phối hợp với tay cầm dùi trống (còn gọi là roi chầu) nện chầu, tạo nên tiếng trống có sức nặng nói lên được sự cảm nhận của người cầm chầu, hoặc là làm cho không khí của cuộc hát chùng lại, hoặc là làm tiết tấu bốc lên. Cầm chầu giỏi thì được khen là "xinh"; cầm chầu tuỳ tiện đánh không chuẩn thì bị chê là tiếng chầu "xậc tác", loại trọc phú đánh bậy bạ, khen chê không đúng thì bị gọi là chầu "hấp lìm". Ở đằng xa nghe tiếng "tom" tiếng "chát" đắc ý tán dương hay chê bai quở trách, người nghe có thể biết cuộc hát có đáng mặt để đến tham dự hay không. Nghệ thuật đánh trống chầu khó nhất là chỗ đánh tang trống, không muốn nghe thì đánh 6-7 tiếng cắc, không kịp khen thì đánh cắc lèo; Trống chầu cũng có 5 khổ như đàn đáy. Đó là:
          1. Chính diện: chát, tom, chát
          2. Xuyên tâm: tom, chát, tom
          3. Lạc nhạn: tom, tom, chát
          4. Quân châu: chát, chát, tom
          5. Thượng mã: chát, tom, tom
          Đối với những quan viên sành điệu, các khách nghe tài tử thì tiếng trống biến hoá rất nhiều với những tên gọi rất đẹp như " thuỳ châu", "liên châu", "song châu", "hạ mã".v.v…Người cầm chầu, là người chủ cuộc hát, dùng trống chầu để thưởng bằng tiếng chát. Có thể thưởng bằng tiền hoặc bằng thẻ. Tiền thưởng cho kép để vào đĩa, cho đào để vào cơi trầu. Những cuộc hát có quan viên sành điệu, đào nương tài sắc, kép đàn điệu luyện thường kéo dài thâu đêm suốt sáng. Một bài hát mới do những nho sĩ quan lại tài giỏi sáng tác, phải có những đào nương am hiểu âm luật, thơ từ thì chủ khách mới đắc ý tâm đầu. Nguyễn Khản, Nguyễn Công Trứ rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Cao Bá Quát và rất nhiều danh nhân khác đều say ca trù vì lẽ đó.








Không có nhận xét nào:

Trang